Điện năng lượng mặt trời tiếp tục xu hướng tăng trưởng đáng kể trong năm 2011, ngay cả khi cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế đang xảy ra. Đó là phát hiện chính trong báo cáo mới của EPIA, Hiệp hội Quang điện Châu Âu về “Triển vọng thị trường toàn cầu cho ngành quang điện đến năm 2016″, vừa được công bố hôm 10.5 vừa qua.
Giống như trong suốt thập kỷ qua, các thị trường quang điện lại tăng trưởng nhanh hơn bất cứ ai đã dự kiến cả ở châu Âu và trên thế giới. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng nhanh chóng đó sẽ không thể kéo dài mãi mãi, và ngành công nghiệp quang điện đang trải qua thời kỳ bất ổn ngắn hạn. Nhưng trong trung và dài hạn, ngành này có triển vọng tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Những kết quả của năm 2011 – và cả triển vọng cho những năm tiếp theo – cho thấy rằng với các điều kiện chính sách đúng đắn, ngành quang điện có thể tiếp tục tăng trưởng, tiến tới sự cạnh tranh đầy đủ trên thị trường cung cấp điện, và trở thành một nguồn năng lượng chủ đạo.
Báo cáo mới đánh giá thị trường quang điện châu Âu và toàn cầu vào năm 2011, và dự báo cho 5 năm tới. Nó được dựa trên một phân tích nội bộ từ dữ liệu của các thành viên trong ngành công nghiệp quang điện, các hiệp hội cấp quốc gia, các cơ quan chính phủ và công ty điện lực.
Các kết quả chính về thị trường ngành quang điện năm 2011 gồm:
29,7 GW hệ thống điện mặt trời được kết nối với lưới điện trong năm 2011, tăng từ 16,8 GW trong năm 2010. Điện mặt trời hiện nay, chỉ đứng sau thủy điện và điện gió, là nguồn năng lượng tái tạo quan trọng thứ ba về công suất lắp đặt toàn cầu.
21,9 GW điện mặt trời đã được nối lưới ở châu Âu vào năm 2011, so với 13,4 GW trong năm 2010. Châu Âu vẫn chiếm phần chủ yếu của thị trường quang điện toàn cầu, với 75% tổng công suất lắp đặt mới trong năm 2011.
Ý là thị trường dẫn đầu năm nay, với 9,3 GW điện mặt trời được nối lưới, tiếp theo là Đức với 7,5 GW. Chỉ riêng Italy và Đức đã chiếm gần 60% tăng trưởng thị trường toàn cầu trong năm qua.
Trung Quốc là thị trường quang điện hàng đầu ngoài châu Âu năm 2011, với 2,2 GW đã được lắp đặt, tiếp theo là Mỹ với 1,9 GW.
Số lượng các thị trường đạt hơn 1 GW công suất điện mặt trời bổ sung trong năm 2011 đã tăng từ 3 lên 6, gồm: Ý, Đức, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, và Hoa Kỳ.
Tại thị trường châu Âu, nơi quang điện đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, ít nhất là tới thời điểm này, tới một mức mà sẽ rất khó khăn để duy trì trong hai năm tới. Sự suy thoái thị trường ở châu Âu sẽ không thể ngay lập tức được bù đắp bởi sự tăng trưởng thị trường ở những nơi khác trên thế giới, nhưng việc tái cân bằng thị trường đã bắt đầu. Các thị trường mới trên thế giới cần được mở ra để tạo đà cho sự phát triển quang điện trong thập kỷ tới, giống như thị trường châu Âu đã làm từ trước tới nay.
Điều quan trọng, quang điện hiện nay là một phần quan trọng trong cơ cấu phát điện của châu Âu, cung cấp 2% nhu cầu trong EU và khoảng 4% nhu cầu vào giờ cao điểm. Ở Ý, điện mặt trời đáp ứng 5% nhu cầu điện, và hơn 10% nhu cầu vào giờ cao điểm. Ở Bavaria, một bang ở miền nam nước Đức, công suất lắp đặt điện mặt trời bình quân đạt 600 W/đầu người. Điều này có nghĩa là là bình quân khoảng ba tấm pin/đầu người – một con số đáng kinh ngạc.
Chính sách hỗ trợ rất quan trọng để đưa ngành quang điện phát triển – giống như nó rất quan trọng để giúp phát triển tất cả các nguồn năng lượng khác (hóa thạch và điện hạt nhân) trong quá khứ. Nhưng bây giờ quang điện cần phải chứng minh rằng ngành này đang trở thành một ngành công nghiệp trưởng thành, sẵn sàng cho giai đoạn phát triển tiếp theo, để cạnh tranh ngang bằng với bất kỳ một nguồn năng lượng nào khác.
Dự báo viễn cảnh thị trường quang điện thế giới tới năm 2016
Tham khảo từ Global Market Outlook for Photovoltaics until 2016 (5MB)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét