Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012

Công nghiệp điện mặt trời Trung Quốc đối mặt với nhiều thách thức

Ngành công nghiệp năng lượng sạch của Trung Quốc đang phải đối mặt với một loạt các thách thức mới đầy khó khăn. Công nghiệp điện mặt trời của nước này đã phát triển từ lâu bằng việc bán các sản phẩm giá rẻ ra thị trường nước ngoài và hiện Ủy ban Châu Âu đang điều tra về việc Trung Quốc bán phá giá các tấm pin năng lượng mặt trời vào thị trường của họ.

Năm 2011, xuất khẩu công nghiệp điện mặt trời của Trung Quốc đạt 21 tỷ Euro, trong đó thị trường EU chiếm tới hơn 60%. Tuy nhiên, hiện nay EU tin rằng sự tăng trưởng tuyệt vời này một phần là do chính sách thúc đẩy năng lượng tái tạo của chính phủ các nước trong khối, hướng tới các hộ gia đình và doanh nghiệp.


Ngành công nghiệp sản xuất pin mặt trời (PV) của Trung Quốc đã bị chỉ trích vì việc tạo ra sự giảm giá quá nhanh của sản phẩm và tạo ra nạn thất nghiệp trên diện rộng của 2 tập đoàn Trina và LDK.

Liên minh châu Âu (EU) đang mở cuộc điều tra đối với tất cả các mặt hàng điện mặt trời từ Trung Quốc bị cáo buộc là phá giá thị trường. Nếu EU áp thuế chống phá giá đối với các mặt hàng này của Trung Quốc thì tác động sẽ tồi tệ hơn nhiều so với việc Mỹ áp thuế 250% bởi vì EU nhập khẩu nhiều hơn so với Mỹ.

Hiện nay, một số tập đoàn sản xuất pin mặt trời lớn của EU như Prosun, SolarWorld  đang cáo buộc các nhà sản xuất của Trung Quốc nhận được sự trợ giá rất lớn từ chính phủ.

Ông Milan Nitzschke, chủ tịch Prosun, cho biết: " Trung Quốc tìm kiếm độc quyền trong lĩnh vực năng lượng mặt trời và trợ cấp cho các nhà sản xuất trong nước hàng tỷ USD, điều đó dẫn đến sự phá giá trong lĩnh vực này". Ông cũng cho biết thêm : "Các ngân hàng Trung Quốc thực hiện chính sách của chính phủ bằng việc cung cấp các khoản tín dụng với lãi suất rất thấp cho các nhà sản xuất pin mặt trời, trong trường hợp không có khả năng trả nợ, ngân hàng sẽ nới rộng thời gian hoặc không đưa ra thời hạn trả nợ cho các khách hàng  này".

Các nhà sản xuất Trung Quốc cũng lên tiếng bảo vệ mình trước những cáo buộc của EU. Ông Dương Giang Bình, CEO của JinkoSolar, cho biết : "Chúng tôi đã tận dụng rất tốt những cải tiến trong sản xuất và điều hành để cắt giảm chi phí, dẫn tới giảm giá thành sản phẩm. Chúng tôi không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ phía chính phủ Trung Quốc, các khoản vay của chúng tôi với Ngân hàng đều hết sức bình thường và theo đúng quy tắc của thị trường".


Hiện tại, đứng trước cuộc khủng hoảng tài chính công tại EU, dẫn đến xuất khẩu có xu hướng giảm dần, Trung Quốc đã bắt đầu hướng vào thị trường nội địa. Để thúc đẩy thị trường trong nước, Cục quản lý năng lượng Trung Quốc đang cố gắng thực hiện một vài dự án thí điểm về điện mặt trời tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân và Thẩm Quyến.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét