Nhu cầu sử dụng điện trong những ngày nắng nóng cùng việc giá điện tăng khiến hóa đơn tiền điện tăng đột biến. Mặc dù điện mặt trời được coi như giải pháp tiềm năng, nhưng trên thực tế, công nghệ này vẫn chưa lan tỏa tới đại đa số hộ gia đình Việt. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu về hệ thống ưu việt này.
Khí hậu phân hóa ảnh hưởng đến sản lượng điện mặt trời
Qua lời tư vấn của một số đơn vị cung cấp, hệ thống điện mặt trời hòa lưới công suất dưới 5 kWp (kilowatt-peak) đang nhận được rất nhiều sự quan tâm. Với giá trên dưới 20 triệu đồng/1 kWp, hệ 3 kWp hứa hẹn tiết kiệm cho gia đình mỗi tháng từ 400-500 kWh (tương đương 800.000 đồng – 1 triệu đồng), trong khi hệ 5 kWp có thể đạt sản lượng từ 600-750 kWh (tương đương 1,2 triệu đồng – 1,5 triệu đồng). Như vậy, hệ thống điện mặt trời sẽ bắt đầu sinh lời sau 5-7 năm.
Tuy nhiên, hiệu quả thực tiễn của hệ thống điện mặt trời phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm: vị trí căn nhà, địa hình lắp đặt, vật cản và quan trọng nhất là điều kiện khí hậu. Khu vực dưới vĩ tuyến 17 (Nam Trung Bộ trở vào), bức xạ mặt trời không chỉ nhiều mà còn rất ổn định, chênh lệch 20% từ mùa Khô sang mùa Mưa. Số giờ nắng trung bình năm ở miền Nam khoảng 2000-2600 giờ/năm.
Vùng | Giờ nắng trong năm | Cường độ BXMT(kWh/m2/ngày) |
---|---|---|
Đông Bắc | 1600 – 1750 | 3,3 – 4,1 |
Tây Bắc | 1750 – 1800 | 4,1 – 4,9 |
Bắc Trung Bộ | 1700 – 2000 | 4,6 – 5,2 |
Tây Nguyên và Nam Trung Bộ | 2000 – 2600 | 4,9 – 5,7 |
Nam Bộ | 2200 – 2500 | 4,3 – 4,9 |
Trung bình cả nước | 1700 – 2500 | 4,6 |
Trong khi ở các tỉnh miền Bắc, số giờ nắng chỉ khoảng 1500-1700 giờ/năm. Ví dụ, sản lượng điện mặt trời các tháng trong năm tại Hà Nội không đồng đều do sự phân hóa rõ rệt giữa mùa Đông – Xuân và mùa Hè – Thu. Theo báo cáo của Sở Công thương Hà Nội, hệ thống điện mặt trời hoạt động lắp đặt tại miền Bắc sẽ có hiệu quả không cao như các tỉnh miền Nam, từ đó dẫn tới thời gian hoàn vốn sẽ lâu hơn, lên tới 7 năm.
Chúng tôi đã sử dụng phần mềm chuyên dụng PVGIS ước tính sản lượng điện của hệ 3 kWp tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Bạn có thể thấy điều kiện khí hậu sẽ ảnh hưởng thế nào tới hiệu quả của hệ thống điện mặt trời qua biểu đồ bên dưới.
Với giàn pin nghiêng 12 độ và tổn thất hệ thống 15%, hiệu quả của hệ 3 kWp tại Hà Nội chỉ đạt khoảng 80% so với khi triển khai tại TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt có những tháng chưa đầy 60% công suất đỉnh (tương đương 400.000 đồng/tháng). Nếu giá bán điện mặt trời duy trì ở mức 2.314 đồng/kWh, các gia đình tại Hà Nội sẽ phải chờ gần 7 năm để hệ thống bắt đầu sinh lời, trong khi tại TP. Hồ Chí Minh là 5 năm. Đó là chưa kể trường hợp giàn pin có thể bị cây cối hay nhà cao tầng che lấp một vài giờ trong ngày.
Tuổi thọ của các tấm pin mặt trời có thể kéo dài tới 25 năm và được bảo hành tối đa 12 năm. Thời gian bảo hành bộ hòa lưới là 5 năm và khung giàn từ 1 đến 2 năm.
Nhà đầu tư thông minh
Tất nhiên, không ai có thể phủ nhận hoàn toàn lợi ích lâu dài mà nguồn năng lượng “sạch” này đem lại. Trao đổi với anh Quang Hiệp (TP. HCM), chúng tôi được biết hệ thống điện mặt trời 5 kWp đã giúp cắt giảm 90% trên hóa đơn tiền điện, đồng thời cho phép gia đình anh sử dụng điều hòa cũng như thiết bị gia dụng khác thoải mái hơn.
Sau 3 tháng lắp đặt và sử dụng hệ 3 kWp, bác Hương (Hà Nội) cũng bước đầu nhận thấy hiệu quả tích cực mà công nghệ này đem lại. “Buổi sáng hầu như gia đình tôi không dùng đến điện lưới”, bác Lợi cho biết. “Trung bình, sản lượng của hệ khoảng 10 kWh/ngày, nhưng như thế cũng là hiệu quả lắm rồi. Tôi đang tính lắp đặt tiếp cho gia đình con trai tôi”
Việt Nam là quốc gia gần đường xích đạo và có những vùng khô nắng nhiều như các tỉnh Nam Trung Bộ. Kể từ năm 2017, nhà nước đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy phát triển điện mặt trời để hạn chế bớt sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt. Rõ ràng, điện mặt trời đang góp phần đảm bảo cho nguồn an ninh năng lượng quốc gia, nhưng những gia đình đầu tư vào loại hình công nghệ này cần phải tìm hiểu kỹ về sản phẩm cũng như đơn vị lắp đặt, tránh gặp phải sản phẩm kém chất lượng.
Công tơ 2 chiều
Với hệ thống điện mặt trời hòa lưới, khi lượng điện sử dụng ít hơn công suất điện mặt trời thì cần công tơ 2 chiều chạy ngược để tính phần điện thừa bán lại cho Điện lực. Loại thiết bị này sẽ được thiết kế với 1 đồng hồ đo tổng điện năng sử dụng từ lưới và 1 đồng hồ đo lượng điện trả ngược ra lưới từ hệ thống điện mặt trời.
Trong khi tình trạng quá tải lưới điện truyền tải là mối lo của các nhà đầu tư điện mặt trời quy mô lớn, thì vấn đề của hộ gia đình là được lắp công tơ 2 chiều càng sớm càng tốt. Quá trình lắp đặt công tơ 2 chiều do đơn vị EVN phụ trách và miễn phí cho khách hàng. Hiện tại EVN đã có văn bản khuyến khích người dân lắp đặt Hệ thống điện mặt trời áp mái.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét