Trong bối cảnh các nguồn năng lượng truyền thống đang ngày càng cạn kiệt thì việc phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời áp mái, sẽ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN),tính đến hết tháng 6/2019, đã có 89 nhà máy điện gió và điện mặt trời hòa lưới với tổng công suất đặt 5.038 MW, chiếm 9,5% tổng công suất đặt của hệ thống điện quốc gia.
Dự kiến, đến ngày 31/12/2019, sẽ có thêm khoảng 1.000 MW các nguồn năng lượng tái tạo đấu nối vào hệ thống điện quốc gia góp phần giảm bớt những khó khăn về nguồn điện trong bối cảnh các nguồn năng lượng truyền thống đang ngày càng cạn kiệt.
EVN cho biết chỉ tính riêng điện mặt trời áp mái, trong 3 tháng trở lại đây đã có hơn 4.000 hộ gia đình lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái với tổng công suất đạt 200 MW. Với tốc độ phát triển như hiện nay, EVN dự kiến đến cuối năm 2019 sẽ có thêm 300 MW công suất điện mặt trời áp mái được lắp đặt.
Tại Diễn đàn năng lượng Việt Nam 2019 vừa mới được tổ chức, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN nhấn mạnh, phát triển điện mặt trời áp mái là giải pháp hữu hiệu để giảm được chi phía truyền tải, giảm áp lực về giá và tăng hiệu suất sử dụng.
Hiện nay, Việt Nam đang áp dụng mức giá mua điện mặt trời áp mái là 9,35 cent/kWh. Bộ Công Thương đang đề xuất giữ nguyên mức giá điện mặt trời áp mái đến hết năm 2021 để khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo này.
Cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách, các giải pháp kỹ thuật cũng đang được gấp rút triển khai nhằm đấu nối và giải tỏa công suất của nguồn năng lượng này. EVN kỳ vọng đến hết năm 2020, công suất điện mặt trời áp mái sẽ đạt khoảng 2.000 MW.
Đánh giá của các chuyên gia trên lĩnh vực năng lượng tái tạo cho thấy, khu vực miền Trung và miền Nam có tiềm năng lớn về điện mặt trời áp mái với độ bức xạ đạt từ 4,2-4,8 kWh/m2/ngày. Điện mặt trời áp mái có tính chất phân tán, tiêu thụ tại chỗ, thời gian phát chủ yếu vào ban ngày, sẽ làm giảm áp lực về phụ tải lưới điện và giảm gánh nặng về đầu tư hệ thống.
Các chuyên gia lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng đưa ra nhận định với cơ chế chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo và tiềm năng rất lớn thì mục tiêu đến cuối năm 2025 lắp đặt và đưa vào vận hành 100 nghìn hệ thống điện mặt trời áp mái có thể thực hiện được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét