Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

Người Nhật học cách tự tạo ra điện năng

Kể từ sau thảm họa kép động đất – sóng thần năm 2011, dẫn tới vụ rò rỉ phóng xạ hạt nhân nghiêm trọng, rất nhiều người dân tại Nhật Bản đã tích cực tìm kiếm những cách khác nhau để tạo ra điện năng phục vụ đời sống.




Người Nhật Bản học cách tự tạo ra điện năng





Trong số các loại năng lượng tái tạo, năng lượng Mặt Trời được người dân đất nước Mặt Trời mọc này ưa chuộng hơn cả. Kể từ năm 2013, sản lượng điện Mặt Trời của Nhật Bản đã tăng gấp đôi và ngày càng có nhiều người đang học cách để tự lắp ráp cho mình các tấm pin Mặt Trời để tạo ra điện ở nhà.


Fujino Denryoku (tiếng Nhật có nghĩa là năng lượng điện) là một hiệp hội được ông Dentetsu Odajima sáng lập ra, nó như một diễn đàn nơi tập trung những người có quan tâm tới việc tự tạo ra điện sinh hoạt cho chính mình. Fujino Denryoku ban đầu chỉ là một hiệp hội nhỏ với số ít những người ủng hộ từ địa phương, nhưng đến bây giờ, hiệp hội của ông Odajima nhận được rất nhiều sự quan tâm từ người dân trên khắp Nhật Bản. Ông Odajima liên tục có những chuyến đi tới khắp các vùng miền trên đất nước để hướng dẫn mọi người cách lắp đặt các tấm thu năng lượng Mặt Trời, cho phép họ tự tạo ra điện cho chính mình.


Ông Dentetsu Odajima, nhà sáng lập Hiệp hội Fujino Denryoku cho biết: “Chúng tôi tổ chức những buổi hướng dẫn mỗi tháng một lần, và luôn có rất nhiều người đến tham dự. Chúng tôi nhận được nhiều yêu cầu tổ chức các buổi hướng dẫn trên khắp Nhật Bản, vậy nên tôi đã quyết định đi tới nhiều nơi để hướng dẫn mọi người”.


Chi phí tổ chức một buổi hướng dẫn thế này không hề rẻ, chủ yếu là các vật liệu cần thiết để lắp các bộ thu năng lượng Mặt Trời, nhưng vẫn có rất nhiều người tham dự vì họ đều muốn tự sản xuất điện cho chính mình, điều đó tạo cho họ cảm giác độc lập và tự chủ về năng lượng.


Chị Tomoko Naoe, người tham gia chia sẻ: “Đây là lần đầu tôi tự làm một hệ thống thu năng lượng Mặt Trời nên vẫn bỡ ngỡ. Tôi sẽ phải nhờ hướng dẫn lại khi mà tôi lắp đặt hệ thống này tại nhà và tôi thực sự đang rất mong muốn được dùng máy tính hay nghe nhạc từ nguồn điện mà chính mình tạo ra”.


Thảm họa động đất và sóng thần tại Nhật Bản 3 năm về trước có những ảnh hưởng rất lớn đối với ý tưởng xây dựng hệ thống thu năng lượng Mặt Trời của ông Odajima. Hệ thống mà ông Odajima thiết kế có thể được sử dụng để phục vụ nhu cầu năng lượng hàng ngày và cả trong các trường hợp khẩn cấp.


Đối với ông Odajima, hiệp hội Fujino Denryoku là một giấc mơ có thật. Bây giờ, ông Odajima không chỉ tập trung mở rộng các buổi hướng dẫn, mà ông còn hướng tới phát triển, tham khảo các phương pháp mới để tạo ra điện năng từ những gì có sẵn ở xung quanh chúng ta.


Thời sự VTV

Nhật Bản tài trợ hệ thống điện mặt trời cho trường học tại Việt Nam

(Samtrix.vn) - Ngày 23/4, Quỹ môi trường AEON (Nhật Bản) đã trao tặng hệ thống điện năng lượng Mặt Trời cho trường Trung học cơ sở Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là hệ thống đầu tiên trong tổng số 10 dự án Quỹ môi trường AEON tài trợ cho các trường trung học tại Thành phố Hồ Chí Minh.




Với tổng giá trị 500.000 USD, chương trình này sẽ lắp đặt các hệ thống điện năng lượng Mặt Trời tại 10 trường trung học tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm góp phần khởi xướng và phổ cập việc sử dụng các nguồn tài nguyên tái chế, sử dụng năng lượng thân thiện môi trường.

Hệ thống tấm pin năng lượng được lắp đặt ngay trong khuôn viên trường học, sẽ giúp các trường tiết kiệm được 40% tiền điện phải chi trả mỗi tháng. 

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Mạnh Hà, ngoài việc giúp tiết kiệm chi phí sử dụng điện, chương trình này sẽ góp phần giáo dục trực quan sinh động cho học sinh ý thức sử dụng các nguồn tài nguyên tái chế và nguồn năng lượng tái tạo để bảo vệ môi trường, đồng thời khơi nguồn cho những ý tưởng, sáng tạo về khoa học ở thế hệ trẻ về các hoạt động bảo vệ môi trường trong tương lai. 

Tại buổi lễ, Quỹ môi trường AEON và Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức ký kết hợp tác triển khai lắp đặt hệ thống điện năng lượng Mặt Trời cho các trường trung học tại thành phố.

Từ năm 2009, Quỹ môi trường AEON đã trao tặng hệ thống điện năng lượng Mặt Trời cho 15 trường trung học tại Nhật Bản. Ở khu vực ASEAN, Việt Nam là quốc gia thứ hai được Quỹ môi trường AEON tài trợ hệ thống này sau Malaysia./.

Máy bay sử dụng năng lượng mặt trời 2 chỗ ngồi đầu tiên trên thế giới

(Samtrix.vn) - Những cải tiến về công nghệ năng lượng mặt trời đã giúp tạo ra một chiếc máy bay có thể khai thác đủ năng lượng ánh sáng để bay xuyên lục địa như  Solar ImpulseTuy nhiên, việc đưa một người theo chuyến bay lại là một thách thức lớn đối với loại máy bay dùng năng lượng sạch này.


Vào năm 2012, nhóm nghiên cứu Solar Flight đã quyết định đương đầu với thử thách khi tiết lộ dự án phát triển máy bay dùng năng lượng mặt trời 2 chỗ ngồi đầu tiên trên thế giới với tên gọi Sunseeker Duo. Và hôm nay, công ty đã công bố chiếc máy bay vừa trải qua vài tháng thử nghiệm về hiệu năng bay và đạt được các kết quả rất hứa hẹn.


Sunseeker Duo - Máy bay năng lượng mặt trời 2 chỗ ngồi


Dự án của Solar Flight bắt đầu vào tháng 10/2012 khi lãnh đạo dự án Eric Raymond công bố kế hoạch sản xuất một chiếc máy bay dùng năng lượng mặt trời mạnh mẽ và được thiết kế cho 2 người. Một chiến dịch gây quỹ rất thành công trên Kickstarter đã đưa Raymond tiến thêm một bước gần hơn đến việc hiện thực hóa các ý tưởng, hoàn tất xây dựng và bay thử nghiệm Sunseeker Duo vào ngày 17/12/2013.


Kể từ thời gian này, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm nhiều khía cạnh liên quan đến hiệu năng của máy bay như việc giám sát hệ thống pin, mô-tơ, hệ thống đẩy và hệ thống đóng mở càng hạ cánh. Những bất ổn trong quá trình bay thử nghiệm cũng đã được giám sát và thúc đẩy nhóm nghiên cứu bổ sung pin quang điện vào cánh đuôi ngang.


Hôm nay, Solar Flight thông báo rằng máy bay đã đạt được khả năng kiểm soát tốt trên không lẫn trên đường băng và vượt qua phiên bản tiền nhiệm là Sunseeker II trong mọi khía cạnh. Công ty cho biết Sunseeker Duo có thể bay trực tiếp bằng năng lượng mặt trời với 2 người trên cabin trong suốt 12 giờ hoặc hơn.


Sunseeker Duo - Máy bay năng lượng mặt trời 2 chỗ ngồi


Sunseeker Duo có chiều dài sải cánh 22m và trọng lượng không tải 280kg. Có tổng cộng 1.510 tấm pin quang điện được lắp theo hàng trên cánh chính và cánh đuôi, thu thập năng lượng mặt trời để lưu giữ vào gói pin Li-ion đặt trong thân. Mô-tơ cánh quạt trên máy bay cho công suất đầu ra tối đa 25kW, nhiều hơn so với kỳ vọng của nhóm phát triển.


Raymond cho biết: "Pin Li-ion ngày nay có dung lượng cao gấp 7 lần so với pin Ni-Cad mà chúng tôi đã sử dụng trên Sunseeker I. Khi phác thảo thiết kế chiếc máy bay này, chúng tôi không thể tưởng tượng pin mặt trời lại có hiệu suất lớn hơn 20%. Sự cải tiến về công nghệ đã khiến giấc mơ trở thành hiện thực".


Mục tiêu của Solar Flight khi phát triển Sunseeker Duo không chỉ nhằm vượt qua những thử thách về thiết kế và công nghệ mà còn nhằm tạo ra một chiếc máy bay hiệu năng cao và có thể hoạt động thực tế. "Chúng tôi đang rất cố gắng để thử nghiệm máy bay và sẵn sàng cho các chuyến bay có hành khách vào mùa hè này. Không gì tuyệt vời hơn khi được ngắm nhìn Trái Đất từ trên cao và sẽ còn tuyệt hơn khi được ngồi trong buồng lái của một chiếc máy bay dùng năng lượng mặt trời", Irene Raymond - vợ và cũng là đồng nghiệp của Eric trong dự án cho biết.

Định hướng phát triển điện năng lượng mặt trời tại Việt Nam

(Samtrix.vn) - Trong khi nhu cầu sử dụng bình nước nóng năng lượng Mặt trời (NLMT) tăng mạnh tại Việt Nam, thì các doanh nghiệp lắp ráp pin NLMT lại gặp khó khăn, nhiều dự án phải tạm dừng triển khai. Nghịch lý này đang khiến thị trường Điện năng lượng mặt trời (Solar Power) phát triển thiếu bền vững.














Lắp đặt pin NLMT cho người dân





Thị trường tăng trưởng



Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng TPHCM cho biết, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng rất lớn về NLMT, ước tính tiềm năng lý thuyết khoảng 43,9 tỷ TOE, đặc biệt ở các vùng miền Trung và miền Nam của đất nước. Đây chính là những khu vực có số giờ nắng nhiều và cường độ bức xạ mặt trời cao.


Vì vậy, chủ trương của Chính phủ phấn đấu tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng mới và tái tạo lên khoảng 8% tổng năng lượng thương mại sơ cấp vào năm 2020 và 11% vào năm 2050. Để cụ thể hóa mục tiêu này, các địa phương, trong đó có TPHCM tích cực phối hợp với các doanh nghiệp nhằm trợ giá người dùng lên đến 1 triệu đồng mỗi máy.


Nhờ vậy, mấy năm gần đây thị trường máy nước nóng, năng lượng mặt trời tăng trưởng nhanh với nhiều nhà cung cấp. Số liệu Bộ Công thương cho biết trong năm 2011, cả nước có trên 30 công trình lắp đặt quy mô công nghiệp với khoảng 42.000 máy mỗi năm được bán ra thị trường, tăng trưởng bình quân 20%/năm. Riêng tại TPHCM mỗi năm có khoảng 30.000 - 40.000 máy được lắp đặt, cứ 2 ngôi nhà xây mới thì có 1 nhà lắp đặt máy NLMT.


Để tăng tỷ lệ nội địa hóa, năm 2009, Công ty CP Năng lượng Mặt Trời Đỏ là nhà máy lắp ráp pin mặt trời đầu tiên ở Việt Nam được khánh thành và đi vào sản xuất với sự đầu tư của Công ty Tân Kỷ Nguyên và Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM.


Bên cạnh đó, cả nước hiện có khoảng 90 công ty chuyên sản xuất và kinh doanh sản phẩm bình nước nóng NLMT, trong đó tập trung vào máy nước nóng. Một số mẫu mã sản phẩm đã được xuất khẩu sang thị trường lân cận như Lào, Campuchia, Myanmar…




Ưu tiên công nghệ mới



Tuy số lượng máy bán ra tăng nhanh, ý thức người dân về tận dụng nguồn năng lượng tái tạo được cải thiện, tuy nhiên thị trường NLMT tại Việt Nam vẫn để lại nhiều nỗi lo. Dễ dàng nhận thấy các mẫu mã sản phẩm của Việt Nam sản xuất còn đơn giản, quy mô sản xuất công nghiệp cũng chưa có nhiều, dẫn đến khó cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu.


Bên cạnh đó, hiện đa phần các doanh nghiệp sản xuất máy NLMT trong nước mới dừng lại ở khâu lắp ráp. Đơn cử như công nghệ ống chân không (vốn chiếm đến 70% tổng sản phẩm trên thị trường) hiện phải nhập khẩu từ Trung Quốc, còn tấm phẳng NLMT cũng phải nhập khẩu từ lãnh thổ Đài Loan, Malaysia…


Thêm đó, hàng loạt các dự án sản xuất tấm pin NLMT tại Việt Nam đang gặp khó khăn, phải triển khai cầm chừng hoặc dừng hẳn dự án. Tháng 4-2011, tức 8 tháng sau khi chính thức khởi công, tập đoàn Mỹ First Solar phải công bố dừng triển khai dự án đầu tư lên đến 1,2 tỷ USD tại Khu công nghiệp Đông Nam TPHCM.


Tiếp đó, Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) cũng thừa nhận dự án sản xuất pin mặt trời của Công ty Công nghiệp năng lượng Đông Dương (có vốn đầu tư 390 triệu USD) phải xin giãn tiến độ triển khai do khó khăn liên quan đến thị trường và công nghiệp sản xuất. Mới đây nhất, dự án 300 triệu USD do Công ty CP Đầu tư chuyển giao Worldtech triển khai tại Thừa Thiên - Huế cũng chính thức khai tử.


Chính vì thế tại hội thảo về NLMT mới đây do Trung tâm Thông tin KH-CN TPHCM tổ chức, ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM khẳng định, với những công nghệ NLMT mà Việt Nam chưa sản xuất được, giải pháp kết nối chuyển giao là cần thiết, trên cơ sở có chọn lọc. Đó phải là công nghệ phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam, không phân biệt công nghệ của Trung Quốc, Mỹ hay các nước châu Âu.

Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

Công nghệ giúp kéo dài tuổi thọ của panel năng lượng mặt trời

(Samtrix.vn) - Trung tâm Vật liệu năng lượng và Khoa học bề mặt thuộc Viện Khoa học và công nghệ Okinawa (OIST), Nhật Bản, đã có khám phá quan trọng về sự lão hóa của pin năng lượng mặt trời, nhờ đó có thể giúp chế tạo ra các loại pin mặt trời có tuổi thọ cao hơn, đồng thời đạt được hiệu quả chi phí để cạnh tranh với các nguồn năng lượng truyền thống, như nhiên liệu hóa thạch.


  Nghiên cứu kéo dài tuổi thọ của tế bào năng lượng mặt trời

Nghiên cứu kéo dài tuổi thọ của tế bào năng lượng mặt trời


Giáo sư Yabing Qi và các thành viên của nhóm đã tiến hành nghiên cứu và xác định được nguyên nhân gây lão hóa và rút ngắn thời gian hoạt động của pin năng lượng mặt trời.


Giáo sư Qi và các cộng sự đã tập trung chú ý đến vật liệu được sử dụng rộng rãi trong chế tạo pin mặt trời, đó là Spiro-MeOTAD. Loại vật liệu này được sử dụng ở lớp trên cùng của tế bào năng lượng mặt trời và tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Vì vậy, nó có thể là nơi bị lão hóa do nhiều tác động từ bên ngoài, như tiếp xúc không khí, bức xạ ánh sáng liên tục, nhiệt độ cao và bụi.


Được biết, Spiro-MeOTAD là chất vô định hình, một đặc tính hữu ích để sử dụng trong tế bào năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, tính chất này có thể làm nảy sinh vấn đề làm cho các phân tử từ không khí có thể dễ dàng khuếch tán hay tự do đi qua lớp Spiro-MeOTAD. Các phân tử khí này sau đó sẽ trở thành các tạp chất trong các tế bào năng lượng mặt trời, dẫn đến làm cho chúng sớm bị lão hóa. Sau khi phân tích chi tiết, các nhà nghiên cứu đã đi đến kết luận chính xác nguyên nhân gây lão hóa lớp spiro-MeOTAD, dẫn đến làm giảm hiệu suất của pin mặt trời là các phân tử không khí bên ngoài. Như vậy, bước nghiên cứu tiếp theo là phải tìm một loại vật liệu để bao bọc và bảo vệ lớp spiro-MeOTAD không cho tiếp xúc với không khí và ngăn chặn sự khuếch tán và suy thoái xảy ra. Giáo sư Qi cho biết, nếu chúng ta có thể tìm ra phương pháp phủ chi phí thấp, thì đây có thể là lần đầu tiên có thể đạt được các yếu tố chi phí thấp, hiệu suất cao và tuổi thọ kéo dài trong cùng một tế bào năng lượng. Do các tế bào năng lượng mặt trời này dễ dàng sản xuất và có chi phí hiệu quả, việc bổ sung thêm công đoạn này có thể cung cấp một giải pháp hữu hiệu trong việc chế tạo ra các pin năng lượng mặt trời lý tưởng.


Giáo sư Qi cho biết, công nghệ này tương thích với công nghệ che phủ các điện cực dẻo trong suốt mà nhóm nghiên cứu đang tiến hành. Điều đó có nghĩa là có thể sử dụng nghiên cứu này để chế tạo các tấm pin năng lượng mặt trời mềm dẻo, trong suốt, diện tích lớn. Nhóm nghiên cứu của Giáo sư Qi đang đưa thế giới tiến gần hơn tới việc sử dụng các dạng năng lượng thay thế sạch và có hiệu suất cao hơn.

Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

Máy bay năng lượng mặt trời dự định bay vòng quay thế giới

Hôm 9/4, một nhóm nghiên cứu Thụy Sĩ đã công bố phiên bản mới của máy bay năng lượng mặt trời độc đáo Solar Impulse 2 và đang có kế hoạch để hoàn thành chuyến bay năng lượng mặt trời vòng quanh thế giới đầu tiên của họ vào năm tới.


Solar Impulse 2 là sự kế thừa từ Solar Impulse, máy bay năng lượng mặt trời đã hoàn thành chuyến đi trên khắp nước Mỹ năm ngoái.


Chiếc máy bay mới lớn hơn "người tiền nhiệm" của mình và có sải cánh dài 72 mét, tương đương với máy bay Superjumbo Airbus A380, nhưng chỉ nặng 2.300 kg, ít hơn 1% trọng lượng so với Superjumbo.


Solar Impulse 2 có sải cánh dài 72 mét, tương đương với máy bay Superjumbo Airbus A380, nhưng chỉ nặng 2.300 kg


Solar Impulse 2 có sải cánh dài 72 mét, tương đương với máy bay Superjumbo Airbus A380, nhưng chỉ nặng 2.300 kg


Chiếc máy bay năng lượng mặt trời được tạo thành từ cạnh carbon cắt lớp có trọng lượng ít hơn 25 gram mỗi mét vuông, chỉ bằng khoảng 1/3 trọng lượng của giấy.Tuy nhiên, máy bay năng lượng mặt trời này sẽ có thể bay ít nhất 120 giờ không ngừng trên thế giới.


Theo kế hoạch, máy bay sẽ cất cánh vào ngày 1/3/2015 tại một địa điểm ở Gulf trong đó có điều kiện thời tiết lý tưởng và sau đó đi về phía Đông để tận dụng hướng gió mậu dịch .


Trả lời 500 khán giả là các quan chức, nhà tài trợ, nhà ngoại giao tại căn cứ không quân Payerne  của Thụy Sĩ, phi công Andre Borschberg cho biết: "Chúng tôi sẽ cần phải mất ít nhất 5 ngày đêm để bay từ Trung Quốc sang Mỹ và từ Mỹ trở lại châu Âu".


Borchberg cho biết các nhà thiết kế của máy bay phải chấp nhận thực tế rằng sử dụng công nghệ đáng tin cậy thì sẽ nặng hơn, nhưng trọng lượng lớn hơn đồng nghĩa với hiệu suất sẽ ít hơn .


Borschberg và người phụ lái Picсard đã tiến hành dự án của họ từ hơn 10 năm trước


Borschberg và người phụ lái Picсard đã tiến hành dự án của họ từ hơn 10 năm trước


Mục đích của dự án là thúc đẩy giới hạn nghiên cứu các máy bay năng lượng mặt trời. Borschberg và người phụ lái Picсard đã tiến hành dự án của họ từ hơn 10 năm trước.


"Mỗi lần tôi nhìn vào máy bay này, tôi cảm thấy thời thơ ấu của mình trở lại và tôi chắc chắn rằng các bạn cũng thế, đó chính là bộ phim hoạt hình Dumbo của Walt  Disney", Picсard nói với khán giả tham dự buổi ra mắt.


"Nếu bạn nói rằng bạn muốn bay vòng quanh thế giới bằng máy bay năng lượng mặt trời, tất cả mọi người nghĩ rằng bạn đang điên", Picard nói tiếp.


Picard cũng là người đầu tiên bay vòng quanh thế giới trong một khinh khí cầu vào năm 1999.


 

[youtube http://www.youtube.com/watch?v=ERLWgSrskFw&w=640&h=390]