Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014
Pin mặt trời hoạt động như thế nào?
Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2014
Đề nghị tăng chiếu sáng công cộng bằng pin mặt trời
Ngày 16/6, tại Cao Bằng đã diễn ra hội thảo xây dựng mô hình thí điểm sử dụng năng lượng mặt trời kết hợp với điện lưới, phục vụ chiếu sáng công cộng, thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lạng Sơn...
Công nghệ chiếu sáng công cộng sử dụng năng lượng mặt trời kết hợp với điện lưới là mô hình mới, hiện đại, thân thiện với môi trường, có thể thay đổi chế độ bật, tắt theo thời gian, theo mùa đã được áp dụng tại các tỉnh, thành Đồng Nai, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh...
Cao Bằng triển khai thí điểm mô hình tại Khu đô thị mới Đề Thám (thành phố Cao Bằng) từ tháng 3/2013. Dự án đã lắp đặt 5 cột đèn led, công suất mỗi đèn 90W, khoảng cách 40 m, tương đương với chiều dài 200 m.
Sau 12 tháng ứng dụng thí điểm cho thấy, độ sáng đạt tiêu chuẩn, đầu tư ban đầu lớn hơn việc lắp đặt điện năng truyền thống nhưng hằng tháng không phải mất tiền điện; tuổi thọ trung bình của tấm pin mặt trời khoảng từ 25 - 30 năm, an toàn cho người sử dụng. Tính năng của ứng dụng điện năng mặt trời bằng đèn led là tiết kiệm điện, giảm chi phí, phù hợp với chiếu sáng công cộng, không xảy ra hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu.
Tại hội thảo, các đại biểu phân tích, đánh giá chất lượng và các thông số kỹ thuật của hệ thống điện năng mặt trời và đi đến nhận định mô hình cho hiệu quả tốt, giảm công suất tiêu thụ điện, giảm chi phí điện, mang lại hiệu quả kinh tế và an toàn, thân thiện với môi trường. Đại biểu kiến nghị với tỉnh và các ngành chức năng hỗ trợ, nhân rộng dự án.
"Mang ánh sáng đến thôn Thanh Sơn" bằng điện mặt trời
Nếu trước đây, ánh sáng đèn điện là điều xa xỉ ở thôn nghèo Thanh Sơn, tỉnh Hà Nam, thì kể từ giữa tháng 6/2014, niềm ao ước được hưởng ánh sáng vào ban đêm của người dân nơi đây đã trở thành sự thật.
Thôn Thanh Sơn và cuộc đua với mặt trời
Ý tưởng của đề án bắt đầu từ vài thông tin trên báo đài về một vùng kinh tế mới thuộc tỉnh Hà Nam. Nằm giáp ranh với Hòa Bình và Ninh Bình, Thanh Sơn là nơi có nhiều núi đồi nhất tỉnh và cũng là nơi còn nhiều cảnh khó khăn nhất. Kể từ khi lên lập nghiệp ở vùng đất này vào khoảng những năm 1985, 288 hộ dân nơi đây vẫn sống không ánh sáng điện.
Điển hình như gia đình chị Kiệm, 4 nhân khẩu đang sống trong ngôi nhà lụp xụp đầu thôn. Khi mặt trời càng xuống thấp, mọi hoạt động từ trong nhà đến ngoài ngõ càng trở nên gấp rút. Anh chị vội vàng thu dọn những nông cụ, nhanh chóng nấu xong bữa cơm tối trong khi hai đứa con của anh chị đang cặm cụi ôn bài. Khi bóng tối bao trùm, căn nhà nhỏ được thắp sáng bằng vài chiếc đèn dầu được bọc bằng vỏ lon bia. Cuộc đua đã chấm dứt khi mặt trời khuất bóng.
Khi chứng kiến tận mắt những cảnh đời còn khó khăn ấy, đội ngũ Philips Việt Nam ngành Chiếu sáng đã quyết định đề xuất dự án cộng đồng mang tên "Mang ánh sáng đến thôn Thanh Sơn" lên Ban lãnh đạo công ty trong cuộc thi "Quà tặng chiếu sáng".
Mang mặt trời vào nhà
Bài toán khó là phải giải quyết vấn đề về nguồn điện khi thôn nằm sâu trong vùng núi, dân cư còn thưa thớt, việc phủ lưới điện đến đây còn gặp nhiều khó khăn. Sáng kiến sử dụng hệ thống đèn LED sử dụng ánh sáng mặt trời, vì thế, đã ra đời. Theo đó, công ty đề xuất rằng nhà nào đang dùng điện chập chờn thì tặng một bộ đèn sạc LED chiếu sáng khẩn cấp và các bóng đèn Compact tiết kiệm điện để đảm bảo đèn luôn sáng ổn định, hiệu suất cao. Nhà nào lưới điện quốc gia chưa phủ đến sẽ được trao tặng các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời gồm một bộ đèn chiếu sáng trong nhà và một đèn sạc. Nhà văn hóa, trường mẫu giáo và khu vui chơi công cộng thì lắp đặt các cột đèn lớn.
Ngày nhận tin dự án "Mang ánh sáng đến thôn Thanh Sơn" đã vượt qua 17 dự án cộng đồng khác trên thế giới và xuất sắc đoạt giải thưởng cao nhất của tập đoàn Philips Hoàng Gia Hà Lan, đội ngũ nhân viên Philips Việt Nam ngành Chiếu sáng không khỏi vui mừng xen lẫn tự hào khi đã có cơ hội hiện thực hóa ý tưởng thắp sáng thôn Thanh Sơn, góp phần chấm dứt cảnh thiếu ánh sáng đèn điện ở đây. Sau đó, việc vận chuyển và lắp đặt gần 1.000 bóng đèn các loại đã hoàn thành trong vòng 3 ngày bởi công sức của cả kỹ thuật viên của dự án lẫn sự giúp đỡ tận tình từ các tổ chức địa phương.
Trong sự kiện bàn giao vào ngày 12/6 vừa qua, chị Kiệm chia sẻ niềm vui: "Trước kia khoảng 7 giờ tối là gia đình phải đi ngủ. Hôm nào các cháu đang học bài mà dầu cạn thì cũng đành chịu, phải đợi hôm sau mới đi mua được vì quán xá cách đây ba bốn cây số mà đường thì rất tối. Bây giờ mấy cháu có thể học tập thuận lợi hơn nhờ có đèn năng lượng mặt trời, các sinh hoạt về đêm của nhà tôi cũng bớt khó khăn đi."
Trong khi đó, anh Toàn, một trong những người đầu tiên đặt chân đến Thanh Sơn trong đoàn người đi khai phá phát triển kinh tế mới, chia sẻ: "Tôi đến đây từ năm 1985, chưa ngày nào biết đến ánh sáng điện. Trước kia muốn làm gì về đêm cũng phải cầm theo chiếc đèn dầu. Làm cái gì cũng khó, đèn lại dễ tắt vì gió mà tiền dầu mỗi tháng cũng hết tầm ba bốn chục nghìn. Giờ thì có đèn năng lượng mặt trời rồi, ngày mùa cần làm thêm việc thì cứ xách đèn ra nương mà làm."
Một giải pháp thiết thực và bền vững
Hệ thống chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời được đánh giá là một giải pháp hiệu quả và tiết kiệm. Vì năng lượng dùng để thắp sáng đèn đến từ 100% nhiệt năng của ánh sáng mặt trời, trong khi Việt Nam thuộc vùng nhiệt đới là nơi sở hữu dồi dào nguồn năng lượng thiên nhiên này. Hệ thống ánh sáng dùng trong hộ gia đình lại rất nhỏ gọn và tiện dụng, sử dụng pin sạc để lưu trữ nguồn điện dùng thắp sáng về đêm. Chi phí lắp đặt thấp và không cần chi trả thêm bất kỳ khoản chi phí nào khi sử dụng. Những ưu điểm nêu trên rất thiết thực khi được ứng dụng vào đời sống của người dân Thanh Sơn.
Ông Christoph Schell, TGĐ Ngành Chiếu sáng Các thị trường tăng trưởng của Philips chia sẻ: “Là tập đoàn hàng đầu thế giới về lĩnh vực chiếu sáng, chúng tôi cam kết luôn mang đến những giải pháp sáng tạo, tiên tiến, lấy con người làm trọng tâm của mọi phát minh. Chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành cùng các chính quyền địa phương để góp phần xây dựng nhiều hơn nữa những ngôi làng, thị trấn và thành phố đáng sống một cách kinh tế và bền vững. Hy vọng rằng sau Thanh Sơn sẽ còn nhiều khu vực khác tại Việt Nam được lắp đặt hệ thống đèn thông minh này”.
Thứ Hai, 2 tháng 6, 2014
An ninh năng lượng có bị đe doạ bởi Trung Quốc ???
Đất nước muốn phát triển thì phải hợp tác để các bên đều có lợi nhưng muốn độc lập tự chủ thì không thể phụ thuộc và bị chi phối về chính trị, kinh tế và văn hóa bởi ngoại bang.
Chênh lệch số liệu báo cáo
Xét về phương diện kinh tế có thể nói Việt Nam lệ thuộc đáng kể vào kinh tế Trung Quốc hay nói cách khác Việt Nam chủ yếu chỉ có làm gia công để nhập hàng từ Trung Quốc. Hàng hóa nhập từ Trung Quốc tăng mạnh vì phải nhập nguyên vật liệu cho sản xuất (phân bón, thức ăn gia súc, vải, kim chỉ, hóa chất, hàng điện tử) để phục vụ nông nghiệp và làm hàng sản xuất xuất khẩu cũng như máy móc và phụ tùng cho máy móc cho các nhà máy.
Xem xét số liệu năm 2012 là năm có đầy đủ số liệu của cả hai phía, ta thấy như sau:
Số liệu trong bảng trên còn cho thấy: chỉ riêng năm 2012, hàng Việt Nam nhập lậu từ Trung Quốc tới 5,2 tỷ U$, và xuất lậu sang Trung Quốc 3,4 tỷ U$. Như vậy, hàng năm ngân sách nhà nước đã bị thất thu tới 17% tiền thuế tương ứng của 8,6 tỷ U$ hàng lậu qua biên giới mà Hải quan Việt Nam không kiểm soát được (hay có kiểm soát được nhưng đã “bỏ túi” tiền thuế không khai báo này)!?.
Đặc biệt, trong lĩnh vực xuất khẩu khoáng sản từ Việt Nam sang Trung Quốc chênh lệch số liệu giữa Hải quan Trung Quốc và Hải quan Việt Nam rất lớn. Số liệu của hải quan Trung Quốc tin cậy hơn và chính xác hơn (vì các doanh nghiệp nhập khẩu hay xuất khẩu đều khai báo đúng để hưởng chính sách khuyến khích của nhà nước Trung Quốc), còn số liệu của Hải quan Việt Nam thường thấp hơn nhiều (vì nhiều doanh nghiệp thường móc ngoặc với Hải quan để khai báo thấp xuống nhằm trốn thuế). Thực trạng này đã diễn ra từ lâu và vẫn đang tiếp diễn. Chỉ riêng trong lĩnh vực xuất khẩu than, hàng năm có tới 5-10 triệu tấn than được xuất lậu sang Trung Quốc (số liệu công bố nhập của Trung Quốc bao giờ cũng cao hơn 5-10 triệu tấn /năm so với số liệu công bố xuất của TKV). Mỗi tấn than có giá thành bình quân là 60U$/tấn. Như vậy, chỉ riêng việc xuất lậu than đã làm thiệt hại cho Nhà nước 300-600 triệu U$/năm.
Năng lượng phụ thuộc vào Trung Quốc
Trước đây, 6 tỉnh phía Bắc phải mua điện của Trung Quốc, với giá cao hơn giá mua của các dự án điện trong nước và cũng cao hơn nhiều giá bán cho dân. Nhiều dự án đang và sắp triển khai do Trung Quốc thực hiện, EVN cũng đang yêu cầu các đơn vị báo cáo để thống kê lại.
Trong các năm gần đây, tình trạng chung trong lĩnh vực năng lượng điện là: TKV xuất khẩu than với giá rẻ cho Trung Quốc để Trung Quốc dùng than phát điện và bán điện đắt cho EVN.
Theo Ngân hàng thế giới (WB) năm 2014 Việt Nam có kế hoạch nhập khoảng 2,5 tỷ kwh từ Trung Quốc, lượng điện nhập khẩu chiếm 2,6% so với tổng nhu cầu điện tiêu thụ ở trong nước. Về giá trị quy ra tiền còn nhỏ so với ngay cả nhập quần áo phụ nữ nhưng vấn đề ở bài toán năng lượng không chỉ nhập điện mà nhiều dự án nhiệt điện do Trung Quốc đầu tư đã và đang triển khai rộng khắp ở Việt Nam.
Lĩnh vực năng lượng nói chung và ngành điện lực nói riêng còn phụ thuộc khá nhiều vào Trung Quốc. Đất nước Việt Nam còn nghèo, các chủ đầu tư cho ngành điện cũng nghèo. Các chủ đầu tư chỉ mong muốn bỏ tiền đầu tư ít nhưng đem lại lợi nhuận nhiều và hoàn vốn nhanh. Các dự án thủy điện vừa và nhỏ do các nhà đầu tư triển khai thường chọn thiết bị Trung Quốc cho rẻ tiền.
Các dự án nhiệt điện chạy than lớn của Việt Nam cũng chủ yếu sử dụng thiết bị có nguồn gốc chế tạo tại Trung Quốc rẻ hơn nhiều so với thiết bị được chế tạo tại các nước G7/G8. Kể cả các thiết bị của các hãng của G7 (do G7 thiết kế nhưng được G7 tổ chức chế tạo tại Trung Quốc ) thì chất lượng cũng rất thấp do Tiêu chuẩn chế tạo của Trung Quốc rất thấp. Vì vậy, mặc dù vốn đầu tư (mua sắm thiết bị) có giảm, nhưng chi phí vận hành và chi phí sửa chữa cũng rất cao. Kết quả cuối cùng thì hiệu quả của các dự án điện sử dụng thiết bị chế tạo tại Trung Quốc còn thấp hơn so với các dự án dùng thiết bị “xịn” của G7.
Thiết nghĩ một ngày đẹp trời nào đó Trung Quốc “nghỉ chơi” với Việt Nam thì có thể các thiết bị Trung Quốc trong hệ thống điện đồng loạt ngừng hoạt động (máy tính laptop Trung Quốc còn gài chip thì thiết bị điện có ai đảm bảo rằng họ không gài chip vào hệ thống điều khiển chính?) thì Việt Nam sẽ thiếu điện trầm trọng. Phụ tùng thủy điện ta có thể chế tạo được nhưng nhiệt điện thì phức tạp hơn nhiều và cũng nhiều loại khác nhau.
Những năm gần đây, Trung Quốc đã viện trợ ở hầu khắp các ngành công nghiệp, năng lượng của Việt Nam, vốn vay ưu đãi lãi suất thấp từ Trung Quốc đang đóng vai trò rất quan trọng, chủ yếu là từ đầu mối Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank). Đơn cử như ở ngành điện, tính đến năm 2011, trong tổng số 9 dự án nhiệt điện do Tập đoàn Than – Khoáng sản làm chủ đầu tư, hiện
có 4 dự án vay vốn tín dụng xuất khẩu hoặc ODA của Trung Quốc. Trung bình mỗi dự án điện công suất 300MW trở lên của Việt Nam có tổng vốn đầu tư trên 500 triệu USD. Nếu dự án vay từ China Eximbank thì nguồn vốn này thường chiếm khoảng 85% tổng vốn đầu tư. Như vậy, ước tính, tổng vốn vay của Trung Quốc chỉ riêng cho ngành điện Việt Nam đã là con số hàng tỷ USD. Ví dụ như các dự án nhiệt điện Cao Ngạn, Sơn Động, Cẩm Phả, Mạo Khê đều chủ yếu vay tín dụng xuất khẩu của ngân hàng China Eximbank. Dự án có tổng vốn đầu tư ít nhất cũng hơn 3.500 tỷ đồng vv…
Chiến lược đầu tư “lắt léo” của Trung Quốc
Với chiến lược của các nhà thầu Trung Quốc là giá. Họ trúng thầu tương đối nhiều . Việc lập hồ sơ mời thầu của các kỹ sư Việt Nam chưa chuyên nghiệp, còn non, chưa ràng buộc được mọi tình huống nên dễ bị nhà thầu chuyên nghiệp “xỏ mũi”.
Trong khi đó, các nhà thầu Trung Quốc khi tham gia dự thầu, ban đầu trong Hồ sơ dự thầu họ thường chấp nhận tất cả các vấn đề nêu trong Hồ sơ mời thầu của Việt Nam nhưng sau khi đã được chấp nhận trúng thầu, các nhà thầu Trung Quốc chỉ thực hiện theo ý mình, ép chủ đầu tư phải chấp nhận những “tiêu chuẩn” chất lượng của họ (thường thấp hơn và rẻ tiền hơn so với thiết kế của chủ đầu tư nêu trong Hồ sơ mời thầu). Ở các dự án nhiệt điện Hải Phòng hay nhiệt điện Quảng Ninh (của EVN), khi phát hiện nhà thầu Trung Quốc đưa sang các thiết bị/vật tư kém chất lượng, không đúng thiết kế, chủ đầu tư không cho lắp nhưng nhà thầu cứ lắp, thậm chí nhà thầu còn không cho chủ đầu tư được vào kiểm tra trong hàng rào nhà máy, hay lắp vào lúc chủ đầu tư “ngủ”!.
Hơn nữa, theo dư luận thì nhà thầu Trung Quốc đi “cửa sau” rất giỏi và rất chuyên nghiệp. Đến khi dự án đi vào triển khai, chủ đầu tư Việt Nam sẽ phải chấp nhận các thiết bị kém chất lượng, với duy nhất 1 tờ giấy với tiêu đề “QUALITY CERTIFICATE”, gọi là phiếu chất lượng để “che mặt’!
Trung Quốc là chủ thầu gần 10 dự án nhiệt điện chạy than của ta, với cam kết vay ODA lãi xuất thấp. Tuy nhiên, sau đó lại điều chỉnh nâng giá và đặc biệt là chất lượng thấp và không đảm bảo tiến độ. Việc cắt các dự án nhiệt điện chạy than của Trung Quốc chắc sẽ gây thiếu điện cho một số ngành sản xuất. Vì vậy, ta phải cố bù một phần bằng cách đẩy nhanh tiến độ các dự án nhiệt điện chạy khí, phải đẩy mạnh chương trình tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu tiêu dùng.
Việc sử dụng ODA của Trung Quốc có nhiều rủi ro vì chủ đầu tư không kiểm soát được tỷ giá của đồng nhân dân tệ so với U$, không kiểm soát được việc thanh toán theo tiến độ (thường phía Trung Quốc yêu cầu ngân hàng Trung Quốc thanh toán ngay khi đưa thiết bị sang, bất chấp thiết bị đó có được chủ đầu tư chấp nhận hay không), không phạt được nhà thầu nếu nhà thầu vi phạm (về chất lượng và về tiến độ), và cuối cùng, do sử dụng ODA của Trung Quốc nên nhà thầu thường đưa ra yêu sách là phải làm theo cách của Trung Quốc (bất chấp Hồ sơ mời thầu và thiết kế của chủ đầu tư).
Thay cho lời kết
Để giảm dần sự lệ thuộc năng lượng từ Trung Quốc về thiết bị điện cần có kế hoạch chủ động tìm các đối tác khác thay thế. Về cơ bản, cần xây dựng Luật Đấu thầu và các nghị định hướng dẫn thực hiện Luật đấu thầu đủ mạnh, chặt chẽ để có thể loại các nhà thầu Trung Quốc bỏ thầu giá rẻ, kém chất lượng, hậu quả đã nhãn tiền. Cần xây dựng thể chế cạnh tranh lành mạnh về nguồn điện, tránh độc quyền.
Sự lệ thuộc kinh tế của Việt Nam với Trung Quốc không còn phải bàn cãi nhất là về chất lượng hàng hóa mà Việt Nam nhập từ Trung Quốc cũng như các hợp đồng thầu dự án mà Trung Quốc nhận từ Việt Nam với những “lắt léo” thấy rõ lợi bất cập hại. Do đó, việc thoát khỏi quỹ đạo của Trung Quốc lúc nầy là cơ hội để nền kinh tế Việt Nam phát triển đúng đường, đúng hướng, song hành với việc độc lập, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc Việt Nam.
Tác giả : Tô Văn Trường