(TBKTSG) - Việt Nam rất có lợi thế tận dụng nguồn năng lượng mặt trời vì nằm trong dải phân bổ ánh nắng mặt trời nhiều nhất trong năm trên bản đồ bức xạ mặt trời thế giới. Tuy nhiên, việc tận dụng nguồn năng lượng này vẫn còn hạn chế.
Bình nước nóng: giảm hơn 50%
Không cần tốn điện, tốn ga để đun nước, chỉ cần mua một bình nước nóng năng lượng mặt trời về lắp trên mái nhà là có thể sử dụng nước nóng an toàn hơn 10 năm trời. Lợi ích là vậy nhưng nhiều nhà sản xuất bình nước nóng năng lượng mặt trời vẫn đang “than trời” vì khó tiêu thụ sản phẩm.
Trao đổi với TBKTSG cuối tuần qua, ông Chu Khắc Minh, Giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Phú Lạc Khang, than thở: “Tiêu thụ bình nước nóng trên thị trường mấy năm trước khá tốt, nhưng khoảng hai năm gần đây thì rất chậm dù công ty đã có chính sách khuyến mãi cho khách hàng. Một bình nước nóng loại 250 lít giá bán trước đây là 8,5 triệu đồng, nay đã giảm hơn 30% nhưng bán vẫn chậm”.
Năng lực sản xuất hàng tháng của Công ty Phú Lạc Khang đạt từ 300-500 bình nước nóng năng lượng mặt trời, nhưng trong ba năm gần đây, trung bình mỗi tháng bán chưa được 100 bình, có tháng chỉ bán 20-30 bình.
“Khó khăn lắm nhưng chúng tôi phải ráng gồng, hạ giá đến mức thấp nhất có thể để giữ thương hiệu. Công ty đang làm thêm công việc in lụa trên kính để duy trì công ăn việc làm cho hàng chục công nhân đã theo công ty làm ăn từ bao lâu nay, chứ riêng việc sản xuất bình nước nóng thì không sống nổi!”.
Theo ông Minh, TPHCM hiện có khoảng 10 nhà sản xuất bình nước nóng năng lượng mặt trời và các nhà sản xuất khác cũng rơi vào tình cảnh tiêu thụ sản phẩm khó khăn.
Nhìn chung, doanh số của nhiều nhà sản xuất sụt giảm hơn 50% so với vài ba năm trước. Nguyên nhân một phần là do số lượng nhà mới xây ít hơn, phần khác vẫn là do còn nhiều người dân chưa quen việc sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời.
Ông Minh cho biết qua tiếp xúc khách hàng, ông nhận thấy nhiều người vẫn còn mơ hồ về việc tận dụng nguồn năng lượng mặt trời. Trong khi đó, đại diện một nhà sản xuất tính toán về hiệu quả của bình nước nóng năng lượng mặt trời: một gia đình sử dụng trung bình mỗi ngày 60 lít nước đun tới 60 độ C thì phải tốn 4-5 kWh điện; nếu sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời thay cho điện thì chỉ khoảng hơn hai năm là... huề vốn.
Vài năm trước, Phú Lạc Khang là một trong năm doanh nghiệp được Bộ Công Thương và tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chọn là nhà sản xuất tham gia chương trình khuyến khích người dân sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời. Theo chương trình, mỗi hộ gia đình sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng khi lắp đặt một bình nước nóng năng lượng mặt trời. Nhưng dù có sự hỗ trợ, số lượng hộ dân đăng ký vẫn rất ít. EVN cho biết chương trình quảng bá sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời giai đoạn 2011-2015 (5 năm) cũng chỉ đặt mục tiêu 30.000 bình, trong đó, phân bổ TPHCM 5.000 bình, Hà Nội 4.000 bình, miền Trung 5.000 bình...
Có một thực tế khác là những người chịu sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời thì bị chi phối bởi hàng nhập khẩu giá rẻ, đặc biệt từ Trung Quốc, được bán tràn lan trên thị trường. Theo thống kê của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM (ECC HCMC), hiện TPHCM có khoảng 100 nhà sản xuất và nhập khẩu bình nước nóng năng lượng mặt trời. Một số nhà nhập khẩu sau khi chào bán sản phẩm xong thì “lặn mất tăm” để né khâu bảo hành, bảo trì cho khách hàng về sau.
Ông Võ Thúc Đồng, Giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng DONG - chuyên nhập khẩu thiết bị bình nước nóng năng lượng mặt trời từ Úc và Trung Quốc, cho biết cách nay vài năm, mỗi tháng công ty bán được 300-400 bình, nhưng nay, con số đã giảm hơn một nửa.
Tấm pin: thiếu chính sách hỗ trợ
Một sản phẩm khác cũng gặp khó khăn tương tự, đó là tấm pin năng lượng mặt trời.
Rào cản lớn nhất hiện nay đối với sự phát triển của sản phẩm này tại Việt Nam là giá thành sản xuất cao do nguyên liệu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nhập khẩu. Theo ông Diệp Bảo Cánh, Giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng Mặt Trời Đỏ (Red Sun Energy), chính sách thuế còn chưa hợp lý nên không khuyến khích được sản xuất trong nước. Ví dụ thuế nhập khẩu tấm pin năng lượng mặt trời thành phẩm là 0%, nhưng một số nguyên vật liệu sản xuất thì có thuế suất nhập khẩu 3-15%.
Một số rào cản khác được ông Cánh đưa ra để lý giải vì sao nguồn năng lượng mặt trời tại Việt Nam không phát triển là cho đến nay Nhà nước vẫn chưa có văn bản cho phép nối lưới điện năng lượng mặt trời, chưa có chính sách bù trừ (hoặc mua lại điện từ năng lượng mặt trời), chưa có chính sách về giá mua điện nối lưới dành cho điện mặt trời...
Cũng theo ông Cánh, trong hai năm trở lại đây, thị trường tiêu thụ tấm pin năng lượng mặt trời tại Việt Nam đã tăng đáng kể, chủ yếu là các công trình công cộng sử dụng vốn nhà nước, các địa phương chưa có điện lưới, đèn đường, điện phục vụ nông nghiệp... Nhưng dù có tăng so với trước thì thị trường pin năng lượng mặt trời tại Việt Nam hiện vẫn rất nhỏ bé, chỉ bằng 1/10.000 của thế giới.
Trong khi đó, theo tính toán của các chuyên gia năng lượng, để tạo ra 1 kWh điện thì phải sử dụng 8 mét vuông tấm pin năng lượng mặt trời với giá khoảng 12.000 đô la Mỹ, nhưng sản phẩm này có thời hạn sử dụng đến 30 năm và người sử dụng không phải trả tiền điện!