Thứ Hai, 21 tháng 12, 2015

Elon Musk: “Chúng ta đang đánh giá quá thấp sức mạnh của năng lượng Mặt Trời”

Trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 15 tháng 12, tại hội nghị American Geophysical Union, tỷ phú Elon Musk nói rằng nếu chúng ta bao phủ một góc của bang Neveda hay Utah bằng các tấm pin năng lượng Mặt Trời, thì sẽ có đủ năng lượng để cung cấp cho toàn bộ nước Mỹ.


Trong khi đó, chúng ta đang đánh giá quá thấp sức mạnh của năng lượng Mặt Trời và chưa khai thác được hết nguồn năng lượng vô giá này. “Để đánh giá được tầm quan trọng của năng lượng Mặt Trời, chúng ta có thể tưởng tượng rằng nếu đó là nguồn năng lượng duy nhất mà chúng ta có, thì chỉ cần một phần nhỏ của Tây Ban Nha chúng ta cũng có đủ năng lượng để cung cấp cho cả Châu Âu”, Elon Musk cho biết.







Điều đó cũng có nghĩa là chỉ với một phần rất nhỏ của thế giới được phủ các tấm năng lượng Mặt Trời, chúng ta cũng có đủ điện năng để cung cấp cho tất cả mọi người. Nhưng những gì mà nhà tỷ phú này phát biểu có phải là đúng, hay chỉ là những lời nói phóng đại?


Theo một nghiên cứu mới đây, nếu như công nghệ năng lượng Mặt Trời có thể đạt hiệu suất 20% trong việc chuyển đổi từ ánh sáng Mặt Trời thành điện năng, chúng ta sẽ chỉ cần một diện tích tương đương với Tây Ban Nha để có thể cung cấp năng lượng cho cả thế giới. Và theo như lời của Elon Musk thì điều đó rất có thể sẽ xảy ra vào năm 2030.


Tấm bản đồ dưới đây được nghiên cứu và lập ra bởi Land Art Generator Initiative, cho thấy những vị trí có thể đắt các “trang trại” năng lượng Mặt Trời trên thế giới. Nó cũng không hẳn là một nơi nào đó có diện tích rộng lớn và hoàn toàn bằng phẳng, mà các tấm năng lượng Mặt Trời này cũng có thể được lắp đặt phía trên các tòa nhà cao tầng và chung cư.








Theo tính toán của Land Art Generator Initiative, tổng năng lượng cần để cung cấp cho cả thế giới vào năm 2030 là 198,721 nghìn tỷ Kwh và khoảng 70% số thời gian trong năm là có ánh nắng mặt trời trên toàn cầu. Như vậy, với mức chuyển hóa hiệu quả 20%, trái đất sẽ cần 496.805 km2 tấm pin Mặt Trời.







Và nếu như tập trung toàn bộ các tấm pin Mặt Trời này vào một nơi, thì nó sẽ có diện tích tương đương với vùng đánh dấu đỏ ở trên. Cũng có nghĩa là nó chỉ mất một diện tích vô cùng nhỏ so với toàn bộ thế giới.


Vì vậy mà những gì Elon Musk phát biểu là hoàn toàn khả thi. Trong khi hiện nay, năng lượng Mặt Trời mới chỉ chiếm khoảng 0,39% tổng điện năng của toàn nước Mỹ. Do đó mà có thể thấy rằng chúng ta vẫn chưa khai thác được hết nguồn năng lượng vô tận này.


Tham khảo: BI

Pin năng lượng mặt trời in trên chất liệu nhựa

Những nhà khoa học Úc gần đây đã tuyên bố sẵn sàng đưa ra thị trường những tấm pin mặt trời sử dụng công nghệ mới.  


Nhóm nhà khoa học từ các cơ quan khoa học quốc gia của Úc như CSIRO cùng hai trường đại học Monash và Melbourne đã phát triển những tế bào năng lượng mặt trời in trên nhựa.


Đặc biệt, 50 nhà nghiên cứu gồm các nhà vật lý, hóa học và kỹ sư hi vọng sẽ thấy những tấm năng lượng mặt trời in trên nhựa được dùng trong các ứng dụng công suất thấp trong khoảng vài năm tới.


Những công nghệ tiên tiến đang dần được đưa vào giai đoạn thương mại hóa, chúng có thể thay đổi cách thức sạc năng lượng điện tử và cung cấp năng lượng cho các thiết bị cá nhân.


Các chuyên gia cho rằng tấm năng lượng mặt trời mới có chi phí thấp, hoạt động và hình dạng khác các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái silicon. Những tấm pin này có thể ở dạng bán trong suốt, dùng cho các cửa sổ màu.


Do chi phí thấp, trọng lượng nhẹ và linh hoạt nên khả năng sử dụng các tấm pin năng lượng mặt trời là vô tận. Chúng có tiềm năng được sử dụng trong một loạt ứng dụng như cửa sổ, đồ nội thất cửa sổ, cấu trúc tạm thời và bao bì sản phẩm tiêu dùng.


Pin mat troi tren mai nha


Nhóm nghiên cứu đã in những tế bào năng lượng mặt trời lên nhựa bằng cách sử dụng máy in thương mại và loại mực năng lượng mặt trời. Từ năm 2011, quá trình in này đã được phát triển.


Dự án nhằm mục tiêu phát triển những tấm pin năng lượng mặt trời có thể thay đổi hình dạng hoặc màu sắc, có trọng lượng nhẹ và thích hợp khi cung cấp một điện áp ổn định, trong nhà hoặc dưới ánh sáng thấp.


Những công nghệ mới này giúp giảm đáng kể sự phụ thuộc vào nhiều nguồn điện truyền thống tại các quốc gia phát triển như Úc.


Đồng thời nó cũng có thể cho phép phát triển nguồn năng lượng giá rẻ và dễ dàng thực hiện ở vùng sâu vùng xa của các quốc gia đang phát triển.

Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2015

Shinsung đầu tư nhà máy điện mặt trời tại Đắk Nông

Dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời và dự án Nhà máy Module năng lượng mặt trời Đắk Nông với tổng vốn đầu tư 2.373 tỷ đồng do Tập đoàn Shinsung (Hàn Quốc) đã chính thức được thành lập.



Với tổng vốn đầu tư 2.373 tỷ đồng, Dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời tại thị trấn Đức An, huyện Đắk Song và dự án Nhà máy Module năng lượng mặt trời Đắk Nông tại xã Đắk Ru, huyện Đắk R'lấp do Tập đoàn Shinsung (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư đã chính thức được khởi động từ ngày 11/12.


1468485


Dự án nhà máy điện năng lượng mặt trời do Tập đoàn Shinsung (Hàn Quốc) đầu tư tại Đắk Nông đã chính thức đưa vào thực hiện. Ảnh: TTXVN


Sự kiện được diễn ra trong khuôn khổ Hội thảo xúc tiến đầu tư của UBND tỉnh Đắk Nông.  Ông Nguyễn Bốn, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, tỉnh đã và đang tập trung thu hút đầu tư để phát triển những ngành công nghiệp mũi nhọn có nhiều lợi thế lớn của tỉnh như chế biến Alumin - nhôm, các sản phẩm sau nhôm; chế biến các sản phẩm nông lâm nghiệp và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.


Đến nay, tỉnh đã thu hút được 49 dự án lớn với số tiền đầu tư hơn 55.000 tỷ đồng. Một số dự án lớn như: Dự án nhà máy điện phâm nhôm (15.400 tỷ đồng), Dự án trồng cỏ và xây dựng trang trại nuôi bò sữa (6.300 tỷ đồng)... Với kết quả đó đã mở ra cho tỉnh Đắk Nông một diện mạo mới trong thu hút đầu tư cũng như quy hoạch đô thị đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.


Tuy nhiên, tiềm năng và lợi thế vốn có của tỉnh Đắk Nông việc thu hút đầu tư tại tỉnh vẫn chưa khai thác có hiệu quả dù các doanh nghiệp khi đầu tư vào tỉnh Đắk Nông sẽ được mức ưu đãi cao nhất trong khung ưu đãi đầu tư của Chính phủ quy định.


Phát biểu tại Hội thảo, các nhà đầu tư Hàn Quốc cho rằng, Đắk Nông không chỉ mạnh về nông nghiệp mà còn mạnh về khoáng sản. Các doanh nghiệp Hàn Quốc kỳ vọng có cơ hội đầu tư và gặt hái thành công tại tỉnh. Việc đầu tư vào Đắk Nông sẽ là cơ hội tốt cho cả 2 bên; Hàn Quốc sẽ hỗ trợ hết sức để thực hiện thành công của các dự án.


Ông Lee Hee Beom, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, công nghiệp, năng lượng Hàn Quốc cho rằng, việc doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Đắk Nông sẽ góp phần gắn kết mối quan hệ giữa Việt Nam với Hàn Quốc nói chung và Đắk Nông với Hàn Quốc nói riêng.


Theo ông Lee, Đắk Nông là địa phương có sức hút lớn về đầu tư trên nhiều lĩnh vực, nhất là việc lãnh đạo tỉnh cũng như các cơ quan rất tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư và có nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ.


Ông Lee cũng tin tưởng rằng những dự án của Tập đoàn Shinsung đầu tư vào Đắk Nông sẽ thành công và đây là khởi đầu quan trọng để các dự án sau này của Hà Quốc đầu tư vào tỉnh tiếp tục thành công.


Tập đoàn Shinsung là doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tiên đầu tư tại Đắk Nông. Những dự án được khởi động tại Hội thảo lần này là tiền đề để Shinsung tiếp tục đầu tư vào Đắk Nông./.



Thứ Năm, 3 tháng 12, 2015

Thăm quan nhà máy điện năng lượng mặt trời trên mặt nước của Nhật Bản

Điện gió và điện Năng Lượng Mặt Trời đã trở thành những lựa chọn khả thi để thay đổi nguồn cung cấp năng lượng cho con người.


Trong thời đại phát triển mạnh mẽ như hiện nay, nhu cầu năng lượng không có dấu hiệu giảm đi mà ngày càng tăng mạnh. Để đáp ứng điều này, các nguồn năng lượng truyền thông như dầu thô, than đá, thuỷ điện được khai thác triệt để trong cả thế kỷ qua.

Thế nhưng, cùng với những hậu quả mà nó gây ra như khí thải gây hiệu ứng nhà kính, các đập nước nhân tạo làm thay đổi hệ sinh thái của cả một vùng rộng lớn, việc các nguồn năng lượng hoá thạch đang dần cạn kiệt đã buộc con người phải tìm đến năng lượng sạch và tái tạo. Do vậy điện gió và điện Mặt Trời đã trở thành những lựa chọn được ưu ái.

Trong số hai loại nguồn điện tái tạo nói trên, điện Mặt trời hiện chiếm ưu thế hơn nhờ yếu tố linh hoạt có thể lắp đặt cả quy mô nhỏ như hộ gia đình lẫn quy mô lớn cho cả một khu vực. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, điện Mặt trời vẫn có một số nhược điểm.

Trước hết, chất bán dẫn Silicon sử dụng cho các tấm pin năng lượng Mặt trời là vật liệu tốt nhất nhưng cũng khá đắt đỏ. Ngoài ra, khi chạy máy phát điện, các tấm pin năng lượng Mặt trời sẽ nóng lên, làm giảm hiệu suất phát điện.

Bên cạnh đó, nếu xây dựng một trạm phát điện quy mô lớn, các nhà máy điện Mặt trời sẽ chiếm nhiều diện tích đất, đây là điều khó khăn đặc biệt đối với những quốc gia không có nhiều địa hình bằng phẳng. Từ những khó khăn trên, công nghệ điện Mặt trời nổi trên mặt nước đã ra đời, giảm tối đa những hạn hế của công nghệ điện Mặt trời lắp đặt trên mặt đất đang vướng phải.

Nắm bắt được nhu cầu cũng như sự phù hợp của loại hình công nghệ mới này, Tập đoàn Kyocera của Nhật Bản đã nhanh chóng tập trung nguồn lực khai thác, trở thành một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới về điện Mặt Trời nổi trên mặt nước.








a09w

Các tấm pin silicon tại trạm điện Mặt trời nổi Kasai.




Từ năm 1975, Kyocera của Nhật Bản đã bắt đầu nghiên cứu và phát triển năng lượng Mặt Trời. Tuy nhiên, do Nhật Bản là đất nước khá hẹp về diện tích đất đai bằng phẳng và không đủ diện tích để xây dựng các nhà máy điện Mặt Trời cỡ lớn, nên công nghệ điện Mặt Trời chủ yếu là ứng dụng với phạm vi nhỏ hẹp như trong sản xuất điện cho đèn đường, biển báo giao thông và trạm viễn thông ở khu vực miền núi.

Công nghệ điện Mặt trời nổi trên mặt nước ra đời đã giúp Nhật Bản giải quyết được hạn chế về địa hình vì nước Nhật có tiềm năng về các hồ tích nước trong nông nghiệp, hồ kiểm soát lũ, hơn thế nữa, toàn bộ đất nước Phù Tang bao quanh bởi đại dương bao la. Rõ ràng đây là tài sản quý giá để đặt các tấm panô pin cho các nhà máy điện Mặt Trời kích cỡ khác nhau.

Không thể không kể đến cú hích quan trọng cho thị trường năng lượng tái tạo của Nhật Bản nói chung cũng như công nghệ điện Mặt trời nổi nói riêng là chính sách ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo của chính phủ công bố năm 2012. Chính sách này bắt buộc tất cả các công ty kinh doanh điện trên toàn Nhật Bản phải mua một sản lượng điện nhất định từ các nguồn năng lượng tái tạo.

Với tất cả các ưu thế trên, chỉ trong một thời gian ngắn, Kyocera đã hoàn thành ba trạm điện Mặt Trời nổi trên mặt nước, trong đó trạm lớn nhất của Kyocera đặt tại hồ Sakasamaike, thành phố Kasai, tỉnh Hyogo, hoàn thành ngày 24/5 với công suất 2,3 megawatt (MGW), đủ đáp ứng nhu cầu điện cho 820 hộ dân.

Trạm điện tại Kasai lắp đặt 9.072 tấm pin năng lượng mặt trời, có tổng cộng chiều dài 333 m, rộng 77 m có tổng diện tích bề mặt hấp thụ ánh nắng 25.000 mét vuông. Các tấm pin silicon trên mặt nước, có diện tích nhỏ hơn so với các tấm pin mặt trời lắp đặt trên đất liền, sẽ được một mạng lưới làm từ sợi thuỷ tinh và chất dẻo siêu nhẹ nâng nổi trên mặt nước.








a04w

Với những ưu thế của mình, các nhà máy điện Mặt Trời nổi trên mặt nước rõ ràng là một hình mẫu về mô hình nhà máy điện bền vững, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang nỗ lực giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu.




Để cho tia sáng Mặt Trời luôn hội tụ trong các tấm silicon, tấm lưới nâng được xoay dần dần theo sự di chuyển của mặt trời trong ngày nhờ một động cơ nhỏ điều khiển từ xa qua ăng-ten. Ngoài việc không tốn diện tích đất, công nghệ này còn có những lợi thế như bề mặt thiết bị chỉ cần 5% lượng silicon so với các tấm silicon cùng cỡ đặt trên đất liền nên sẽ giúp giảm giá thành.

Các tấm pin Mặt Trời trên mặt nước còn giúp ngăn chặn 90% nước bốc hơi, ngăn chặn sự phát triển của tảo và các sinh vật hữu cơ trong môi trường nước bằng cách giữ mát cho bề mặt nước. Trạm bán điện cho Công ty điện lực Kansai ở Osaka với tổng giá trị khoảng 96 triệu yên (780.000 USD)/năm.

Theo chuyên gia của Kyocera, chi phí và thời gian lắp đặt các trạm điện này giảm nhiều so với các trạm điện lắp đặt trên đất liền. Các kết nối bền vững song không cố định mà có độ linh hoạt nên có khả năng chịu được các yếu tố thời tiết tiêu cực như bão, lốc cao hơn so với các tấm pin được lắp đặt trên đất liên. Bên cạnh đó, hoạt động vận hành và bảo trì cũng không đòi hỏi nhiều công sức nên nhân lực để vận hành cho trạm điện tại Kasai chỉ có khoảng từ 4-6 người.









Kyocera hy vọng các nhà máy điện Mặt Trời nổi của mình sẽ đóng góp cho nỗ lực phát triển các nguồn năng lượng tái tạo của Nhật Bản.




Tất nhiên, khi phát triển công nghệ điện Mặt Trời nổi, các nhà khoa học cũng đã cân nhắc đến những tác động tiêu cực mà công nghệ này có thể gây ra liên quan đến yếu tố môi trường, kỹ thuật.

Theo Kyocera, các tấm pin sử dụng tại nhà máy ở Kasai được làm từ chất polyoethelene có khả năng chịu được tia tử ngoại và ăn mòn, đảm bảo pin không bị ăn mòn, không làm ảnh hưởng đến chất lượng nước. Tuy nhiên, có một hạn chế không thể phủ nhận là trạm điện Mặt Trời khó có thể hoạt động khi mùa Đông đến do không đủ ánh nắng để phát điện.

Kể từ năm 2011, khi xảy ra thảm họa động đất sóng thần với nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima, Nhật Bản chú trọng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Nhận định điện Mặt Trời nổi là một công nghệ có tiềm năng phát triển đầy hứa hẹn, Kyocera đã lên kế hoạch phát triển thêm từ 10 đến 15 dự án.

Hiện tại, Kyocera cũng đang xây dựng nhà máy điện Mặt Trời nổi tại hồ chứa ở tỉnh Chiba với công suất là 13,4 megawatt.


Bài, ảnh: Nguyễn Tuyến-Gia Quân (P/v TTXVN tại Nhật Bản)

Thứ Ba, 1 tháng 12, 2015

Hội nghị COP21 : Lập liên minh điện năng lượng mặt trời quốc tế

(Samtrix.vn) - Liên minh tập hợp khoảng 100 quốc gia, hướng tới mục tiêu kép: ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy giải pháp tăng trưởng giá rẻ.





Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP 21, ngay trong ngày khai mạc, Thủ tướng Ấn Độ cùng Tổng thống Pháp đã công bố thành lập Liên minh Năng lượng Mặt trời Quốc tế theo sáng kiến của Ấn Độ. Cùng với đó, nhiều sáng kiến khác đã được đưa ra.














ttxvn__thu_tuong_an_do_0112
Việc sử dụng các nguồn năng lượng như than đá làm cho Trái Đất nóng thêm. Ảnh: Getty.




Liên minh Năng lượng Mặt trời Quốc tế tụ họp khoảng 100 quốc gia dồi dào năng lượng mặt trời nhằm tận dụng nguồn năng lượng tự nhiên nhiều tiềm năng này trong mục tiêu kép: ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy giải pháp tăng trưởng giá rẻ.

Pháp, Mỹ và Trung Quốc đã tuyên bố tham gia là thành viên của liên minh này.


Phát biểu tại lễ công bố, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đánh giá cao ý tưởng của Chính phủ Ấn Độ - một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu và đặc biệt của Thủ tướng Modi - nhà lãnh đạo rất tích cực trong vấn đề chống biến đổi khí hậu.


Tổng thư ký Ban Ki-moon nói: "Một trong những phương tiện chủ chốt trong ứng phó với biến đổi khí hậu và đấu tranh chống đói nghèo là phát triển năng lượng tái tạo. Đây là một trong những ý tưởng thành công nhất và chúng tôi đánh giá cao ý tưởng của Thủ tướng và chính phủ Ấn Độ trong việc thành lập liên minh năng lượng mặt trời. Liên Hợp Quốc xin chúc liên minh thành công. Chúng ta cần phát triển mà không phá hoại, như lời Thủ tướng Ấn Độ, và liên minh này sẽ giúp tận dụng nguồn năng lượng mặt trời và đóng góp vào phát triển các quốc gia nghèo. Tôi trông chờ các quốc gia phát triển sẽ cung cấp các công nghệ và giải pháp tài chính cho việc phát triển liên minh này."


Phát triển năng lượng mặt trời là trọng tâm của kế hoạch quốc gia của Ấn Độ, với mục tiêu đạt 100 gigawatt vào năm 2022 và tăng nhiều hơn nữa trong tương lai. Thủ tướng Ấn Độ nhấn mạnh ý tưởng "giá rẻ" này có thể giúp tận dụng các nguồn vốn vay nước ngoài, giúp giảm giá thành các cơ sở năng lượng mặt trời tại Ấn Độ.


Ngay trong ngày đầu tiên của Hội nghị COP 21, một loạt sáng kiến đã được đưa ra nhằm ứng phó tốt với biến đổi khí hậu và tìm giải pháp tài chính "giá rẻ" cho các nỗ lực ứng phó đó.


Sáng kiến của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc


Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đưa ra sáng kiến mới để tăng khả năng chịu đựng cho những nước bị tổn thương nhiều nhất trên thế giới vì tác động của biến đổi khí hậu. Sáng kiến gồm có áp dụng các hệ thống cảnh báo sớm; thiết lập bảo vệ xã hội và bảo hiểm; nâng cao năng lực, xây dựng và củng cố cơ sở hạ tầng bền vững để ứng phó... Trong đó, lĩnh vực tư nhân đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai sáng kiến này.


Sáng kiến sẽ giúp đáp ứng nhu cầu của khoảng 634 triệu người trên thế giới, tương đương khoảng 1/10 dân số toàn cầu sống tại những vùng ven biển có nguy cơ cao bị nhấn chìm nếu trái đất tiếp tục nóng lên; cũng áng kiến này sẽ giúp huy động nguồn tài chính và hiểu biết; thúc đẩy các mối quan hệ đối tác lên tầm cao, tăng cường phối hợp các hoạt động để đạt được những kết quả rõ rệt.


Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nói: “Có những người mà hành động của họ rất tác động rất nhỏ đến tình trạng biến đổi khí hậu, nhưng họ lại phải chịu mất nhà cửa, mất việc làm và thậm chí cả mạng sống bởi những tác động ngày càng nặng nề của biến đổi khí hậu. Đó là lý do vì sao tôi yêu cầu hệ thống các tổ chức, cơ chế của Liên Hợp Quốc cùng áp dụng một gói các sáng kiến để hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương nhất.”


Được biết, có 13 cơ quan của LHQ tham gia sáng kiến của Tổng thư ký Ban Ki-moon như FAO, UNEP, UNFCCC, UNICEF, UNESCO, WHO, UNFPA, WEF...


Đánh thuế, định giá đối với lượng khí thải carbon 


Đánh thuế, định giá đối với lượng khí thải carbon cũng là một ý tưởng đáng chú ý được đưa ra ngay trong ngày đầu tiên của Hội nghị COP 21. 6 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các nước gồm Pháp, Chile, Ethiopia, Đức, Mexico và Canada và ban lãnh đạo Ngân hàng Thế giới WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã kêu gọi các nước, các công ty ủng hộ ý tưởng của họ về việc đánh thuế đối với lượng khí thải carbon.


Các nước nêu sáng kiến này tuyên bố mục tiêu là đưa ra một mức giá hợp lý đánh vào lượng khí thải carbon trên khắp thế giới để hạn chế mức thải vào bầu khí quyển toàn cầu.


Hiện nay, có khoảng 40 nước và 23 thành phố đã thực hiện chính sách đánh thuế đối với lượng khí thaỉ với những chương trình và cơ chế cho một lượng khí thải chiếm khoảng 12% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Báo cáo mới của Ngân hàng thế giới chỉ ra rằng số quốc gia thực hiện việc định giá đánh vào khí thải trên thế giới đã tăng gần gấp đôi từ năm 2012 và đến nay thu được khoảng 50 tỷ USD./.




Apple xây dựng thêm 3 nhà máy điện mặt trời tại Trung Quốc

(Samtrix.vn) - Công ty năng lượng SunPower đã đồng ý xây dựng các nhà máy năng lượng mặt trời mới tại Trung Quốc cho Apple.


1468488


Ba nhà máy năng lượng mặt trời được xây dựng tại Trung Quốc sẽ có tổng công suất lên tới 170 MW do chủ đầu tư xây dựng SunPower có trụ sở tại California (Mỹ).


Ba "trang trại mặt trời" sẽ được đặt tại khu vực Nội Mông của Trung Quốc và đồng sở hữu bởi công ty Tianjin Zhonghuan Semiconductor cùng một đối tác thứ ba. Công trình dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2016.


Một trang trại 100 MW sẽ được đặt tại làng Shangtuhai, tỉnh Vũ Xuyên trong khi nhà máy có công suất 50 MW sẽ được xây dựng tại Mandahtu Town Sunite Zuoqi, thị trấn Xilin Gol, Nội Mông. Khoản công suất 20 MW còn lại sẽ được khai thác từ làng Qianbaimiao, Khải Lý, tỉnh Quý Châu.


Các đối tác đầu tư và bên thứ ba hiện chưa công bố bằng văn bản nhưng CEO SunPower, Tom Werner cho biết, Apple sẽ tham gia đóng góp cổ phần vào dự án.


1468485


Đây không phải dự án hợp tác đầu tiên với SunPower của Apple. Hồi tháng Tư, SunPower cũng đã nhất trí xây dựng một nhà máy năng lượng mặt trời công suất 40 MW tại tỉnh Tứ Xuyên nhằm bù đắp một lượng lớn điện năng tiêu thụ từ các hoạt động và nhà cung ứng của Apple. Mức công suất trên tương đương với lượng điện năng cung cấp cho 61.000 hộ gia đình Trung Quốc.


Hồi tháng trước, Apple cũng cho biết đang lên kế hoạch đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo với quy mô công suất lên tới 200 MW, đồng thời khuyến khích các đối tác cung ứng cần thực hiện các cam kết tương tự Táo Khuyết.


Phần lớn lượng điện năng sản xuất của Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào than đá, loại chất đốt góp phần gây ô nhiễm không khí năng và gia tăng mức độ biến đổi khí hậu.