Thứ Hai, 6 tháng 6, 2016

Cần khuyến khích lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà

(Samtrix.vn) - Theo Giáo sư Viện sĩ Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam - thực hiện mô hình điện mặt trời lắp mái sẽ góp phần giảm áp lực về điện trong bối cảnh nguồn năng lượng hóa thạch phục vụ cho sản xuất điện đang gặp khó khăn.


Tích tiểu thành đại


Giáo sư Trần Đình Long cho biết: Trong số những nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam, điện mặt trời có tính khả thi cao, dễ thực hiện, đặc biệt là điện mặt trời lắp mái. Xu hướng của thế giới là không cần làm “hoành tráng” mà hướng đến ngôi nhà thông minh, tích tiểu thành đại, lại không cần phải thay đổi điều kiện cơ sở hạ tầng lưới điện hiện nay.


dien nang luong mat troi tren mai


(Hệ thống pin năng lượng mặt trời trên mái nhà - photo : samtrix.vn)


Theo tính toán của Hội điện lực, với mỗi mái nhà có diện tích khoảng 2-10m2 là có thể lắp đặt được các tấm pin mặt trời công suất 3-4 kW. Tổng số tiền đầu tư cho toàn bộ hệ thống bao gồm tấm pin, ắc quy, inverter, công tơ hai chiều... khoảng 10-50 triệu đồng, chỉ sau 6-7 năm có thể thu hồi vốn. Trong tương lai, số tiền đầu tư sẽ giảm xuống khi các sản phẩm thiết bị ngày càng rẻ hơn, nhất là một số sản phẩm, thiết bị đã sản xuất được ở trong nước.

Trên thực tế, điện mặt trời lắp mái hòa mạng đã được triển khai và chứng minh tính hiệu quả. Đơn cử, hệ thống pin mặt trời của Trung tâm Hội nghị quốc gia công suất 154 kWp, trạm pin mặt trời nối lưới đặt trên mái nhà làm việc Bộ Công Thương 12 kWp, trên nóc nhà siêu thị Big C và Trung tâm Thương mại Green Square tại Bình Dương công suất 212 kWp...


Thống kê của EVN cho thấy, cả nước có khoảng trên 24 triệu hộ khách hàng, trong đó có trên 16 triệu hộ ở nông thôn. Chỉ cần triển khai 10% trong số này, Việt Nam sẽ có thêm gần 5.000 MW bằng 3-4 nhà máy nhiệt điện than lớn.


Cần sự hỗ trợ về cơ chế


Trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh có đặt ra mục tiêu đưa tổng công suất nguồn điện năng lượng mặt trời, điện gió đến năm 2020 đạt khoảng 1.650 MW. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nếu triển khai theo hình thức tập trung thì sẽ khó đạt được vì chỉ còn 4 năm nữa.


Mặt khác, để đầu tư xây dựng 1MW điện gió cần tới 2 ha đất, 1MW điện mặt trời cần 1 ha đất. Đó là chưa kể đến các yếu tố khác như nguồn vốn, kỹ thuật, diễn biến của thời tiết, thời gian lập dự án đầu tư, thi công xây dựng...


“Kinh nghiệm thực tế ở các nước phát triển, không phải cánh đồng điện gió nào cũng hoạt động trơn tru 100% công suất. Vì vậy, điện mặt trời lắp mái được coi như giải pháp tối ưu hiện nay. Vấn đề là giải quyết nút thắt là cơ chế giá chứ không phải vướng mắc về khoa học kỹ thuật” – Giáo sư Long chia sẻ thêm.


Nếu điện mặt trời lắp mái triển khai rộng rãi sẽ mang lại lợi ích lớn cho cả người tiêu dùng và xã hội. Điện lắp mái dễ dàng đầu tư, lắp đặt nhanh chóng, sửa chữa, bảo dưỡng; nguồn vốn đầu tư không lớn; không tốn diện tích đất mà còn giúp nhà mát hơn về mùa hè. Mặt khác, nó bảo đảm không phát khí thải nhà kính, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, khách hàng lại được hưởng tiền chênh lệch từ giá mua - bán điện. Nghĩa là mua điện theo giá bậc thang quy định và bán điện với cơ chế giá ưu đãi. Còn về phía nhà nước, ngành điện giảm được gánh nặng tài chính để đầu tư xây dựng thêm nguồn điện, địa phương không lo quy hoạch đất cho năng lượng tái tạo.



Giáo sư Viện sĩ Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho biết :

"Nếu có một chính sách, cơ chế hỗ trợ như giá bán điện, nguồn tài chính với lãi suất thấp, thủ tục thuận lợi, khi thấy lợi ích người dân sẽ tự làm chứ không cần phải hô hào."


Nguồn: Đình Dũng/Báo Công thương điện tử

Điện năng lượng mặt trời đợi chính sách của chính phủ

(Samtrix.vn) - Giá bán lẻ điện thấp đang là rào cản chính đối với phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời, bởi các nguồn năng lượng tái tạo có chi phí đầu tư ban đầu khá cao.


Báo cáo “Xanh hóa gói điện năng - các chính sách mở rộng điện mặt trời ở Việt Nam” vừa được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) hoàn tất với hàng loạt phân tích liên quan nhằm phát triển điện mặt trời trong điều kiện bức xạ mặt trời ở Việt Nam khá lớn và tiềm năng cho điện mặt trời đặc biệt cao ở miền Trung và miền Nam.


Bên cạnh đề xuất mức giá mua điện mặt trời vào lưới điện quốc gia là 15 UScent/kWh trong đất liền và 19 UScent/kWh ngoài hải đảo trong thời gian 20 năm, UNDP cũng khuyến nghị, cần hỗ trợ tài chính cho các hệ thống quang điện mặt trời độc lập cũng như hoà lưới ở các vùng sâu và hải đảo, đồng thời có các chính sách ưu đãi nhằm giảm chi phí đầu tư vào các nhà máy quang điện mặt trời, hệ thống điện mặt trời trên nóc nhà và các hệ thống quang điện mặt trời cộng đồng.












nha may dien nang luong mat troi 2
.Nhà máy điện năng lượng mặt trời  - Nguồn samtrix.vn

Hướng đề xuất cụ thể là việc trợ giá điện mặt trời được thực hiện bằng cách quy định EVN sẽ mua điện mặt trời của một số nhà máy được chấp thuận theo biểu giá ưu đãi và trợ giá “chéo” điện mặt trời từ các nguồn điện khác, chủ yếu là thủy điện, trong khi chờ quyết định biểu giá bán lẻ và các cải cách khác của ngành năng lượng. “Các biểu giá mua điện đề xuất cho các nhà máy điện mặt trời trong đất liền và ngoài hải đảo có thể kích thích đầu tư một cách hiệu quả”, Báo cáo viết, song cũng đồng thời nhắc tới giải pháp “bán đấu giá ngược” để lựa chọn các hệ thống điện mặt trời, đặc biệt để quyết định các dự án đầu tư lớn đầu tiên cho nhà máy điện mặt trời.

Cho rằng “trên thế giới, kỹ thuật và tài chính năng lượng tái tạo đang thay đổi tích cực và nhanh chóng, Việt Nam cần tiếp cận và tận dụng những đổi thay này”, ông Bakhodir Burkhanov, Phó giám đốc Quốc gia của UNDP tại Việt Nam khuyến nghị, Việt Nam cần có chính sách và hướng dẫn cụ thể nhằm khuyến khích việc áp dụng giao thông điện, túi ủ khí sinh học và lắp đặt các tấm quang điện mặt trời trên nóc nhà, như ở Tòa nhà Xanh của Liên hợp quốc tại Hà Nội, với chi phí sử dụng điện giảm đáng kể, nhưng lại góp phần bảo vệ môi trường.


Đến từ Bộ Công thương, ông Phạm Trọng Thực, Vụ trưởng Vụ Năng lượng mới và tái tạo (Tổng cục Năng lượng) cho hay, Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam có mục tiêu chung là giảm 25% lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam và phần lớn các hộ gia đình sẽ được tiếp cận các dịch vụ năng lượng đáng tin cậy, bền vững và hiện đại với giá cả phải chăng vào năm 2030.


Một trong những trọng tâm của chiến lược này là ưu tiên các công nghệ đã được công nhận trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, bao gồm thủy điện, năng lượng gió, mặt trời, năng lượng sinh khối và khí sinh học. Mục tiêu cụ thể là đưa tổng công suất nguồn điện mặt trời từ mức không đáng kể hiện nay lên 850 MW vào năm 2020; 4.000 MW năm 2025 và 12.000 MW năm 2030 (tương đương tỷ trọng điện mặt trời chiếm 0,5% tổng sản lượng điện sản xuất ra vào năm 2020; 1,6% năm 2025 và 3,3% năm 2030).


Để đạt mục tiêu đó, Bộ Công thương đang xây dựng chính sách theo hướng thành lập quỹ phát triển năng lượng bền vững sử dụng các nguồn từ ngân sách nhà nước, phí môi trường đối với nhiên liệu hóa thạch và các nguồn khác; chính sách giá điện và đảm bảo đầu tư: xây dựng giá bán điện cho các dạng năng lượng tái tạo nối lưới hay quy định các đơn vị điện lực có trách nhiệm mua toàn bộ lượng điện năng sản xuất từ năng lượng tái tạo.


Ngoài ra, Bộ Công thương cũng dự tính sẽ quy định các đơn vị phát điện có công suất lớn hơn 1.000 MW (không tính BOT) sẽ phải phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo với tỷ lệ tương ứng bắt buộc như đến năm 2020 không thấp hơn 3%; năm 2030 không thấp hơn 10%; năm 2050 không thấp hơn 20%. Đồng thời, các đơn vị phân phối điện có tỷ lệ điện năng mua từ các nguồn năng lượng tái tạo không thấp hơn 5% đến năm 2020; 10% năm 2030 và 20% năm 2050.


Cũng nhằm phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời, các chuyên gia cho rằng, việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong ngành điện là một nguyên nhân gây phát thải khí nhà kính trong tương lai.


“Sản xuất điện ở Việt Nam vẫn sẽ phụ thuộc vào than và than là nguyên nhân chủ yếu gây phát thải khí nhà kính. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam đi ngược lại xu hướng trên thế giới”, ông Bakhodir Burkhanov nói và cho hay, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị thu hẹp đầu tư do điện than là hiểm họa môi trường đối với quốc gia và toàn cầu trong những thập niên sắp tới.


Nhận xét của các chuyên gia trong Báo cáo cũng cho thấy, điện than thường được coi là nguồn điện rẻ và gánh nặng lớn do điện than gây ra thường không được tính đến trong các lựa chọn chính sách và ngân sách. Việc sản xuất điện đốt than ở Việt Nam vẫn được gián tiếp trợ giá bằng thủy điện giá rẻ và một vài cơ chế khác. “Nếu giá các-bon ở mức 5 hay 10 USD/tấn để minh họa cho việc loại bỏ dần các khoản trợ giá nhiên liệu hóa thạch và tính gộp các chi phí sử dụng các phương tiện than vào giá điện đốt than sẽ có ý nghĩa quan trọng làm cho các hình thái năng lượng tái tạo khác nhau có tính cạnh tranh và giúp thu hút được đầu tư tư nhân trong nước và quốc tế trong sản xuất điện mặt trời”, Báo cáo viết.



Thanh Hương