Thứ Ba, 31 tháng 10, 2017

Cần nhân rộng lắp đặt "điện mặt trời nối lưới trên mái nhà"

Đó là khẳng định của các chuyên gia đến từ Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tại Hội thảo "Chính sách cơ chế bù trừ điện năng nhằm hỗ trợ, nhân rộng phát triển điện mặt trời trên mái nhà" vừa diễn ra tại Hà Nội.

Ông Alejandro Montalban, Trưởng Bộ phận Hợp tác và Phát triển, Phái đoàn Liên Minh châu Âu tại Việt Nam khẳng định, việc hoàn thiện chính sách sẽ giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình phát triển điện mặt trời trên mái nhà.

Ông Alejandro Montalban, Trưởng Bộ phận Hợp tác và Phát triển, Phái đoàn Liên Minh châu Âu tại Việt Nam khẳng định, việc hoàn thiện chính sách sẽ giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình phát triển điện mặt trời trên mái nhà.


Theo các chuyên gia, các dự án điện mặt trời trên mái nhà có thể được kết nối lưới mà không ảnh hưởng đến khả năng vận hành của lưới điện.

Nhận định này càng được khẳng định qua hoạt động chạy lập trình thí điểm tại khu công nghiệp Hòa Cầm ở thành phố Đà Nẵng.

Theo kinh nghiệm, các dự án điện mặt trời trên mái nhà sẽ được lắp đặt trước tiên tại các khu công nghiệp vì diện tích lớn trên mái nhà và hệ thống kết nối lưới đã khá hoàn thiện.

Ông  Alejandro Montalban, Trưởng Bộ phận Hợp tác và Phát triển, Phái đoàn Liên Minh châu Âu tại Việt Nam cho biết, qua các hoạt động đã chứng minh rằng việc kết nối lưới các dự án điện mặt trời trên mái nhà là hoàn toàn có khả năng.

Đây là kết luận quan trọng trong bối cảnh Cục Điều tiết Điện lực đang tiến hành soạn thảo chính sách cho điện mặt trời trên mái nhà quy mô nhỏ, với cơ chế bù trừ điện năng, và các dự án điện mặt trời quy mô lớn.

Ông Nguyễn Quang Minh, Phó phòng Hệ thống điện, Cục Điều tiết Điện lực cho rằng, nhu cầu sử dụng năng lượng tại Việt Nam ngày càng gia tăng, đi kèm theo đó, Việt Nam cũng nhận được nhiều lời đề nghị cần phải phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió, điện mặt trời thay vì tập trung vào thủy điện và nhiệt điện than.

“Chính phủ đã ban hành cơ chế phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo. Với các cơ chế này, chắc chắn tỷ trọng nguồn điện năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời sẽ tăng lên trong thời gian tới”, ông Minh nói.

Thời gian qua, Cục Điều tiết Điện lực đã nhận được hỗ trợ của Tổ chức Sáng kiến năng lượng châu Âu về Đối thoại và Hợp tác, và đã phối hợp với đơn vị tư vấn quốc tế để thực hiện dự án về rà soát đánh giá các quy định để triển khai lắp đặt công tơ hai chiều để phát triện điện mặt trời lắp mái.



Theo đánh giá, Việt Nam có tiềm năng dồi dào để phát triển điện mặt trời, với tiềm năng kỹ thuật lên đến 300 Gigawatt (GW).

Chính phủ đã đưa ra mục tiêu lắp đặt 12 GW điện mặt trời vào năm 2030. Năm nay, Chính phủ đã có quyết định mới về cơ chế hỗ trợ cho các dự án điện mặt trời, bao gồm giá mua điện 9,35 UScent/kWh từ các dự án nối lưới và cơ chế bù trừ điện năng để mua lượng điện dư từ các dự án trên mái nhà cũng ở mức giá 9,35 UScent/kWh.

Quyết định này là một bước tiến quan trọng, bởi nó đề ra cơ chế thu hút các đầu tư khu vực tư nhân vào phát triển điện mặt trời.

Phát triển năng lượng tái tạo trong tương lai gần có thể làm cho giá điện tăng nhanh hơn, nhưng với mức tăng không nhiều. Tuy nhiên, về lâu dài, phát triển năng lượng tái tạo sẽ thu được lợi ích không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm nhập khẩu năng lượng…

Điều này cũng được ông Alejandro Montalban lưu ý, với các cơ chế khuyến khích về giá điện mặt trời cộng với các cơ chế ưu đãi về đất đai và khoa học công nghệ, việc đầu tư vào các dự án điện mặt trời sẽ tăng nhanh,  chắc chắn giá điện mặt trời sẽ giảm nhanh trong thời gian tới. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn chưa có đủ tất cả các điều kiện cần thiết để phát triển năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng.

“Việt Nam đề ra một mục tiêu khá tham vọng về khai thác tiềm năng năng lượng mặt trời. Chính phủ Việt Nam cũng đã thể hiện rõ quyết tâm đạt được mục tiêu này. Bởi vậy, chúng tôi sẽ hỗ trợ và chia sẻ những kinh nghiệm từ quốc tế để góp sức vào quá trình này”.

Vì vậy, Liên minh châu Âu cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam triển khai từng bước trong quá trình chuyển đổi sang một ngành năng lượng bền vững, thông qua việc thiết lập các cơ chế luật pháp hữu hiệu và cơ chế kỹ thuật thúc đẩy đầu tư trong ngành năng lượng tái tạo, và đặc biệt là điện mặt trời trên mái nhà.

Thứ Ba, 24 tháng 10, 2017

EVN tham gia phát triển điện mặt trời tại Việt Nam

Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng phát triển điện mặt trời rất lớn. Tuy vậy, trong thực tế, sự phát triển nguồn điện này đang ở mức độ hạn chế.

Theo số liệu đánh giá của ngành điện, ở Việt Nam cường độ bức xạ mặt trời trung bình khá cao, khoảng 5kWh/m2/ngày và số giờ nắng đến khoảng 1700 - 2500 giờ/năm.

Tuy vậy, trong thực tế, việc phát triển nguồn điện này ở nước ta lại rất khiêm tốn. khai thác chưa thật đáng kể.

Xuất phát từ tình hình đó, với vai trò trách nhiệm là đầu tàu, trụ cột của ngành năng lượng, và là đơn vị chủ lực đảm bảo nguồn cung ứng điện cho nền kinh tế, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đã ban hành Nghị quyết về nghiên cứu phát triển điện mặt trời.

Điện mặt trời có những thế mạnh vượt trội so với các nguồn điện tự nhiên khác. Chẳng hạn, nguồn điện sinh khối có công suất rất khiêm tốn mà chi phí đầu tư lại lớn. Còn với điện gió, theo tính toán, để làm được 1MW điện gió phải cần đến 2 ha mặt bằng và chỉ thực hiện được ở một số khu vực. Rồi đến khi đặt tua-bin gió thì cũng lo không biết có chạy được không, rồi mưa bão có hỏng không vv…

Với điện mặt trời, để sản sinh được 1MW chỉ cần 1 ha mặt bằng và có thể triển khai ở mọi vùng miền trên cả nước - nhất là việc sử dụng các panel đặt trên mái nhà. Chi phi cho điện mặt trời lại thấp, chẳng hạn với 1 bộ pin mặt trời nối lưới có công suất 3-4 kW chỉ chi khoảng 80-100 triệu đồng. Và nếu nhà nào cũng đặt thì công suất thu về tổng cộng sẽ rất lớn.

Lợi ích kinh tế của điện mặt trời lại rất lớn, không chỉ cho ngành điện mà cả các hộ gia đình. Vì vậy, nếu mỗi nhà dùng 1 tháng khoảng 300-400kWh thì cũng chỉ mất 6-7 năm là có thể thu hồi được vốn, trong khi mái nhà được phủ pin kín cũng luôn được mát mẻ.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã triển khai thực hiện các dự án về điện mặt trời. Cụ thể, EVN giao cho Ban quản lý Dự án Thủy điện 6 nghiên cứu triển khai dự án điện mặt trời trên cạn và nổi trên mặt hồ tại công trình Thủy điện Trị An.

Phần trên cạn có công suất lắp đặt khoảng 100MW với diện tích đất sử dụng khoảng 120ha, đấu nối vào lưới điện 110kV, hoặc 220kV hiện có trong khu vực. Phần nổi trên mặt hồ dự kiến công suất lắp đặt khoảng 10MW, diện tích sử dụng khoảng 120.000m2 diện tích hồ thủy điện, ưu tiên gần lưới điện phân phối (22kV) hiện có, không ảnh hưởng đến giao thông thủy và các hoạt động kinh tế liên quan (vận hành thủy điện, đánh bắt thủy sản…), không ảnh hưởng đến kết cấu đập.









điện mặt trời,điện gió

Một dự án điện mặt trời tại Khánh Hòa.



Ngoài ra, EVN còn giao cho một số đơn vị phối hợp với Công ty Cổ Phần Tư vấn Xây dựng điện 4 (PECC4) nghiên cứu bước đầu Dự án điện mặt trời nổi trên hồ Thủy điện Đa Mi (tỉnh Bình Thuận) với công suất dự kiến khoảng 28,8MW; Dự án Nhà máy điện mặt trời nổi tại hồ Thủy điện Đồng Nai 4 (tỉnh Đồng Nai) cùng công suất 28,8MW. Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đề xuất nghiên cứu đầu tư Dự án Trang trại điện mặt trời tại Khánh Hòa. Và Tổng Công ty Phát điện 1 (EVNGENCO 1) cũng nghiên cứu đề xuất và triển khai lắp đặt các dự án điện mặt trời trên mặt hồ thủy điện do EVNGENCO 1 quản lý tại khu vực miền Trung.

Ông Tổng giám đốc EVNGENCO 1 cho biết: "Việc nghiên cứu phát triển đầu tư xây dựng các dự án điện mặt trời trên mặt hồ thủy điện khu vực miền Trung không chỉ bổ sung nguồn điện, mà còn là một trong những giải pháp tích cực, đảm bảo thực thi chỉ tiêu về giảm phát thải khí nhà kính mà Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị COP 21 vừa qua".

Tuy vậy, trong thực tế, các công trình phát triển nguồn điện này ở nước ta như thế vẫn đang còn khiêm tốn, việc khai thác như trên vẫn còn hạn chế.

Tóm lại, mặc dù các nhà đầu tư đã bắt đầu đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng dự án điện mặt trời tại Việt Nam, nhưng theo tìm hiểu, hầu hết các dự án vẫn còn nằm trên giấy. Bên cạnh đó, trình tự, thủ tục xin cấp phép xây dựng, bổ sung dự án điện mặt trời vào quy hoạch điện lực của quốc gia và từng địa phương còn rườm rà. Và đây chính là những rào cản đòi hỏi các cơ quan quản lý, các cấp chính quyền phải vào cuộc tháo gỡ trong thời gian tới, để điện mặt trời có thể phát triển đạt mục tiêu đề ra.

Trần Minh - Vietnamnet

Thứ Hai, 23 tháng 10, 2017

Điện năng lượng mặt trời về với bản làng vùng cao

Để cung cấp điện cho các bản làng thuộc những xã điện lưới Quốc gia không đến được, tỉnh Quảng Bình đã có chiến lược đưa năng lượng mặt trời vào phục vụ người dân. Sau hơn 2 năm triển khai, dự kiến đến tháng tháng 12/2017, dự án này sẽ hoàn thành và tiến hành nghiệm thu, bàn giao.



Dự án Cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời tại tỉnh Quảng Bình được Chính phủ Hàn Quốc tài trợ và triển khai xây dựng vào tháng 7/2015. Dự án gồm 7 gói thầu, trong đó gói thầu số 7 (xây lắp và thiết bị) là gói thầu lớn nhất, chiếm toàn bộ khối lượng thực hiện dự án.

Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án Cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời tỉnh Quảng Bình, đến nay gói thầu số 7 đã đạt trên 90%, riêng thiết bị dự phòng dự kiến trong tháng 10, nhà thầu sẽ nhập khẩu về Việt Nam.

Hệ thống điện năng lượng mặt trời tại xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch

Hệ thống điện năng lượng mặt trời tại xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch


Hiện nhà thầu đã vận chuyển thiết bị chính lên địa bàn tất cả các địa phương vùng dự án và tiến hành lắp đặt thiết bị cơ bản, trong đó đã hoàn thành 4 điểm lớn tại Tân Trạch, Thượng Trạch (huyện Bố Trạch) và các điểm độc lập thuộc 2 huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý Dự án Cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời tỉnh Quảng Bình cũng đã hoàn thành công tác tập huấn tại xã Kim Thủy, Ngân Thủy (huyện Lệ Thủy); Tân Trạch (huyện Bố Trạch); Trường Sơn (huyện Quảng Ninh); Trọng Hóa (huyện Minh Hóa). Riêng 3 xã Thượng Trạch, Sơn Trạch (huyện Bố Trạch) và Trường Xuân (huyện Quảng Ninh) sẽ tổ chức tập huấn trong tháng 10.

Dự án điện năng lượng mặt trời cho các bản làng vùng cao dự kiến sẽ hoàn thành và tiến hành nghiệm thu vào tháng 12/2017

Dự án điện năng lượng mặt trời cho các bản làng vùng cao dự kiến sẽ hoàn thành và tiến hành nghiệm thu vào tháng 12/2017


Theo dự kiến ban đầu dự án năng lượng mặt trời sẽ hoàn thành trong tháng 9/2017, tuy nhiên do ảnh hưởng của mưa bão, địa hình tại các vùng dự án bị chia cắt, sạt lở, nước suối dâng cao nên tiến độ dự án đã bị chậm lại.

UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã đồng ý gia hạn thời gian thi công và chỉ đạo dự án sẽ phải hoàn thành trong tháng 11/2017 để tiến hành nghiệm thu, bàn giao vào tháng 12.

Tiến Thành - Báo điện tử Dân Trí