Thứ Năm, 19 tháng 7, 2018

Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh điện mặt trời nối lưới

[Samtrix.vn] - Ông Nguyễn Tấn Hưng, Trưởng ban quan hệ cộng đồng (Tổng công ty Điện lực TP.HCM - EVNHCMC) vừa có thông tin đến báo chí việc triển khai mô hình điện mặt trời nối lưới đến khách hàng có nhu cầu trên toàn địa bàn.

Theo đó, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại VN, hiện EVNHCMC đang tập trung triển khai khẩn trương công việc này. Điểm ưu việt của điện mặt trời là nguồn năng lượng tái tạo, vĩnh cửu không bị cạn kiệt như những nguồn năng lượng hóa thạch: than đá, dầu mỏ..., lại thân thiện với môi trường, không bỏ tiền vận hành, chi phí bảo trì thấp nên sử dụng điện mặt trời sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí. Ngoài ra, khi sử dụng không hết điện, người dùng vẫn có thể bán lại phần dư cho ngành điện với giá 2.086 đồng/kWh, góp phần thực hiện chủ trương sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Chính phủ.


Tính đến nay, toàn TP.HCM đã có 412 khách hàng, trong đó có một số doanh nghiệp lớn tự đầu tư, lắp đặt điện mặt trời với tổng công suất 4.699,5 kWh, có thông báo với tổng công ty và 346 khách hàng đăng ký bán lại phần điện dư cho ngành điện.


Để hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người dùng, EVNHCMC đã chủ động triển khai kiểm tra thử nghiệm các yêu cầu kỹ thuật hệ thống điện mặt trời nối lưới theo qui định và lắp đặt điện kế hai chiều miễn phí, đồng thời tổ chức ghi nhận chỉ số điện năng tiêu thụ và chỉ số điện mặt trời phát ngược lên lưới bán cho ngành điện khi khách hàng có yêu cầu.


Thứ Tư, 18 tháng 7, 2018

Hàng tỉ đô la Mỹ đổ vào Điện mặt trời ở Việt Nam

Hàng tỉ USD đang đổ vào các dự án điện mặt trời Việt Nam, nhất là từ khi Chính phủ có quyết định ưu đãi về giá mua để thúc đẩy thị trường năng lượng tái tạo. Diện mạo của thị trường này tại Việt Nam đang thay đổi thế nào?

Đổi đất điện hạt nhân

Địa phương hấp dẫn giới đầu tư nhất hiện nay là vùng đất khô cằn Ninh Thuận. Mới đây, Tập đoàn Trung Nam đã khởi công dự án điện mặt trời tại huyện Thuận Bắc có quy mô lên đến 204MW, tổng vốn đầu tư 5.000 tỉ đồng. Dự kiến khi đưa vào vận hành vào tháng 6.2019, nhà máy này sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 450 triệu kWh mỗi năm và trở thành một trong những dự án năng lượng quan trọng nhất trong Quy hoạch sơ đồ điện VII.

Cũng ở Ninh Thuận, BIM Group cùng với đối tác Ayala Corporation (Philippines) khởi động dự án điện mặt trời có quy mô 30MW; Công ty CMX Renewable phát động dự án 168MW trong một liên doanh với đối tác Sunseap (Singapore) có giá trị 4.400 tỉ đồng. Ninh Thuận đang có trong tay một lĩnh vực kinh doanh hoàn toàn mới mà địa phương có lợi thế cạnh tranh, bên cạnh tiềm năng về du lịch nghỉ dưỡng và hải sản chất lượng cao.

Theo ông Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm cơ hội đầu tư các dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận vì địa phương này có lợi thế phát triển năng lượng tái tạo với vận tốc gió trung bình từ 7-8m/s, số giờ nắng lên đến hơn 2.800 giờ/năm và tỉ lệ bức xạ hơn 1.800 kWh/m2/năm.

Ninh Thuận được quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2020 là 9.000MW điện mặt trời và 1.400MW điện gió”, ông Hậu cho biết. Nếu so với đề án xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 có tổng công suất khoảng 4.000MW, dễ thấy tiềm năng của các dự án điện tái tạo như các nhà máy điện mặt trời là hoàn toàn vượt trội, thậm chí còn an toàn, đơn giản vận hành và thân thiện hơn với môi trường.Theo ông Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm cơ hội đầu tư các dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận vì địa phương này có lợi thế phát triển năng lượng tái tạo với vận tốc gió trung bình từ 7-8m/s, số giờ nắng lên đến hơn 2.800 giờ/năm và tỉ lệ bức xạ hơn 1.800 kWh/m2/năm.

Đó cũng là lý do vì sao Ninh Thuận tạm dừng ý định theo đuổi mục tiêu phát triển điện hạt nhân để dành đất đai cho các dự án điện mặt trời. Ninh Thuận đặt kế hoạch thu hút được các nhà máy điện mặt trời có tổng công suất lên đến 4,85GW tính đến năm 2030.



Làn sóng đầu tư còn lan tỏa đến một số địa phương khác ở miền Nam. Như ở Tây Ninh, Tập đoàn Xuân Cầu cùng với nhà đầu tư B.Grimm (Thái Lan) đầu tư 420 triệu USD vào dự án điện mặt trời có công suất 420MW ở Tây Ninh. Ở Long An, Quỹ đầu tư Bamboo Capital liên doanh với Hanwha triển khai dự án 100MW. Nhà thầu xây dựng Fecon đầu tư dự án 50MW tại Bình Thuận hay vùng đất cao nguyên nắng gió Đắk Lắk đang đề nghị Bộ Công Thương bổ sung 3 dự án điện mặt trời tại huyện Ea Súp có tổng công suất lên tới 3.367MW.

Theo Bộ Công Thương, tổng quy mô các dự án điện mặt trời của cả nước đã và đang được xét duyệt hiện lên đến khoảng 19.000MW, trong đó có khoảng 86 dự án với tổng công suất 3.000MW đã được chấp thuận đầu tư. Các dự án này không chỉ thu hút được nguồn vốn tín dụng lớn từ các ngân hàng trong nước, mà còn đến từ các định chế tài chính quốc tế như các ngân hàng của Trung Quốc, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)...

Nhiều quỹ đầu tư nước ngoài cũng dành mối quan tâm đặc biệt đến các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Theo chia sẻ của giám đốc một quỹ đầu tư hạ tầng đến từ Singapore mới mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, quỹ đang tích cực săn lùng các dự án điện mặt trời có công suất lớn, với tỉ lệ thâu tóm có thể hơn 51% vốn để mở rộng hơn nữa danh mục đầu tư của mình tại châu Á.

Chạy đua trước giờ G

Chính phủ nỗ lực đưa năng lượng mặt trời trở thành nguồn cấp điện chính của cả nước. Năng lượng mặt trời hiện mới chỉ chiếm 0,01% trong tổng sản lượng điện sản xuất và Chính phủ có kế hoạch nâng con số này lên 3,3% vào năm 2030 và 20% vào năm 2050. Hơn nữa, Chính phủ có chính sách hỗ trợ ngành này bằng cách mua điện mặt trời dư thừa. Những điều này sẽ khuyến khích các hộ gia đình tích cực sử dụng năng lượng mặt trời.

Các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá khá cao tiềm năng của điện mặt trời Việt Nam, nhất là để giải tỏa cơ khát năng lượng của một nền kinh tế đang tăng trưởng 6-7%/năm trong bối cảnh nguồn thủy điện đã cạn kiệt và nhiều nhà máy điện than đang bị chậm tiến độ quá lâu.

Nhưng yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của giới đầu tư là Quyết định 11/2017 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó ban hành chính sách thu mua điện từ các nhà máy điện mặt trời với mức giá ưu đãi lên đến 9,35 cent/kWh. Theo tính toán của một nhà đầu tư, mức giá này giúp tỉ suất sinh lợi (ROE) của các nhà máy điện mặt trời có thể đạt đến 15%, bên cạnh sự khá ổn định của dòng tiền hằng năm.

Dù vậy, sức ép dành cho các dự án hiện nay cũng không nhỏ. Thời hạn hết hiệu lực của Quyết định 11 là vào tháng 30.6.2019, tức chỉ còn chưa đầy 1 năm nữa các dự án bắt buộc phải hoàn thành công tác xây dựng để đưa vào vận hành. Đây là một thách thức rất lớn nếu biết rằng cho đến nay, vẫn chưa có một dự án thương mại nào được hoàn thành.

Hiện đã có một số thông tin bên lề cho thấy Bộ Công Thương đang đề xuất với Thủ tướng cho phép kéo dài thời hạn hiệu lực của Quyết định 11 đến năm 2020. Nhưng chính sách mới vẫn chưa được thông qua và có thể cần tốn thêm khá nhiều thời gian cũng như các khâu thủ tục hành chính trước khi được phê chuẩn.

Để đề phòng với viễn cảnh Quyết định 11 không được kéo dài, các chủ đầu tư buộc phải nỗ lực trước tiên. Theo ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (thành viên của Tập đoàn Trung Nam), thách thức hoàn thành khối lượng dự án ở Ninh Thuận là rất lớn, buộc chủ đầu tư cùng các đối tác như Siemens, Vietcode, Apeco... phải hiệp đồng chặt chẽ để kịp đưa dự án vào vận hành thương mại trước thời điểm 30.6.2019.


 

Chủ Nhật, 8 tháng 7, 2018

Phát minh ra pin mặt trời hoạt động cả khi trời mưa hoặc ít nắng

[Samtrix.vn] - Đây là một bước tiến đáng kinh ngạc so với công nghệ hiện tại. Nếu được tối ưu hóa, nó sẽ trở thành một cuộc cách mạng năng lượng.


Các tấm năng pin Mặt trời có thể nói là một trong các phát minh rất tuyệt vời của con người thời hiện đại. Nó giúp chúng khai thác năng lượng từ một nguồn không có giới hạn, và đặc biệt là sạch, không gây hại cho môi trường.

Đột phá năng lượng: Phát minh ra pin Mặt trời hoạt động cả khi trời mưa và không có nắng - Ảnh 1.


Tuy nhiên, vấn đề duy nhất của loại phát minh siêu sạch này là nó cần Mặt trời để hoạt động. Trong những ngày trời âm u, chúng thường không mấy hiệu quả, dẫn đến ứng dụng không được cao.

Nhưng câu chuyện này chuẩn bị chấm dứt, nhờ phát minh mới của các chuyên gia từ ĐH British Columbia (Canada). Mới đây, họ đã tạo ra một loại pin Mặt trời mới, có thể vận hành ngay cả trong điều kiện ánh sáng mờ của những ngày trời mưa âm u.

Và bí mật của nó nằm ở bản chất: đây là pin Mặt trời làm từ vi khuẩn.

Trên thực tế, việc làm các tấm thu năng lượng Mặt trời từ sinh vật sống là điều hết sức khó khăn. Các nhà khoa học đã từng thử sao chép khả năng quang hợp của thực vật, rồi đưa nó vào tế bào sinh vật. Tuy nhiên, quá trình này rất tốn kém, phức tạp, và dễ gây tổn thương cho chính các tế bào ấy, nên hiệu quả thường không cao.

Đột phá năng lượng: Phát minh ra pin Mặt trời hoạt động cả khi trời mưa và không có nắng - Ảnh 2.


Để tránh hiện thực này, nhóm chuyên gia từ Canada đã thử một cách tiếp cận khác. Họ sử dụng khuẩn E. coly đã được biến đổi để sở hữu nhiều lycopene hơn (các phân tử mang lại màu đỏ cam cho cà chua.)

Lycopen là chất nhuộm màu tự nhiên, và đặc biệt tuyệt vời trong khả năng hấp thụ ánh Mặt trời. Ngay cả trong điều kiện thời tiết âm u, màu sắc này vẫn cho phép năng lượng được hấp thu với hiệu quả cực cao.

Vikramaditya Yadav, tác giả của nghiên cứu cho biết họ đã phủ E. coli lên các tấm pin Mặt trời, và sử dụng nó như một loại chất bán dẫn. Các thử nghiệm cho thấy mật độ năng lượng sẽ rơi vào khoảng 0,686 mA mỗi centimet vuông - cao gấp đôi so với các tấm pin thông thường.

Đột phá năng lượng: Phát minh ra pin Mặt trời hoạt động cả khi trời mưa và không có nắng - Ảnh 3.


"Chúng tôi ghi nhận dòng năng lượng rất dày đặc ở pin loại mới này," - giáo sư Yadav cho biết.

"Loại vật liệu này tạo ra một dạng năng lượng bền vững và hiệu quả về kinh tế. Chỉ cần một vài bước tối ưu hoá, chúng ta sẽ có một cuộc cách mạng năng lượng Mặt trời."


Theo Yadav, phương pháp này không những hiệu quả hơn mà chi phí còn thấp hơn hẳn, chỉ bằng 1/10. Dù vậy, nó vẫn cần thêm thời gian để hoàn thiện, vì vi khuẩn có tuổi thọ khá thấp. Nếu như tìm ra cách giữ cho chúng sống sót lâu hơn, đó sẽ là một cuộc cách mạng thực sự.



Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Small.

Tham khảo: IFL Science

Thứ Ba, 3 tháng 7, 2018

Tp. Hồ Chí Minh kêu gọi người dân sử dụng điện mặt trời trên mái nhà

[Samtrix.vn]-Trước nhu cầu điện gia tăng đột biến trong thời gian qua, ngành điện TP HCM đang khuyến khích người dân và các DN triển khai lắp đặt hệ thống năng lượng điện mặt trời trên mái nhà. Sử dụng hệ thống này, người dân không những không phải trả tiền điện hàng tháng mà còn có thể bán lại sản lượng điện dư.




Theo đánh giá của Tổng Công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVN HCMC), từ đầu tháng 3 đến nay, nhu cầu sử dụng điện tại thành phố tăng cao do nắng nóng gay gắt. Theo dự báo, tình hình nắng nóng sẽ còn kéo dài và diễn biến phức tạp nên có khả năng hệ thống điện quốc gia sẽ gặp khó khăn trong cung ứng điện. Bởi vậy, ngoài việc tiết kiệm điện, phương án tự cung cấp nguồn điện là giải pháp hữu hiệu hiện nay và cần áp dụng trên diện rộng.

Trao đổi với Báo Công Thương, ông Nguyễn Tấn Hưng - Trưởng Ban quan hệ cộng đồng EVN HCMC- cho biết, TP.Hồ Chí Minh nằm trong khu vực có bức xạ mặt trời mạnh. Số giờ nắng trung bình là 6,8 giờ/ngày và liên tục trong suốt cả năm. Cường độ bức xạ mặt trời trung bình của thành phố đạt 1.581 kWh/m2/năm, tương ứng 4,3 kWh/m2/ngày, vì thế tiềm năng phát triển, ứng dụng năng lượng mặt trời để phát điện là rất lớn.



Theo ông Hưng, nếu khách hàng cần lắp đặt hệ thống điện mặt trời nối lưới có thể liên hệ với các nhà cung cấp thiết bị để họ tư vấn công suất lắp đặt tấm pin mặt trời phù hợp với nhu cầu sử dụng. Khi lắp đặt xong, khách hàng thông báo nhu cầu bán lại lượng điện dư cho ngành điện bằng cách liên hệ với công ty điện lực trên địa bàn hoặc Trung tâm chăm sóc khách hàng (1900.545454) để thực hiện hợp đồng.

Khi khách hàng có nhu cầu bán điện, ngành điện sẽ tổ chức kiểm tra thử nghiệm các điều kiện đấu nối hệ thống điện mặt trời nối lưới của khách hàng vào lưới điện thành phố. Nếu hệ thống điện mặt trời đáp ứng đủ điều kiện đấu nối, ngành điện sẽ lắp đặt điện kế 2 chiều miễn phí cho khách hàng và ký biên bản thỏa thuận tạm thời về việc xác nhận chỉ số công tơ và điện năng giao nhận đối với các dự án điện mặt trời trên mái nhà với khách hàng. Hợp đồng mua bán điện dự án điện mặt trời trên mái nhà sẽ được ký kết chính thức giữa khách hàng và ngành điện ngay khi có đầy đủ hướng dẫn của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính.

Theo số liệu của ngành điện thành phố, chi phí đầu tư điện mặt trời bình quân khoảng từ 22-30 triệu đồng/kWp. Tính đến nay, TP. Hồ Chí Minh đã có 327 khách hàng lắp đặt điện mặt trời nối lưới đăng ký bán lại phần điện dư với tổng công suất lắp đặt là 3,93 MWp.

Liên quan đến cơ chế mua bán điện, Thông tư số 16/2017/TT-BCT của Bộ Công Thương ban hành ngày 12/9/2017 đã quy định các dự án điện mặt trời trên mái nhà được thực hiện bù trừ điện năng sử dụng công tơ hai chiều. Giá mua điện tại điểm giao nhận là 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT).

Trong thời gian tới, cùng với các chương trình tuyên truyền, vận động khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, EVN HCMC sẽ tiếp tục hướng đến việc sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời và điện mặt trời nối lưới. Ngoài ra, tổng công ty cũng tăng cường phổ biến rộng rãi về quy trình lắp đặt cũng như yêu cầu kỹ thuật của các công trình điện mặt trời nối lưới vào hệ thống điện.

Bên cạnh đó, EVNHCMC kiến nghị UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo và vận động Ban quản lý các KCN, KCX, Khu công nghệ cao, các cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, trường học, bệnh viện chủ động xây dựng kế hoạch lắp đặt hệ thống điện mặt trời nối lưới. Mặt khác, ngành điện sẽ kiến nghị Bộ Công Thương và Bộ Tài chính sớm ban hành các hướng dẫn nhằm tháo gỡ vướng mắc về thuế GTGT và phát hành hóa đơn sử dụng điện mặt trời nối lưới trên mái nhà của người dân, góp phần vận động người dân sử dụng điện mặt trời hiệu quả .

Theo Thông tư 16/2017/TT-BCT của Bộ Công Thương, giá điện của dự án điện mặt trời mái nhà được thực hiện cơ chế bù trừ điện năng sử dụng công tơ hai chiều. Giá mua điện tại điểm giao nhận là 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT).