Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết bộ này đang nghiên cứu việc đấu giá với các nguồn điện từ năng lượng tái tạo bao gồm điện mặt trời.
Trong chuyến công tác đến nhà máy Điện gió Phú Lạc tại huyện Tuy Phong, Bình Thuận sáng 18/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng chia sẻ với báo giới bộ đang nghiên cứu phương án đấu giá đối với các nguồn điện từ năng lượng tái tạo.
Năm 2017, Bộ Công Thương ban hành giá cố định cho điện mặt trời là 9,35 Us cents/KWh. Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, tại thời điểm đó mức giá này được cho là hợp lý và thậm chí còn thấp.
“Tuy nhiên, thực tế trong vòng hơn một năm vừa qua chúng ta thấy giá thành của điện mặt trời hiện không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới giảm xuống rất nhanh. Vì vậy nếu ban hành giá cố định trong thời gian dài thì không phù hợp”, ông Vượng cho biết.
Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, việc này có thể dẫn đến sự phát triển quá nóng khiến cho lưới điện hiện tại không đáp ứng được cũng như nhiều hệ lụy khác.
Mới đây, văn phòng Chính phủ có văn bản gửi Bộ Công Thương, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về vấn đề phát triển các dự án điện mặt trời.
Theo thống kê của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia, nếu tính các dự án nhà máy điện mặt trời đã ký và đang đàm phán hợp đồng mua bán điện thì tổng công suất điện mặt trời tại 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đã chiếm 1/2 phê duyệt của cả nước.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng nhận định sẽ phải điều chỉnh mức giá 9,35 US cents/KWh vì giá này không phản ánh đúng giá thực tế của thị trường hiện nay nữa.
“Hiện Bộ Công Thương đang nghiên cứu, xem xét cơ chế đấu giá lựa chọn các nhà đầu tư phát triển dự án năng lượng tái tạo để giá điện của các dự án này luôn phản ánh đúng giá thị trường vào thời điểm dự án được triển khai xây dựng”, ông Vượng tiết lộ.
Trả lời câu hỏi về việc cơ chế này có đi ngược lại mong muốn của các nhà đầu tư về chính sách giá điện bền vững trong dài hạn, Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng không thể đánh giá cơ chế đấu giá không mang tính bền vững.
“Ví dụ khi chúng ta đấu giá một dự án năng lượng tái tạo thì doanh nghiệp trúng thầu phát triển dự án với mức giá nào thì giá đó cũng ổn định trong 20 năm phát triển dự án chứ không phải thay đổi hàng năm.”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định. Điều này cũng tương tự với chính sách áp dụng một mức giá cố định trong vòng đời 20 năm của các dự án điện mặt trời hiện nay.
Về lo ngại câu chuyện xin cho, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh “Tôi cho rằng thực tế cơ chế giá Feed-in Tarrifs hiện nay mới là cơ chế xin cho. Vì để hạn chế việc xin cho, trong thời gian tới chúng ta phải nghiên cứu nhằm có cơ chế đấu giá để những nhà đầu tư thật sự có năng lực, đưa ra bản chào tốt nhất sẽ được lựa chọn phát triển dự án.”