Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2019

EVN hướng dẫn thực hiện các dự án điện mặt trời trên mái nhà


Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa ban hành văn bản gửi các Tổng công ty Điện lực và Công ty Viễn thông điện lực và Công nghệ thông tin, hướng dẫn thực hiện đối với các dự án điện mặt trời trên mái nhà (Văn bản số: 1532/EVN-KD, ngày 27 tháng 3 năm 2019).





Thực hiện Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, Quyết định số 02/2019/QĐ- TTg ngày 08/01/2019 sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định số 11 /2017 QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 16/2017/TT-BCT ngày 12/9/2017 của Bộ Công Thương quy định về phát triển dự án và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời (gọi tắt là Thông tư 16/2017/TT-BCT), Thông tư số 05/2019/TT-BCT ngày 11/3/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2017/TT-BCT (gọi tắt là Thông tư 05/2019/TT-BCT), EVN yêu cầu các đơn vị thực hiện mua bán điện đối với các dự án điện mặt trời trên mái nhà (dự án ĐMTMN) như sau:





I. Các Tổng công ty Điện lực:





1. Xác định dự án ĐMTMN:





Dự án ĐMTMN là dự án điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà hoặc gắn với công trình xây dựng do tổ chức hoặc cá nhân làm chủ đầu tư có đấu nối và bán điện lên lưới điện của EVN; Các dự án điện mặt trời lắp đặt trên mặt đất, mặt nước... không gắn với mái nhà hoặc công trình xây dựng không thuộc phạm vi hướng dẫn của văn bản này.









2. Cơ chế mua bán điện và giá mua điện của dự án ĐMTMN:





- Các dự án ĐMTMN được thực hiện cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ điện đo đếm hai chiều.





- Giá mua điện:





+ Trước ngày 01/01/2018, giá mua điện (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) là 2.086 đồng/kWh (tương đương với 9,35 UScents/kWh nhân với tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 10/4/2017 là 22.316 đồng/USD).





+ Từ ngày 01/01/2018 đến 31/12/2018, giá mua điện (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) 2.096 đồng/kWh (tương đương với 9,35 UScents/kWh nhân với tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố áp dụng cho ngày 31/12/2017 là 22.425 đồng/USD).





+ Từ ngày 01/01/2019 đến 31/12/2019, giá mua điện (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) 2.134 đồng/kWh (tương đương với 9,35 UScents/kWh nhân với tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố áp dụng cho ngày 31/12/2018 là 22.825 đồng/USD).





+ Kể từ năm 2020 và các năm tiếp theo, giá mua điện (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) được xác định theo từng năm và được tính bằng tiền Việt Nam đồng tương đương với 9.35 UScents/kWh nhân với tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố áp dụng cho ngày cuối cùng của năm trước.





3. Phân cấp ký kết và thực hiện Hợp đồng mua điện từ các dự án ĐMTMN:





- Các Tổng công ty Điện lực (TCTĐL) uỷ quyền cho Công ty Điện lực/Điện lực (CTĐL/ĐL) được ký kết và thực hiện Hợp đồng mua bán điện (HĐMBĐ) từ các dự án ĐMTMN đấu nối vào lưới điện thuộc phạm vi quản lý của đơn vị theo Quyết định số 67/QĐ-EVN ngày 28/02/2018 của Hội đồng thành viên EVN.





- Các TCTĐL/CTĐL theo dõi, kiểm soát chặt chẽ công suất lắp đặt của các dự án ĐMTMN đấu nối vào lưới điện nhằm đảm bảo tránh tình trạng gây quá tải đường dây, máy biến áp (MBA) phân phối.





- TCTĐL/CTĐL thực hiện tư vấn cho chủ đầu tư lựa chọn lắp đặt tấm pin quang điện, bộ chuyển đổi điện một chiều thành xoay chiều (bộ inverter) thuộc dự án ĐMTMN có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có giấy chứng nhận xuất xưởng/chứng nhận chất lượng thiết bị của nhà sản xuất, thiết bị có hiệu suất, tuổi thọ và thời gian bảo hành cao để đảm bảo hiệu quả đầu tư. Khuyến khích chủ đầu tư lắp đặt bộ inverter có khả năng hoạt động ở cả chế độ bám lưới và chế độ độc lập với lưới khi lưới điện bị mất điện (hybrid inverter), hệ thống tích trữ điện (nếu cần thiết) để sử dụng lượng điện phát ra từ dự án ĐMTMN của khách hàng khi lưới điện bị quá tải phải sa thải phụ tải hoặc bị sự cố mất điện.





4. Trình tự, thủ tục đấu nối và mua điện từ các dự án ĐMTMN:





Trình tự, thủ tục đấu nối và mua điện từ các dự án ĐMTMN thực hiện theo lưu đồ tại Phụ lục I, đính kèm. Cụ thể như sau:





a. Đăng ký nhu cầu lắp đặt ĐMTMN của chủ đầu tư:





- TCTĐL/CTĐL thực hiện phổ biến và khuyến nghị các chủ đẩu tư thực hiện đăng ký nhu cầu lắp đặt ĐMTMN với TCTĐL/CTĐL trước khi thực hiện đầu tư để được khảo sát về khả năng đấu nối vào lưới điện của dự án, nhằm đảm bảo hiệu quả khi đầu tư dự án.





- Khi đăng ký nhu cầu, chủ đầu tư cần cung cấp thông tin ban đầu về địa điểm và công suất dự kiến lắp đặt của dự án ĐMTMN, mà khách hàng sử dụng điện (nếu là khách hàng đang mua điện của EVN) để tiện liên hệ và khảo sát đấu nối.





- TCTĐL/CTĐL tổ chức tiếp nhận đăng ký nhu cầu lắp đặt ĐMTMN của chủ đầu tư qua Trung tâm CSKH bằng các hình thức: điện thoại, email, Zalo, Chat box,...).





b. Khảo sát và thỏa thuận đấu nối:





- Nguyên tắc thỏa thuận đấu nối: Tổng công suất lắp đặt của các dự án ĐMTMN đấu nối vào lưới điện trung, hạ áp phải đảm bảo không được vượt quá công suất định mức của đường dây, MBA phân phối trung, hạ áp.





- Trường hợp tổng công suất lắp đặt của các dự án ĐMTMN đấu nối vào lưới điện (kể cả dự án đang khảo sát) nhỏ hơn công suất định mức của đường dây, MBA phân phối hạ áp. CTĐL/ĐL thống nhất với chủ đầu tư về công suất lắp đặt và phương án đấu nối như sau:





+ Dự án có công suất lắp đặt < 03 kWp: Đấu nối vào lưới điện hạ áp bằng 01 pha hoặc 03 pha tuỳ theo hiện trạng sẵn có.





+ Dự án có công suất lắp đặt > 03 kWp: Đấu nối vào lưới điện hạ áp bằng 03 pha. Nếu chủ đầu tư là khách hàng sử dụng điện đang đấu nối vào lưới điện hạ áp bằng 01 pha, cho phép dự án có công suất lắp đặt > 03 kWp đấu nối vào lưới điện bằng 01 pha nếu lưới điện vẫn đảm bảo điều kiện vận hành an toàn, ổn định.





- Trường hợp tổng công suất lắp đặt của các dự án ĐMTMN lớn hơn công suất định mức của đường dây. MBA phân phối hạ áp:





+ CTĐL/ĐL có văn bản thông báo về khả năng quá tải của đường dây, MBA phân phối hạ áp và thỏa thuận chủ đầu tư giảm công suất lắp đặt của dự án hoặc xây dựng đường dây, MBA nâng áp để được đấu nối vào lưới điện trung áp gần nhất.





+ Trình tự, thủ tục thỏa thuận đấu nối dự án ĐMTMN vào lưới điện trung áp thực hiện theo quy định từ Điều 43 đến Điều 51 của Thông tư 39/2015/TT-BCT ngày 18/11/2015 của Bộ Công Thương quy định hộ thống điện phân phối (gọi tắt là Thông tư số 39/2015/TT-BCT).





- Trường hợp lưới điện hiện hữu chưa đáp ứng về công suất đấu nối của dự án ĐMTMN, CTĐL/ĐL có văn bản thông báo cho chủ đầu tư về việc lưới điện không còn khả năng tiếp nhận công suất phát lên lưới điện của dự án.





c. Gửi hồ sơ đề nghị bán điện từ dự án ĐMTMN:





Trước 03 ngày so với ngày dự kiến hoàn thành lắp đặt dự án, chủ đầu tư gửi một bộ hồ sơ đề nghị bán điện cho CTĐL/ĐL như sau:





- Giấy đề nghị bán điện (biểu mẫu BM.0I đính kèm);





- Hồ sơ kỹ thuật (nếu có): Tài liệu kỹ thuật về tấm pin quang điện, bộ inverter; giấy chứng nhận xuất xưởng/chứng nhận chất lượng thiết bị của nhà sản xuất; các biên bản thí nghiệm các thông số kỹ thuật đáp ứng quy định hiện hành bởi một đơn vị có đủ năng lực.





- Đối với dự án ĐMTMN có công suất > 01 MWp: Chủ đầu tư cần thực hiện thủ tục bổ sung quy hoạch phát triển điện mặt trời, thủ tục cấp phép hoạt động điện lực theo quy định tại Thông tư 16/2017/TT-BCT. Thông tư số 12/2017/TT-BCT ngày 31/7/2017 của Bộ Công Thương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).





d. Kiểm tra các thông số kỹ thuật và lắp đặt công tơ đo đếm 2 chiều cho dự án ĐMTMN:





- Trong vòng 03 ngày kể từ sau ngày tiếp nhận giấy đề nghị bán điện từ dự án ĐMTMN của chủ đẩu tư. CTĐL/ĐL phải hoàn thành việc kiểm tra các thông số kỹ thuật của dự án và ký kết hợp đồng mua bán điện với chủ đầu tư.





- Khuyến khích chủ đầu tư tự tổ chức thực hiện thí nghiệm bởi một đơn vị có đủ năng lực và cung cấp cho CTĐL/ĐL các kết quả thí nghiệm hệ thống điện mặt trời của khách hàng đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật quy định tại Phụ lục 2 (đính kèm). Trường hợp chủ đầu tư không cung cấp được kết quả thí nghiệm đáp ứng các yêu câu kỹ thuật theo quy định, căn cứ tài liệu kỹ thuật của nhà sản xuất, CTĐL/ĐL phối hợp với chủ đầu tư kiểm tra các thiết bị của dự án, lập biên bản kiểm tra và ghi nhận kết quả như sau:





+ Đồng ý mua điện nếu dự án ĐMTMN của chủ đầu tư đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định.





+ Không đồng ý mua điện nếu dự án ĐMTMN của chủ dầu tư không đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định. Để bán được điện cho EVN, chủ đầu tư phải khắc phục, sửa chữa dự án ĐMTMN đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định.





- Lắp đặt công tơ đo đếm 2 chiều cho dự án ĐMTMN:





+ Đối với chủ đầu tư đã có hợp đồng mua điện tại địa điểm lắp đặt dự án: Ngay sau khi kiểm tra và đồng ý mua điện, CTĐL/ĐL thực hiện thay thế công tơ đo đếm 01 chiều bằng công tơ đo đếm 02 chiều và ký hợp đồng mua điện từ dự án với chủ đầu tư. Trường hợp phải chuyển đổi điểm đấu nối với lưới điện hạ áp từ 01 pha sang 03 pha để đấu nối dự án ĐMTMN, chủ đầu tư chịu trách nhiệm nâng cấp dây dẫn sau công tơ, CTDL/ĐL chịu trách nhiệm nâng cấp dây dẫn từ công tơ đến điểm đấu nối và công tơ.





+ Đối với chủ đầu tư chưa có hợp đồng mua điện tại địa điểm lắp đặt dự án (khách hàng đề nghị cấp điện mới): Ngay sau khi kiểm tra và đồng ý mua điện, CTĐL/ĐL thực hiện lắp đặt công tơ đo đếm 02 chiều và ký hợp đồng mua điện từ dự án của chủ đầu tư, đồng thời với hợp đồng bán diện cho chủ đầu tư sử dụng tại địa điểm lắp đặt dự án.





- Trong quá trình vận hành dự án ĐMTMN của chủ đầu tư. CTĐL/ĐL có trách nhiệm kiểm tra, giám sát vận hành và xử lý theo quy định tại Điều 52 Thông tư số 39/2015/TT-BCT và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).





c. Ký kết mua, bán điện với chủ đầu tư dự án ĐMTMN:





- Hợp đồng mua điện từ dự án ĐMTMN của chủ đầu tư: Thực hiện theo mẫu tại Thông tư số 05/2019/TT-BCT, với các thỏa thuận cụ thể như sau:





+ Ngày vận hành thương mại: Là ngày hai bên ký biên bản chốt chỉ số công tơ thực hiện giao nhận điện năng của dự án. Đối với các dự án đã đưa vào vận hành trước thời điểm ban hành văn băn này, ngày vận hành thương mại của dự án là ngày hai bên ký Biên bàn thỏa thuận tạm thời về việc xác nhận chỉ số công tơ và điện năng giao nhận của dự án (theo Văn bản số 1337/EVN-KD ngày 21/3/2018).





+ Ghi chỉ số công tơ: 01 lần/tháng cùng với kỳ ghi chỉ số công tơ chiều mua điện từ lưới của chủ đầu tư. Đối với chủ đầu tư là khách hàng sử dụng điện ghi chỉ số công tơ nhiều kỳ/tháng, ghi chỉ số công tơ chiều bán điện lên lưới cùng với kỳ ghi chỉ số công tơ cuối cùng trong tháng.





- Hợp đồng bán điện từ lưới điện cho chủ đầu tư chưa có hợp đồng mua điện tại địa điểm lắp đặt dự án (khách hàng đề nghị cấp điện mới): Thực hiện ký mới theo mẫu tại bộ Quy trình kinh doanh điện năng của EVN căn cứ vào mục đích sử dụng điện của chủ đầu tư. Đối với chủ đầu tư đã có hợp đồng mua điện tại địa điểm lắp đặt dự án, thực hiện theo hợp đồng đã ký kết trước đó.





5. Thanh toán tiền điện:





- Tiền điện thanh toán bằng đồng Việt Nam (VNĐ) được xác định cho từng năm và được tính đến hàng đơn vị đồng (không làm tròn số).





- Hình thức thanh toán bằng chuyển khoản. Phí chuyển khoản do chủ đầu tư chịu.





- Giá trị thanh toán:





+ Đối với chủ đầu tư là doanh nghiệp có phát hành hóa đơn: Hằng tháng CTĐL/ĐL thực hiện nhận hóa đơn. Kiểm tra và thanh toán tiền điện theo hóa đơn do chủ đầu tư phát hành theo quy định.





+ Đối với chủ đầu tư là hộ gia đình, cá nhân không phát hành hóa đơn: Hàng tháng, bộ phận kinh doanh của CTĐL/ĐL thực hiện lập bảng kê thanh toán tiền điện trên hệ thống CMIS, trình lãnh đạo đơn vị phê duyệt và chuyển sang bộ phận tài chính kế toán để thanh toán tiền điện cho chủ đầu tư. Tiền thanh toán không bao gồm thuế GTGT. Sau thời điểm kết thúc hàng năm hoặc sau khi kết thúc hợp đồng mua điện từ dự án, căn cứ “Biên bản xác nhận chỉ số công tơ, điện giao nhận và tiền điện thanh toán" (theo biểu mẫu BM.02 đính kèm) hai bên sẽ thực hiện quyết toán tiền thuế GTGT theo quy định (nếu có).





- Phương pháp xác định thuế GTGT đối với chủ đầu tư thực hiện theo hướng dẫn tại Văn bản 1534/BTC-CST ngày 31/01/2019 của Bộ Tài chính (đính kèm).





6. Ghi nhận sản lượng và hạch toán chi phí mua điện:





- Điện mua từ các dự án ĐMTMN được ghi nhận vào sản lượng điện mua tại các TCTĐL (theo biểu mẫu BM.03 đính kèm).





- Chi phí mua điện từ các dự án ĐMTMN được ghi nhận vào chi phi mua điện của các TCTĐL.





- Hàng năm, EVN sẽ tính toán chi phí mua điện từ các dự án ĐMTMN của TCTĐL trên cơ sở sản lượng điện mua kế hoạch giao và giá điện theo các quy định hiện hành để tính giá bán buôn điện.





- Chi phí mua điện từ các dự án ĐMTMN đưa vào tính giá bán buôn điện năm kế hoạch sẽ được xem xét đối chiếu số kế hoạch với số liệu thực hiện quyết toán để bù trừ chênh lệch chi phí (nếu cần) trong tính toán giá bán buôn điện hàng năm.





II. Công ty Viễn thông điện lực và Công nghệ thông tin:





- Trước ngày 31/3/2019, hoàn thiện phân hệ Quản lý điện mặt trời trên mái nhà trên chương trình CM1S 3.0 và tổ chức hướng dẫn các TCTĐL thực hiện đảm bảo các tính năng quản lý theo dõi, khai thác thông tin và thanh toán tiền cho các chủ đầu tư có dự án ĐMTMN bán điện cho EVN.





- Bổ sung tính năng vào cổng thông tin điều hành công tác KD&DVKH của Tập đoàn để quản lý và theo dõi việc mua bán điện từ các dự án ĐMTMN. Hoàn thành trước 31/3/2019.





Tập đoàn Điện lực Việt Nam yêu cầu các đơn vị căn cứ hướng dẫn tại văn bản này khẩn trương triển khai thực hiện và báo cáo Tập đoàn các vướng mắc phát sinh (nếu có). Văn bản này thay thế cho Văn bản số 1337/EVN-KD ngày 21/3/2018 và Văn bản số 5113/EVN-KD ngày 09/10/2018 của Tập đoàn.






Thứ Tư, 27 tháng 3, 2019

Điện mặt trời áp mái - ích nước, lợi nhà


Với đặc điểm địa hình, khí hậu, thời tiết, nước ta có tiềm năng lớn bức xạ mặt trời, ước tính tiềm năng kỹ thuật phát triển điện mặt trời (ĐMT) ở Việt Nam có thể lên tới 340.000 MWp.





Với chính sách của Nhà nước khuyến khích phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo, rất nhiều dự án nguồn ĐMT đã được triển khai đầu tư xây dựng, trong đó ĐMT áp mái là loại hình có khá nhiều ưu việt, có thể phát triển mạnh trong tương lai.





Điện mặt trời được lắp đặt với quy mô nhỏ trên mái nhà dân, tòa nhà thương mại, công xưởng, nhà máy... với quy mô vài kW tới MW được gọi là điện mặt trời áp mái (ĐMTAM), cấu tạo được minh họa đơn giản như sau:









Các tấm pin mặt trời thông dụng có công suất khoảng 290 - 350Wp được thiết kế kiểu panel với kích thước 1956x992x50 mm, diện tích khoảng 1,9m2. Nếu diện tích mái nhà khoảng 20m2 thì có thể lắp đặt được 10 panel, công suất điện cực đại thu được khoảng hơn 3 kWp, đủ dùng cho các thiết bị điện thông dụng trong một gia đình.





Ưu điểm của điện mặt trời áp mái:





- Không tốn diện tích đất;





- Giúp tăng cường chống nóng hiệu quả cho các công trình;





- Có quy mô nhỏ, lắp đặt phân tán nên được đấu nối vào lưới điện hạ áp và trung áp hiện hữu, không cần đầu tư thêm hệ thống lưới điện truyền tải;





- Được lắp đặt nhiều ở các mái nhà trong thành phố, KCN nên có tác dụng làm giảm quá tải lưới điện truyền tải từ các nguồn điện truyền thống, thường đặt ở xa các trung tâm đông dân;





- Với quy mô nhỏ, thích hợp để khuyến khích nhiều cá nhân, tổ chức tham gia đầu tư kinh doanh với vốn không lớn, đạt mục tiêu xã hội hóa nguồn vốn.





EVN khuyến khích ĐMT áp mái





EVN đã và đang có nhiều hoạt động hỗ trợ, khuyến khích ĐMTAM: văn bản số 1337/EVN-KD ngày 21-2-2018 và văn bản số 5113/EVN-KD ngày 9-10-2018 gửi các đơn vị thành viên đã có các hướng dẫn ban đầu tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và tư nhân đầu tư phát triển ĐMTAM; chỉ đạo các đơn vị thành viên tiên phong thực hiện lắp đặt ĐMTAM trên mái các tòa nhà trụ sở, các công trình kỹ thuật...; tăng cường các hoạt động tuyên truyền quảng bá để người dân đầu tư ĐMTAM.





Cuối năm 2018, tại các công trình thuộc EVN đã có hơn 3,2 MW công suất ĐMTAM được lắp đặt, trong đó: Tổng Công ty Điện lực Hà Nội 52 kWp, TCty Điện lực miền trung 352 kWp, Tổng Công ty Điện lực miền nam 1.985 kWp. Cùng kỳ trên toàn quốc ước tính có 1.800 khách hàng lắp đặt được 30,12 MWp công suất ĐMTAM.





Tuy nhiên hiện đơn giá lắp đặt ĐMTAM còn cao, khoảng 20 - 23 triệu đồng cho mỗi kWp. Vì vậy, giá thành điện sản xuất ra cũng chưa cạnh tranh. Mặt khác, theo các điều tra khí tượng, khu vực miền bắc và Bắc Trung Bộ có số giờ nắng ít hơn khu vực miền Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, hiệu quả đầu tư ĐMTAM tại đây còn thấp.





Đồng thời, do còn chậm có Thông tư hướng dẫn của cơ quan quản lý về các tiêu chuẩn kỹ thuật, cơ chế quy định cụ thể cho các nhà đầu tư (bên thứ 3) tham gia kinh doanh, cơ chế tài chính hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp đầu tư, nên quy mô phát triển ĐMT còn chưa tương xứng với tiềm năng.





Trong Hội thảo "Thúc đẩy phát triển ĐMTAM tại Việt Nam" ngày 27-2-2019, qua đánh giá kinh nghiệm triển khai các dự án ĐMTAM, EVN kiến nghị Chính phủ: khuyến khích các cơ quan, tổ chức thuộc các bộ ngành và UBND các tỉnh, thành phố lắp đặt ĐMTAM; có cơ chế hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư ban đầu nhằm khuyến khích các hộ lắp đặt ĐMTAM; có cơ chế cho các nhà đầu tư (bên thứ ba) tham gia đầu tư ĐMTAM trên mái công trình;





EVN đồng thời kêu gọi các nhà tài trợ, ngân hàng, tổ chức quốc tế và trong nước tham gia sâu rộng vào thị trường ĐMTAM ở Việt Nam; Các nhà sản xuất, cung cấp, lắp đặt phối hợp với EVN tuyên truyền, quảng bá, cung cấp các giải pháp, dịch vụ hỗ trợ mở rộng thị trường ĐMTAM.






EVN thúc đẩy lắp đặt điện mặt trời áp mái


Các thành viên của EVN đã lắp đặt 3,2 MW điện mặt trời áp mái và hơn 1.800 khách hàng lắp đặt hệ thống này trên toàn quốc.





Với đặc điểm địa hình, khí hậu, thời tiết, Việt Nam có tiềm năng phát triển điện mặt trời. Nhờ chính sách khuyến khích phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo, nhiều dự án nguồn điện mặt trời đã được đầu tư xây dựng.





Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc phát triển ồ ạt điện mặt trời quy mô tập trung gây nguy cơ quá tải lưới điện và mất an toàn trong vận hành hệ thống điện. Hàng nghìn tỷ đồng được đưa ra để tăng cường, nâng cấp đường dây truyền tải và trạm biến áp (kể cả lưới điện siêu cao áp 500 kV) để có thể hấp thụ được lượng công suất đã được duyệt. 





Hiện nay, điện mặt trời áp mái được nhiều chuyên gia đánh giá cao bởi không tốn diện tích đất lại giúp tăng cường chống nóng hiệu quả cho các công trình. Hệ thống này được lắp đặt với quy mô nhỏ trên mái nhà dân, mái tòa nhà thương mại, mái công xưởng, nhà máy... với quy mô vài kW đến MW.





Các tấm pin mặt trời thông dụng có công suất khoảng 290-350Wp được thiết kế kiểu panel diện tích khoảng 1,9 m2. Nếu diện tích mái nhà khoảng 20 m2 thì có thể lắp đặt được 10 panel, công suất điện cực đại thu được khoảng trên 3 kWp, đủ dùng cho các thiết bị điện thông dụng trong một gia đình.









Nhờ quy mô nhỏ, lắp đặt phân tán nên điện mặt trời áp mái thường được đấu nối vào lưới điện hạ áp và trung áp hiện hữu, không cần đầu tư thêm hệ thống lưới điện truyền tải. Hệ thống này cũng được lắp đặt nhiều ở các mái nhà trong thành phố, khu công nghiệp nên có tác dụng làm giảm quá tải lưới điện truyền tải từ các nguồn điện truyền thống, thường đặt ở xa các trung tâm đông dân. 





Với nhiều ưu điểm của hệ thống điện mặt trời áp mái, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm khuyến khích sử dụng hệ thống này, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và tư nhân đầu tư phát triển, lắp đặt trên mái các tòa nhà trụ sở, công trình điều hành, trạm biến áp...





Cuối năm 2018, tại các công trình xây dựng trực thuộc các đơn vị thành viên của EVN đã có trên 3,2 MW công suất điện mặt trời áp mái được lắp đặt, trong đó tại Tổng công ty Điện lực Hà Nội có 52 kWp, Tổng công ty Điện lực miền Trung chiếm 352 kWp, Tổng công ty Điện lực miền Nam là 1.985 kWp. Trên toàn quốc ước tính có 1.800 khách hàng đã lắp đặt hệ thống này với tổng công suất 30,12 MW.





Tuy nhiên, đại diện EVN cho biết, việc phát triển điện mặt trời áp mái vẫn còn nhiều khó khăn do chi phí lắp đặt cao, khoảng 20-23 triệu đồng mỗi kWp công suất. Vì vậy, giá thành điện sản xuất ra cũng chưa cạnh tranh. Theo các điều tra khí tượng, khu vực miền Bắc và Bắc Trung Bộ có số giờ nắng ít hơn khu vực miền Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, hiệu quả đầu tư còn thấp.





Trong hội thảo "Thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam" ngày 27/2 vừa qua, lãnh đạo EVN cũng đưa ra một số kiến nghị như tiếp tục tuyên truyền quảng bá về lợi ích của phát triển điện mặt trời áp mái, khuyến khích các cơ quan tổ chức lắp đặt hệ thống hay đưa các các cơ chế hỗ trợ các hộ gia đình.





"Chính phủ cần có cơ chế cho các nhà đầu tư (bên thứ 3) tham gia đầu tư điện mặt trời áp mái trên mái công trình; các nhà tài trợ, ngân hàng, các tổ chức quốc tế và trong nước tham gia sâu rộng vào thị trường. Trong khi, các nhà sản xuất, cung cấp, lắp đặt phối hợp với EVN và các đơn vị điện lực tuyên truyền, quảng bá, cung cấp các giải pháp, dịch vụ hỗ trợ mở rộng thị trường này", đại diện doanh nghiệp kiến nghị.






Thứ Tư, 20 tháng 3, 2019

Vì sao nhà đầu tư Thái Lan thích M&A các dự án Điện mặt trời ở Việt Nam?


Đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các dự án đầu tư năng lượng tái tạo trong đó có điện mặt trời sẽ là xu hướng đầu tư mới của doanh nghiệp Thái Lan trong năm 2019.





Audistti Stroithong - Tham tán Thương mại, Đại sứ Quán Thái Lan tại Việt Nam




Ngài Audistti Stroithong - Tham tán Thương mại, Đại sứ Quán Thái Lan tại Việt Nam.





Đó là nhận định của ông Audistti Stroithong - Tham tán Thương mại, Đại sứ Quán Thái Lan tại Việt Nam khi trao đổi riêng với Diễn đàn Doanh nghiệp về xu hướng đầu tư của doanh nghiệp Thái Lan trong năm 2019 vào Việt Nam.





Cũng theo ngài Tham tán, với những thế mạnh và chính sách cởi mở của Chính phủ Việt Nam về năng lượng tái tạo, cùng những kinh nghiệm đầu tư trong quá khứ, doanh nghiệp Thái Lan rất quan tâm tới thị trường năng lượng tái tạo của Việt Nam, đặc biệt là điện mặt trời.





Cụ thể, tại Việt Nam khí hậu ấm nóng, mặt trời hầu như chiếu quanh năm, đặc biệt là tại khu vực miền Trung và miền Nam. Năng lượng gió tại các vùng miền này cũng rất dồi dào.





Ngoài ra, với đặc điểm vị trí địa lý của các tính miền Trung gần với Thái Lan, ông cho biết, hiện nay đã có đoàn doanh nghiệp Thái Lan đi khảo sát và tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam tại khu vực Bắc Trung Bộ Việt Nam.





Cùng với xu hướng an ninh năng lượng của thế giới, Chính phủ Việt Nam với nhiều chính sách mở cửa để có thể thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời – lĩnh vực đầu tư đang được doanh nghiệp Thái Lan đặc biệt quan tâm.





Theo đó, Chính phủ Việt Nam cũng ban hành các chính sách ưu đãi khác cho các nhà đầu tư như ưu tiên cung cấp tín dụng, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, sử dụng hợp đồng mua bán điện mẫu...





Với các chính sách và cơ chế hỗ trợ khá hấp dẫn này, đã và đang xuất hiện một "làn sóng" đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, trong đó có nhà đầu tư đến từ Thái Lan.





Với Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 6 tháng 2019. Để khuyến khich loại hình năng lượng này tiếp tục phát triển, Bộ Công thương đang lấy ý kiến cho dự thảo mới để trình Chính phủ ban hành và áp dụng sau thời điểm tháng 6 năm 2019.





Theo dự thảo này, giá mua bán điện mặt trời được phân theo vùng địa lý và các mô hình phát điện khác nhau. Cụ thể có 4 vùng địa lý khác nhau và 4 loại hình sản xuất điện mặt trời là: Dự án điện mặt trời nổi, dự án điện mặt trời mặt đất, dự án điện mặt trời tích hợp hệ thống lưu trữ, dự án điện mặt trời trên mái nhà.





Theo đó, giá mua điện mặt trời cao nhất là 2.486 VNĐ/kWh (tương đương 10,87 US Cent/kWh), áp dụng cho các dự án điện mặt trời trên mái nhà đối với các dự án điện tại vùng 1 là các tỉnh phía bắc và bắc miền Trung. Giá điện thấp nhất là 1.525 VNĐ/kWh (tương đương 6,67 US Cent/kWh), áp dụng cho các dự án điện mặt trời mặt đất tại khu vực vùng 4, là các tỉnh Nam Trung bộ và Nam Tây Nguyên.





Với dự thảo sắp tới này, cơ hội cho các nhà đầu tư Thái Lan ra sao? Trả lời câu hỏi này của Diễn đàn Doanh nghiệp, Ngài tham tán cho biết: “Điều này phụ thuộc vào mỗi doanh nghiệp, nếu như với giá điện mà Bộ Công thương Việt Nam đề xuất, doanh nghiệp Thái Lan nào cảm thấy có thể cân đối giữa lợi nhuận và chi phí, thì họ sẵn sàng đầu tư".





"Tuy nhiên, tôi tin tưởng rằng doanh nghiệp Thái Lan với những thế mạnh nhỉnh hơn so với các nhà đầu tư khác về kinh nghiệm trong hoạt động đầu tư vào năng lượng tái tạo, cùng với niềm tin về môi trường đầu tư tôi tin rằng doanh nghiệp Thái rất cởi mở với các cơ hội đầu tư này”- ông khẳng định.






Thứ Hai, 18 tháng 3, 2019

Thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái


Trong bối cảnh hệ thống điện đang chịu nhiều áp lực, đặc biệt sau năm 2020, khi cả nước không có nguồn khai thác mới thì việc phát triển các dự án năng lượng mặt trời, trong đó có điện mặt trời áp mái được xem là một trong những giải pháp góp phần giảm áp lực cho ngành Điện.









2 năm kể từ khi có Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11-4-2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, đến nay đã có 365 dự án điện mặt trời tập trung, với công suất 29.000 MW được đăng ký đầu tư. 





Trong đó 141 dự án được bổ sung vào quy hoạch, 95 dự án với công suất đặt 6.100 MWp đã được EVN ký hợp đồng mua bán điện. Tính đến cuối năm 2018, các đơn vị trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã lắp đặt được 54 công trình điện mặt trời áp mái, với tổng công suất 3,2 MWp. 





Các Tổng công ty Điện lực và Công ty điện lực đã ký kết thực hiện đấu nối, lắp đặt công tơ hai chiều, xác nhận chỉ số công tơ và sản lượng điện năng giao nhận với 1.800 khách hàng đăng ký bán điện mặt trời áp mái, với tổng công suất 30,12 MWp; sản lượng điện năng lũy kế phát lên lưới là 3,97 triệu KWh.





Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân, con số này còn quá nhỏ so với tiềm năng phát triển điện mặt trời của Việt Nam. Hiện nay, chỉ tính riêng các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Lâm Đồng đã có 75 dự án và dự kiến sẽ tiếp tục tăng nhanh, nên lưới điện truyền tải không thể truyền tải được hết lên hệ thống. EVN dự kiến chỉ 50% công suất này được đưa lên lưới vì để đầu tư lưới truyền tải cần từ 3 đến 5 năm, trong khi để làm điện mặt trời thì mất khoảng 1 năm.





Một khó khăn nữa khiến điện mặt trời áp mái chưa phát triển là do nguồn vốn ban đầu để đầu tư tương đối cao. Chuyên gia Đào Minh Hiển, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2 thông tin thêm, có nguyên nhân nữa là do vướng mắc quy định thanh toán của khách hàng bán trên lưới điện, thuế... 





Cụ thể, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 16/2017/TT-BCT (ngày 12-9-2017), quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời. Bên cạnh đó, để gỡ vướng cho điện mặt trời áp mái về các vấn đề liên quan: Thuế, bù trừ điện năng, cách thức thanh toán… ngày 8-1-2019 Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 02/2019/QĐ-TTg sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định 11/2017/QĐ-TTg. 





Hiện tại, Bộ Công Thương đã gửi dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 16/2017/TT-BCT xin ý kiến các bộ, ngành. Các chính sách này đã mở ra nhiều cơ chế khuyến khích cho thị trường điện mặt trời tại Việt Nam, nhưng hiện nay Thông tư sửa đổi này vẫn chưa nhận được đầy đủ ý kiến của các bộ, ngành.





Theo Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân, Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện, nhất là giai đoạn 2021-2025 và những năm sau đó. Đặc biệt, dự báo đến năm 2023, hệ thống sẽ thiếu hụt khoảng 12 tỷ kWh, chiếm 5% so với nhu cầu của cả nước. Để người dân hiểu và sử dụng điện mặt trời áp mái, EVN đã tạo điều kiện như cam kết hỗ trợ tối đa các yêu cầu lắp đặt của người dân, doanh nghiệp về các thủ tục đấu nối, mua bán điện sẽ được thực hiện nhanh chóng. EVN cũng sẽ triển khai nhanh việc đấu nối, các công tơ 2 chiều và chịu toàn bộ chi phí đo sản lượng bán lên lưới điện.





Để thúc đẩy và phát triển các dự án điện mặt trời áp mái tại các tỉnh, thành phố có tiềm năng về bức xạ mặt trời, EVN đã đề xuất một số kiến nghị như: Chính phủ xem xét cơ chế hỗ trợ các hộ gia đình một phần kinh phí đầu tư ban đầu lắp đặt điện mặt trời áp mái; có cơ chế cho các nhà đầu tư (bên thứ 3) tham gia vào đầu tư. 





Đồng thời, Bộ Công Thương cần sớm ban hành thông tư sửa đổi Thông tư 16/2017/TT-BCT quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời để EVN và các đơn vị điện lực ký hợp đồng và thanh toán tiền điện cho khách hàng; xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật điện mặt trời áp mái bảo đảm chất lượng, an toàn và hiệu quả cho khách hàng cũng như hệ thống lưới điện…