Không phải chỉ khi các nguồn năng lượng sơ cấp - đầu vào cho sản xuất điện như nước, than, khí…trở nên khan hiếm và đắt đỏ như hiện nay, Việt Nam mới quan tâm đến năng lượng mặt trời. Từ những năm 1990, khi nhiều thôn xóm ngoại thành chưa có lưới điện quốc gia, Phân viện Vật lý TP Hồ Chí Minh đã triển khai các sản phẩm từ điện mặt trời để sử dụng trong một số nhà văn hóa, bệnh viện tại các huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi… Đặc biệt, công trình điện mặt trời trên đảo Thiềng Liềng, xã Cán Gáo, huyện Cần Giờ đã cung cấp điện cho 50% số hộ dân sống trên đảo.
Nước ta cũng có nhiều tiềm năng để phát triển nguồn điện này, do nằm trong khu vực có cường độ bức xạ mặt trời tương đối cao, với tổng số giờ nắng và cường độ bức xạ nhiệt cao (trung bình xấp xỉ 5kWh/m2/ngày). Tại khu vực phía Nam, số giờ nắng khoảng 1.600 - 2.600 giờ/năm. Theo nhiều chuyên gia, đây là điều kiện để phát triển sản xuất và đa dạng hóa các nguồn phát điện. Ngoài ra, nếu phát triển tốt điện mặt trời sẽ góp phần đẩy nhanh Chương trình điện khí hóa nông thôn; và thực hiện mục tiêu đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện được Quy hoạch điện VII đưa ra. Cụ thể là trong giai đoạn từ 2011 -2015 sẽ cấp điện từ nguồn năng lượng tái tạo cho khoảng 377 nghìn hộ dân nông thôn; giai đoạn 2016 - 2020 sẽ có thêm 231 nghìn hộ dân được cấp điện từ nguồn này. Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng, phát triển nguồn điện năng lượng mặt trời sẽ giúp thực hiện mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ đưa ra: sản lượng điện từ năng lượng mới và tái tạo phải đạt ít nhất 4,5% trên tổng sản lượng điện của toàn hệ thống vào năm 2020, và đạt khoảng 6,5% vào năm 2030…
Từ thực tế thực hiện sản xuất pin năng lượng mặt trời tại quần đảo Trường Sa và trên địa bàn thành phố, Giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP Hồ Chí Minh Huỳnh Kim Tước cho rằng, phát triển ngành công nghiệp này sẽ góp phần đa dạng hóa các nguồn phát điện, thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch, tiết kiệm năng lượng, giảm phát khí thải nhà kính, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, sử dụng pin năng lượng mặt trời cũng giúp chủ động cấp điện tại chỗ cho các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo - là những nơi đặc biệt khó khăn trong việc kéo đường dây truyền tải điện. Hiện nay đầu tư vào điện mặt trời đã tiệm cận gần như điện gió, vì nguồn điện này có nhiều ưu điểm về chất lượng, trong khi không yêu cầu cao về bảo hành, bảo trì và điều kiện thi công đơn giản. Hơn nữa, nhiều quốc gia khác tại châu Âu, châu Mỹ và Nhật Bản đang có xu hướng chuyển công nghệ sản xuất điện mặt trời sang các nước khu vực châu Á. Với những lợi thế này, nhiều ý kiến đề nghị, cần ban hành chính sách ưu tiên phát triển điện mặt trời bên cạnh những chính sách phát triển điện gió hiện hành. Trong đó, quan trọng nhất là chính sách đầu tư phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu, chế tạo pin mặt trời, cũng như nhân lực tư vấn xây dựng nhà máy sản xuất. Bởi lực lượng cán bộ, công nhân cho ngành công nghiệp này hiện còn mỏng so với nhu cầu sử dụng điện năng lượng tái tạo nói chung, năng lượng mặt trời nói riêng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét