Thứ Ba, 12 tháng 6, 2012

Hãy phá triển năng lượng tái tạo, lùi thời gian làm điện hạt nhân

Hai giả thiết dự báo Việt Nam sẽ cần 420 tỷ kWh và sẽ thiếu 115 tỷ kWh vào năm 2020 của Bộ Công thương đến nay đã không còn đúng. Vậy đâu còn lý do để phải làm điện hạt nhân? – Phản biện của GS Phạm Duy Hiển, chuyên gia hàng đầu về điện hạt nhân ở Việt Nam hiện nay.
“Chính năng lượng tái tạo đầy tiềm năng mới bảo đảm an ninh năng lượng lâu dài cho đất nước, chứ không phải điện hạt nhân mà tất thảy đều phụ thuộc vào nước ngoài.” – GS.Phạm Duy Hiển


Đâu còn lý do để phải làm điện hạt nhân?

PV:- Mới đây, GS có nêu ý kiến rằng, dự báo thiếu điện mà Bộ Công thương trình Quốc hội tháng 11/2009 để luận cứ cho dự án điện hạt nhân (ĐHN) Ninh Thuận là không đúng. Liệu ông có thể nói rõ hơn?

GS Phạm Duy Hiển:- Theo tờ trình lên Quốc Hội của Bộ Công thương tháng 11/2009 thì vào năm 2020 chúng ta cần 420 tỷ kWh và sau khi đã khai thác hết các nguồn cổ điển như than, dầu, khí và thủy điện, chúng ta sẽ thiếu 115 tỷ kWh, một sản lượng điện rất lớn, tương đương với khả năng cung ứng của toàn bộ hệ thống hiện nay.

Dự báo này dựa trên hai giả thiết cơ bản: GDP tăng trưởng bình quân 8,5%/năm trong giai đoạn 2008-2020, và điện năng tăng với tốc độ gấp đôi GDP, khoảng 15%/năm (hệ số đàn hồi điện/GDP bằng 2) trong nhiều năm liền. Thực tế cho thấy cả hai giả thiết này đều duy ý chí, từ đó dẫn đến những dự báo điện năng rất cao, càng gần đến mốc 2020 dự báo càng khác xa sự thực.

Trong bốn năm qua GDP chỉ tăng bình quân 6%/năm. Năm nay có thể còn thấp hơn và rất khó tin rằng từ nay đến 2020 GDP sẽ tăng bình quân cao hơn 7%/năm. Nền kinh tế đang tái cấu trúc, chúng ta không thể tiếp tục mãi mô hình tăng trưởng bằng mọi giá dựa vào thâm dụng vốn, năng lượng và tài nguyên như bấy lâu nay.

ADB dự báo GDP của Việt Nam trong 2 năm tới sẽ ở mức 6% hoặc thấp hơn




Còn về hệ số đàn hồi điện/GDP, trước đây thường lớn hơn 2, gần đây bắt đầu hạ xuống còn 1,8 năm 2010 và 1,6 năm 2011. Hệ số đàn hồi cao như thế trong nhiều năm liền có nghĩa là Việt Nam lãng phí điện nhất thế giới. Cho nên mới đây Hội nghị TW 4 khóa XI đã ra nghị quyết nêu rõ: “Thực hiện sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, phấn đấu giảm hệ số đàn hồi điện/GDP còn 1,0 vào năm 2020”.

Năm 2011 tổng sản lượng điện của Việt Nam là 109 tỷ kWh, hệ số đàn hồi bằng 1,6. Nếu thực hiện đúng nghị quyết TW 4 để đến năm 2020 hệ số đàn hồi chỉ còn bằng 1 thì nhu cầu điện năng lúc ấy sẽ không vượt quá 240 tỷ kWh, thấp hơn dự báo của Bộ Công thương trình lên Quốc Hội đến 160 tỷ kWh (xem bảng). Vậy đâu còn lý do để phải làm ĐHN?
Thực hiện tốt theo nghị quyết TƯ 4, Việt Nam sẽ không thiếu điện, “đâu còn lý do để phải làm ĐHN?” GS.Phạm Duy Hiển.


Ghi chú:
- Lượng điện dự báo thiếu hụt năm 2020 là 12.7 TWh = 4,9TWh (Điện hạt nhân) + 7.8TWh (Điện nhập khẩu) được trích từ nguồn: Trang 25, Chương 7-Chương trình phát triển nguồn điện, Quy hoạc điện VII
- Các số liệu khác lấy theo bảng đã đăng trên PN Today


PV:Khi những lý do thiếu điện nghiêm trọng sau năm 2020 như Bộ Công Thương dự báo đã không còn đứng vững, câu trả lời cho vấn đề điện hạt nhân đã quá rõ, thưa GS?

GS Phạm Duy Hiển:- Giờ đây khoảng cách giữa dự báo và thực tế ngày càng lớn khiến chúng ta không thể tiếp tục theo đuổi một mục tiêu phiêu lưu mà rồi đây sẽ để lại những gánh nặng quá lớn cho đất nước. Chỉ còn cách phải hoãn lại lại kế hoạch xây dựng cả hai nhà máy ĐHN của Nga và Nhật cho đến khi nào các điều kiện tối thiểu để làm ĐHN đủ chín muồi, nhất là các yếu tố nhân lực, hạ tầng pháp lý và văn hóa an toàn trong công nghiệp mà hiện nay tất thảy đều quá yếu kém. Chỉ cần chứng kiến những gì đã xảy ra ở Fukushima rồi đối chiếu với tình trạng giao thông hỗn loạn khiến ngày nào cũng có hơn 30 ca tử vong, từng ấy đã quá đủ để những người có trách nhiệm phải nhận ra rằng dự án ĐHN cần phải dừng lại khi chưa quá muộn.

Nhà máy điện hạt nhân. Ảnh minh họa: Neftriplecrungch.




Nên lùi ít nhất 10 năm nữa

PV:Phát biểu trên báo chí, Bộ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ Nguyễn Quân luôn bày tỏ sự lo lắng về nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân: “Cần có những chuyên gia giỏi và bảo đảm an toàn hạt nhân, nếu không tiến độ đề ra có thể bị dời lại một hai năm” (Báo VnExpres tháng 4/2012) hay “Tôi lo lắng về nguồn nhân lực cho điện hạt nhân” (trả lời trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ tháng 5/2012). Theo GS, việc đào tạo nhân lực điện hạt nhân của Việt Nam hiện nay thế nào?

GS Phạm Duy Hiển:- Bắt đầu vào cuộc trong ngành hạt nhân từ hơn 40 năm trước, mấy năm gần đây tôi thấy nhân lực của ngành sa sút nghiêm trọng do chúng ta thiếu hẳn một chính sách xây dựng đội ngũ, nhất là chuyên gia. Nhiều người nói rất hăng về ĐHN, nhưng khi cần triển khai một nhiệm vụ khoa học công nghệ cụ thể, thậm chí khá đơn giản, thì nhìn quanh quất không thấy mấy ai đủ tầm. Trước đây các nhà lãnh đạo từ cấp Bộ trở lên chưa nhận ra sự thực này, gần đây khi bắt đầu triển khai công việc lỗ hổng lớn này mới lộ rõ.

Cho nên ngoài việc nhờ Nga và Nhật đào tạo, Nhà nước cũng đã có chương trình đào tạo cán bộ trong nước, nhưng có thể nói rằng mọi việc không dễ dàng như nhiều người nhầm tưởng. Tôi đã đến thăm trường đào tạo của Nga, nơi có nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới. Tôi thấy điều kiện đào tạo ở đó rất tốt. Vấn đề là Việt Nam hiện chỉ mới có khoảng 70 em học ở đấy, một nửa học lớp dự bị và tiếng Nga, nửa còn lại mới học năm thứ nhất. Đến bao giờ họ mới trở thành chủ nhân công thực sự cho các nhà máy ĐHN sẽ xây dựng từ năm 2014?

Để vận hành một lò phản ứng như của Nga, phải cần ít nhất là 300 hoặc 400 người, trong đó phải có những người đứng đầu biết xử lý mọi tình huống, tức phải là những người có kinh nghiệm. Trước đó lại cần rất nhiều chuyên gia biết thẩm định dự án và giám sát thi công. Rồi phải có nhiều người có kinh nghiệm khác ở các cơ quan pháp quy độc lập với nhà máy. Họ phải làm trong nghề ít nhất 10 năm sau khi tốt nghiệp đại học. Hiện Việt Nam chưa có những người như vậy.

Về chuyện đào tạo trong nước, tuy Chính phủ đã chuẩn chi 3 ngàn tỷ đồng cho dự án này nhưng ai sẽ làm thầy? Trong thế hệ “trẻ” hiện nay chưa ai từng kinh qua những trường đào tạo về hạt nhân nghiêm chỉnh, những chuyến xuất ngoại vài ba tuần lễ chỉ đủ để cưỡi ngựa xem hoa. Vậy làm sao họ có thể đào tạo các chuyên gia ĐHN? Mà trong chương trình lại thấy đào tạo cả thạc sỹ, tiến sỹ nữa? Liệu trong nhà máy ĐHN sau này có chỗ ngồi nào cho các vị cân đai áo mão này?

PV:Vậy khi nào Việt Nam đủ điều kiện tối thiểu đề bắt tay vào làm điện hạt nhân, lùi độ một vài năm hay lâu hơn?

GS Phạm Duy Hiển:- Bây giờ còn một khó khăn nữa là ĐHN rất đắt mà Việt Nam lại không có tiền, phải đi vay nước ngoài. Một lò phản ứng hạt nhân công suất 1000 MW trước đây dự trù khoảng 3 tỷ đôla, nhưng gần đây Mỹ đã phải chi đến 8 tỷ để xây một lò. Đầu tư cho ĐHN tăng lên ngất ngưởng sau Fukushima vì chúng ta phải mua những dự phòng an toàn rất lớn. Thời gian xây dựng lại thường kéo dài, ở Phần Lan chậm tiến độ đến những 5 năm, đội giá đến hai lần, do luôn xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư và bên cung cấp công nghệ (AREVA của Pháp).

Hiện Nga đã cam kết cho vay đối với nhà máy đầu tiên, còn Nhật thì chưa có cam kết với nhà máy thứ hai. Vì thế, có lẽ trước hết phải đàm phán với Nhật để hoãn lại nhà máy thứ hai. Với Nga, cũng chưa thể khởi công vào năm 2014 được. Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ đã nói có thể phải lùi lại dự án ĐHN lại vài năm. Theo tôi, nói như vậy là còn dè dặt, trên thực tế có lẽ phải lùi lại ít nhất 10 năm nữa! Lúc ấy hẵng hay.

Hãy phát triển năng lượng tái tạo

PV:Nhưng về lâu dài có phương án nào để giải quyết bài toán thiếu điện?

GS Phạm Duy Hiển:- Thực hiện Nghị Quyết TW 4 không dễ, cần phải có tư duy mới và hành động quyết liệt. Trước hết, chúng ta phải biết cách sử dụng điện hiệu quả như các nước quanh ta. Tư duy lâu nay là điện đi trước một bước, ai cần điện đều phải được cung cấp, thậm chí họ xài điện, xài xi măng, sắt thép (cũng là điện) để xây dựng công trình, rồi bỏ công trình hoang phế cũng chẳng sao, bởi tiền điện đã chui vào két của EVN. Phải từ bỏ mọi chính sách khuyến khích xài điện, như thưởng cho EVN nếu thu được nhiều tiền điện hơn định mức (theo như giải trình của Bộ trưởng Tài chính trước Quốc Hội).

Cần xác định đúng thủ phạm gây lãng phí điện năng và có biện pháp xử lý. Hai năm gần đây kinh tế suy thoái, nhiều doanh nghiệp phá sản khiến cho tiêu thụ điện giảm hẳn, hệ số đàn hồi điện/GDP giảm xuống còn 1,8 (2010) và 1,6 (2011). Điều này chứng tỏ thủ phạm chính gây lãng phí điện năng nằm trong khối sản xuất, xây dựng, chứ không phải trong khối hộ gia đình.

Tại sao lại phải bù chéo giá điện cho xuất khẩu xi măng và thép đến hơn 2500 tỷ đồng năm 2010, trong đó có cả doanh nghiệp nước ngoài ? (theo lời Bộ trưởng Tài chính báo cáo trước Quốc Hội). Tại sao trong cùng một đất nước mà điện năng ở TP Hồ Chí Minh chỉ tăng 7%/ năm, tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực, trong khi Hà Nội lại tăng đến 17%/năm, Quảng Ninh 21%? Phải áp tiêu chí tiêu thụ điện năng vào trách nhiệm của lãnh đạo các tỉnh và công khai hóa cho mọi người đều biết. Tiêu thụ điện năng phải được xem như tiêu chí ưu tiên khi xét duyệt các dự án đầu tư trong và ngoài nước. Những công nghệ lạc hậu tiêu tốn điện năng phải tìm cách loại bỏ dần v.v… Ai vi phạm trong khâu xét duyệt dự án sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Những biện pháp này cần được đưa vào Luật Điện Lực Sửa Đổi sắp được Quốc Hội xem xét.

PV:Trong cuộc trả lời trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Quân đã bày tỏ: “Hy vọng trong tương lai, chúng ta có công nghệ khác, nguồn năng lượng khác thì không phải tiếp tục phát triển điện hạt nhân”. Liệu GS có thể nói thêm về những loại năng lượng khác mà chúng ta có thể làm chủ hiện nay?

GS Phạm Duy Hiển:- Đúng vậy, chúng ta sẽ phát triển năng lượng tái tạo, một thứ của trời cho, lại rất thân thiện với con người và môi trường. Nước ta có bờ biển dài hơn 3000 km, lại chịu tác động trực tiếp quanh năm của hoàn lưu gió mùa Đông Nam Á, đông bắc về mùa đông và tây nam về mùa hè, nên có tiềm năng gió lớn nhất khu vực, ước tính vượt quá nhiều lần nhu cầu điện năng năm 2020. Những tua bin gió đầu tiên đã đi vào hoạt động, giá thành điện còn cao, nhưng sẽ giảm dần và chắc sẽ không cao hơn ĐHN vào năm 2020. Tiềm năng về năng lượng mặt trời thì khỏi nói. Vấn đề giờ đây là phải quyết tâm xem năng lượng tái tạo thực sự là hướng đi bền vững, không phải chỉ hô hào, tuyên truyền suông, mà nhà nước phải có quyết sách và lộ trình như nhiều nước khác.

Hồng Hạnh (PN Today)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét