Chỉ cách trung tâm thành phố Đồng Hới chừng 50 km, nhưng từ bao đời nay, người Vân Kiều ở dọc dãy Trường Sơn thuộc bản Rào Con, xã Sơn Trạch (Bố Trạch - Quảng Bình) vẫn sống trong cảnh "trăm bề thiếu thốn". Đặc biệt là không có điện chiếu sáng.
Rào Con heo hút giữa đại ngàn
Phải vất vả lắm chúng tôi mới tìm thấy lối rẽ vào bản Rào Con nằm heo hút trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Men theo con đường cây cối che kín, dốc cua khúc khuỷu dựng đứng, mưa lũ đã cuốn trôi đi phần đất nên mặt đường giờ chỉ còn lại thảm đá lởm chởm. Cứ chạy được ít phút, gặp một thảm đá lớn là người và xe đổ nhào theo con dốc. Dù đã được đầu tư xây dựng đường bê tông dẫn vào bản nhưng chủ đầu tư mới thi công xong 1/3 đoạn đường, còn lại khoảng 5 km đường đất đá ngổn ngang.
Đến với bà con bản Rào Con lúc đã quá trưa, trước mắt chúng tôi là những nóc nhà sàn lưa thưa nằm tựa mình bên triền núi thuộc dãy Trường Sơn hùng vĩ. Bản Rào Con được thành lập từ năm 1986. Trước đây, một số người Vân Kiều ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh ra đây định cư sinh sống và lập nên bản Rào Con. Hiện tại cả bản chỉ có 36 hộ với 158 nhân khẩu.
Rào Con heo hút giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ
Anh Hồ Thẩu, Bí thư chi bộ bản Rào Con cho biết, người dân ở bản đã biết phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng lúa nước để tự túc lương thực nhưng với 3 ha lúa quanh năm phụ thuộc vào điều kiện thời tiết nên thu hoạch cũng chẳng được bao nhiêu. Từ trước đến nay, người dân thôn bản sống chủ yếu là dựa vào lúa gạo trợ cấp của Nhà nước.
Không chỉ khó khăn về vật chất mà gần 30 năm nay, bà con thôn bản phải sống trong cảnh không có ánh điện chiếu sáng. Con em trong bản phải thắp nến hoặc đốt củi để học bài. Bản vẫn chưa có trường mầm non, chưa có nhà văn hóa để bà con sinh hoạt, xa trung tâm nên điều kiện khám chữa bệnh của bà con cũng gặp không ít khó khăn, những trường hợp bệnh nặng thì phải đưa ra trung tâm y tế của xã để khám, điều trị, và đã có không ít trường hợp chết dọc đường đi cấp cứu.
Gian nan vượt rừng tìm chữ
Những khó khăn của bản Rào Con chưa dừng lại ở đó, hiện tại Rào Con có tất cả 16 học sinh, nhiều em cũng đã đến tuổi vào lớp mẫu giáo. Bản có một điểm trường lẻ thuộc Trường tiểu học Sơn Trạch, với 2 giáo viên từ ngoài vào bản giảng dạy nhưng việc dạy học ở đây cũng rất thất thường, có khi mỗi tuần chỉ dạy được 3 - 4 buổi.
Vì thế, dù cách trung tâm xã khoảng 20 km, đường sá đi lại khó khăn nhưng nhiều hộ vẫn đưa con ra ở bán trú theo học cái chữ. “Hiện bản có 8 em ra ngoài trung tâm xã trọ học, nhưng gắng lắm thì cũng học hết bậc tiểu học rồi lại về theo ba mẹ lên nương lên rẫy mưu sinh. Bây giờ cả bản có em nào học cấp hai đâu”, vợ anh Thẩu lo lắng cho tương lai của bản.
Do cuộc sống còn quá nhiều khó khăn, không được ăn học chu đáo nên không biết rồi đây tương lai của những đứa trẻ ở bản Rào Con sẽ đi về đâu?
Vợ chồng anh Thẩu có 3 đứa con, cháu lớn năm nay mới vào lớp 1 nhưng phải ra trung tâm xã ở bán trú để học. Ngoài ra ở trong bản, nhà anh Hồ Kiên cũng có 2 cháu, ông Trần Văn Vưn có 1 cháu cũng phải xa nhà trọ học. “Nhiều lúc cũng muốn cho con học gần nhà nhưng trường ở đây cơ sở vật chất và các trang thiết bị phục vụ công tác dạy học còn nhiều thiếu thốn. Hơn nữa công tác dạy học ở đây cũng không được chú tâm cho lắm. Thầy cô có khi chiều thứ hai mới vô, sáng thứ sáu đã ra về”, một phụ huynh ngao ngán.
Nói rồi vị phụ huynh này liền châm điếu thuốc, phà hơi khói, mắt đăm đăm nhìn ra phía ngọn núi nhô mình bên hiên nhà rồi chép miệng: Không biết rồi đây tương lai của lũ trẻ ở cái bản nghèo này sẽ đi về đâu?
Rào Con mong lắm ngày có điện
Gần 30 năm qua, việc không có điện chiếu sáng đã khiến bà con bản Rào Con gặp quá nhiều khó khăn. Hiện tại cả bản chỉ có 3 hộ dân có máy nổ phát điện nhưng đã hỏng mất 2 cái. Cái còn lại "năm thì mười họa" mới có tiền mua vài lít xăng để sử dụng. “Xăng giờ lít mấy chục ngàn nên tiền mô mà chạy cho lại hả chú. Tết nhất mới mua được dăm lít về chạy cho bà con vui chơi ngày tết tí thôi, chứ ngày thường con học bài cũng không dám nổ máy phát điện mà phải đỏ nến, đốt củi”, anh Thẩu nói.
Gần 30 năm nay Rào Con thèm được hòa điện lưới quốc gia
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hòa, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Trạch cho biết, những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho bà con bản Rào Con; vì thế, đời sống của bà con đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, việc thiếu điện chiếu sáng đã khiến bà con gặp không ít khó khăn. Qua nhiều lần họp HĐND, và trong các cuộc tiếp xúc cử tri chúng tôi cũng đã trình bày, kiến nghị lên cấp trên về vấn đề này.
“Vừa qua, Sở Công thương cũng đã lên tiến hành khảo sát thực địa để đầu tư nguồn điện bằng pin năng lượng mặt trời cho bà con. Mong rằng ngày ánh điện về với bà con bản Rào Con sẽ không còn xa”, ông Hòa nói.
Thông tin này là tín hiệu đáng mừng cho hàng chục hộ dân thuộc bản Rào Con trong tương lai sẽ có điện chiếu sáng, còn thực tế khi nào người dân mới chính thức có điện để sử dụng thì vẫn còn là một bài toán chưa có lời giải cho cả chính quyền địa phương và bà con giữa núi rừng hoang vu này.
Đăng Đức - Đặng Lê
P/s: Nếu Quý doanh nghiệp hoặc nhà hảo tâm nào quan tâm tới việc đưa điện mặt trời tới bà con, có thể liên lạc với chúng tôi qua blog này để cùng phối hợp đưa điện tới thôn bản, góp phần giúp người dân Rào Con thoát cảnh đói nghèo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét