Một hoạt động kinh doanh khá mới mẻ đang bùng phát ở Italia có thể biến gió và ánh sáng mặt trời thành vàng đem lại lợi ích to lớn cho cả châu Âu lẫn tổ chức mafia nổi tiếng ở Sicily là Cosa Nostra - đó là năng lượng tái tạo.
Sự dính líu của mafia đối với khu vực năng lượng mặt trời và gió hiện đang đặt ra những câu hỏi về tính hiệu quả trong việc sử dụng những khoản tiền trợ cấp của chính phủ nhằm mang lại sự thay đổi hướng đến các năng lượng sạch hơn và những người chỉ trích cho rằng, số tiền này đã tạo ra lợi nhuận rất lớn cho các công ty cũng như một môi trường thuận lợi cho sự lừa đảo có sự nhúng tay của mafia. Italia hiện là quốc gia sản xuất năng lượng gió lớn hàng thứ 3 ở châu Âu, cùng với sự bùng nổ của điện mặt trời, và phần lớn được phát triển ở miền Nam nước này. Do đó, Sicily thu hút mạnh mafia là điều khó tránh khỏi.
Phá hoại cạnh tranh hợp pháp
Do được thiên nhiên ưu đãi về gió và ánh nắng mặt trời hơn bất cứ phần nào khác của Italia nên đảo Sicily trở thành một trong những môi trường thuận lợi nhất của châu Âu để phát triển năng lượng tái tạo trong thập niên qua. Khi chính quyền Italia bắt đầu rót hàng tỉ USD mỗi năm trợ cấp cho việc phát triển năng lượng gió và mặt trời, khả năng sinh lợi tiềm tàng của những dự án như thế hiển nhiên tăng cao bất ngờ - một yếu tố mà các gia đình tội phạm mafia nổi tiếng ở Sicily đương nhiên không thể không nhìn thấy.
Khoảng 1/3 trong số các trại gió của Sicily - cùng với một nhà máy năng lượng mặt trời - đã bị chính quyền tịch thu. Giới chức chính quyền đã đóng băng khối tài sản trị giá 2 tỉ USD và ra lệnh bắt giữ khoảng chục trùm tội phạm, các thành viên hội đồng thành phố tham nhũng cũng như một số doanh nhân có liên quan đến mafia.
Các công tố viên Italia hiện đang nỗ lực điều tra sự dính líu của mafia trong các dự án năng lượng tái tạo từ đảo Sardinia đến vùng Apulia miền Nam Italia. Teresa Maria Principato, công tố viên chỉ huy Đội chống mafia của thành phố Palermo, cho biết: "Cosa Nostra đang cố gắng thu thập kiến thức về các lĩnh vực mới như là năng lượng tái tạo đang trở thành ngành kinh doanh lợi nhuận cao do được nhà nước trợ cấp. Mafia đang phủ trùm bóng tối lên công nghiệp năng lượng tái tạo của chúng ta".
Do khu vực năng lượng tái tạo đòi hỏi phải có kiến thức khoa học cao cho nên mafia chủ yếu chỉ đóng vai trò trung gian trong bóng tối - tổ chức các hợp đồng, tìm mua đất, lo liệu các giấy phép cần thiết từ chính quyền cũng như tranh thủ các hợp đồng xây dựng. Và cuối cùng, nhu cầu tìm nguồn tài trợ từ chính phủ ngày càng tăng từ đó dẫn đến nạn đầu cơ tài chính, nói khác đi là mở ra một thị trường béo bở cho tội phạm có tổ chức. Kết quả là, sự dính líu của mafia trong khu vực kinh tế năng lượng sạch đã ngấm ngầm phá hoại sự cạnh tranh hợp pháp. Ngoài ra, theo các công tố viên, mafia còn lợi dụng môi trường đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch để rửa tiền bẩn thu được từ các nguồn bất hợp pháp khác như là buôn lậu ma túy và vũ khí.
Thượng nghị sĩ Costantino Garraffa, thành viên Ủy ban Chống mafia của Quốc hội Italia, cũng nhận định mafia đang cố gắng thâm nhập vào ngành năng lượng tái tạo được chính phủ ưu đãi tài trợ để rửa tiền bẩn một cách dễ dàng. Jason Wright, Giám đốc Tổ chức An ninh Kroll, khẳng định: do năng lượng tái tạo phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tài trợ nên khu vực này là miếng mồi ngon cho bọn tội phạm có tổ chức.
Nhưng điều quan trong nhất có lẽ là mafia đang phá hoại một ngành công nghiệp được coi là nguồn hiếm hoi cung cấp những việc làm mới cho một quốc gia đang nằm trong vòng xoáy của cuộc khủng hoảng nợ trong khu vực tạo một thách thức không nhỏ cho châu Âu. Để bảo đảm an toàn cho tương lai của khu vực đồng euro gồm 17 quốc gia châu Âu, các nhà kinh tế học cho rằng, Italia cần phải được hiện đại hóa nhanh chóng để theo kịp các quốc gia láng giềng có nền kinh tế mạnh như là Đức.
Thế nhưng, rào cản lớn nhất hiện nay là Italia phải chiến thắng được quyền lực của tham nhũng làm rối loạn thị trường và ngăn cản đầu tư. Sự đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Italia và Hy Lạp - hai quốc gia nạn nhân của cuộc khủng hoảng nợ - đã chậm lại rõ rệt và Tổ chức Minh bạch quốc tế xếp hai nước này vào hàng những nền kinh tế bị nạn tham nhũng chi phối nhiều nhất trong khu vực đồng euro.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đặt trụ sở ở Paris (Pháp), Italia đã nhận được khoản đầu tư nước ngoài đến 87 tỉ USD từ năm 2007 đến giữa năm 2012 - so với 183 tỉ USD ở Hà Lan, 289 tỉ USD ở Pháp và 502 tỉ USD ở Anh. Michele Polo, giáo sư kinh tế học Đại học Bocconi ở thành phố Milan, nhận xét: "Mafia đang làm bại hoại nền kinh tế Italia bằng việc xâm nhập vào các doanh nghiệp hợp pháp, làm thị trường trở nên kém minh bạch hơn và tạo nên một môi trường tham nhũng cho giới quan chức. Cuộc chiến chống tham nhũng, cũng như chống trốn thuế, là thách thức lớn nhất cho nền kinh tế Italia".
Quan chức địa phương nhũng nhiễu không kém gì mafia
Các công tố viên Italia đang đương đầu với cơn bão các hoạt động bất hợp pháp của mafia, với việc các tổ chức tội phạm đang phát triển mối quan hệ quốc tế chặt chẽ hơn với các cartel ma túy Mỹ Latinh. Tình trạng này được coi là nguyên nhân gây ra nạn tham nhũng và sự không hiệu quả trong các dự án của chính phủ ở khu vực miền Nam đất nước.
Vào tháng 10/2012, toàn bộ Hội đồng thành phố Reggio di Calabria bị đình chỉ hoạt động để điều tra do cáo buộc liên quan đến gia đình tội phạm mafia khét tiếng 'Ndrangheta. Còn ở Sicily, sự dính líu sâu của mafia vào nền kinh tế được vạch trần sau một loạt các vụ bắt giữ tội phạm đầu tiên diễn ra vào năm 2010. Sau khi thu thập được bằng chứng mới nhờ một mạng lưới chỉ điểm và các chiến dịch nghe lén, chính quyền Italia đã tiến hành một loạt các vụ bắt giữ lần thứ hai vào tháng 12/2012. Những tội phạm mới bao gồm doanh nhân ngành xây dựng Angelo Salvatore được cho là dính líu đến Vincenzo Funari, trùm 79 tuổi của gia đình mafia Gimbellina ở Sicily. Năm 2007, Angelo bị cảnh sát nghe lén cuộc nói chuyện với Funari về sự hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Theo hồ sơ tòa án, các biên bản nghe lén và các cuộc phỏng vấn những quan chức tham gia điều tra, sự dính líu của mafia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo diễn ra theo con đường quen thuộc. Các gia đình tội phạm và giới doanh nhân nhắm đến mục tiêu là khu đất thích hợp để xây dựng các nhà máy năng lượng gió và mặt trời hòng gây sức ép lên chủ đất buộc phải bán hay cho thuê dài hạn. Sau đó, các quan chức tham nhũng tranh thủ sự phê chuẩn của chính quyền và tiếp cận các nhà đầu tư nước ngoài muốn hợp tác với chương trình tài trợ cho năng lượng xanh của Chính phủ Italia.
Sự dính líu của mafia còn gây cản trở cho sự đầu tư làm ăn hợp pháp vào khu vực công nghiệp năng lượng xanh ở Sicily. Đơn cử trường hợp của Salvatore Moncada - doanh nhân địa phương muốn tham gia các dự án năng lượng sạch một cách hợp pháp ở Sicily - được coi là câu chuyện có tính cảnh cáo cho các nhà đầu tư tiềm tàng khác. Moncada cho biết, ông tham gia phát triển năng lượng sạch vào cuối thập niên 90 thế kỷ trước, cuối cùng xây dựng được 6 trại gió, 10 công viên năng lượng mặt trời và một nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời ở vùng ngoại ô Sicily. Nhưng khi né tránh những nỗ lực nhằm kiểm soát hoạt động kinh doanh của mafia - không hợp tác với các nhà phát triển có quan hệ với mafia và từ chối chia 2% lợi nhuận - doanh nghiệp của Moncada bị tấn công.
Năm 2007, bọn tội phạm đã phóng hỏa một trong những khu trại gió của Moncada gây thiệt hại đến 4 triệu USD. Năm 2009, gia đình tội phạm Terrasi âm mưu phá hoại một trong những trại gió mới thành lập của Công ty Năng lượng Moncada (MEG) bằng cách tuyên bố quyền sở hữu đối với khu đất - vụ việc dẫn đến 14 vụ bắt giữ và buộc Moncada và gia đình phải sống suốt 2 năm dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt của cảnh sát.
Do quá khó khăn làm ăn ở Sicily nên cuối cùng Moncada buộc phải di chuyển doanh nghiệp của mình ra hải ngoại, đầu tư phát triển công nghiệp năng lượng sạch ở Mỹ, Nam Mỹ và Bắc Phi. Moncada cho biết: "Không chỉ có bàn tay của mafia, mà hệ thống quan chức tham nhũng ở địa phương cũng gây khó khăn cho việc làm ăn ở Sicily".
Năm 2010, Cảnh sát Italia đã tịch thu khối tài sản khổng lồ trị giá đến 1,9 tỉ USD - được coi là lớn nhất từ trước đến nay ở quốc gia này - từ một doanh nhân có tiếng tăm ở Sicily tên là Vito Nicastri, hay còn gọi là "Vua năng lượng gió" do ông ta là nhà phát triển những trại năng lượng gió lớn nhất ở miền Nam Italia. Vito Nicastri bị buộc tội có quan hệ làm ăn bất chính với trùm mafia Matteo Messina Denaro của Sicily.
Beppe Ruggiero, quan chức Hiệp hội Chống mafia Libera, nhận xét: "Vụ tịch thu khối tài sản khổng lồ của Vito Nicastri cho thấy rõ tội phạm có tổ chức ở Italia rất quan tâm đến khu vực kinh doanh năng lượng tái tạo". Tháng 7-2012, Raffaele Lombardo - lãnh đạo Sicily - buộc phải từ chức sau khi bị buộc tội dính líu đến mafia. Còn Salvatore "Toto" Cuffaeo - người tiền nhiệm của Lombardo - đang thụ án 7 năm tù sau khi bị buộc tội có quan hệ với tội phạm có tổ chức.
Với khả năng tài chính nghèo nàn và đang phải gánh một núi nợ, chính quyền Italia hiện nay phải hạn chế những khoản tiền trợ cấp mới cho khu vực năng lượng tái tạo. Một chương trình toàn quốc cũng được triển khai đòi hỏi các nhà phát triển năng lượng tái tạo phải cam kết có tuyên thệ chứng minh họ không dính dáng gì đến tội phạm có tổ chức.
Ở Sicily, nơi mà chính quyền mới chống mafia bắt đầu nắm giữ quyền lực vào tháng 11/2012, việc xây dựng phần lớn các dự án năng lượng tái tạo mới đã ngưng lại. Chính quyền mới đang tìm cách để bảo đảm mafia rút lui khỏi ngành năng lượng này trước khi cho phép các dự án mới được triển khai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét