Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015

14 triệu USD vốn ODA sắp thành phế liệu

Quảng Bình được hưởng lợi từ nguồn vốn này mà không phải trả nợ. Việc trả nợ vay cho Chính phủ Hàn Quốc thuộc trách nhiệm của Chính phủ Việt Nam.


Năm 2010, tỉnh Quảng Bình tìm nguồn vốn đầu tư cho Dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời cho các xã vùng sâu, vùng xa chưa có điện lưới. Chính phủ Hàn Quốc nhận tài trợ thông qua hiệp định vốn vay ODA giữa hai chính phủ với số vốn 12 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam 1,783 triệu USD.


Đây được xem là Dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay. Khu vực triển khai dự án trải rộng trên địa bàn 8 xã của 4 huyện, với gần 1.300 hộ dân và 78 cơ quan, dịch vụ công được hưởng lợi.












Quyết định phê duyệt Dự án điện lưới chồng lên điện mặt trời của Chủ tịch Nguyễn Hữu Hoài. Ảnh: Tiền phong
Quyết định phê duyệt Dự án điện lưới chồng lên điện mặt trời của Chủ tịch Nguyễn Hữu Hoài. Ảnh: Tiền phong

Khi dự án đang trong giai đoạn nước rút, ngày 16/10/2014, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình ra Quyết định số 2908, về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Quảng Bình, giao cho Sở Công Thương làm chủ đầu tư, với số vốn 368 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương. Mục tiêu của dự án nhằm phát triển mạng lưới điện trung, hạ áp từ nguồn lưới điện quốc gia, đấu nối về các hộ gia đình ở các khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới...


Theo đó, mạng điện lưới này sẽ trùm lên hầu hết địa bàn mà Dự án điện năng lượng mặt trời đang triển khai và sẽ song song cùng lúc thực hiện hai dự án cho một mục tiêu cấp điện vùng sâu, vùng xa.


Để giải “bài toán” dự án chồng dự án, Sở Công Thương Quảng Bình có “sáng kiến” bằng văn bản số 716, đề xuất UBND tỉnh và được lãnh đạo tỉnh này đồng ý bằng việc bút phê vào góc văn bản, cho phép tháo dỡ các vật tư, thiết bị của Dự án điện mặt trời cất vào kho làm vật tư thay thế cho những nơi đang sử dụng điện năng lượng mặt trời.


Một cán bộ trong ngành điện xin được giấu tên cho rằng, đáng ra Quảng Bình phải báo cáo ngay với Bộ Công thương và Chính phủ về việc Dự án chồng dự án để có phương án giải quyết. Hoặc, cắt phần vốn của điện lưới chồng lên điện mặt trời, hoặc dừng dự án điện mặt trời hay chuyển cho địa phương khác để tránh lãng phí. Để duy trì Ban quản lý Dự án cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời, riêng tiền lương phải chi 1,3 tỷ đồng/năm.


Trước sự xì xào của dư luận về việc dự án chồng dự án gây lãng phí hơn chục triệu USD, thay vì tháo bỏ pin mặt trời khi có điện lưới như đề xuất của Sở Công thương, mới đây lãnh đạo tỉnh Quảng Bình lại có “sáng kiến” lồng ghép sử dụng cùng lúc hai dự án.


Theo đó, Quảng Bình sẽ thương thảo với nhà tài trợ cho Dự án pin mặt trời, điều chỉnh thay đổi thiết kế sử dụng Inverter loại độc lập sang Inverter loại nối lưới để đấu nối với Dự án điện lưới, nhằm cùng lúc sử dụng hai loại năng lượng này.


Tuy nhiên, phía nhà tài trợ không chấp nhận và hiện Hàn Quốc hoàn toàn không biết Quảng Bình đang kéo điện lưới trùm lên Dự án pin mặt trời mà họ tài trợ.


(Lược theo Tiền phong) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét