Liên quan đến dự án điện năng tại tỉnh Quảng Bình, ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định không có chuyện bất cập trong việc dự án chồng dự án, gây lãng phí ngân sách Nhà nước.
Như báo Đời sống và Pháp luật đã đưa, ngày 16/10/2014, ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình ký Quyết định số 2908/QĐ – UBND, về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Quảng Bình.
Trước quyết định này, dư luận tỏ ra lo ngại về sự bất cập trong việc dự án chồng dự án, gây một sự lãng phí ngân sách nhà nước. Vì trước đó, tại địa phương này đang thực hiện một dự án gần 14 triệu USD (nguồn vốn ODA được chính phủ Hàn Quốc tài trợ).
Để làm rõ vấn đề này, 11/4 vừa qua, nhóm PV Đời sống và Pháp luật đã có buổi làm việc với Chủ tịch Nguyễn Hữu Hoài. Đầu tiên, ông Hoài ghi nhận, hoan nghênh một số cơ quan báo chí đã phản ánh kịp thời về những vấn đề liên quan đến sự án điện năng của tỉnh. Trong đó, báo Đời sống và Pháp luật, phản ánh về sự chậm trễ trong triển khai dự án điện năng lượng mặt trời tại hai xã Tân Trạch và Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) khiến đời sống của đồng bào vô cùng khó khăn, thiệt thòi; đặt ra vấn đề lãng phí trong việc để 2 dự án điện năng chồng lấn lên nhau. Qua đó, tỉnh xin tiếp tu những ý kiến tích cực để điều chỉnh dự án một cách hợp lí nhất. Tuy nhiên, tỉnh đảm bảo sẽ không để tình trạng lãng phí xảy ra như dư luận lo lắng.
Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình |
Khi PV đặt ra câu hỏi, vì sao dự án Điện năng lượng mặt trời (QBSC) được manh nha từ năm 2009 nhưng đến nay người dân vẫn chưa được hưởng lợi?. Ông Hoài cho biết: 9 xã nằm trong dự án điện năng lượng mặt trời đều là những xã nằm ở vùng sâu, vùng xa và miền núi vì vậy, trong quá trình khảo sát thực tế, tỉnh lộ 20 đi lên các xã miền núi như: Trân Trạch, Thượng Trạch, cửa khẩu Cà Roòng - Noọng Ma chưa được đầu tư xây dựng. Sau khi khảo sát, thấy việc đi lại gặp nhiều khó khăn, do vậy nhà tài trợ Tây Ban Nha đã xin rút dự án.
Sau này, Chính phủ mới bổ sung Dự án Cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời của tỉnh Quảng Bình vào danh mục dự án ODA vay ưu đãi Hàn Quốc. Ngày 26/11/2011, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 3079/QĐ - UBND với tổng mức đầu tư 13,783 triệu USD. Đến năm 2012, sau khi tiến hành chấm thầu xong, UBND tỉnh phát hiện ra quá trình này có sai phạm nên yêu cầu dừng dự án để đấu thầu lại.
Việc đấu thầu lại, đã tiết kiệm được ngân sách 2 triệu USD. Tại thời điểm đó, do trưởng BQL dự án nghỉ hưu và cũng chưa có thiệt hại xảy ra, nên UBND không truy cứu trách nhiệm đến cùng.
Sau khi tổ chức đấu thầu lại, ngày 19/01/2015 Ban Quản lý dự án QBSC ký hợp đồng với đơn vị trúng thầu (nhà thầu KT Corporation) để thực hiện gói thầu xây lắp và thiết bị với trị giá 7.286.789,27 USD, thời gian thực hiện 24 tháng. Hiện nay, Ban quản lý dự án QBSC và nhà thầu đang giao nhận mặt bằng và triển khai thi công.
Theo ông Hoài, dự án điện pin mặt trời chỉ cung cấp điện sinh hoạt thắp sáng; không thể sử dụng cho sản xuất; thời gian sử dụng không lâu dài, ổn định. Trước tình hình phát triển kinh tế xã hội, rất nhiều dự án nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; nhu cầu sử dụng điện ở 2 cửa khẩu và người dân vùng thụ hưởng tăng lên.
Từ yêu cầu đó, UBND tỉnh xét thấy, cần phải có một mạng lưới điện quốc gia đủ đáp ứng cho việc sản xuất. UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan cho tỉnh Quảng Bình được tham gia Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2012 - 2020 và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.
Thiết bị điện pin mặt trời đã lắp đặt trước đó tại bản 61 |
Ngày 16/10/2014, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình ra Quyết định số 2908, về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Quảng Bình, giao cho Sở Công Thương làm chủ đầu tư, với số vốn 368 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương.
Theo ông Hoài: Ngày 06/12/2014, UBND tỉnh đã tổ chức làm việc với Sở Công Thương, Ban Quản lý Dự án QBSC và các sở ngành liên quan bàn bạc rất kỹ việc thực hiện lồng ghép Dự án QBSC và Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Quảng Bình đảm bảo có hiệu quả cao nhất.
Chủ tịch UBND tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo đơn vị tư vấn thiết kế phối hợp với ban Quản lý Dự án QBSC khảo sát, rà roát kỹ Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Quảng Bình, xây dựng lộ trình, giai đoạn thực hiện cụ thể, đưa các giải pháp phù hợp, đảm bảo yếu tố kết hợp giữa hai dự án, phát huy hiệu quả của hai dự án; lập hồ sơ điều chỉnh dự án, trình thẩm định, phê duyệt điều chỉnh.
Trong quá trình làm việc với sở, ngành liên quan, UBND tỉnh Quảng Bình quán triệt nội dung, những thôn, bản thuộc dự án Pin mặt trời thì hạn chế sử dụng điện lưới phục vụ sinh hoạt.
Theo đó, điện lưới quốc gia sẽ tập trung phục vụ điện cho một số dự án sắp tới triển khai như: Dự án trồng cao su của Doanh nghiệp Minh Trí (400ha), phục vụ điện cho cặp cửa khẩu phụ Cà Roòng - Noọng Ma, thay thế hệ thống điện pin cũ ở bản 61, Đồn Biên phòng và Chi cục Hải quan Cà Roòng và một số dự án đầu tư trong tương lai.
Bên cạnh đó, nhờ có dự án điện mặt trời QBSC mà tổng vốn đầu tư cho dự án điện lưới nông thôn đã giảm đi rất nhiều. Nếu không có dự án điện pin mặt trời trước đó, thì số tiền 368 tỷ không thể triển khai được cho dự án mới.
Một lần nữa, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định: Nhìn vào hình thức bên ngoài, có thể thấy việc dự án chồng lên dự án. Nhưng nếu đi sâu nghiên cứu vào bản chất thì không có chuyện này. 'Việc đề xuất tháo để lưu kho các thiết bị là văn bản đề xuất của Sở Công thương; đây là tư duy rất ấu trĩ, không thể chấp nhận được. Chúng tôi sẽ phê bình đối với đề xuất không đáng có, gây hiểu nhầm này', ông Hoài phủ nhận việc cho tháo các thiết bị để lưu vào kho.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét