Các cường quốc "chạy đua" phát triển điện mặt trời
Năm 2015, Trung Quốc đã qua mặt Đức trở thành nhà sản xuất năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới.
Raed Khader, một tài xế ở Jordan, có một thói quen “nguy hiểm” là lướt điện thoại trong khi đang lái xe, mặc dù ông đang lái trên một con đường thẳng tắp cắt ngang qua sa mạc. Nhưng sau khi xem lại những tấm hình chụp 2 năm trước, ông thấy một bức ảnh khiến ông thích thú. Đó là tấm hình về những chú lạc đà với khung cảnh đầy cát ở xung quanh. Hiện tại cũng cùng vị trí đó bên ngoài Ma’an, một thành phố nghèo ở phía Nam Jordan, lại là cảnh tượng các công nhân đang ráo riết hoàn tất giai đoạn cuối của dự án lắp đặt 5 km2 các tấm pin năng lượng mặt trời.
Ông bị mê mẩn bởi các tấm pin quang điện lấp lánh dưới ánh nắng của sa mạc. “Tôi yêu chúng. Thật tuyệt vời khi nhìn thấy đất nước phát triển được nguồn năng lượng của riêng mình. Chúng tôi có nhiều nắng ở đây mà lại hoàn toàn miễn phí. Tại sao lại không tận dụng chúng chứ?”, ông nói.
Công viên năng lượng mặt trời có công suất 160 MW này, vốn dự kiến sẽ được khai trương vào mùa hè năm nay, sẽ đánh dấu nỗ lực của Jordan trong việc giảm lệ thuộc vào nguồn nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, vốn chiếm 96% năng lượng của đất nước vào năm ngoái và “ngốn” tới 10% GDP. Sống trong một khu vực với những hàng xóm “không mấy thân thiện”, Jordan càng có lý do để “tự lực cánh sinh”. Nước này đã tăng cường phát triển năng lượng mặt trời sau khi Ai Cập tạm thời cắt nguồn cung khí đốt trong suốt sự kiện Mùa xuân Ả Rập vào năm 2011.
Không chỉ ở Jordan, ở các nước đang phát triển, năng lượng mặt trời ngày càng gầy dựng được uy tín. Không phải là các tấm pin lắp trên mái nhà thường thấy ở Đức, những quốc gia mà có ánh nắng mặt trời mạnh hơn nhiều so với vùng Bắc Âu đang thành lập những công viên khổng lồ với hàng chục ngàn tấm pin năng lượng mặt trời cung cấp điện cho lưới điện quốc gia. Một số nước như Trung Quốc còn cung cấp các khoản trợ cấp hào phóng để phát triển nguồn năng lượng này. Thậm chí, tại những nước khác, năng lượng mặt trời đang trở nên cạnh tranh hơn dù không hề nhận được sự hỗ trợ tài chính nào.
Vào năm 2015, Trung Quốc đã qua mặt Đức trở thành nhà sản xuất năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới, nhờ thống trị lĩnh vực sản xuất năng lượng mặt trời và các chính sách giảm lệ thuộc vào năng lượng hóa thạch như than đá. Năng lượng mặt trời dù chỉ chiếm 3% tổng lượng điện nhưng Trung Quốc giờ đang xây dựng nhà máy lớn nhất ở sa mạc Gobi. Các chuyên gia phân tích dự kiến nước này sẽ lắp đặt 12 GW năng lượng mặt trời trong 6 tháng đầu năm nay, hơn 1/3 so với con số kỷ lục mà Mỹ dự kiến lắp đặt trong cả năm.
Ấn Độ cũng không chịu kém. Chính phủ nước này đang đạt mục tiêu tăng gấp 20 lần công suất năng lượng mặt trời vào năm 2022 lên tới 100 GW. Mặc dù điều này có thể là quá tham vọng nhưng KPMG cho rằng tỉ trọng năng lượng mặt trời của Ấn Độ sẽ tăng lên mức 12,5% vào năm 2025 từ mức chưa tới 1% hiện nay. Hãng tư vấn này cho rằng năng lượng mặt trời ở Ấn Độ sẽ rẻ hơn than đá vào năm 2020. Cơn sốt năng lượng mặt trời nóng đến nỗi các quan chức ở bang Punjab đầy nắng nóng đang thúc giục nông dân cho các công ty phát triển năng lượng mặt trời thuê đất, thay vì canh tác trên đó.
Năm ngoái, công suất năng lượng mặt trời đã tăng 26%, dẫn đầu là các dự án lớn tại 2 quốc gia nói trên. Đáng chú ý hơn là chi phí năng lượng mặt trời đã giảm mạnh. Các nghiên cứu cho thấy năng lượng mặt trời đang tiến gần với khí và than đá như một dạng năng lượng rẻ một cách hấp dẫn. Các cuộc đấu thầu hợp đồng dài hạn mua điện mặt trời cũng rất sôi nổi tại các nước đang phát triển như Nam Phi, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Peru và Mexico.
Tại những quốc gia có nhiều nắng, năng lượng mặt trời giờ “ngang hàng” với khí, than đá và năng lượng gió, theo Cédric Philibert, chuyên gia phân tích cấp cao thuộc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Ông cho biết, kể từ tháng 11.2014, khi Dubai đã ký một hợp đồng lắp đặt 200 MW năng lượng mặt trời với giá chưa tới 60 USD/MWh thì giá tại các cuộc đấu thầu đã trở nên cực kỳ cạnh tranh.
Một số nhà phát triển năng lượng tái tạo đang giành được tiếng tăm trên toàn cầu. Phần thắng trong cuộc đấu thầu ở Dubai đã thuộc về Acwa Power, một công ty Ả Rập Saudi đang tạo được những bước tiến lớn khắp Trung Đông và châu Phi. Tại Morocco, Acwa Power đã hoàn tất giai đoạn đầu dự án năng lượng nhiệt mặt trời lớn nhất thế giới, vốn sử dụng các tấm gương để tạo ra nhiệt quay các tua-bin điện. Tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s cho rằng nhà máy được hoàn thành sẽ cắt giảm chi phí nhập khẩu dầu mỏ của Morocco thêm 0,3% GDP.
Công ty Enel Green Power (EGP) của Ý cũng đang thu hút sự chú ý. Vào tháng 2, Công ty đã thắng hợp đồng 20 năm cung cấp cho Peru nguồn điện mặt trời với giá dưới 48 USD/MWh. Chỉ hơn 1 tháng sau, Mexico đã ký một hợp đồng có thời hạn tương tự tại bang phía Bắc Coahuila với giá khoảng 40 USD/MWh. Hãng nghiên cứu Bloomberg New Energy Finance (BNEF) gọi đó là “hợp đồng năng lượng mặt trời không trợ cấp có giá thấp nhất từ trước đến nay mà chúng tôi từng chứng kiến”. Antonio Cammisecra, đứng đầu mảng phát triển kinh doanh của EGP, cho biết giá đang giảm và đó là một xu hướng thấy rõ.
Yếu tố chính đằng sau việc giá giảm là chi phí các tấm pin năng lượng mặt trời đã giảm tới 80% kể từ năm 2010, theo Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế. Nhưng Cammisecra cho rằng điều đó có thể sẽ thay đổi. Giữa tháng 4 vừa qua, ông đã đi sang Trung Quốc để thuyết phục các nhà sản xuất tấm pin năng lượng đầu tư nhiều hơn vào cải tiến công nghệ nhằm gia tăng lượng điện tạo ra. Chi phí đầu tư nhiều hơn cũng có nghĩa là giá sẽ cao hơn.
Các chuyên gia phân tích cũng lo ngại một số cuộc đấu thầu có thể hơi “quá khích”, dù rằng các công ty có thể bị phạt nặng nếu họ không thực hiện hợp đồng. Ông Philibert cho biết một số hợp đồng có thể thất bại vì đơn vị đấu giá không huy động được nguồn tài chính.
Jordan là một ví dụ. Sunrise, một công ty phát triển năng lượng mặt trời của Hy Lạp, năm ngoái đã đồng ý xây dựng nhà máy năng lượng mặt trời 50 MW ở phía Bắc Amman với giá chỉ 61 USD/MWh. Mức giá này được các đối thủ cho là quá rẻ vì chi phí tài trợ vốn tương đối cao tại Jordan. Tháng 3 vừa qua, để cứu vãn hợp đồng này, Acwa Power đã mua lại chi nhánh Jordan thuộc Sunrise mà phụ trách xây dựng dự án năng lượng mặt trời nói trên. Các chuyên gia phân tích cho rằng Acwa sẽ khó kiếm lời từ dự án này, nhưng điều đó có thể giúp Acwa giành được các hợp đồng năng lượng mặt trời trong tương lai.
Văn Quốc
Nguồn The Economist
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét