Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2017

Mở đường cho điện mặt trời tại Việt Nam

Hơn 30 nhà đầu tư trong và ngoài nước bắt đầu phát triển các dự án điện mặt trời với công suất từ 20-500 MW, đa phần nằm ở miền Trung và miền Nam



Theo trang Vietnam Briefing, Việt Nam là một trong những thị trường điện lớn ở Đông Nam Á, nhờ vào nguồn tài nguyên giá rẻ như sức nước, than đá. Với nhu cầu năng lượng dự kiến tăng hơn 10%/năm trong khoảng thời gian 2016-2020 và cần công suất điện tăng gấp đôi, Việt Nam đang hướng tới phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.

Tấp nập nhà đầu tư

Báo cáo Điện Việt Nam năm 2016 cho hay năng lượng tái tạo - bao gồm mặt trời, gió, sinh khối - chỉ mới chiếm 0,4% trong tổng lượng điện sản xuất được trên cả nước. Tỉ lệ này quá thấp nếu so với tiềm năng của Việt Nam, trong đó năng lượng mặt trời chỉ mới chập chững và năng lượng địa nhiệt, thủy triều gần như mới khai sinh.

Nằm ở khu vực có mức độ bức xạ mặt trời thuộc hàng cao nhất thế giới, cơ hội ngày càng rõ ràng khiến các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đang hối hả bắt tay với nhau để khai phá. Trong số các nhà đầu tư trong nước, tích cực nhất phải kể đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cùng hướng đi kết hợp sản xuất năng lượng mặt trời và nông nghiệp trên cùng diện tích đất. EVN đã lập dự án điện mặt trời trị giá 8.000 tỉ đồng (khoảng 351,9 triệu USD) ở tỉnh Ninh Thuận, với công suất 200 MW.

Nikkei liệt kê một dự án "khủng" đang được triển khai của Tập đoàn Thành Thành Công, với đầu tư lên tới 1 tỉ USD để xây dựng khoảng 20 nhà máy năng lượng mặt trời ở Tây Ninh, Bình Thuận, Ninh Thuận, Thừa Thiên - Huế và Gia Lai. Tại cuộc họp báo đặc biệt hồi tháng 6 với sự có mặt của nhiều công ty năng lượng lớn trên thế giới như Trina Solar, JA Solar..., TTC tuyên bố mục tiêu của họ là sản xuất 1.000 MW điện mặt trời từ năm 2020 và chi phí sản xuất tối đa là 20 tỉ đồng/MW (khoảng 880.000 USD).



Gỡ khó từ nhà nước

Ngoài Tập đoàn Thành Thành Công, có hơn 30 nhà đầu tư trong và ngoài nước đến từ Hàn Quốc, Pháp, Ấn Độ, Đức, Thái Lan, Na Uy... bắt đầu phát triển các dự án điện mặt trời với công suất từ 20-500 MW, đa phần nằm ở miền Trung và miền Nam. Có thể kể ra Tập đoàn Thiên Tân (có 2 nhà máy điện mặt trời ở Quảng Ngãi, Ninh Thuận), công ty Hàn Quốc DooSung Vina (dự án 66 triệu USD ở Bình Thuận), công ty Singapore Sinenergy Holdings Ltd (dự án điện mặt trời kết hợp nông nghiệp công nghệ cao ở Ninh Thuận, tổng đầu tư 7.920 tỉ đồng, khoảng 348,4 triệu USD), công ty Trung Quốc JinkoSolar (dự án 1.168 tỉ đồng ở Hậu Giang), công ty Nhật Bản Fujiwara (dự án 65 triệu USD ở Bình Định), công ty Nhật Bản Koyo và Tập đoàn Sao Mai (dự án 260 triệu USD ở Đồng Tháp)...

Theo các nhà phân tích, những lý do quan trọng nhất khiến năng lượng mặt trời trở nên đặc biệt hấp dẫn là nhờ giá pin mặt trời giảm khoảng 30%, Chính phủ Việt Nam giảm thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm phục vụ dự án điện mặt trời cũng như quy định EVN phải mua tất cả điện từ những dự án năng lượng với giá 9,35 cent/KWh.

Ngoài năng lượng mặt trời, Việt Nam còn một "kho" năng lượng gió chưa được khai thác. Với hơn 3.000 km đường bờ biển và lợi thế gió mùa, Ngân hàng Thế giới đánh giá 8,6% lãnh thổ Việt Nam phù hợp để phát triển năng lượng gió. Theo trang Lexology, khai thác điện gió còn vấp phải nhiều khó khăn ở Việt Nam, như tuốc-bin phải nhập và khó lắp đặt, thiếu nhân lực chất lượng cao và hạ tầng kỹ thuật, quy trình đầu tư phức tạp...

Các nhà đầu tư trong nước kiến nghị tăng mức giá mua (FiT) lên mức 0,095 USD/KWh để giúp bù đắp những rủi ro khi đầu tư vào lĩnh vực quá mới này. Dự án trang trại gió lớn nhất Việt Nam hiện nay là ở tỉnh Sóc Trăng của Công ty GE Renewable Energy (thuộc tập đoàn Mỹ General Electric), Tập đoàn Mainstream Renewable Power (Ireland) và Tập đoàn Phú Cường của Việt Nam. Được ký kết vào tháng 6-2017, dự án này trị giá 2 tỉ USD và dự kiến sản xuất 800 MW điện gió.

Thứ Năm, 24 tháng 8, 2017

Điện mặt trời liệu có lên "ngôi" ở Việt Nam



(Chinhphu.vn) - Cho rằng điện than thiếu bền vững, nhiều chuyên gia cho rằng năng lượng tái tạo, tiêu biểu là nguồn năng lượng từ mặt trời cần được ưu tiên phát triển.


Phụ thuộc điện than là thách thức với an ninh năng lượng?

Ông Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng cho biết, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, điện than vẫn là nguồn năng lượng chính cho phát triển kinh tế-xã hội khi chiếm tới gần 43% tổng công suất nguồn, đến năm 2020. Tuy nhiên, việc phụ thuộc vào nguồn năng lượng truyền thống này (năng lượng than) không thể đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam.

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, việc phụ thuộc vào điện than sẽ khiến Việt Nam gặp nhiều thách thức về năng lượng. Thách thức này đến từ việc gia tăng nhu cầu năng lượng nhưng nhu cầu năng lượng nhiều khi chưa tính đủ về khả năng sử dụng hiệu quả và tiết kiệm nên chưa thật xác đáng.

Không chỉ vậy, sử dụng năng lượng kém hiệu quả là nguyên nhân chính khiến cường độ tiêu thụ năng lượng của Việt Nam ở mức cao nhất thế giới. Điều này xuất phát từ chính sách đầu tư phát triển kinh tế của Việt Nam ít quan tâm đến hiệu quả năng lượng.

Theo bà Lan, Việt Nam nôn nóng muốn có tăng trưởng cao nên không chú ý đến các ngành tiêu tốn năng lượng như sắt thép, xi măng trong khi hiện nay thừa rất nhiều. Hơn nữa, trong khi công nghệ đã rất phát triển thì đâu đó vẫn còn suy nghĩ làm điện mặt trời, điện gió đắt hơn điện than để cố giữ làm điện than.

Theo đó, cần cân đối nguồn năng lượng không chỉ tập trung vào năng lượng than như hiện nay. Việc chuyển hướng sang tăng trưởng xanh là cần thiết cho Việt Nam, là con đường tắt để Việt Nam có thể đi lên chứ không nhất thiết phải đi theo lộ trình dài của các nước, gây ô nhiễm rồi mới nghĩ cách giảm thiểu tác động môi trường.

Điện mặt trời có phải lợi thế?

Theo số liệu của Hội Năng lượng sạch Việt Nam, Việt Nam là một trong những quốc gia có ánh nắng mặt trời nhiều nhất trong biểu đồ bức xạ mặt trời thế giới. Tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ, số giờ nắng đạt từ 2.000-2.600 giờ/năm, bức xạ mặt trời trung bình 150 kcal/m2, chiếm khoảng 2.000-5.000 giờ/năm.



Tuy tiềm năng rất lớn, nhưng việc khai thác nguồn năng lượng này ở Việt Nam còn chưa đáng kể. Hầu hết các dự án điện mặt trời chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ.

Đơn cử, dự án điện mặt trời được nối lưới đầu tiên là Nhà máy Quang năng An Hội (Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu). Đây là dự án được triển khai từ năm 2014 và hoàn thành việc xây dựng lắp đặt, đấu nối vào lưới điện của Điện lực Côn Đảo vào đầu tháng 12/2014 nhưng công suất chỉ đạt 36 kWp, điện lượng hơn 50 MWh. Chỉ có một dự án điện mặt trời tại Quảng Ngãi là dự án có quy mô tương đối lớn, song cũng mới đang ở giai đoạn hoàn thiện.

Việc phát triển điện mặt trời cũng nhận được sự quan tâm của Chính phủ thể hiện tại Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam) khi quy định giá bán điện mặt trời tại Việt Nam là 2.086 đồng/kWh (tương đương 9,35 UScents/kWh theo tỷ giá ngày 10/4/2017), được giới chuyên gia đánh giá cao. Với mức giá này, các nhà đầu tư trong nước, khu vực có mối quan tâm lớn đến việc đầu tư kinh doanh năng lượng tái tạo đổ dồn về Việt Nam.

Dẫn chứng rõ hơn, đại diện Chương trình Năng lượng của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) cho biết tính đến hết tháng 7/2017 đã có hàng trăm dự án điện mặt trời được đăng ký đầu tư vào Việt Nam với tổng công suất nguồn lên tới 17.000 MW.

Tuy nhiên, một vấn đề được đặt ra là những ưu đãi cho điện mặt trời chỉ được áp dụng trong 3 năm (từ 1/6/2017 đến 30/6/2019) đã khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng “vậy sau 3 năm tới giá điện mặt trời sẽ như thế nào?” và bày tỏ mong muốn có một chính sách giá điện mặt trời dài hơi, ổn định hơn để có thể khuyến khích nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này.

Không chỉ có vậy, ông Đỗ Đức Tưởng, Cố vấn Năng lượng sạch Chương trình Năng lượng của USAID cho rằng, vẫn còn nhiều vấn đề khác liên quan đến điện mặt trời là hạ tầng chuyển tải lưới điện, có những khu vực dự án đăng ký nhiều nhưng máy biến áp của khu vực đó không đủ công suất để tiếp nhận tất cả dự án điện...

Bên cạnh đó, khi phát triển điện mặt trời, vấn đề bảo đảm an toàn lưới điện và nối lưới là điều mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lo lắng. Bởi càng nhiều năng lượng tái tạo thì càng làm hệ thống điện hiện tại mất ổn định. Bởi vậy, phải có giải pháp kỹ thuật như tăng cường hệ thống cơ sở hạ tầng, hệ thống điện thông minh góp phần giảm những tác động tiêu cực của năng lượng tái tạo đến hệ thống điện.

Trong Quy hoạch điện VII, mục tiêu phát triển nguồn điện mặt trời vào năm 2020 là 850 MW và đến năm 2030, con số này tăng lên gấp 15 lần. Cũng theo quy hoạch này, đến năm 2020, sản xuất điện từ năng lượng tái tạo sẽ chiếm 9,9% tổng công suất nguồn điện, tăng 4,3% so với Quy hoạch điện VII. Riêng đối với lĩnh vực điện năng lượng mặt trời, đến năm 2030, phải đạt 12.000 MW.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là mục tiêu nhưng cũng là thách thức rất lớn đối với ngành điện.

Phan Trang

Thứ Tư, 23 tháng 8, 2017

Nhiều nước sử dụng năng lượng tái tạo không hết, VN vẫn lo xây thủy, nhiệt điện

Trong khi điện gió, điện mặt trời ngày càng rẻ, nhiều nước trên thế giới đã mua điện mặt trời của dân với giá rẻ hơn điện bán lẻ. Còn giá mua điện gió và điện mặt trời của Việt Nam đang ở mức cao hơn thế giới, song chủ trương Bộ ngành vẫn muốn thuỷ - nhiệt điện, gây nhiều hệ luỵ cho môi trường, sinh thái.



Theo một báo cáo về hiện trạng phát triển thủy điện của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), để xây dựng các công trình thủy điện vừa và nhỏ, phải thu hồi khá nhiều rừng, bình quân 1 MW thủy điện chiếm dụng khoảng 7,41 ha đất, trong đó có hơn 2,7 ha đất rừng, còn lại là các loại đất khác.


Cũng theo các chuyên gia VEA, các loại điện gió, điện mặt trời hiện nay đang có chi phí ngày càng rẻ đi do công nghệ thế giới thay đổi và nguồn cung nhiều hơn. Đơn cử, điện gió trên đất liền hiện là một trong những nguồn điện có chi phí thấp trong các nguồn năng lượng tái tạo, bình quân trên thế giới giá trung bình khoảng 6 - 9 cent/kWh, những dự án điện gió tốt có giá 5 cent/kWh không phải nhờ đến sự hỗ trợ giá của các Chính phủ.



Những năm gần đây, giá tuabin gió các nước phát triển đã giảm 30 - 35%, suất đầu tư trung bình của điện gió trên đất liền khoảng 1.300 đến 2.250 USD/kWh, riêng Trung Quốc và Ấn Độ có suất đầu tư thấp nhất trên thế giới.

Trong khi đó, các dự án điện gió ngoài khơi cũng giảm xuống, theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), đến năm 2050 suất đầu tư điện gió sẽ giảm nhanh, điện gió trên bờ 25% và điện gió ngoài khơi là 45%.

Tại Việt Nam, theo tính toán của VEA, năm 2020 giá điện gió đất liền vào khoảng 7,11 cent/kWh, điện than là 60 USD/tấn, điện gió sẽ kinh tế hơn nhiều so với điện than. Trường hợp giá điện gió đất liền 7,8 cent/kWh, các nhà máy điện gió có thể thu hồi vốn và có lợi nhuận.

Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch VEA, giá pin quang điện trên thế giới đã phát triển ở thời đại thứ 3, công nghệ màng mỏng giúp tăng hiệu thế. Giá mô-đun năng lượng mặt trời đã dịch chuyển từ Mỹ, Nhật, EU sang châu Á và hiện Trung Quốc chiếm hơn 67% sản lượng pin quang điện của thế giới và cũng là nhà sản xuất điện mặt trời, điện gió lớn nhất thế giới.

Cũng theo ông này, mô-đun năng lượng mặt trời hiện đã giảm bình quân 14% mỗi năm, giá trung bình năm 2014 chỉ khoảng 0,6 USD/Wp (công suất phát điện cực đại). Chính vì chi phí sản xuất giảm nên điện từ năng lượng mặt trời đã cạnh tranh rất mạnh so với điện từ hóa thạch ở nhiều nước.

Tại Úc, Brazil, Đan Mạch, Đức, Ý chi phí mỗi kWh điện năng mặt trời trên mái nhà của hộ gia đình đã cạnh tranh được với giá điện bán lẻ của quốc gia. 19 nước trên thế giới hiện năng lượng mặt trời đã đủ sức cạnh tranh với điện bán lẻ mà không cần Nhà nước hỗ trợ.

Tại Brazil, Ấn Độ, Chile đã tổ chức đấu thầu cho một số dự án năng lượng mặt trời, kết quả giá điện rất thấp, chỉ 3- 4 cent/kWh là đã có thể mua được điện của tư nhân, người dân. Theo ông Ngãi, tại Việt Nam, với giá mua điện 9,35 cent/kWh, như vậy đã là tốt, hấp dẫn các nhà đầu tư.

Thực tế, năm 2015, điện sản xuất và mua của Việt Nam đạt khoảng 160 tỷ kWh, điện tái tạo đạt khoảng gần 39%, trong đó thủy điện chiếm hơn 38%, 07% điện tái tạo thuộc về điện gió, điện sinh khối; tỷ lệ này không thay đổi nhiều trong năm 2016.

Theo mục tiêu định hướng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), kịch bản năm 2020 công suất năng lượng tái tạo sẽ đạt 10% tổng công suất phát điện của Việt Nam, năm 2030 là hơn 21%.

Tuy nhiên, hiện tiềm năng thủy điện Việt Nam hiện đã đạt trên 95% (khoảng 824 dự án nhà máy, tổng công suất hơn 24.800 MW; các dự án đã hoàn thành và đang thi công xây dựng cũng đạt trên 86% về công suất. Trong quy hoạch, cả nước hiện có hơn 316 dự án được lập, trong đó thủy điện nhỏ chiếm hơn 97%, ước đạt 3.400 MW.

Để gia tăng công suất đóng góp của các nhà máy điện tái tạo, phải tăng cường tỷ lệ đóng góp điện của điện mặt trời, điện gió. Giải pháp thực hiện quyết liệt không chỉ là vấn đề giá mà phải có quỹ đất sạch cho doanh nghiệp.

Nguyễn Tuyền - Báo Dân Trí



Thứ Hai, 21 tháng 8, 2017

Phát triển điện mặt trời tại VN trong xu thế mới

Kinhtedothi - Hiện hầu hết các dự án điện mặt trời tại Việt Nam chỉ ở quy mô nhỏ, do các nhà đầu tư chưa chú trọng bởi các chính sách liên quan đến phát triển nguồn năng lượng này chưa ổn định…
Đây là nhận định của các chuyên gia quốc tế tại Hội thảo “Phát triển điện mặt trời tại Việt Nam - Xu hướng gần đây và các vấn đề mới nổi” do Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) tổ chức sáng 21/8.


Tiềm năng có…


Theo Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, nước ta là một trong những quốc gia có ánh nắng mặt trời nhiều nhất trong biểu đồ bức xạ mặt trời thế giới. Tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, số giờ nắng đạt từ 2.000 - 2.600 giờ/năm. Bức xạ mặt trời trung bình 150 kcal/m2, chiếm khoảng 2.000 - 5.000 giờ/năm. Tuy nhiên, dù tiềm năng rất lớn, nhưng việc khai thác nguồn năng lượng này ở Việt Nam còn chưa đáng kể.




Hầu hết các dự án điện mặt trời chỉ ở quy mô nhỏ. Đơn cử, Dự án điện mặt trời được nối lưới đầu tiên là Nhà máy quang năng An Hội (Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu). Dự án được triển khai và hoàn thành năm 2014, đấu nối vào lưới điện của Điện lực Côn Đảo nhưng công suất chỉ đạt 36 kWp, điện lượng hơn 50 MWh. Chỉ có một dự án điện mặt trời tại Quảng Ngãi nối lưới là dự án có quy mô tương đối lớn song cũng mới đang ở giai đoạn hoàn thiện.


Ông Rainer Brohm - Công ty tư vấn Năng lượng tái tạo RB (Đức) nhận định, bỏ lỡ cơ hội này thực sự là điều đáng tiếc đối với các nhà đầu tư trong nước vì tiềm năng phát triển nguồn điện năng lượng mặt trời ở Việt Nam là rất lớn. Nếu được xây dựng với số lượng dày lên ở Việt Nam, không quá lo ngại đối với khả năng tác động đến môi trường của các tấm pin điện Mặt trời.


…Nhưng còn khiêm tốn


Thực tế, ngoài việc xây dựng chính sách để thực hiện phát triển năng lượng điện tái tạo, các chuyên gia cho rằng, cần có những cơ chế về giá để hấp dẫn các nhà đầu tư hơn nữa. Đồng thời đều cho rằng, thị trường điện mặt trời tại Việt Nam đang rất hấp dẫn.


Giá thiết bị điện mặt trời đang ngày càng rẻ (cách đây 5 năm, giá tấm pin điện mặt trời từ 3-4 USD/Wp thì đến nay chỉ còn khoảng 0,5 USD/Wp). Từ thực tế này, giới chuyên cho rằng, ngoài đáp ứng về nguồn nhân lực, Nhà nước cũng cần sớm có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến điện mặt trời đầy đủ hơn, chẳng hạn, về tiêu chuẩn tấm pin, invester chuyển điện, giàn khung đỡ… để giúp người tiêu dùng mua đúng sản phẩm chất lượng.


Đặc biệt, cần sớm ban hành cơ chế giá điện mặt trời hợp lý và cơ chế hòa lưới điện quốc gia; ban hành bộ tiêu chuẩn cho các thiết bị sử dụng và thực hiện thử nghiệm chất lượng để hạn chế lưu thông sản phẩm kém chất lượng, định hướng đúng cho người dân về hiệu quả sử dụng năng lượng mặt trời.


Cố vấn Năng lượng sạch Chương trình Năng lượng của USAID Việt Nam Đỗ Đức Tưởng, việc đầu tư vào điện mặt trời ở Việt Nam vẫn còn khiêm tốn. Vị này chỉ ra, hiện các nhà đầu tư lo lắng Quyết định 11 về giá điện mặt trời mới chỉ áp dụng giá 9.35cent trong thời hạn 3 năm. Ông Tưởng đặt câu hỏi: Vậy sau 3 năm tới giá điện mặt trời sẽ như thế nào?. Đồng thời cho hay, nhà đầu tư mong muốn có một chính sách giá điện mặt trời dài hơi và ổn định hơn để có thể khuyến khích nhiều DN tham gia vào lĩnh vực này hơn nữa.

Thứ Năm, 17 tháng 8, 2017

4 bài học cho các doanh nhân từ ngành công nghiệp năng lượng mặt trời ở châu Phi

[Samtrix Solar] : Không biết các doanh nghiệp ở VN có học hỏi được kinh nghiệm gì không, tôi post lên đây để mọi người cùng tham khảo.
Bất cứ nơi nào bạn ở trên thế giới, cung cấp các giải pháp cho khách hàng là những gì dẫn tới thành công.



 

Cuộc cách mạng lớn nhất đang lan rộng khắp các thị trường mới nổi của châu Phi là năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời. Ngày nay, năng lượng mặt trời đang phát triển nhanh đến nỗi gần 600 triệu người châu Phi sống ngoài lưới điện, các chuyên gia ước tính rằng khoảng 10% đang sử dụng năng lượng sạch tái tạo để cung cấp năng lượng cho ngôi nhà của họ.


Vậy làm thế nào mà năng lượng mặt trời có thể thống trị châu Phi một cách triệt để như vậy? Và những bài học nào các chủ doanh nghiệp có thể học hỏi được từ các doanh nhân đang hoạt động trong điều kiện đầy thách thức của lục địa châu Phi?


1. Cung cấp các giải pháp nhỏ, phân quyền


Các công ty năng lượng mặt trời châu Phi hiểu rằng việc xây dựng các trang trại năng lượng mặt trời lớn, sau đó kết nối các ngôi nhà với lưới điện rộng lớn là một cam kết kéo dài, nếu vắng mặt sự ủng hộ của công chúng và của chính phủ, có thể mất hàng năm, nếu không phải là hàng chục năm. Thay vào đó, các doanh nhân đã nắm bắt được sự phân quyền, bỏ qua cơ sở hạ tầng lớn để đưa điện trực tiếp đến người dân.


Lấy M-Kopa, tập đoàn được cho là những người dẫn đầu về năng lượng mặt trời của châu Phi làm ví dụ. Hãng đưa ra giải pháp với chi phí 35 USD cung cấp bảng điều khiển năng lượng mặt trời, bộ sạc nhiều thiết bị, một số loại cáp sạc, đèn chiếu sáng, radio và một thẻ SIM để thanh toán di động. M-Kopa đã bán 300.000 bộ dụng cụ trên khắp Kenya, Uganda và Tanzania, vượt qua các lưới điện còn tồn tại và trao quyền cho khách hàng.


Bài học ở đây? Thay vì dựa vào các mạng lưới lớn, tập trung, hãy đưa ra giải pháp phân tán, chi phí thấp có thể tiếp cận hàng trăm ngàn hộ gia đình. Một ví dụ là Blockstack, một khởi động sử dụng công nghệ mã hoá Blockchain để đảm bảo ẩn danh trong khi lướt web.


2. Đừng đợi chính phủ vào cuộc


Liên quan đến nguyên lý phân quyền, điều quan trọng cần lưu ý là mặc dù các khoản trợ cấp và can thiệp của chính phủ có thể giúp doanh nghiệp của bạn, nhưng sự trợ giúp như vậy có thể không bao giờ đến.


Điều này thực sự đúng đắn khi nói đến nhiều quốc gia châu Phi. Xem xét điều này - vào năm 2014, Transparency International ước tính rằng gần 75 triệu người châu Phi bị buộc phải trả tiền hối lộ - thường là để tiếp cận các dịch vụ cơ bản như nước, vệ sinh và có điện. Hơn nữa, đói nghèo và hối lộ liên kết chặt chẽ, kết quả là những ai trả nhiều tiền hối lộ cũng là những người ít có khả năng chi trả.


Với ý nghĩ đó, hai doanh nhân đã thành lập Juabar, một trung tâm thương mại của Tanzania tập trung xung quanh các kiốt nhỏ, năng lượng mặt trời cung cấp sạc điện thoại di động. Thay vì chờ đợi chính phủ xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết, hai người sáng lập của Juabar chỉ đơn giản là bước vào và tạo ra một mạng lưới năng lượng mặt trời. Các chủ thương hiệu như vậy kiếm trung bình khoảng 75-150 đô la mỗi tháng, ở một quốc gia có thu nhập trung bình hàng tháng khoảng 45 đô la. Trong tương lai, Juabar dự định cung cấp Wi-Fi và các dịch vụ thông tin khác.


Bài học ở đây là gì? Đúng là một số ngành công nghiệp nhất định đã nhận được rất nhiều khoản tài trợ và trợ cấp từ chính phủ. Nhưng nếu bạn là một kẻ yếu thế, đừng tuyệt vọng. Ngay cả khi chính phủ bỏ qua ngành công nghiệp của bạn để ủng hộ những người có hành lang rộng lớn, bạn vẫn có cơ hội chiến đấu. Bằng cách nào ư? Sử dụng các giải pháp công nghệ thấp, bắt đầu ở cấp cơ sở.


3. Tận dụng các công nghệ mới


Trước tiên, hãy xem xét rằng các tấm pin mặt trời đã được giảm chi phí. Riêng ở Mỹ, giá các tấm pin mặt trời đã giảm 5% đối với các hộ gia đình, và 12% đối với các trang trại năng lượng mặt trời quy mô lớn. Hơn nữa, một số báo cáo ước tính rằng chi phí năng lượng mặt trời sẽ giảm 60% vào năm 2040, xuống còn 3 cent / kilowatt giờ, rẻ hơn nhiều so với khí đốt hoặc than ở nhiều khu vực.


Thứ hai, nhớ lại đề cập trước đây về thị trường thanh toán di động đang phát triển của Châu Phi, dẫn đầu bởi các công ty mới thành lập như M-Pesa của Kenya. Được phát triển bởi Vodafone và đối tác Safaricom của châu Phi, M-Pesa đã cách mạng hoá phong cảnh thanh toán, cho phép người dùng trả hết mọi thứ từ cưỡi ngựa đến các hóa đơn năng lượng mặt trời của M-Kopa. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu của MIT đã phát hiện ra rằng các dịch vụ như M-Pesa cải thiện khả năng tiếp cận vốn của người nghèo và tăng mức tiêu dùng - một lợi ích cho những người mới thành lập như M-Kopa.


Bài học ở đây là gì? Đẩy mạnh công nghệ hiện có và đang nổi lên để thực hiện hoạt động kinh doanh cốt lõi của bạn tốt hơn, nhanh hơn và rẻ hơn so với đối thủ cạnh tranh.


4. Xây dựng một kế hoạch tài chính có lãi, nhưng công bằng


Nếu không có kế hoạch tài chính vững chắc, khách hàng tiềm năng sẽ không thể mua sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn. Nhưng nếu kế hoạch của bạn bị coi là không công bằng, bạn sẽ mất khách hàng.


Hãy xem Off Grid Electric, một công ty năng lượng mặt trời khác khá giống với M-Kopa. Thay vì ép buộc khách hàng trả nợ bằng lãi suất quá mức, OGE tính phí cho khách hàng 7 đô la một tháng cho dịch vụ. Sau ba năm, khách hàng sở hữu hoàn toàn. Với chi phí khoảng 100-140 đô la một năm cho đèn dầu và nến, người dùng có thể tiết kiệm được rất nhiều tiền bằng cách thanh toán cho đơn vị OGE trong vòng ba năm.


Bài học ở đây? Cân bằng lợi nhuận của công ty với sự quan tâm của khách hàng để cung cấp một tình huống win-win cho tất cả mọi người. Sau cùng, khách hàng hài lòng là khách hàng lặp lại và bạn có thể đặt cược rằng cả OGE và M-Kopa đều có các sản phẩm phụ trợ.


Cuối cùng, với nhiều thách thức mà các công ty năng lượng mặt trời châu Phi khởi đầu, thật là hợp lý nếu họ có nhiều điều để dạy cho các doanh nhân trên toàn thế giới. Cuối cùng, bài học quan trọng nhất của họ cũng có thể là vai trò quan trọng của sự sáng tạo. Rốt cuộc, nếu không có tầm nhìn chiến lược và lòng can đảm để thách thức hoàn cảnh hiện tại, thì không có công ty sáng tạo nào tồn tại.



NSKT - Cafeland.vn

Thứ Ba, 15 tháng 8, 2017

Không phải trả tiền điện suốt 5 năm nhờ điện mặt trời

VTV.vn - Bà Tomoko ở Nhật Bản đã nghĩ ra những giải pháp đơn giản nhưng không kém phần hữu ích để tiết kiệm năng lượng, thậm chí không tốn một xu tiền điện nào suốt 5 năm.

Một phụ nữ Nhật Bản đã nghĩ ra những giải pháp đơn giản nhưng không kém phần hữu ích để tiết kiệm năng lượng, thậm chí, còn giúp bà không phải trả hóa đơn tiền điện suốt 5 năm.

Nhà bà Tomoko lắp 3 tấm năng lượng mặt trời trên ban công. Vào ngày nắng, những tấm năng lượng mặt trời này sản xuất ra 1 kW điện mỗi giờ. Vì giải pháp này phụ thuộc vào thời tiết nên bà Tomoko còn tạo ra điện bằng phương pháp khác là sử dụng một chiếc xe đạp nối với thiết bị tạo năng lượng.



Để tiết kiệm điện, bà Tomoko không dùng tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ hay lò sưởi. Thay vào đó, bà tự thiết kế một thiết bị đơn giản có chứa nước để bảo quản thức ăn tươi ngon. Bà treo 1 chiếc túi nhỏ nước xuống sàn để hạ nhiệt độ phòng. Còn để nấu ăn, bà dùng bếp năng lượng mặt trời và tất nhiên, cũng là hoàn toàn tự tạo.

Trong khi một gia đình Nhật Bản phải trả hóa đơn tiền điện 4.000 Yen/tháng, tương đương 840.000 VND, hóa đơn nhà bà Tomoko là 0 đồng.

Phong cách sống của bà Tomoko hiện thu hút rất nhiều sự chú ý của người dân Nhật Bản. Bà đã nhận được nhiều lời mời tư vấn về các giải pháp tự tạo và tiết kiệm năng lượng đơn giản nhưng hữu ích mà mỗi hộ gia đình đều có thể làm được.

Thứ Hai, 14 tháng 8, 2017

Điện mặt trời cho mái nhà xanh

Đề xuất "đưa điện mặt trời lên mái nhà thành một tiêu chí trong quy hoạch đô thị" của TS Trần Duy Châu, chuyên gia nghiên cứu và phát triển thuộc Tập đoàn điện lực EDF (Pháp) là điều hết sức cần thiết và nên được triển khai sớm để giảm áp lực về điện trong bối cảnh hiện nay.
Trước đó, Chính phủ cũng đã ban hành cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời. Cụ thể, Tập đoàn điện lực VN (EVN) có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án nối lưới với giá điện tại thời điểm giao nhận, tương đương 9,35 cent/kWh. Cơ chế này đã tháo gỡ nút thắt trong "tâm tư" của nhiều người dân, doanh nghiệp muốn đầu tư, lắp đặt hệ thống điện mặt trời nhưng thừa điện thì không bán được cho nhà điện. Tuy nhiên, khuyến khích thôi chưa đủ, để các mái nhà đều có thể sản xuất điện mặt trời, cần đưa vấn đề này thành tiêu chí. Đặc biệt tại các đô thị lớn, nơi có nhiều dự án, cao ốc, công trình, nhà cửa rất thuận lợi cho việc lắp đặt. Đơn cử như TP.HCM, theo thống kê có khoảng 300.000 mái nhà có thể lắp đặt tấm thu năng lượng mặt trời. Nếu mỗi mái nhà lắp đặt 2 tấm, tổng công suất của toàn TP là 78 MW, tương đương 105 triệu kWh/năm, bằng công suất của Nhà máy điện Cần Đơn, Bình Phước...



Dẫn ra để thấy, không đưa điện mặt trời lên mái nhà là một sự lãng phí lớn. Chưa kể, trong những nguồn năng lượng tái tạo ở VN thì điện mặt trời lắp trên mái nhà là phương án có tính khả thi cao nhất vì dễ thực hiện; diện tích lớn nhỏ đều có thể lắp đặt được và cũng không cần phải thay đổi cơ sở hạ tầng lưới điện.


Quan trọng hơn, việc đưa điện mặt trời thành tiêu chí trong quy hoạch đô thị thời điểm này càng trở nên cấp thiết khi đầu tư vào nhiệt điện than đang tăng mạnh trong những tháng đầu năm nay, đẩy chúng ta đứng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao. Theo tính toán của EVN, chỉ cần 10% trong tổng số hơn 24 triệu hộ khách hàng của tập đoàn này sản xuất điện mặt trời, chúng ta sẽ có thêm gần 5.000 MW, bằng 3 - 4 nhà máy nhiệt điện than lớn.


Tính đến thời điểm hiện nay, hầu hết những vướng mắc để phát triển, nhân rộng điện mặt trời đều đã được tháo gỡ. Điện mặt trời đã có giá, suất đầu tư cũng rẻ hơn, VN cũng có lợi thế để phát triển loại năng lượng sạch này... Nếu chúng ta đưa thành tiêu chí cộng thêm các cơ chế ưu đãi, khuyến khích hợp lý, thủ tục thuận lợi thì không khó để "mỗi mái nhà đều sản xuất điện mặt trời".

Nguyên Hằng - Báo điện tử Thanhnien online

Chủ Nhật, 13 tháng 8, 2017

Thu ánh dương về thắp sáng nghĩa trang Trường Sơn

5 khu mộ liệt sĩ ở nghĩa trang Trường Sơn sẽ được lắp đặt hệ thống chiếu sáng bằng 500 cột đèn năng lượng mặt trời cao 3,3m, đan xen các khu mộ với độ cao bóng đèn 2,5m, góc chiếu 180 độ, kiểu dáng và kích thước phù hợp cảnh quan. Đèn tự động bật sáng khi trời tối, tự động tắt khi trời sáng.



Đây là dự án xuất phát từ ý tưởng của một nhóm các bạn trẻ và người đứng đầu là bạn Hoàng Minh Thảo.

Trao đổi với Dân trí, bạn Hoàng Minh Thảo cho biết, Quảng Trị có gần 4.000 ha đất dành cho nghĩa trang, với 72 nghĩa trang liệt sĩ, nơi an nghỉ ngàn thu của 51.795 anh hùng liệt sĩ có danh tính. Đó là còn chưa kể bao nhiêu nấm mồ khuyết danh và hàng ngàn người con đất Việt vĩnh viễn bị chôn vùi dưới 328.000 tấn bom đạn trong lòng đất và dòng sông Thạch Hãn, trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ...

<br/>5 khu mộ liệt sĩ ở nghĩa trang Trường Sơn sẽ được lắp đặt hệ thống chiếu sáng bằng 500 cột đèn năng lượng mặt trời.<br/>


5 khu mộ liệt sĩ ở nghĩa trang Trường Sơn sẽ được lắp đặt hệ thống chiếu sáng bằng 500 cột đèn năng lượng mặt trời.


 



Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn là nghĩa trang lớn nhất, nằm giữa núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, nơi yên nghỉ đời đời của 10.263 anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Đây là một công trình đền ơn đáp nghĩa có quy mô lớn, thể hiện lòng nhớ thương sâu sắc, sự biết ơn và tôn vinh của nhân dân đối với những người con thân yêu trên cả nước Việt Nam không tiếc máu xương cho Độc lập Tự do và Thống nhất Tổ quốc. Hàng năm, hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước đã đến viếng thăm và chiêm bái.

“Sáu năm trước, gia đình tôi đã lần đầu tiên đến vùng đất đau thương này, đi qua những nghĩa trang để lặng lẽ chiêm nghiệm về sự hy sinh hào hùng của hàng vạn anh hùng mà khi họ nằm xuống tuổi đời hầu hết chỉ hơn hai mươi. Chúng tôi, thuộc thế hệ được sinh ra khi đất nước đã thống nhất, chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức về một thời khốc liệt thì vẫn hiển hiện, bởi cha anh chúng tôi đều trở về trong khói lửa đạn bom. Vì thế, khi đến nơi đây, càng thấm thía những mất mát và giá trị phải đổi bằng máu của hòa bình. Nếu đã một lần đến chắc hẳn ai cũng sẽ giữ trong lòng một nỗi niềm sâu thẳm” – Hoàng Minh Thảo bày tỏ.

Thảo cũng cho biết: tháng 7 vừa rồi, trở lại lần thứ hai để thăm Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, đứng bên những ngọn đồi lớp lớp mộ chí, trong cái hiu hắt của hoàng hôn, nhóm lại ngậm ngùi khôn xiết. Và nhóm quyết định chọn cho mình cách tri ân riêng và dự án Thắp sáng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn bằng năng lượng mặt trời được hình thành.

“Bao năm qua, nghĩa trang dù đã được tu sửa, nâng cấp nhiều lần, tuy nhiên do kinh phí còn hạn chế, các khu mộ liệt sĩ hiện vẫn chưa được lắp đặt hệ thống chiếu sáng. Khi chúng tôi trình dự án, UBND tỉnh Quảng Trị đã hoàn toàn thống nhất và giao trách nhiệm cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh tìm kiếm các nguồn lực trong xã hội, kêu gọi, vận động các Doanh nghiệp chung tay góp phần vào công việc Đền ơn Đáp nghĩa, phát huy truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” này” – Hoàng Minh Thảo bộc bạch.

Cũng theo Thảo, dự án này sử dụng cột đèn năng lượng mặt trời cao 3,3m. Bộ điều khiển thông minh dùng cho đèn năng lượng mặt trời được sử dụng con chip vi tính chuyên dụng để điều khiển chức năng, tất cả các con chip đều theo chuẩn công nghiệp, có thể sử dụng trong điều kiện môi trường khắc nghiệt.

Hệ thống có chế độ bảo vệ đoản mạch, quá tải và bảo vệ đấu ngược cực, các chức năng bảo về như tự động ngắt khi sạc đầy, điện áp phóng thấp, chức năng hồi phục, hiển thị cảnh báo tình trạng sạc, tình trạng ắc quy, phụ tải.

Bộ điều khiển thu thập thông tin điện áp ắc quy, điện áp tấm thu, dòng phóng, nhiệt độ môi trường qua con chip vi tính, nhờ việc tính toán bằng mô thức điều khiển chuyên biệt để điều khiển chính xác theo đặc tính ắc-quy, sạc điện cho ắc quy với hiệu suất cao nhất, khống chế điện áp ắc quy theo từng giai đoạn sạc để đảm bảo tình trạng làm việc tố nhất cho ắc quy, kéo dài tuổi thọ của ắc quy. Bộ điều khiển có nhiều chế độ làm việc để đáp ứng các yêu cầu khác nhau của người sử dụng.

“Vì đèn năng lượng mặt trời hoàn toàn sử dụng điện áp thấp một chiều (DC) nên hoàn toàn không gây nguy cơ về điện giật” – Thảo cho biết.

Hoàng Minh Thảo cũng khẳng định, việc lắp đặt hệ thống đèn năng lượng mặt trời tại khu mộ các liệt sĩ giữa khung cảnh núi rừng sẽ góp phần tôn lên cảnh quan môi trường, làm cho nơi yên nghỉ của các anh hùng liệt sĩ luôn lung linh và ấm áp cũng như hết sức an toàn, tiết kiệm. Đây là công trình hoàn toàn sử dụng nguồn vốn xã hội hóa.




<br/>6 cột điện mẫu từ ngày 23/7 đã sáng lên khi hoàng hôn buông xuống ở nghĩa trang Trường Sơn.<br/>


6 cột điện mẫu từ ngày 23/7 đã sáng lên khi hoàng hôn buông xuống ở nghĩa trang Trường Sơn.





 

Ngày 23/7 vừa qua, 6 cột điện mẫu đã sáng lên khi hoàng hôn buông xuống, ánh nắng mặt trời đã được thành tựu bằng công nghệ lưu giữ, soi sáng và giữ ấm một góc nhỏ ở 5 khu mộ chí. Các đơn vị chịu trách nhiệm dự án đang đẩy nhanh tiến độ vận động các doanh nghiệp, các cơ quan đơn vị tham gia đóng góp, tài trợ cho chương trình có ý nghĩa này.

<br/>Hoàng Minh Thảo - Người đã đưa ra ý tưởng và triển khai dự án thắp sáng nghĩa trang Trường Sơn bằng hệ thống chiếu sáng năng lượng Mặt Trời.<br/>



 

Hoàng Minh Thảo - Người đã đưa ra ý tưởng và triển khai dự án thắp sáng nghĩa trang Trường Sơn bằng hệ thống chiếu sáng năng lượng Mặt Trời.


“Thu ánh dương về thắp sáng nghĩa trang Trường Sơn – đó là cách mà chúng tôi, những người Việt trẻ được hưởng hòa bình hôm nay thể hiện tấm lòng tri ân. Chúng tôi ước mong nhận được thêm nhiều tấm lòng cùng chung tay, góp sức để ánh sáng hàng đêm soi sáng và sưởi ấm cho hơn một vạn ngôi mộ những người anh hùng đã vì nước quên thân mà chúng tôi vĩnh viễn không còn cơ hội được gặp gỡ!” – Thảo chia sẻ.

 



Phan Ánh - Báo điện tử Dân Trí

Khởi động dự án thắp sáng Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn bằng năng lượng mặt trời

ANTD.VN - Ngày 23-7, nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2017), Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị phối hợp với Tập đoàn Truyền thông Thanh niên, Tập đoàn Aircraft Năng lượng Điện Mặt trời Đức và Công ty cổ phần Truyền thông và Thương mại Song Hà khởi công lắp đặt 6 cột điện mẫu của Dự án Thắp sáng Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn bằng Điện năng lượng mặt trời. 

Tọa lạc trên diện tích 140.000 m2 giữa núi rừng Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn là nơi yên nghỉ của 10.263 anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trên tuyến đường Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Đây là công trình đền ơn đáp nghĩa có quy mô lớn, có tính nghệ thuật cao, thể hiện lòng nhớ thương sâu sắc, sự biết ơn và tôn vinh của nhân dân đối với những người con thân yêu trên cả nước Việt Nam không tiếc máu xương cho Độc lập Tự do và Thống nhất Tổ quốc. Hằng năm, hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước đã đến viếng thăm và chiêm bái nghĩa trang này.

ảnh 1

Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn được nâng cấp song thiếu hệ thống chiếu sáng

Hiện tại, nghĩa trang đã được nâng cấp, tuy nhiên do kinh phí còn hạn chế, các khu mộ liệt sĩ hiện vẫn chưa được lắp đặt hệ thống chiếu sáng.

UBND tỉnh Quảng Trị đã giao trách nhiệm cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh tìm kiếm các nguồn lực trong xã hội, kêu gọi, vận động các doanh nghiệp chung tay góp phần vào công việc đền ơn đáp nghĩa, phát huy truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”.

Ngày 23-7, nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27-7-1947/27-7-2017), Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị phối hợp với Tập đoàn Truyền thông Thanh niên, Tập đoàn Aircraft Năng lượng Điện Mặt trời Đức và Công ty cổ phần Truyền thông và Thương mại Song Hà khởi công lắp đặt 6 cột điện mẫu của Dự án Thắp sáng Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn bằng Điện năng lượng mặt trời.

ảnh 2

Đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời được lắp đặt tại nghĩa trang


Việc lắp đặt hệ thống đèn năng lượng mặt trời tại khu mộ các liệt sĩ giữa khung cảnh núi rừng sẽ góp phần tôn lên cảnh quan môi trường, làm cho nơi yên nghỉ của các anh hùng liệt sĩ luôn lung linh và ấm áp, cũng như đảm bảo an toàn, tiết kiệm.

Đây là công trình hoàn toàn sử dụng nguồn vốn xã hội hóa. Theo kế hoạch, các đơn vị tham gia sẽ lắp đặt hệ thống chiếu sáng ở 5 khu mộ liệt sĩ bằng 500 cột đèn năng lượng mặt trời, cao 3,3m, đan xen các khu mộ với độ cao bóng đèn 2,5m, góc chiếu 180 độ, kiểu dáng và kích thước phù hợp cảnh quan. Đèn tự động bật sáng khi trời tối, tự động tắt khi trời sáng.

Đặc tính ắc-quy cho đèn năng lượng mặt trời đảm bảo thân thiện với môi trường, chất lượng và độ tin cậy cao, nội trở thấp, mật độ năng lượng cao, tuổi thọ dài. Các đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện dự án đang đẩy nhanh tiến độ vận động các doanh nghiệp, các cơ quan đơn vị tham gia đóng góp, tài trợ cho chương trình có ý nghĩa này.

Điện mặt trời vẫn "chưa sáng"

Nhiều tiềm năng về sản xuất điện mặt trời và đã có hàng chục doanh nghiệp được chấp thuận nghiên cứu, khảo sát nhưng tới nay mới có 6 doanh nghiệp được tỉnh Bình Thuận cấp phép đầu tư xây dựng nhà máy.
Theo Sở Công thương Bình Thuận, Quyết định số 11/CP của Thủ tướng Chính phủ (ngày 11.4.2017) về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, đã mở ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư. Theo đó, EVN sẽ mua toàn bộ nguồn điện mặt trời với giá tương đương 9,35 US cent/kWh. Toàn bộ thiết bị, hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho các dự án đều được miễn thuế.


Ông Dương Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý điện và năng lượng (Sở Công thương Bình Thuận), cho hay: "Bình Thuận là tỉnh có lợi thế tốp đầu cả nước để phát triển điện mặt trời và điện gió. Theo quy hoạch đã được Bộ Công thương phê duyệt, đến năm 2020, tổng công suất lắp đặt tương đương 828 MW, sản lượng điện tương ứng với 1.270 triệu kWh/năm. Đến năm 2025, tổng công suất lắp đặt tích lũy đạt xấp xỉ 2.642 MW, sản lượng điện tương ứng là 4.055 triệu kWh/năm. Đây là cơ hội cho các nhà đầu tư vào Bình Thuận lập dự án nhà máy điện mặt trời".


Thế nhưng, tính đến hết tháng 7.2017, Bình Thuận mới có 6 dự án nhà máy điện mặt trời được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng công suất 380 MW; có 2 dự án (247,5 MW) đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch; 6 dự án (185 MW) đã lập hồ sơ quy hoạch bổ sung trình Bộ Công thương phê duyệt. Trong khi đó, khoảng 40 dự án khác đang được tỉnh cho thực hiện khảo sát (đo nắng) và lập quy hoạch bổ sung.




Theo một lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Bình Thuận, khó khăn lớn nhất hiện nay của các dự án điện mặt trời là nguồn vốn. Mỗi dự án cần vài trăm tỉ, thậm chí cả nghìn tỉ đồng. Do vậy các ngân hàng rất thận trọng trong xem xét nguồn vốn cho các dự án này. Thứ hai, phần lớn các dự án nằm trên đất của dân, khâu đền bù đất phải xét yếu tố pháp lý, rất phức tạp.


Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận, đồng thời là chủ đầu tư dự án điện mặt trời Phú Lạc (H.Tuy Phong, Bình Thuận), cho biết các dự án điện mặt trời tốn đất hơn điện gió. Do vậy, công tác giải phóng mặt bằng mất thời gian hơn nhiều. Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng khó nhất hiện nay của điện mặt trời là khung pháp lý về tiêu thụ điện. “Mặc dù Chính phủ đã có Quyết định số 11 ban hành cơ chế khuyến khích và cho giá mua điện, nhưng các ngân hàng phải chờ hợp đồng mua bán điện mẫu do Bộ Công thương ban hành. Hợp đồng này được thực hiện với bên mua (EVN) sẽ là cơ sở xác định được đầu ra của dự án. Khi có cái này thì ngân hàng mới giải ngân”, ông Thịnh cho biết.


Cũng theo ông Thịnh, cần phải tạo cơ chế thông thoáng thuận lợi nhất nhằm thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng đến thực hiện dự án điện mặt trời tại Bình Thuận.

Quế Hà - Báo Thanh Niên