Chủ Nhật, 13 tháng 8, 2017

Điện mặt trời vẫn "chưa sáng"

Nhiều tiềm năng về sản xuất điện mặt trời và đã có hàng chục doanh nghiệp được chấp thuận nghiên cứu, khảo sát nhưng tới nay mới có 6 doanh nghiệp được tỉnh Bình Thuận cấp phép đầu tư xây dựng nhà máy.
Theo Sở Công thương Bình Thuận, Quyết định số 11/CP của Thủ tướng Chính phủ (ngày 11.4.2017) về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, đã mở ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư. Theo đó, EVN sẽ mua toàn bộ nguồn điện mặt trời với giá tương đương 9,35 US cent/kWh. Toàn bộ thiết bị, hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho các dự án đều được miễn thuế.


Ông Dương Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý điện và năng lượng (Sở Công thương Bình Thuận), cho hay: "Bình Thuận là tỉnh có lợi thế tốp đầu cả nước để phát triển điện mặt trời và điện gió. Theo quy hoạch đã được Bộ Công thương phê duyệt, đến năm 2020, tổng công suất lắp đặt tương đương 828 MW, sản lượng điện tương ứng với 1.270 triệu kWh/năm. Đến năm 2025, tổng công suất lắp đặt tích lũy đạt xấp xỉ 2.642 MW, sản lượng điện tương ứng là 4.055 triệu kWh/năm. Đây là cơ hội cho các nhà đầu tư vào Bình Thuận lập dự án nhà máy điện mặt trời".


Thế nhưng, tính đến hết tháng 7.2017, Bình Thuận mới có 6 dự án nhà máy điện mặt trời được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng công suất 380 MW; có 2 dự án (247,5 MW) đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch; 6 dự án (185 MW) đã lập hồ sơ quy hoạch bổ sung trình Bộ Công thương phê duyệt. Trong khi đó, khoảng 40 dự án khác đang được tỉnh cho thực hiện khảo sát (đo nắng) và lập quy hoạch bổ sung.




Theo một lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Bình Thuận, khó khăn lớn nhất hiện nay của các dự án điện mặt trời là nguồn vốn. Mỗi dự án cần vài trăm tỉ, thậm chí cả nghìn tỉ đồng. Do vậy các ngân hàng rất thận trọng trong xem xét nguồn vốn cho các dự án này. Thứ hai, phần lớn các dự án nằm trên đất của dân, khâu đền bù đất phải xét yếu tố pháp lý, rất phức tạp.


Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận, đồng thời là chủ đầu tư dự án điện mặt trời Phú Lạc (H.Tuy Phong, Bình Thuận), cho biết các dự án điện mặt trời tốn đất hơn điện gió. Do vậy, công tác giải phóng mặt bằng mất thời gian hơn nhiều. Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng khó nhất hiện nay của điện mặt trời là khung pháp lý về tiêu thụ điện. “Mặc dù Chính phủ đã có Quyết định số 11 ban hành cơ chế khuyến khích và cho giá mua điện, nhưng các ngân hàng phải chờ hợp đồng mua bán điện mẫu do Bộ Công thương ban hành. Hợp đồng này được thực hiện với bên mua (EVN) sẽ là cơ sở xác định được đầu ra của dự án. Khi có cái này thì ngân hàng mới giải ngân”, ông Thịnh cho biết.


Cũng theo ông Thịnh, cần phải tạo cơ chế thông thoáng thuận lợi nhất nhằm thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng đến thực hiện dự án điện mặt trời tại Bình Thuận.

Quế Hà - Báo Thanh Niên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét