Chủ Nhật, 21 tháng 1, 2018

Nhiều dự án điện sạch vẫn còn nằm trên... giấy

TTO - Vì “nắng lắm, gió nhiều” nên các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lâu nay được xem là vùng đất tiềm năng để trở thành “vương quốc” năng lượng sạch. Nhưng điều đó vẫn còn là kỳ vọng.

Những hợp đồng ký kết lên đến cả tỉ đô, nhưng tất cả đến nay đều nằm trên giấy.


Chạy đua với điện mặt trời


Đầu tiên phải kể đến là Ninh Thuận với 9 dự án, tổng vốn đầu tư 26.506 tỉ đồng. Kế đến là Bình Định với 25 doanh nghiệp đăng ký xin khảo sát, hầu hết đầu tư là các tập đoàn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ...


Trong khi đó, Đắk Lắk dẫn đầu Tây Nguyên với chương trình kêu gọi đầu tư điện mặt trời. Để thu hút, tỉnh Đắk Lắk đưa ra các tiêu chí như nhà đầu tư được giao đất sạch, được bao tiêu sản phẩm, được tận dụng khoảng đất dự án để sản xuất nông nghiệp, tạo thêm nguồn thu nhập...




Ngay sau đó địa phương này đón nhận 4 dự án điện mặt trời công suất trên 50 MW cùng 6 dự án khác dưới 50 MW. Tất cả đang trình bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và tỉnh. Riêng Khánh Hòa chỉ trong vòng 1 năm đã có 14 dự án điện mặt trời được chấp thuận cho đầu tư.


Vì sao các địa phương chạy đua lập dự án điện mặt trời? Ông Man Ngọc Lý - giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Định - cho biết các dự án điện mặt trời ở Bình Định mới rộ lên sau khi Chính phủ ban hành quyết định giá bán điện mặt trời tại Việt Nam, còn trước đó chỉ có một số doanh nghiệp đăng ký đầu tư điện gió.


"Suất đầu tư của điện gió là 2-3 triệu USD/MW, còn điện mặt trời thì khoảng 1 triệu USD/MW. Trong khi đó, giá mua điện mặt trời của Việt Nam là 9,35 cent/kWh, trong khi điện gió chỉ 7,8 cent/kWh.


Còn ông Nguyễn Thanh Lâm - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Điện lực Khánh Hòa - cho rằng: "Do xu hướng giá điện ngày càng giảm, nên các nhà đầu tư điện mặt trời phải chạy cho kịp tiến độ để được hòa lưới điện quốc gia mới bán được điện theo giá mua ưu đãi của Chính phủ đã ban hành".




Nhiều dự án điện sạch vẫn còn nằm trên... giấy - Ảnh 2.


Dự án nhà máy điện gió Bạc Liêu - Ảnh: CHÍ QUỐC





Điện gió chậm


Theo Sở Công thương Ninh Thuận, trong số 9 dự án điện gió tại địa phương đến nay đã có 4 dự án được khởi công gồm dự án điện gió Công Hải, Trung Nam, Phước Dinh và Đầm Nại (đã lắp đặt 3 cánh quạt, tuôcbin phát điện).


Theo ông Lưu Xuân Vĩnh - chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) của tỉnh sẽ thay thế điện hạt nhân đã dừng triển khai. Tuy nhiên, yếu tố giá bán điện gió đã chi phối quyết tâm đầu tư của nhiều nhà đầu tư.


"Năng lượng điện không như các mặt hàng khác mà nó chỉ có EVN độc quyền mua và phân phối điện cho cả nước. Tuy nhiên không vì vậy mà tỉnh để các dự án điện gió chậm triển khai. Tỉnh sẽ thu hồi các dự án điện gió không đủ năng lực, kinh nghiệm" - ông Vĩnh nói.


Còn tại Bình Định hiện có 3 dự án đã được cấp phép gồm Nhà máy điện gió Phương Mai 1 (30 MW), Nhà máy điện gió Phương Mai 3 (21 MW) và Nhà máy điện gió Nhơn Hội (61,1 MW). Tuy vậy theo ông Man Ngọc Lý, chỉ có duy nhất dự án điện gió Phương Mai 3 đã khởi công tháng 10-2017 với tổng mức đầu tư khoảng 40 triệu USD.






Theo Bộ Công thương, khó khăn trong phát triển điện gió đó là suất đầu tư của dự án cao hơn so với các nguồn điện truyền thống, trong khi giá mua điện của Chính phủ còn chưa thực sự hấp dẫn. Năng lực tài chính của nhiều chủ đầu tư rất hạn chế, khả năng truyền tải lưới điện của các địa phương nơi dự án triển khai còn yếu.

Thêm vào đó, việc huy động vốn vay từ ngân hàng gặp khó khăn, trong khi đây là lĩnh vực khá mới nên chưa có nhiều lựa chọn cho các nhà đầu tư trong thiết kế, xây lắp, vận hành, bảo dưỡng...



Tỉnh rất muốn nhưng khó...


Theo ông Hồ Quốc Dũng - chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, do không gây ô nhiễm môi trường nên tỉnh rất khuyến khích các nhà đầu tư triển khai dự án.


"Dù nhiều nhà đầu tư xin khảo sát, nhưng không phải dự án nào tỉnh cũng xem xét đưa vào quy hoạch. Bởi chỉ có những dự án khả thi, đấu nối được vào lưới điện quốc gia, đánh giá có hiệu quả, nhà đầu tư có năng lực thực sự mới được đồng ý" - ông Dũng nói.


Trong khi đó ông Bùi Hồng Quý - chánh văn phòng UBND tỉnh Đắk Lắk - cho rằng dù địa phương rất muốn nhưng hiện một số doanh nghiệp đầu tư điện năng lượng mặt trời tấm nổi (trên hồ thủy lợi, thủy điện) đang tính toán lại vì kinh phí đầu tư quá lớn.


Riêng ở Khánh Hòa, do dự án lập chiếm quá nhiều đất sản xuất (hơn 1.400ha) nên địa phương chưa quyết. Bà Phan Thị Minh Lý - chủ tịch HĐND TP Cam Ranh - lo ngại:


"Việc thu hồi quá nhiều đất cho dự án điện mặt trời sẽ ảnh hưởng đến đời sống của dân". Vậy nên theo bà Lý, tỉnh nên đánh giá tác động môi trường của dự án điện mặt trời đến người dân như thế nào và sẽ giải quyết việc làm cho người dân sau khi bị thu hồi đất ra sao?






Xin rút lui

Hào hứng là vậy nhưng trên thực tế hầu hết các dự án đều nằm yên, không tiến triển như mong đợi. Mới đây, Công ty Solarpark Global I&D (Hàn Quốc) có báo cáo gửi tỉnh Đắk Lắk xin ngừng triển khai dự án xây dựng nhà máy điện mặt trời tấm nổi trên hồ Ea Súp Thượng (huyện Ea Súp).

"Siêu dự án" này có tổng vốn đầu tư gần 1 tỉ USD, công suất từ 300-500 MW được hi vọng là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế của huyện vùng biên. Lý do, theo nhà đầu tư: dù giá bán điện mặt trời đã được phê duyệt là 9,35 cent/kWh và được áp dụng đến ngày 30-6-2019, nhưng sau đó dự kiến giảm xuống thấp hơn, nên "không bảo đảm khả năng sinh lợi cho dự án"...






Doanh thu chỉ đủ trả nợ, lãi ngân hàng

photo-1


Điện gió trên cánh đồng ở Tuy Phong, Bình Thuận - Ảnh: T.T.D.





Theo ông Bùi Văn Thịnh - giám đốc Công ty phong điện Thuận Bình (công suất 24 MW tại huyện Tuy Phong, Bình Thuận): với suất đầu tư 1 MW khoảng 1 triệu USD, dự án của ông đã ngốn hết 24 triệu USD (khoảng 545 tỉ đồng).


"Tuy nhiên với giá điện gió hiện nay chỉ 7,8 cent/kWh (1.770 đồng/kWh), nên dù đã vận hành thương mại khoảng một năm nay nhưng doanh thu chỉ đủ trả nợ, trả lãi ngân hàng và chi phí quản lý, vận hành. Đây là một nguyên nhân mà các dự án điện gió tại Bình Thuận chậm triển khai thời gian vừa qua".


Cũng theo ông Thịnh, giá điện gió hiện nay so với thủy điện, nhiệt điện cao hơn nhiều nhưng so với các nước trong khu vực và thế giới thì còn thấp.


"Các ngân hàng cho rằng với giá điện gió thấp như vậy, khả năng hoàn vốn dự án không hiệu quả nên các nhà đầu tư rất khó tiếp cận với vốn vay" - ông Thịnh nói.


Ngoài các lý do trên, lý do không đấu nối vào lưới điện quốc gia cũng là một cản trở rất lớn, theo ông Thịnh.


ĐỨC TRONG








Cần hỗ trợ tiếp cận vốn vay

Ông Tô Hoài Dân, tổng giám đốc Công ty TNHH xây dựng, thương mại, du lịch Công Lý - chủ đầu tư dự án điện gió Bạc Liêu, cho biết hiện EVN mua điện gió với giá 9,8 cent/kWh (2.224 đồng/kWh).

Năm 2017 Nhà máy điện gió Bạc Liêu chạy được 250 triệu kWh điện, tương đương 500 tỉ đồng. Sắp tới doanh nghiệp tiếp tục khởi công giai đoạn 3 với tổng công suất 142 megawatt, tổng vốn đầu tư hơn 8.600 tỉ đồng từ nguồn vốn vay ngân hàng ở Thái Lan.

"Nếu giá bán điện được nâng lên mức 9,98 cent/kWh (2.265 đồng/kWh) sẽ giúp doanh nghiệp thu hồi vốn nhanh hơn" - ông Dân nói.

Ông Dân cho rằng việc đầu tư dự án điện gió lời hay lỗ không hẳn phụ thuộc vào giá điện cao hay thấp mà còn phụ thuộc vào đội ngũ chuyên gia và lãi suất ngân hàng.

Hiện giá thuê chuyên gia nước ngoài là 5.000 USD/người/tháng (hơn 113 triệu đồng), một dự án cần 4 chuyên gia, như vậy mỗi tháng đã "ngốn" hết nửa tỉ đồng, bằng thuê 20 chuyên gia VN với lương 25 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể khi có sự cố, doanh nghiệp sẽ thiệt hại rất lớn vì phải chờ chuyên gia tới mà không thể tự xử lý ngay được.

Vì vậy, trước khi đưa vào vận hành, công ty ông đã tuyển và đưa đi đào tạo ở nước ngoài với chi phí trọn gói khoảng 20.000 USD/người (hơn 453 triệu đồng). Đổi lại họ sẽ gắn bó lâu dài với công ty.

Ngoài ra ông Dân cho rằng nếu có bán điện giá 10 cent/kWh (tương đương 2.210 đồng) đi nữa mà lãi suất ở mức 10%/năm thì "cũng thua". Vì vậy cái doanh nghiệp cần nhất vẫn là làm sao tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay nước ngoài với lãi suất hợp lý.

CHÍ QUỐC


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét