Thứ Tư, 27 tháng 6, 2018

Thị trường điện mặt trời sụt giảm ở Trung Quốc

Các chuyên gia phân tích cho rằng ít nhất 20GW dự án năng lượng mặt trời dự kiến được phát triển ở Trung Quốc trong năm nay sẽ bị hủy bỏ.

Cách đây hơn 10 năm, khi JinkoSolar (có trụ sở đặt tại Thượng Hải) bước chân vào ngành năng lượng mặt trời, công ty này chỉ là một kẻ chân ướt chân ráo đến nỗi khi JinkoSolar tham dự các hội chợ thương mại quốc tế, tất cả những gì được trưng bày chỉ là một cái bàn nhỏ và một tấm bảng viết nguệch ngoạc tên công ty trên đó.


Nhưng JinkoSolar lại gặp nhiều may mắn, có được lợi thế công nghệ và được trợ cấp rất nhiều bởi chính phủ nước họ.


Ngành năng lượng mặt trời trên toàn cầu có thể nói sống nhờ vào tiền trợ cấp. Chính sách giá ưu đãi năng lượng mặt trời (Feed-in-tariffs - FIT) đã đưa Đức trở thành thị trường năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới vào khoảng năm 2010 (giá điện FIT hàm chứa 3 yếu tố cốt lõi để phát triển nguồn năng lượng tái tạo là sự đảm bảo để nguồn năng lượng tái tạo kết nối với lưới điện; một hợp đồng bán điện dài hạn; và một mức giá bán điện năng có lãi hợp lý cho nhà đầu tư).


Người Đức đã quay sang Trung Quốc để có được nguồn cung cấp giá rẻ các tấm pin năng lượng, đặc biệt là bởi vì đất đai và các khoản cho vay được trợ cấp giúp cho các nhà sản xuất còn non trẻ của Trung Quốc có thể bán thấp hơn giá của những đối thủ Mỹ và châu Âu.


Khi các khoản trợ cấp năng lượng mặt trời châu Âu sụp đổ trong suốt giai đoạn khủng hoảng nợ công tại khu vực này thì Chính phủ Trung Quốc một lần nữa lại nhảy vào để nâng đỡ cho các “đứa con” trong ngành năng lượng tái tạo.


Trung Quốc áp dụng cơ chế  FIT để phát triển một lượng rất lớn trang trại năng lượng mặt trời ở vùng phía Tây xa xôi của đất nước. Đến năm 2013, Trung Quốc đã qua mặt Đức trở thành thị trường tấm pin năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới; năm ngoái nước này đã lắp đặt 53GW điện mặt trời, gần gấp 5 lần Mỹ, hiện là thị trường lớn đứng thứ 2. Jinko cũng trở thành nhà cung cấp tấm pin năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới vào năm 2016, khi bán ra gần 10GW điện mặt trời trên toàn cầu vào năm ngoái. 6 trong số 10 nhà sản xuất hàng đầu trong ngành này đều đến từ Trung Quốc.


Những thăng trầm trong ngành năng lượng mặt trời cũng cho thấy rõ sự bấp bênh của ngành này, bởi vì các khoản trợ cấp có thể nhanh chóng làm thị trường bùng nổ, nhưng việc mất đi các khoản trợ cấp cũng có thể khiến thị trường sụp đổ. Ngày 1.6 vừa qua, cả ngành đã “đứng tim” khi các nhà điều hành Trung Quốc đột ngột hạn chế mạnh mẽ số dự án lắp mới đủ tiêu chuẩn nhận hỗ trợ từ FIT.


Điều đó đã tác động mạnh đến thị phần của Jinko và một số đối thủ của Công ty tại Trung Quốc cũng như của First Solar, một trong những nhà cung cấp tấm pin năng lượng lớn nhất nước Mỹ.


Các chuyên gia phân tích cho rằng ít nhất 20GW dự án năng lượng mặt trời dự kiến được phát triển ở Trung Quốc trong năm nay sẽ bị hủy bỏ. Khi nhu cầu suy yếu, giá tấm pin Trung Quốc sẽ giảm tới ít nhất 1/3.


Benjamin Attia thuộc hãng tư vấn Wood Mackenzie cho rằng sức hấp thụ năng lượng mặt trời trên các thị trường mới sẽ còn phụ thuộc vào việc giá giảm nhanh như thế nào và đây có thể là năm đầu tiên kể từ năm 2000 ngành năng lượng mặt trời toàn cầu chững lại. “Trong ngắn hạn, thay đổi chính sách sẽ khiến cho thị trường Trung Quốc rối ren”, một người trong ngành năng lượng mặt trời Trung Quốc nhận định.


Gió đã đổi chiều trong bối cảnh ngành năng lượng mặt trời toàn cầu đang bám gót về giá với các nguồn năng lượng truyền thống như than đá, khí tự nhiên và hạt nhân. Các quốc gia ở châu Âu trong đó có Anh Quốc và Tây Ban Nha và những nơi khác đã giảm mạnh cơ chế FIT. Tất cả đã đặt ra một câu hỏi lớn: liệu đây có phải là hồi cáo chung cho thời kỳ trợ cấp năng lượng mặt trời?


Trung Quốc có thể là câu trả lời. Theo đó, các sáng kiến FIT có thể không còn nữa nhưng các chính sách trợ cấp thay thế khác sẽ xuất hiện. Các chuyên gia phân tích nói rằng quyết định từ bỏ cơ chế FIT của Trung Quốc xuất phát từ việc mức thâm hụt quỹ trợ cấp dành cho các nhà phát triển năng lượng mặt trời đã tăng lên tới khoảng 15 tỉ USD vào năm 2017. Bù vào khoản tăng này sẽ làm căng thẳng tình hình tài chính công. Kết quả của sự thiếu hụt này là các nhà phát triển năng lượng mặt trời sẽ không nhận được khoản trợ cấp mà họ mong đợi.













Paolo Frankl thuộc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) lưu ý rằng Trung Quốc gần đây đã bắt đầu thử nghiệm một chương trình gọi là “Top Runner”, một sáng kiến thay thế cho FIT mà đang ngày càng phổ biến trên toàn cầu. Đó là cơ chế “đấu giá ngược”, theo đó các nhà phát triển nào đưa ra mức giá thấp nhất khi xây dựng và điều hành các dự án năng lượng mặt trời mới có thể thắng thầu.


Giá đấu là giá mà họ đồng ý bán phần điện năng mà họ tạo ra trong các hợp đồng thỏa thuận mua điện dài hạn (PPA).


Kết quả của các hợp đồng PPA theo cơ chế đấu giá ngược như vậy là các mức giá đấu thấp đáng ngạc nhiên tại những địa phương có nhiều nắng từ bang Arizona, Nevada của Mỹ đến Mexico, Abu Dhabi và Ấn Độ. Tại Trung Quốc, giá các hợp đồng PPA gần đây đã thấp hơn nhiều so với giá FIT. Thậm chí, có hợp đồng PPA có giá thấp hơn cả giá điện chạy than.


Những lợi ích từ các hợp đồng PPA như vậy có rất nhiều ý nghĩa đối với Trung Quốc. Bởi lẽ mức giá tấm pin thấp hơn (do nguồn cung dư thừa tạm thời) sẽ khuyến khích các hợp đồng đấu thầu có giá thấp hơn nữa, tiết kiệm tiền cho chính phủ và khiến cho giá năng lượng mặt trời trở nên cạnh tranh so với than đá.


Mặc dù hầu như không ai nghi ngờ rằng PPA tốt hơn FIT, nhưng vẫn có cuộc tranh cãi gay gắt về việc liệu chúng cũng là một hình thức trợ cấp làm méo mó thị trường. Chẳng hạn, các công ty cung cấp dịch vụ công ích có thể bị buộc phải cấp các hợp đồng PPA năng lượng tái tạo, thay vì các giải pháp thay thế từ nhiên liệu hóa thạch, vì các chính phủ buộc họ phải hoàn thành các chỉ tiêu về năng lượng tái tạo.


Chính sự tồn tại của các hợp đồng dài hạn này có thể giúp các nhà phát triển năng lượng mặt trời nhận được dòng vốn tài trợ với chi phí rẻ hơn. Dù sao đi nữa, ở Trung Quốc hay ở đâu chăng nữa, vào thời điểm hiện tại, rất khó xây dựng một nhà máy điện mà không có sự hỗ trợ nào đó từ phía chính quyền.


Động thái của Trung Quốc, mặc dù sẽ khiến cho các dự án lắp đặt mới bị chững lại một thời gian, nhưng có thể khiến cho ngành năng lượng mặt trời toàn cầu khỏe mạnh hơn trong dài hạn.


Sự chuyển dịch này có thể thúc đẩy nhanh quá trình liên kết trong ngành ở Trung Quốc, đưa 4 thành phần sản xuất chính - polysilicon (silic đa tinh thể), tấm wafer, tế bào năng lượng mặt trời và tấm pin - về dưới một mái nhà, như ở Jinko.


Bloomberg New Energy Finance cho rằng đến năm 2019, càng có nhiều thị trường hơn bị hấp dẫn bởi năng lượng mặt trời do giá tấm pin giảm. Điện mặt trời càng rẻ thì chúng càng hấp dẫn, đặc biệt ở những nước nghèo đang chật vật xoay xở trước nhu cầu điện tăng nhanh.


Một số ý kiến cho rằng mặc dù năng lượng mặt trời là nguồn tạo ra điện mới lớn nhất thế giới vào năm ngoái nhưng vẫn chỉ chiếm 2% điện thế giới. Hơn nữa, những cải tiến công nghệ để chuyển ánh sáng mặt trời thành điện cũng đang chậm lại. Nhưng một lần nữa, Trung Quốc lại cho chúng ta một bài học. Chương trình “Top Runner” của nước này khen thưởng những doanh nghiệp nào thử nghiệm các công nghệ quang điện mới nhất nhằm làm cho điện mặt trời trở nên cạnh tranh hơn.


Pháp mở nhà máy tái chế các tấm pin mặt trời đầu tiên tại Châu Âu



Tập đoàn xử lý nước thải và chất thải Veolia của Pháp đã bắt đầu mở nhà máy tái chế tấm năng lượng mặt trời đầu tiên của châu Âu và hướng tới tái chế hàng ngàn tấm pin năng lượng mặt trời “già cỗi” trong những năm tới.

Các thành phần của tấm pin năng lượng mặt trời tại nhà máy tái chế tấm pin năng lượng mặt trời của Veolia ở Rousset, Pháp vào ngày 25/6/2018. Ảnh: Reuters / Jean-Paul Pelissier
Các thành phần của tấm pin năng lượng mặt trời tại nhà máy tái chế tấm pin năng lượng mặt trời của Veolia ở Rousset, Pháp vào ngày 25/6/2018. Ảnh: Reuters / Jean-Paul Pelissier


Nhà máy mới ở Rousset, miền Nam nước Pháp ký hợp đồng với tổ chức tái chế ngành năng lượng mặt trời PV Cycle France để tái chế 1.300 tấn tấm pin mặt trời vào năm 2018 và dự kiến tái chế lên tới 4.000 tấn vào năm 2022.

"Đây là nhà máy chuyên tái chế tấm pin mặt trời đầu tiên ở châu Âu, và có thể đầu tiên trên thế giới", Gilles Carsuzaa, người đứng đầu Tập đoàn xử lý nước thải và chất thải Veolia nói với các phóng viên.

“Tấm panô quang điện (PV) đầu tiên có tuổi thọ khoảng 25 năm - hiện đang bắt đầu không thể đặt trên mái nhà và các nhà máy năng lượng mặt trời với khối lượng đủ ổn định và đáng kể để đảm bảo xây dựng một nhà máy chuyên dụng”, Veolia cho biết.

Cho đến nay, các tấm pin mặt trời cũ hoặc bị hỏng thường được tái chế trong các cơ sở tái chế thủy tinh đa năng, nơi chỉ có kính và khung nhôm được thu hồi và thủy tinh đặc biệt của chúng được trộn lẫn với các loại thủy tinh khác. Phần còn lại thường được đốt trong lò xi măng.

Trong một nghiên cứu năm 2016 về tái chế tấm pin năng lượng mặt trời, Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) cho rằng về lâu dài, việc xây dựng các nhà máy tái chế PV chuyên dụng rất có ý nghĩa. IRENA ước tính các vật liệu thu hồi có thể trị giá 450 triệu USD vào năm 2030 và hơn 15 tỷ USD vào năm 2050.

Nhân viên làm việc tại nhà máy tái chế tấm pin năng lượng mặt trời của Veolia ở Rousset, Pháp vào ngày 25/6/2018. Ảnh: Reuters / Jean-Paul Pelissier
Nhân viên làm việc tại nhà máy tái chế tấm pin năng lượng mặt trời của Veolia ở Rousset, Pháp vào ngày 25/6/2018. Ảnh: Reuters / Jean-Paul Pelissier


Những robot trong nhà máy mới của Veolia tháo rời các tấm để thu hồi thủy tinh, silic, nhựa, đồng và bạc, được nghiền nát thành các hạt có thể sử dụng để chế tạo các tấm mới.

Một tấm pin năng lượng mặt trời làm từ tinh thể silicon điển hình được tạo thành từ 65-75% thủy tinh, 10-15% nhôm để làm khung, 10% nhựa và chỉ 3-5% silicon. Nhà máy mới này không tái chế các tấm pin mặt trời mỏng – loại chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong thị trường Pháp.

Veolia cho biết họ muốn tái chế tất cả các tấm PV đã ngừng hoạt động ở Pháp và muốn nhân rộng mô hình này để xây dựng các nhà máy tương tự ở nước ngoài.

Theo Veolia, năng lượng mặt trời được lắp đặt tăng từ 30-40% mỗi năm ở Pháp, với 53.000 tấn được lắp đặt trong năm 2016 và 84.000 tấn vào năm 2017.

Trên toàn thế giới, Veolia dự đoán khối lượng các tấm PV ngừng hoạt động sẽ tăng lên 10 triệu tấn vào năm 2050.



Mai Đan


Tổng hợp từ Reuters



Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2018

Triển vọng năng lượng tái tạo ở Việt Nam

Hiện nay, các nguồn năng lượng hóa thạch như than, dầu, khí đốt đã và đang là nguồn năng lượng chiếm tỷ trọng lớn cho phát điện tại nhiều nước trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Trong khi đó, việc sử dụng năng lượng hóa thạch là một trong các nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người. Các nguồn năng lượng nói trên cũng đang dần cạn kiệt, trong khi Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn do các nguồn năng lượng thông thường để đáp ứng nhu cầu phát điện đã và đang vượt quá khả năng cung cấp. Chính vì vậy, với mức tăng trưởng nhu cầu điện năng khoảng 10%/năm, vấn đề đẩy mạnh nghiên cứu và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió, năng lượng mặt trời là hết sức cấp thiết đối với Việt Nam. Bài viết này trình bày khái quát về thực trạng sử dụng các nguồn năng lượng cho phát điện ở Việt Nam, tiềm năng cũng như nhìn nhận triển vọng sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, mà cụ thể là năng lượng gió, năng lượng mặt trời cho phát điện.
Pin năng lượng mặt trời ở Đại học Thammasat, Thái Lan (Ảnh: PanNature)

Nhu cầu điện năng và cơ cấu các nguồn năng lượng cho phát điện

Việt Nam là một trong những nước đang phát triển ở Đông Nam Á có mức độ gia tăng nhu cầu sử dụng điện khá cao, đồng thời tỷ trọng năng lượng hóa thạch sử dụng trong phát điện vẫn còn khá lớn. Bên cạnh nguy cơ thiếu hụt nguồn năng lượng hóa thạch do trữ lượng đang dần cạn kiệt thì việc sử dụng năng lượng hóa thạch đang gây ô nhiễm, ảnh hưởng lớn đến môi trường cũng là một thực trạng mà Việt Nam phải đối mặt. Trong khi đó, Việt Nam được biết đến là một nước có tiềm năng khá lớn về năng lượng tái tạo (NLTT) nhưng hiện tại mới chỉ khai thác và sử dụng một tỷ lệ rất nhỏ. Cho đến nay số các dự án có tầm cỡ và quy mô ở nước ta rất ít, tỷ trọng công suất lắp đặt các nhà máy điện từ NLTT trong tổng công suất đặt của cả hệ thống còn rất khiêm tốn. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy phát triển NLTT và nguồn điện từ NLTT trong các Quy hoạch phát triển điện lực gần đây, đặc biệt là Quy hoạch điện VII nhưng việc phát triển NLTT ở Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa đáp ứng được mục tiêu phát triển trong Chiến lược phát triển NLTT của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới được phê duyệt, cũng như Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, đồng thời chưa đảm bảo các cam kết của Việt Nam trong Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu (Thỏa thuận Paris).

Đẩy mạnh sử dụng NLTT đang là xu thế của các nước trên thế giới bởi vai trò quan trọng và tính ưu việt của chúng, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ sản xuất điện từ NLTT đang phát triển rất nhanh, dần đảm bảo khả năng cạnh tranh với các nguồn năng lượng truyền thống. Chính vì vậy, việc gia tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ NLTT là một đòi hỏi tất yếu cho sự phát triển của hệ thống điện, cần được đưa vào cụ thể hơn trong Quy hoạch nguồn điện Việt Nam.

Theo quy hoạch điện VII điều chỉnh, năm 2020 nhu cầu điện năng của Việt Nam đạt 265 tỷ kWh và đến năm 2030 đạt trên 572 tỷ kWh. Tổng công suất lắp đặt năm 2020 là 60.000 MW và sẽ tăng lên 129.500 MW vào năm 2030, trong đó nhiệt điện than sẽ chiếm tỷ trọng ngày càng cao cho đến năm 2030. Cụ thể, nếu như trong năm 2015-2016 nhiệt điện than chỉ mới chiếm 34% thì đến năm 2020 lên đến 49,3%, năm 2025 lên 55% và đến năm 2030 sẽ ở mức 53,2%.

Đối với điện từ năng lượng tái tạo (bao gồm cả thủy điện nhỏ) mức tăng còn hạn chế. Cụ thể năm 2020 khoảng 6,4%, năm 2025 khoảng 6,9% và đến năm 2030 là 10,7%. Xét về cơ cấu các nguồn năng lượng cho phát điện, theo báo cáo của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia năm 2015, nhiệt điện chiếm 54,15% công suất nguồn theo loại nhiên liệu (trong đó nhiệt điện than 28,88%, nhiệt điện khí 21,85% và nhiệt điện dầu 3,42%); thủy điện 39,96% và 5,9% là NLTT trong đó chủ yếu là thủy điện nhỏ, điện gió và điện mặt trời còn chiếm một tỷ lệ rất nhỏ.



Hiện nay, ba nguồn phát điện chính là thủy điện, nhiệt điện khí và nhiệt điện than, chiếm tới trên 94% tổng công suất nguồn điện trong hệ thống điện nước ta. NLTT chưa được sử dụng nhiều cho phát điện, hơn nữa có đến 88,6% điện năng sản xuất từ NLTT ở nước ta là từ các nhà máy thủy điện nhỏ (Nguyễn Ngọc Hoàng, 2015). Trong đó, điện gió và điện mặt trời chỉ đóng góp rất nhỏ trong cơ cấu sản xuất điện cả nước. Theo báo cáo tổng kết hàng năm của Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện Quốc gia, công suất lắp đặt các nguồn điện sản xuất từ NLTT đến năm 2014 là 2.009 MW. Cụ thể, thủy điện nhỏ là 1.938 MW, sinh khối 24 MW, gió 46 MW, điện mặt trời 1MWp (Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện Quốc gia, 2015).

Tiềm năng năng lượng gió và năng lượng mặt trời

Nguồn năng lượng gió

Theo báo cáo của Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3 (PECC3), tiềm năng năng lượng gió tại độ cao 80m của Việt Nam có vận tốc trung bình năm lớn hơn 6 m/s là khoảng 10.637 MW, với diện tích khoảng 2.659 km2, tương đương khoảng 0,8% diện tích cả nước. PECC3 cho rằng khu vực này mới khả thi về tài chính. Còn theo GreenID tiềm năng kỹ thuật của năng lượng gió ở Việt Nam là khoảng 27.750 MW

Bộ Công thương (MoIT) với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, đã tiến hành mô hình đo gió tại ba điểm lựa chọn, góp phần vào việc xác định lại tiềm năng gió ở Việt Nam (2007). Các kết quả của nghiên cứu này cùng với số liệu khác đã được MoIT sử dụng để cập nhật bản đồ gió cho Việt Nam. Kết quả đánh giá tiềm năng gió ở độ cao 80m được thể hiện như trong bảng dưới.
  Nguồn: Thông tin về năng lượng gió Việt Nam – Dự án năng lượng gió GIZ, 2011

Nói chung, tiềm năng năng lượng gió Việt Nam qua số liệu đánh giá còn chênh lệch nhau do quy mô và mức độ nghiên cứu có khác nhau. Tuy nhiên, Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng lớn về nguồn năng lượng này.

Nguồn năng lượng mặt trời

Tiềm năng năng lượng mặt trời có thể khai thác được căn cứ vào bức xạ mặt trời. Việt Nam là khu vực có bức xạ mặt trời hàng năm tương đối lớn và ổn định, đặc biệt là các khu vực Cao nguyên Miền Trung, duyên hải miền Trung và Miền Nam, Đồng bằng sông Cửu Long. Tính trung bình toàn quốc thì năng lượng bức xạ mặt trời là 4-5kWh/m2 mỗi ngày. Theo đánh giá, những vùng có số giờ nắng từ 1800 giờ/năm trở lên thì được coi là có tiềm năng để khai thác sử dụng. Đối với Việt Nam, tiêu chí này phù hợp với nhiều vùng, nhất là các tỉnh phía Nam. Tiềm năng lý thuyết điện mặt trời tại Việt Nam được dự tính như bảng sau:



Nguồn: Trung tâm số liệu khí tượng thủy văn, 2014

Khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên có tiềm năng điện mặt trời cao nhất do có diện tích đất và tổng xạ mặt trời cao nhất nước.

Theo GreenID tiềm năng có thể khai thác cho sản xuất điện năng từ năng  lượng mặt  trời  tại Việt Nam ước tính khoảng 13.000 MW. Trong khi đó, tổng công suất lắp đặt pin mặt trời để sản xuất điện mới chỉ khoảng 5 MW vào năm 2015, chủ yếu cho mục đích nghiên cứu và điện khí hóa nông thôn.

Xu thế chi phí phát điện từ năng lượng tái tạo

Với sự phát triển nhanh về khoa học công nghệ, chi phí phát điện từ các nguồn năng lượng tái tạo hiện đang giảm nhanh và ngày càng cạnh tranh hơn. Theo đánh giá của IRENA, chi phí phát điện từ năng lượng mặt trời có thể giảm 59% và năng lượng gió có thể giảm 26% trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến năm 2025. Cụ thể chi phí phát điện trung bình đối với điện gió trên bờ có thể giảm 26% và lên đến 35% với điện gió ngoài khơi. Đối với Công nghệ hội tụ năng lượng mặt trời CSP (concentrated solar power) có thể giảm ít nhất 37% và Công nghệ quang điện PV (Solar Photovoltaic) có thể giảm đến 59%.



Nguồn: International Renewable Energy Agency (IRENA), 2016

Theo đánh giá của Lazard, chi phí sản xuất điện gió năm 2017 tại Mỹ chỉ bằng 33% so với năm 2009, giảm từ $140/MWh xuống $46/MWh chỉ trong 8 năm. Chi phí sản xuất điện từ năng lượng mặt trời còn có mức giảm thậm chí còn lớn hơn nhiều, giảm 86% kể từ năm 2009 xuống mức 46-53 USD / MWh hiện nay.

Hơn nữa, áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng sẽ thúc đẩy sự đổi mới liên tục, triển vọng chi phí phát điện từ các nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng gió sẽ giảm khá nhanh trong tương lai.

Triển vọng cho sản xuất điện từ năng lượng tái tạo

Cơ cấu các nguồn điện cho giai đoạn 2011-2020 tầm nhìn 2030 đã được đề ra trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh và được tóm tắt ở bảng 4. Theo đó, điện năng sản xuất từ các nguồn NLTT chiếm 6,5% đến năm 2020; đến năm 2030 con số này tăng lên là 10,7%.
Nguồn: Quyết định số 428/QĐ-TTg, 2016

Khi tỷ lệ điện sản xuất từ NLTT gia tăng do suất đầu tư cho điện gió và điện mặt trời giảm mạnh theo xu thế hiện nay thì tỷ lệ công suất nguồn điện từ NLTT hoàn toàn là khả thi theo như quy hoạch đã đưa ra. Theo tính toán sơ bộ thì thậm chí tỷ lệ NLTT có thể được tăng lên đến 12,6% vào năm 2030 khi đảm bảo một số điều kiện ràng buộc nhất định.

Đồng thời, khi các thị trường toàn cầu và khu vực về công nghệ năng lượng mặt trời, năng lượng gió phát triển, quy mô thị trường tăng lên sẽ mang lại cơ hội để nâng cao hiệu quả của chuỗi cung ứng, qua đó suất đầu tư còn có cơ hội giảm sâu. Mặc dù trong quy hoạch điện Việt Nam cũng đã có tính đến sự tham gia của NLTT trong phát điện, nhưng vẫn chưa xét cụ thể cơ cấu từng nguồn năng lượng tái tạo. Việc xây dựng quy hoạch vì vậy cần phải có nhiều dữ liệu chi tiết hơn và phải được thu thập, phân tích một cách có hệ thống để xác định cụ thể và chính xác tiềm năng các nguồn NLTT, xu thế công nghệ cũng như sự đánh đổi của các lựa chọn chính sách. Điều này đặc biệt quan trọng vì xu hướng giảm nhanh chi phí sản xuất điện từ NLTT trong tương lai. Đặc biệt, chi phí sản xuất điện từ NLTT cần được so sánh với chi phí sản xuất từ các nguồn năng lượng hóa thạch khi tính đầy đủ những chi phí ngoại biên liên quan đến cảnh quan bị phá hủy, sức khỏe con người và sinh kế bị ảnh hưởng, cũng như môi trường bị ô nhiễm.

Tóm lại, xu thế công nghệ phát điện từ NLTT cho thấy, phát triển các nguồn NLTT nói chung, năng lượng gió và năng lượng năng lượng mặt trời nói riêng cho phát điện đã và đang có triển vọng lớn và là giải pháp hiệu quả nhằm đạt được những mục tiêu đã đề ra về an ninh năng lượng cũng như cam kết giảm khí thải của Việt Nam trong Thỏa thuận tại COP21. Nó cũng là cơ sở cho một tương lai chuyển đổi mạnh mẽ trong ngành năng lượng và trong phát điện bằng NLTT. Sự thiếu hụt nguồn năng lượng truyền thống phục vụ sản xuất điện ở Việt Nam hoàn toàn có thể được bù đắp bằng việc khai thác và sử dụng các nguồn NLTT nếu có những chính sách thích hợp. Hiện vẫn còn thiếu các thông tin và chính sách khuyến khích để phát triển NLTT, những rào cản này cần được khắc phục để thực hiện có hiệu quả nhằm đảm bảo sự phối hợp tối ưu giữa các nguồn năng lượng truyền thống và tái tạo. Đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc đẩy nhanh sự tham gia của các nguồn NLTT nói chung và nguồn năng lượng gió, năng lượng mặt trời nói riêng cho phát điện đóng vai trò quan trọng không chỉ trong việc đáp ứng nhu cầu điện năng mà còn đảm bảo cho phát triển bền vững của nền kinh tế.


Tài liệu tham khảo

1.     Quyết định số 428/QĐ-TTg, 2016, Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030.

2.     Bộ Công thương, 2013, Dự án PECC3 “Đánh giá nguồn gió tại một số vị trí đã lựa chọn ở Việt Nam”.

3.     Bộ Công thương, 2011, Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 – 2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII).

4.     Nguyễn Ngọc Hoàng, 2015, Báo cáo ngành Điện – Thông điệp từ thị trường cạnh tranh.

5.     Bùi Huy Phùng, 2013, Phát triển năng lượng và Chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam, Tạp chí Khoa học năng lượng.

6.     Dự án năng lượng gió GIZ, 2011, Thông tin về năng lượng gió Việt Nam.

7.     Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), 2016, Đính chính những hiểu lầm về năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

8.     Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện Quốc gia, 2015, Báo cáo tổng kết hàng năm, 2015.

9.     Trung tâm số liệu khí tượng thủy văn, 2014.

10.  International Renewable Energy Agency (IRENA), 2016, The power to change: Solar and Wind cost reduction potential to 2025.

11.  International Renewable Energy Agency (IRENA, Renewable Generation costs in 2014.

12.  https://www.lazard.com/

TS. Phạm Cảnh Huy, Trưởng Bộ môn Kinh tế Công nghiệp, Đại học Bách khoa Hà Nội

Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2018

Năng lượng tái tạo: tiềm năng lớn, thiếu quy hoạch


[Samtrix.vn] - Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo (NLTT). Tuy nhiên, việc khai thác, sử dụng nguồn NLTT đang là một thách thức lớn đối với các nhà hoạch định chính sách.






Tiềm năng lớn

Đánh giá về tiềm năng phát triển NLTT tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết: Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, số giờ nắng bình quân trong năm từ 2.500-3.000 giờ với nhiệt độ bình quân năm trên 210C. Ngoài ra, Việt Nam có tiềm năng lớn về các dạng NLTT khác như gió, sinh khối... Đây là những nguồn năng lượng sạch, quý giá, cần được khai thác một cách hợp lý, hiệu quả.



Riêng về tiềm năng điện gió, theo ông Nguyễn Văn Vy, Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, với công nghệ hiện đại, chỉ cần tốc độ gió từ 5m/s trở lên, turbine đã có thể phát điện. Ước tính, điện gió trên đất liền của Việt Nam có thể tạo ra khoảng 40-50 nghìn MW, nếu cộng thêm tiềm năng điện gió từ ngoài khơi, Việt Nam có thể phát triển trên 100 nghìn MW.

Còn với năng lượng mặt trời, Việt Nam có thể lắp đặt các tấm pin điện mặt trời ở nhiều vùng khác nhau như trên bờ biển, hồ nước, đồng bằng, rừng núi, trên mái nhà… Nếu tính trung bình, cứ khoảng 1ha thu được 1MW điện mặt trời, Việt Nam có thể sản xuất ra hàng chục nghìn MW công suất từ bức xạ năng lượng mặt trời.

Thách thức không nhỏ

Ông Ngô Sơn Hải - Phó tổng giám đốc EVN cho rằng, để phát triển điện năng một cách hiệu quả, bền vững, EVN hoàn toàn ủng hộ chủ trương đẩy mạnh phát triển NLTT, phù hợp với quy hoạch. Ưu tiên phát triển NLTT sẽ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, bảo vệ nguồn tài nguyên năng lượng, giảm tác động tiêu cực đến môi trường trong sản xuất điện. Tuy nhiên, khi có sự tham gia của NLTT, thiết kế hệ thống truyền tải và phân phối điện cũng sẽ phải điều chỉnh so với thiết kế truyền thống.

Tại Việt Nam, do nhu cầu sử dụng điện rất lớn, việc đẩy nhanh phát triển NLTT cũng cần phải lưu ý đến một số vấn đề như: Sự không ổn định của công suất phát vì phụ thuộc vào thời tiết (tốc độ gió, bức xạ mặt trời…). Để bảo đảm hệ thống điện vận hành ổn định, cần phải tính đến công suất dự phòng, bù đắp lượng công suất thiếu hụt khi nguồn NLTT không phát điện được. Các nguồn điện gió và điện mặt trời không có khả năng điều chỉnh điện áp nếu như không có các quy định chặt chẽ bắt buộc phải đầu tư các thiết bị bảo vệ trước khi nối lưới.

Cũng theo ông Ngô Sơn Hải, hiện nay, các nguồn điện đang vận hành theo cơ chế thị trường phát điện cạnh tranh. Dự kiến năm 2019, sẽ hình thành thị trường bán buôn điện cạnh trạnh. Tuy nhiên, vẫn chưa có cơ chế phù hợp cho NLTT hoạt động trong thị trường điện.

Để khắc phục những bất cập đó, EVN đề nghị các cơ quan chức năng sớm phê duyệt các quy hoạch phát triển nguồn điện NLTT cấp tỉnh, cấp quốc gia. Các dự án NLTT khi xem xét cần bảo đảm sự phát triển đồng bộ giữa nguồn và lưới điện, bảo đảm khả năng vận hành an toàn, kinh tế của hệ thống điện và hiệu quả đầu tư chung của xã hội...

Ông Nguyễn Văn Vy kiến nghị: Nhà nước cần xây dựng chính sách đồng bộ, ổn định, lâu dài cho phát triển NLTT, tăng độ tin cậy cho các nhà đầu tư; đồng thời xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong quá trình thiết kế, đầu tư xây dựng và quản lý khai thác vận hành các công trình nguồn điện từ NLTT, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho lưới điện đồng bộ với các nguồn điện sử dụng NLTT và các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các công trình, thiết bị khác liên quan đến NLTT, áp dụng thống nhất trong toàn quốc.





Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2018

Sử dụng điện mặt trời: tiềm năng lớn, lợi ích cao


[Samtrix.vn] - Mỗi hệ thống điện năng lượng mặt trời trị giá vài chục triệu đồng nhưng nhiều người dân tại TPHCM sẵn sàng chi tiền để sử dụng loại năng lượng tái tạo này. Nhiều hộ dân sử dụng không hết còn bán ngược lại cho ngành điện.





Trao đổi với Báo SGGP, ông Nguyễn Tấn Hưng, Trưởng Ban quan hệ cộng đồng, Tổng công ty Điện lực TPHCM cho biết, thành phố nằm trong khu vực có bức xạ mặt trời mạnh, cường độ bức xạ mặt trời trung bình khá cao (1.581kWh/m²/năm, tương ứng 4,3kWh/m²/ngày) nên tiềm năng phát triển và sử dụng năng lượng mặt trời để phát điện là rất lớn và khả thi.









- PHÓNG VIÊN: Tính đến nay, đã có bao nhiêu khách hàng tại TPHCM đăng ký lắp đặt điện mặt trời, thưa ông?

>> Ông NGUYỄN TẤN HƯNG: Nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo của người dân TPHCM đang tăng lên. Tính từ tháng 9-2017 đến tháng 5-2018, số hộ dân sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời và đăng ký bán lại phần điện dư tại thành phố đã tăng khoảng 2,7 lần. Đây là con số rất đáng khích lệ, bởi từ đầu tháng 3-2018 đến nay, nhiều vùng trên nước ta phải trải qua những đợt nắng nóng gay gắt, đặc biệt là TPHCM và khu vực Nam bộ. Do đó, nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt tăng cao. Theo dự báo, tình hình nắng nóng sẽ còn kéo dài và diễn biến phức tạp nên có khả năng hệ thống điện quốc gia sẽ gặp khó khăn trong việc cung cấp điện. Ngoài việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả thì giải pháp tự cung cấp năng lượng điện nhờ vào nguồn năng lượng mặt trời đang là xu hướng phát triển của thế giới. Nguồn điện từ năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng tái tạo, vĩnh cửu, không bị cạn kiệt như nguồn năng lượng hóa thạch là than đá hay dầu mỏ và rất thân thiện với môi trường. Người dân khi sử dụng nguồn điện từ năng lượng mặt trời sẽ không mất chi phí vận hành; trong khi chi phí bảo trì khá thấp. Tính đến nay, đã có 284 khách hàng lắp đặt điện mặt trời nối lưới đăng ký bán lại phần điện dư cho ngành điện với tổng công suất lắp đặt là 3,64MWp.


- Việc khai thác năng lượng điện mặt trời sẽ có những ưu, nhược điểm gì và chi phí đầu tư có quá cao?

Ưu điểm của điện mặt trời là nguồn năng lượng tái tạo, vĩnh cửu, không bị cạn kiệt. Nó giúp tiết kiệm chi phí tiền điện do không phải sử dụng nguồn điện lưới. Ngoài ra, còn có thể bán phần điện dư không sử dụng hết cho ngành điện. Không chi phí vận hành, chi phí bảo trì thấp, đồng thời thân thiện môi trường, trong quá trình vận hành không gây ra tiếng ồn và khói bụi.

Tuy nhiên, nó cũng có những nhược điểm là: Chi phí đầu tư ban đầu khá lớn; cần không gian mái nhà đủ lớn để lắp đặt mới có thể thu được năng lượng hiệu quả như mong muốn; hiệu quả của hệ thống điện mặt trời phụ thuộc vào thời tiết, vị trí của các tòa nhà và cây cối xung quanh.

Tính bình quân cứ 8m² trần phẳng mới hấp thụ đủ ánh nắng mặt trời để sinh ra 1kWp, chi phí đầu tư điện mặt trời bình quân khoảng từ 22 - 30 triệu đồng/1kWp. Nếu một hộ dân có nhu cầu sử dụng điện khoảng 500kWh/tháng (hơn 1 triệu đồng/tháng) thì cần đầu tư hệ thống pin năng lượng mặt trời khoảng 3kWp, trị giá khoảng 68 triệu đồng và diện tích trần phẳng tối thiểu là 20m².


- Chiến lược sắp tới của tổng công ty trong việc vận động khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà là gì?

Trong thời gian tới, tổng công ty tiếp tục triển khai mạnh các chương trình tuyên truyền, vận động khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Tập trung hướng đến việc sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời và điện mặt trời nối lưới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến rộng rãi về quy trình lắp đặt cũng như yêu cầu kỹ thuật của các công trình điện mặt trời nối lưới vào hệ thống điện của tổng công ty. Bên cạnh đó, tổng công ty tiếp tục kiến nghị TP chỉ đạo ban quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TPHCM, ban quản lý khu công nghệ cao vận động các đơn vị, các cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị thụ hưởng ngân sách Nhà nước, trường học, bệnh viện… chủ động xây dựng kế hoạch trang bị lắp đặt hệ thống điện mặt trời nối lưới tại đơn vị. Song song đó, tổng công ty tiếp tục kiến nghị Bộ Công thương và Bộ Tài chính sớm ban hành các hướng dẫn nhằm tháo gỡ vướng mắc về thuế GTGT và phát hành hóa đơn trong việc sử dụng điện mặt trời nối lưới trên mái nhà của người dân. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền vận động người dân sử dụng điện mặt trời.



Điện mặt trời về cơ bản sử dụng năng lượng ánh sáng mặt trời để tạo ra điện. Để sử dụng điện mặt trời, khách hàng cần đầu tư một hệ thống điện mặt trời nối lưới. Một hệ thống điện mặt trời nối lưới gồm các thành phần như sau: các tấm pin năng lượng mặt trời, bộ inverter nối lưới (hay còn gọi là hòa lưới) và một điện kế 2 chiều.



Nguyên lý hoạt động của hệ thống điện mặt trời nối lưới là ban ngày khi có ánh sáng mặt trời, các tấm pin mặt trời sẽ hấp thu ánh sáng mặt trời rồi chuyển hóa thành nguồn điện 1 chiều (DC). Bộ inverter hòa lưới có chức năng chuyển đổi nguồn điện DC được tạo ra từ các tấm pin mặt trời thành nguồn điện xoay chiều (AC) có điện áp và tần số phù hợp với lưới điện của điện lực. Bên cạnh đó, bộ inverter hòa lưới còn được kết nối với nguồn điện từ lưới điện của điện lực cấp vào để hòa 2 nguồn điện với nhau. Nếu nguồn điện mặt trời không đủ cung cấp thì điện sẽ được lấy thêm từ nguồn của điện lực. Ngược lại, nếu nguồn điện mặt trời dư thừa sẽ phát ngược lên lưới điện của điện lực và sẽ được sử dụng để cấp cho các phụ tải của hộ tiêu thụ khác. Điện kế 2 chiều được lắp đặt để đo đếm điện năng tiêu thụ ở cả 2 chiều: chiều nhận từ lưới điện của điện lực và chiều phát từ điện mặt trời lên lưới điện của điện lực.




Muốn lắp đặt được hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái nhà, khách hàng cần có diện tích trống trên mái nhà và mái nhà có thể lấy được ánh sáng mặt trời một cách tốt nhất. Không bị cây xanh hoặc các nhà cao tầng xung quanh che khuất làm giảm hiệu suất hấp thu của các tấm pin năng lượng mặt trời. Thông thường, để lắp đặt 1kWp cần có khoảng trống diện tích tối thiểu khoảng 8m². Nếu muốn lắp đặt 5kWp thì cần một diện tích khoảng 40m².


Thứ Ba, 12 tháng 6, 2018

Khám phá những nhà máy điện mặt trời ở Trung Quốc


[Samtrix.vn] - Trung Quốc đang đặt ra nhiệm vụ trở thành siêu cường xanh tiếp theo. Quốc gia đông dân nhất thế giới này là nước đầu tư lớn nhất vào năng lượng tái tạo, năm 2017, họ đã đổ vào ngành này 126,6 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2016, trong đó năng lượng mặt trời là ngành được ưu tiên nhất, với rất nhiều dự án lớn.



Một dự án đặt tấm năng lượng mặt trời nổi do công ty Sungrow Power Supply Company xây dựng tại tỉnh An Huy, Trung Quốc (Ảnh Getty Images)

Một dự án đặt tấm năng lượng mặt trời nổi do công ty Sungrow Power Supply Company xây dựng tại tỉnh An Huy, Trung Quốc (Ảnh Getty Images)









Việc Trung Quốc chuyển đổi sản xuất điện sạch, giảm tiêu thụ than và các nhiên liệu hóa thạch khác đã được tiến hành rầm rộ trong thập kỷ qua. Trong những năm gần đây, quốc gia này đã phát triển rất nhiều các cánh đồng năng lượng mặt trời lớn, và xu hướng này vẫn đang được duy trì và đẩy mạnh trong thời gian tới.

Các thành phố của Trung Quốc là những nơi chịu ảnh hưởng của khói bụi nhiều nhất thế giới, gây ra rất nhiều trường hợp tử vong mà nguyên nhân có liên quan đến ô nhiễm không khí.









Khám phá những nhà máy điện

Hình ảnh một người phụ nữ Trung Quốc đeo khẩu trang do ô nhiễm không khí nghiêm trọng (Ảnh Getty Images) 

Theo một nghiên cứu năm 2016, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các trường hợp tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí ở Trung Quốc là do đốt than. Một nhóm các nhà nghiên cứu Trung Quốc và Mỹ thực hiện nghiên cứu này cho biết ô nhiễm do đốt than đá gây ra 366.000 trường hợp chết non năm 2013.

Để giải quyết vấn đề ô nhiễm này, Trung Quốc đang từng bước chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác.









Khám phá những nhà máy điện

Các công nhân đang kiểm tra các tấm pin mặt trời tại tỉnh An Huy, Trung Quốc (Ảnh Reuters) 

Năm 2013, Trung Quốc bắt đầu xây dựng nhà máy điện mặt trời Jinchang Solar Power Station ở tỉnh Cam Túc. Ba vệ tinh của Cơ Quan Vũ Trụ Châu Âu và Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ đã thu được các hình ảnh việc xây dựng công trình này. Công ty khởi nghiệp về lĩnh vực chụp hình Descartes Labs khi đó đã chuyển những hình ảnh này vào biểu đồ thời gian từ tháng 4/2013 đến 4/2018.

Các vệ tinh đều được đặt trên quỹ đạo thấp của Trái Đất cách mặt đất khoảng 470 dặm.

Dự án 85 megawatt này tiêu tốn tổng cộng gần 300 triệu USD, và có thể cung cấp đủ điện cho khoảng 50.000 hộ gia đình.









Khám phá những nhà máy điện

Hình ảnh nhà máy điện Jinchang Solar Power Station (Ảnh CLP Group)

Một nhà máy điện mặt trời khác ở Datong, Trung Quốc nổi bật với thiết kế hình chú gấu trúc.












Khám phá những nhà máy điện

Nhà máy điện mặt trời hình chú gấu trúc ở Datong, Trung Quốc nhìn từ trên cao (Ảnh VCG/VCG)

Năm 2017, China Merchants New Energy Group, một trong những tập đoàn năng lượng sạch lớn nhất Trung Quốc, đã xây dựng một cánh đồng tấm năng lượng mặt trời với hình dáng hai chú gấu trúc khổng lồ. Dự án này có thể cung cấp đủ điện cho khoảng 10.000 hộ gia đình.









Khám phá những nhà máy điện


Dự án Công viên năng lượng mặt trời Longyangxia Dam Solar Park thậm chí còn lớn hơn nhiều. Với sản lượng dự kiến đạt 850 megawatt, đây là công viên năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới. Biểu đồ dòng thời gian dưới đây được Descartes Labs lập ra, biểu thị việc xây dựng dự án điện mặt trời từ tháng 4/2013 đến 4/2018.

Có gần 4 triệu tấm pin năng lượng mặt trời trên công viên này, có thể tạo ra lượng điện đủ cho 200.000 hộ gia đình.









Khám phá những nhà máy điện

 Ảnh Guardian

Tuy vậy, dự án Công viên điện mặt trời Longyangxia Dam cũng không thể giữ được vị trí là công viên năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới trong thời gian dài. Bởi một dự án đang được lên kế hoạch thực hiện ở khu vực Ningxia, Tây Bắc Trung Quốc, khi hoàn thành, nhà máy điện mặt trời này có công suất dự kiến đạt 2000 megawatt, đủ cấp điện cho 450.000 hộ gia đình.









Khám phá những nhà máy điện

Một công nhân đang kiểm tra các tấm pin năng lượng mặt trời tại Trung Quốc (Ảnh Reuters)

Dự kiến nhà máy này sẽ đi vào hoạt động trong vài năm tới.

2018 là năm đánh dấu kỷ niệm 4 năm ngày Trung Quốc phát động “cuộc chiến chống ô nhiễm”.









Khám phá những nhà máy điện

 Ảnh Reuters

Đây cũng là một lý do để tin rằng quốc gia này sẽ tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến này.









Khám phá những nhà máy điện

 Ảnh Getty Images

Khi lấy số liệu từ hơn 200 trạm kiểm soát ô nhiễm trên toàn lãnh thổ Trung Quốc, một phân tích gần đây cho thấy từ năm 2013, các thành phố của quốc gia này đã giảm được đáng kể hàm lượng các loại hạt siêu nhỏ - thường được xem là loại hạt gây chết người trong không khí ô nhiễm – xuống mức trung bình là 32%. Xingtai là thành phố có tốc độ giảm ô nhiễm nhanh nhất, thành phố này đã giảm được tỷ lệ ô nhiễm đến 52%.

Theo các nhà nghiên cứu cho biết, nếu Trung Quốc tiếp tục duy trì tốc độ giảm ô nhiễm như vậy, thì tuổi thọ trung bình của người dân nước này có thể sẽ tăng lên 2,4 tuổi.

Cuối năm 2017, Trung Quốc đã hoàn thành việc xây dựng cánh đồng năng lượng mặt trời nổi, được xây trên đỉnh của một mỏ than đá đã bỏ hoang tại tỉnh An Huy.









Khám phá những nhà máy điện

Một dự án cánh đồng năng lượng mặt trời đang được công ty Sungrow Power Supply Company xây dựng tại tỉnh An Huy, Trung Quốc (Ảnh Getty Images)

Đầu năm nay, các công nhân đã khởi động chuỗi 166.000 tấm pin năng lượng mặt trời, dự án này có thể tạo ra 40 megawatt điện – đủ để cung cấp cho 15.000 hộ gia đình.









Khám phá những nhà máy điện

Những nhân viên chèo một chiếc thuyền khi họ đi kiểm tra các bảng điện mặt trời tại một hồ nước ở Lianyungang, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc (Ảnh Reuters) 

Hiện nay đây là dự án điện mặt trời lớn nhất thế giới và dự án này sẽ được vận hành đến 25 năm.









Khám phá những nhà máy điện

Ảnh Getty Images 

Những cánh đồng tấm năng lượng mặt trời sử dụng các thiết bị tạo nổi, giúp cho các tấm pin ở trên mặt nước.









Khám phá những nhà máy điện

 Ảnh Getty Images

Tháng 12 năm ngoái, một công ty con của tập đoàn Three Gorges Corp Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng một dự án cánh đồng năng lượng mặt trời còn lớn hơn.









Khám phá những nhà máy điện

 Ảnh Getty Images

Cũng tại tỉnh An Huy, nhà máy điện mặt trời trị giá 151 triệu USD này sẽ tạo ra 150 megawatt điện, đủ cho khoảng 94.000 hộ gia đình sử dụng. Dự kiến nhà máy sẽ đi vào hoạt động trong năm nay.









Khám phá những nhà máy điện

 Ảnh Reuters

Ông Ryan Keisler, giám đốc về khoa học ứng dụng của Descartes Labs, cho tờ Business Insider biết rằng những dự án điện mặt trời rất lớn này có thể sẽ làm cho các nguồn nhiên liệu hóa thạch không được sử dụng nhiều nữa. “Tổng lượng điện mặt trời của các nước trên thế giới cộng lại hiện nhiều hơn Trung Quốc, nhưng mức chênh lệch đó không phải là lớn. Và việc sản lượng điện mặt trời của Trung Quốc sẽ vượt tổng lượng điện mặt trời của tất cả các quốc gia trên thế giới cộng lại cũng chỉ là vấn đề thời gian mà thôi”, ông nói.









Khám phá những nhà máy điện

Nhà máy điện Xinyi ở Songxi, Trung Quốc (Ảnh Getty Images)


Thứ Hai, 4 tháng 6, 2018

Điện mặt trời : Vừa xài gia đình, vừa bán kiếm tiền

[Samtrix.vn] - Việc sử dụng điện mặt trời không chỉ tiết kiệm tiền điện cho người dân mà còn góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

TP.HCM là nơi có tiềm năng lớn để phát triển điện mặt trời do nằm trong khu vực có bức xạ mặt trời mạnh, dao động từ 4,3 kWh đến 6,6 kWh/m2/ngày; cường độ bức xạ mặt trời trung bình khá cao (đạt 1.581 kWh/m2/năm), tương ứng 4,3 kWh/m2/ngày. Chính vì vậy, điện mặt trời hiện đang được TP.HCM khuyến khích đầu tư phát triển trên địa bàn.



“Thấy người ta có mình cũng thèm”

Khi xây nhà mới, bà Nguyễn Thị Hoài, quận 9, TP.HCM đã chi thêm hơn trăm triệu đồng để đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời 5KW phục vụ cho sinh hoạt của gia đình do Samtrix Solar lắp đặt. Sau vài tháng sử dụng, bà Hoài phấn khởi: “Toàn bộ thiết bị dùng trong gia đình tôi đều sử dụng điện năng lượng mặt trời cả. Những ngày nắng to thì hệ thống điện năng lượng mặt trời thu về 25 kWh, ngày không nắng lắm cũng thu được 20 kWh, đủ dùng cho gia đình. Phần dư ra có thể bán lại cho Nhà nước”.



Nói về lý do lắp hệ thống điện năng lượng mặt trời, bà Hoài cho hay: “Tôi đi du lịch nhiều nước và thấy người dân được sử dụng điện từ nguồn năng lượng tự nhiên này. TP.HCM có nhiều nắng, lượng nhiệt nhiều, vậy tại sao mình không áp dụng để tiết kiệm nguồn năng lượng quốc gia và bảo vệ môi trường. Chính vì thế khi xây dựng căn nhà này, tôi đã yêu cầu bên xây dựng phải chú trọng thiết kế sân thượng để tôi có thể lắp đặt hệ thống điện mặt trời”. Từ ngày sử dụng điện mặt trời, mỗi tháng gia đình bà Hoài xài điện thoải mái mà vẫn tiết kiệm được hơn 80% tiền điện so với trước đây.

Tương tự, anh Trương Xuân Hiệp, quận 12, TP.HCM cũng đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời với 50 tấm pin loại 320 W/tấm phục vụ cho 50 phòng trọ của mình. Trước khi quyết định đầu tư, anh có nhiều đắn đo bởi số tiền phải bỏ ra là hơn 400 triệu đồng. Tuy nhiên, khi có Quyết định 11 của Thủ tướng về hỗ trợ điện mặt trời nối lưới với giá trên 2.000 đồng/kWh, anh quyết định đầu tư. Bởi theo quyết định này, người dùng điện khi có mức điện dư thừa sẽ được bán lại cho điện lực. Như vậy, thời gian để hoàn vốn các hệ thống điện mặt trời nối lưới nhanh hơn.

Giá như nhà nào cũng có

Theo bà Hoài, khi gia chủ sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời, đơn vị lắp đặt sẽ xuống tận nơi để khảo sát và tư vấn lắp đặt. Tùy vào diện tích và vị trí nhà, đơn vị cung cấp Samtrix Solar sẽ đưa ra số lượng tấm pin và chi phí đầu tư sao cho phù hợp. Đồng thời ngành điện sẽ đến nhà để lắp đặt công tơ hai chiều giúp thực hiện việc mua bán điện từ hệ thống điện mặt trời nối lưới.

“Bây giờ, mỗi tháng tôi đưa lên lưới điện nhà nước khoảng 200 kWh vì xài không hết. Nhờ có cơ chế mới, giờ đây người dân có thể kiếm thêm tiền từ điện mặt trời. Giá như nhà nào cũng có điện năng lượng mặt trời thì tốt quá” - bà Hoài bày tỏ.

Ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC), cho biết TP.HCM là đơn vị tiên phong trong việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời. Hiện nay, EVNHCMC đã lắp đặt chín công trình điện mặt trời nối lưới tại các địa điểm gồm tòa nhà trụ sở của tổng công ty, tòa nhà Phòng Thông tin tuyên truyền an toàn - tiết kiệm năng lượng, nhà điều hành trạm 110 kV Bến Thành và tòa nhà trụ sở Công ty Điện lực Thủ Thiêm, An Phú Đông, Tân Thuận, Củ Chi, Gia Định, Tân Phú với tổng công suất lắp đặt 494 kWp.

“Trong năm nay, EVNHCMC sẽ tiếp tục triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời nối lưới trên mái nhà của trụ sở các công ty điện lực còn lại và 47 trạm trung gian do Công ty Lưới điện cao thế quản lý với tổng công suất lắp đặt dự kiến là khoảng 2,36 MWp” - ông Bảo nói.

Theo EVNHCMC, từ năm 2013 đến nay, công suất lắp đặt nguồn điện mặt trời trên địa bàn TP.HCM đã tăng khá nhanh. Nếu năm 2013 mới chỉ có 200 kWp thì đến năm 2015 đã lên đến gần 1 MWp. Tính đến tháng 3-2018, công suất lắp đặt điện mặt trời trên địa bàn TP.HCM ước tính đạt 3,62 MWp. Số lượng chủ đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời nối lưới ngày càng tăng sau khi Thủ tướng ban hành Quyết định 11/2017 khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời.

Để nâng cao hơn nữa công suất lắp đặt điện mặt trời, EVNHCMC đã kiến nghị TP.HCM tiếp tục triển khai mạnh mẽ các chương trình tuyên truyền, vận động khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, tập trung hướng đến việc tăng cường sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời và lắp đặt các hệ thống điện mặt trời nối lưới. Bên cạnh đó, kiến nghị TP.HCM chỉ đạo, vận động các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, các trường học, bệnh viện,… chủ động lắp đặt hệ thống điện mặt trời nối lưới tại các tòa nhà của đơn vị.

Người dân Tp. Hồ Chí Minh hào hứng lắp Điện Mặt Trời

[Samtrix.vn] - Mỗi hệ thống điện năng lượng mặt trời trị giá vài chụ triệu đồng nhưng nhiều người dân tại TPHCM sẵn sàng chi tiền để sử dụng loại năng lượng tái tạo này. Nhiều hộ dân sử dụng không hết còn bán ngược lại cho ngành điện.

68 triệu đồng cho hệ thống điện mặt trời gia đình

Nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo của người dân TPHCM đang tăng lên. Tính từ tháng 9/2017 đến tháng 5/2018, số hộ dân sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời và đăng ký bán lại phần điện dư tại thành phố đã tăng khoảng 2,7 lần.



Đây là con số rất đáng khích lệ bởi từ đầu tháng 3/2018 đến nay, nhiều vùng trên nước ta phải trải qua những đợt nắng nóng gay gắt, đặc biệt là TPHCM và khu vực Nam Bộ. Do đó, nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt tăng cao.

Theo dự báo, tình hình nắng nóng sẽ còn kéo dài và diễn biến phức tạp nên có khả năng hệ thống điện quốc gia sẽ gặp khó khăn trong việc cung cấp điện.

Ngoài việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả thì giải pháp tự cung cấp năng lượng điện nhờ vào nguồn năng lượng mặt trời đang là xu hướng phát triển của thế giới. Nguồn điện từ năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng tái tạo, vĩnh cửu, không bị cạn kiệt như nguồn năng lượng hóa thạch như than đá hay dầu mỏ và rất thân thiện môi trường.

Nguồn năng lượng này cũng giúp tiết kiệm chi phí tiền điện do không phải sử dụng nguồn điện lưới và còn có thể bán phần điện dư không sử dụng hết cho ngành điện đối với các hệ thống điện mặt trời nối lưới. Người dân khi sử dụng nguồn điện từ năng lượng mặt trời sẽ không mất chi phí vận hành và chi phí bảo trì khá thấp.

Ông Khương Thành Văn (quận Tân Phú) cho biết, gia đình ông đã lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời 3KW trên tầng thượng và đưa vào sử dụng từ tháng 12/2017 với chi phí lắp đặt hệ thống khoảng 68 triệu đồng. Từ khi lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời, mỗi tháng gia đình bà tiết kiệm được khoảng 800 ngàn - 1 triệu đồng tiền điện.

Cũng theo ông Văn, vào ban ngày thì các thiết bị trong nhà như máy lạnh, máy giặt, quạt mát...đều được vận hành nhờ hệ thống năng lượng mặt trời. Trong 5 tháng qua, gia đình ông có sản lượng điện dư ra khoảng 300kWh để bán lại cho ngành điện.

Không chỉ gia đình ông Văn mà còn nhiều doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà Nước và trường đại học tại TPHCM đã lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời để sử dụng nhằm tiết kiệm chi phí hàng tháng.

Năng lượng “sạch” - giá "hợp lý"

Ông Nguyễn Tấn Hưng, Trưởng Ban quan hệ cộng đồng – Tổng Công ty Điện lực TPHCM cho biết, TPHCM nằm trong khu vực có bức xạ mặt trời mạnh, dao động từ 4,3 kWh/m2/ngày đến 6,6 kWh/m2/ngày. Số giờ nắng trung bình là 6,8 giờ/ngày, thấp nhất là 5,4 giờ/ngày vào tháng 4, cao nhất đạt 8,8 giờ/ngày vào tháng 3 và liên tục trong suốt cả năm, không bị gián đoạn như ở Bắc bộ.

“Cường độ bức xạ mặt trời trung bình của TPHCM khá cao là 1.581 kWh/m2/năm, tương ứng 4,3kWh/m2/ngày nên tiềm năng phát triển và sử dụng năng lượng mặt trời để phát điện là rất lớn và khả thi”, ông Hưng nói.

Tuy nhiên, vị đại diện của Điện lực TPHCM cũng khuyến cáo, vào mùa mưa hay những ngày không có nắng thì công suất của hệ thống năng lượng mặt trời chỉ bằng 40 – 60% so với những ngày không có nắng. Còn đối với những khu vực có thời tiết lạnh kéo dài thì hệ thống năng lượng mặt trời có công suất thấp. Chính vì vậy, người dân sinh sống ở vùng thời tiết lạnh thường ít sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời.



Cũng theo ông Hưng, tính đến nay đã có 284 khách hàng có lắp đặt điện mặt trời nối lưới đăng ký bán lại phần điện dư cho ngành điện với tổng công suất lắp đặt là 3,64 MWp, tăng 2,7 lần so với tháng 9/2017 (chỉ 105 khách hàng).

Mặc dù nguồn điện từ năng lượng mặt trời có nhiều ưu điểm và giá thành đầu tư ban đầu hơi cao, nhưng tính chi tiết ra thì đây là một khoản đầu tư hợp lý, giúp các hộ gia đình tiết kiệm tiền điện hàng tháng và sinh lời từ khoản đầu tư này.

Bình quân cứ 8m2 trần phẳng mới hấp thụ đủ ánh nắng mặt trời để sinh ra 1kWp, chi phí đầu tư điện mặt trời bình quân khoảng từ 22 – 30 triệu đồng/1kWp.

Như vậy, nếu một hộ dân có nhu cầu sử dụng điện khoảng 500kWh/1 tháng (hơn 1 triệu đồng/tháng) thì cần đầu tư hệ thống pin năng lượng mặt trời khoảng 4kWp trị giá khoảng 88 – 98 triệu đồng và diện tích trần phẳng tối thiểu là 32m2.

Theo Tổng Công ty Điện lực TPHCM thì giá điện của các dự án điện năng lượng mặt trời thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Đơn giá là 2.086 đồng/kWh (chưa gồm VAT).

Điện lực TPHCM đã kiến nghị lên Bộ Công Thương và Bộ Tài chính nhằm sớm ban hành hướng dẫn về cách thức tính toán bù trừ điện năng tiêu thụ hợp lý nhằm tháo gỡ vướng mắc hiện nay trong việc sử dụng điện mặt trời nối lưới trên mái nhà của người dân, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền vận động người dân sử dụng điện mặt trời.