Thứ Tư, 27 tháng 6, 2018

Thị trường điện mặt trời sụt giảm ở Trung Quốc

Các chuyên gia phân tích cho rằng ít nhất 20GW dự án năng lượng mặt trời dự kiến được phát triển ở Trung Quốc trong năm nay sẽ bị hủy bỏ.

Cách đây hơn 10 năm, khi JinkoSolar (có trụ sở đặt tại Thượng Hải) bước chân vào ngành năng lượng mặt trời, công ty này chỉ là một kẻ chân ướt chân ráo đến nỗi khi JinkoSolar tham dự các hội chợ thương mại quốc tế, tất cả những gì được trưng bày chỉ là một cái bàn nhỏ và một tấm bảng viết nguệch ngoạc tên công ty trên đó.


Nhưng JinkoSolar lại gặp nhiều may mắn, có được lợi thế công nghệ và được trợ cấp rất nhiều bởi chính phủ nước họ.


Ngành năng lượng mặt trời trên toàn cầu có thể nói sống nhờ vào tiền trợ cấp. Chính sách giá ưu đãi năng lượng mặt trời (Feed-in-tariffs - FIT) đã đưa Đức trở thành thị trường năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới vào khoảng năm 2010 (giá điện FIT hàm chứa 3 yếu tố cốt lõi để phát triển nguồn năng lượng tái tạo là sự đảm bảo để nguồn năng lượng tái tạo kết nối với lưới điện; một hợp đồng bán điện dài hạn; và một mức giá bán điện năng có lãi hợp lý cho nhà đầu tư).


Người Đức đã quay sang Trung Quốc để có được nguồn cung cấp giá rẻ các tấm pin năng lượng, đặc biệt là bởi vì đất đai và các khoản cho vay được trợ cấp giúp cho các nhà sản xuất còn non trẻ của Trung Quốc có thể bán thấp hơn giá của những đối thủ Mỹ và châu Âu.


Khi các khoản trợ cấp năng lượng mặt trời châu Âu sụp đổ trong suốt giai đoạn khủng hoảng nợ công tại khu vực này thì Chính phủ Trung Quốc một lần nữa lại nhảy vào để nâng đỡ cho các “đứa con” trong ngành năng lượng tái tạo.


Trung Quốc áp dụng cơ chế  FIT để phát triển một lượng rất lớn trang trại năng lượng mặt trời ở vùng phía Tây xa xôi của đất nước. Đến năm 2013, Trung Quốc đã qua mặt Đức trở thành thị trường tấm pin năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới; năm ngoái nước này đã lắp đặt 53GW điện mặt trời, gần gấp 5 lần Mỹ, hiện là thị trường lớn đứng thứ 2. Jinko cũng trở thành nhà cung cấp tấm pin năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới vào năm 2016, khi bán ra gần 10GW điện mặt trời trên toàn cầu vào năm ngoái. 6 trong số 10 nhà sản xuất hàng đầu trong ngành này đều đến từ Trung Quốc.


Những thăng trầm trong ngành năng lượng mặt trời cũng cho thấy rõ sự bấp bênh của ngành này, bởi vì các khoản trợ cấp có thể nhanh chóng làm thị trường bùng nổ, nhưng việc mất đi các khoản trợ cấp cũng có thể khiến thị trường sụp đổ. Ngày 1.6 vừa qua, cả ngành đã “đứng tim” khi các nhà điều hành Trung Quốc đột ngột hạn chế mạnh mẽ số dự án lắp mới đủ tiêu chuẩn nhận hỗ trợ từ FIT.


Điều đó đã tác động mạnh đến thị phần của Jinko và một số đối thủ của Công ty tại Trung Quốc cũng như của First Solar, một trong những nhà cung cấp tấm pin năng lượng lớn nhất nước Mỹ.


Các chuyên gia phân tích cho rằng ít nhất 20GW dự án năng lượng mặt trời dự kiến được phát triển ở Trung Quốc trong năm nay sẽ bị hủy bỏ. Khi nhu cầu suy yếu, giá tấm pin Trung Quốc sẽ giảm tới ít nhất 1/3.


Benjamin Attia thuộc hãng tư vấn Wood Mackenzie cho rằng sức hấp thụ năng lượng mặt trời trên các thị trường mới sẽ còn phụ thuộc vào việc giá giảm nhanh như thế nào và đây có thể là năm đầu tiên kể từ năm 2000 ngành năng lượng mặt trời toàn cầu chững lại. “Trong ngắn hạn, thay đổi chính sách sẽ khiến cho thị trường Trung Quốc rối ren”, một người trong ngành năng lượng mặt trời Trung Quốc nhận định.


Gió đã đổi chiều trong bối cảnh ngành năng lượng mặt trời toàn cầu đang bám gót về giá với các nguồn năng lượng truyền thống như than đá, khí tự nhiên và hạt nhân. Các quốc gia ở châu Âu trong đó có Anh Quốc và Tây Ban Nha và những nơi khác đã giảm mạnh cơ chế FIT. Tất cả đã đặt ra một câu hỏi lớn: liệu đây có phải là hồi cáo chung cho thời kỳ trợ cấp năng lượng mặt trời?


Trung Quốc có thể là câu trả lời. Theo đó, các sáng kiến FIT có thể không còn nữa nhưng các chính sách trợ cấp thay thế khác sẽ xuất hiện. Các chuyên gia phân tích nói rằng quyết định từ bỏ cơ chế FIT của Trung Quốc xuất phát từ việc mức thâm hụt quỹ trợ cấp dành cho các nhà phát triển năng lượng mặt trời đã tăng lên tới khoảng 15 tỉ USD vào năm 2017. Bù vào khoản tăng này sẽ làm căng thẳng tình hình tài chính công. Kết quả của sự thiếu hụt này là các nhà phát triển năng lượng mặt trời sẽ không nhận được khoản trợ cấp mà họ mong đợi.













Paolo Frankl thuộc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) lưu ý rằng Trung Quốc gần đây đã bắt đầu thử nghiệm một chương trình gọi là “Top Runner”, một sáng kiến thay thế cho FIT mà đang ngày càng phổ biến trên toàn cầu. Đó là cơ chế “đấu giá ngược”, theo đó các nhà phát triển nào đưa ra mức giá thấp nhất khi xây dựng và điều hành các dự án năng lượng mặt trời mới có thể thắng thầu.


Giá đấu là giá mà họ đồng ý bán phần điện năng mà họ tạo ra trong các hợp đồng thỏa thuận mua điện dài hạn (PPA).


Kết quả của các hợp đồng PPA theo cơ chế đấu giá ngược như vậy là các mức giá đấu thấp đáng ngạc nhiên tại những địa phương có nhiều nắng từ bang Arizona, Nevada của Mỹ đến Mexico, Abu Dhabi và Ấn Độ. Tại Trung Quốc, giá các hợp đồng PPA gần đây đã thấp hơn nhiều so với giá FIT. Thậm chí, có hợp đồng PPA có giá thấp hơn cả giá điện chạy than.


Những lợi ích từ các hợp đồng PPA như vậy có rất nhiều ý nghĩa đối với Trung Quốc. Bởi lẽ mức giá tấm pin thấp hơn (do nguồn cung dư thừa tạm thời) sẽ khuyến khích các hợp đồng đấu thầu có giá thấp hơn nữa, tiết kiệm tiền cho chính phủ và khiến cho giá năng lượng mặt trời trở nên cạnh tranh so với than đá.


Mặc dù hầu như không ai nghi ngờ rằng PPA tốt hơn FIT, nhưng vẫn có cuộc tranh cãi gay gắt về việc liệu chúng cũng là một hình thức trợ cấp làm méo mó thị trường. Chẳng hạn, các công ty cung cấp dịch vụ công ích có thể bị buộc phải cấp các hợp đồng PPA năng lượng tái tạo, thay vì các giải pháp thay thế từ nhiên liệu hóa thạch, vì các chính phủ buộc họ phải hoàn thành các chỉ tiêu về năng lượng tái tạo.


Chính sự tồn tại của các hợp đồng dài hạn này có thể giúp các nhà phát triển năng lượng mặt trời nhận được dòng vốn tài trợ với chi phí rẻ hơn. Dù sao đi nữa, ở Trung Quốc hay ở đâu chăng nữa, vào thời điểm hiện tại, rất khó xây dựng một nhà máy điện mà không có sự hỗ trợ nào đó từ phía chính quyền.


Động thái của Trung Quốc, mặc dù sẽ khiến cho các dự án lắp đặt mới bị chững lại một thời gian, nhưng có thể khiến cho ngành năng lượng mặt trời toàn cầu khỏe mạnh hơn trong dài hạn.


Sự chuyển dịch này có thể thúc đẩy nhanh quá trình liên kết trong ngành ở Trung Quốc, đưa 4 thành phần sản xuất chính - polysilicon (silic đa tinh thể), tấm wafer, tế bào năng lượng mặt trời và tấm pin - về dưới một mái nhà, như ở Jinko.


Bloomberg New Energy Finance cho rằng đến năm 2019, càng có nhiều thị trường hơn bị hấp dẫn bởi năng lượng mặt trời do giá tấm pin giảm. Điện mặt trời càng rẻ thì chúng càng hấp dẫn, đặc biệt ở những nước nghèo đang chật vật xoay xở trước nhu cầu điện tăng nhanh.


Một số ý kiến cho rằng mặc dù năng lượng mặt trời là nguồn tạo ra điện mới lớn nhất thế giới vào năm ngoái nhưng vẫn chỉ chiếm 2% điện thế giới. Hơn nữa, những cải tiến công nghệ để chuyển ánh sáng mặt trời thành điện cũng đang chậm lại. Nhưng một lần nữa, Trung Quốc lại cho chúng ta một bài học. Chương trình “Top Runner” của nước này khen thưởng những doanh nghiệp nào thử nghiệm các công nghệ quang điện mới nhất nhằm làm cho điện mặt trời trở nên cạnh tranh hơn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét