[Samtrix.vn] - Mỗi hệ thống điện năng lượng mặt trời trị giá vài chục triệu đồng nhưng nhiều người dân tại TPHCM sẵn sàng chi tiền để sử dụng loại năng lượng tái tạo này. Nhiều hộ dân sử dụng không hết còn bán ngược lại cho ngành điện.
>> Ông NGUYỄN TẤN HƯNG: Nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo của người dân TPHCM đang tăng lên. Tính từ tháng 9-2017 đến tháng 5-2018, số hộ dân sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời và đăng ký bán lại phần điện dư tại thành phố đã tăng khoảng 2,7 lần. Đây là con số rất đáng khích lệ, bởi từ đầu tháng 3-2018 đến nay, nhiều vùng trên nước ta phải trải qua những đợt nắng nóng gay gắt, đặc biệt là TPHCM và khu vực Nam bộ. Do đó, nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt tăng cao. Theo dự báo, tình hình nắng nóng sẽ còn kéo dài và diễn biến phức tạp nên có khả năng hệ thống điện quốc gia sẽ gặp khó khăn trong việc cung cấp điện. Ngoài việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả thì giải pháp tự cung cấp năng lượng điện nhờ vào nguồn năng lượng mặt trời đang là xu hướng phát triển của thế giới. Nguồn điện từ năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng tái tạo, vĩnh cửu, không bị cạn kiệt như nguồn năng lượng hóa thạch là than đá hay dầu mỏ và rất thân thiện với môi trường. Người dân khi sử dụng nguồn điện từ năng lượng mặt trời sẽ không mất chi phí vận hành; trong khi chi phí bảo trì khá thấp. Tính đến nay, đã có 284 khách hàng lắp đặt điện mặt trời nối lưới đăng ký bán lại phần điện dư cho ngành điện với tổng công suất lắp đặt là 3,64MWp.
Ưu điểm của điện mặt trời là nguồn năng lượng tái tạo, vĩnh cửu, không bị cạn kiệt. Nó giúp tiết kiệm chi phí tiền điện do không phải sử dụng nguồn điện lưới. Ngoài ra, còn có thể bán phần điện dư không sử dụng hết cho ngành điện. Không chi phí vận hành, chi phí bảo trì thấp, đồng thời thân thiện môi trường, trong quá trình vận hành không gây ra tiếng ồn và khói bụi.Tuy nhiên, nó cũng có những nhược điểm là: Chi phí đầu tư ban đầu khá lớn; cần không gian mái nhà đủ lớn để lắp đặt mới có thể thu được năng lượng hiệu quả như mong muốn; hiệu quả của hệ thống điện mặt trời phụ thuộc vào thời tiết, vị trí của các tòa nhà và cây cối xung quanh.
Tính bình quân cứ 8m² trần phẳng mới hấp thụ đủ ánh nắng mặt trời để sinh ra 1kWp, chi phí đầu tư điện mặt trời bình quân khoảng từ 22 - 30 triệu đồng/1kWp. Nếu một hộ dân có nhu cầu sử dụng điện khoảng 500kWh/tháng (hơn 1 triệu đồng/tháng) thì cần đầu tư hệ thống pin năng lượng mặt trời khoảng 3kWp, trị giá khoảng 68 triệu đồng và diện tích trần phẳng tối thiểu là 20m².
Trong thời gian tới, tổng công ty tiếp tục triển khai mạnh các chương trình tuyên truyền, vận động khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Tập trung hướng đến việc sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời và điện mặt trời nối lưới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến rộng rãi về quy trình lắp đặt cũng như yêu cầu kỹ thuật của các công trình điện mặt trời nối lưới vào hệ thống điện của tổng công ty. Bên cạnh đó, tổng công ty tiếp tục kiến nghị TP chỉ đạo ban quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TPHCM, ban quản lý khu công nghệ cao vận động các đơn vị, các cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị thụ hưởng ngân sách Nhà nước, trường học, bệnh viện… chủ động xây dựng kế hoạch trang bị lắp đặt hệ thống điện mặt trời nối lưới tại đơn vị. Song song đó, tổng công ty tiếp tục kiến nghị Bộ Công thương và Bộ Tài chính sớm ban hành các hướng dẫn nhằm tháo gỡ vướng mắc về thuế GTGT và phát hành hóa đơn trong việc sử dụng điện mặt trời nối lưới trên mái nhà của người dân. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền vận động người dân sử dụng điện mặt trời.
Nguyên lý hoạt động của hệ thống điện mặt trời nối lưới là ban ngày khi có ánh sáng mặt trời, các tấm pin mặt trời sẽ hấp thu ánh sáng mặt trời rồi chuyển hóa thành nguồn điện 1 chiều (DC). Bộ inverter hòa lưới có chức năng chuyển đổi nguồn điện DC được tạo ra từ các tấm pin mặt trời thành nguồn điện xoay chiều (AC) có điện áp và tần số phù hợp với lưới điện của điện lực. Bên cạnh đó, bộ inverter hòa lưới còn được kết nối với nguồn điện từ lưới điện của điện lực cấp vào để hòa 2 nguồn điện với nhau. Nếu nguồn điện mặt trời không đủ cung cấp thì điện sẽ được lấy thêm từ nguồn của điện lực. Ngược lại, nếu nguồn điện mặt trời dư thừa sẽ phát ngược lên lưới điện của điện lực và sẽ được sử dụng để cấp cho các phụ tải của hộ tiêu thụ khác. Điện kế 2 chiều được lắp đặt để đo đếm điện năng tiêu thụ ở cả 2 chiều: chiều nhận từ lưới điện của điện lực và chiều phát từ điện mặt trời lên lưới điện của điện lực.
Muốn lắp đặt được hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái nhà, khách hàng cần có diện tích trống trên mái nhà và mái nhà có thể lấy được ánh sáng mặt trời một cách tốt nhất. Không bị cây xanh hoặc các nhà cao tầng xung quanh che khuất làm giảm hiệu suất hấp thu của các tấm pin năng lượng mặt trời. Thông thường, để lắp đặt 1kWp cần có khoảng trống diện tích tối thiểu khoảng 8m². Nếu muốn lắp đặt 5kWp thì cần một diện tích khoảng 40m².