Tại tọa đàm về phát triển năng lượng mặt trời được tổ chức ngày 22/8 tại Hà Nội, ông Nguyễn Ninh Hải, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết, tính đến ngày 10/6/2018 - sau 1 năm triển khai cơ chế hỗ trợ phát triển điện mặt trời theo Quyết định 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 16/2017/TT-BCT của Bộ Công Thương, cả nước có 100 dự án điện mặt trời quy mô lớn được bổ sung vào quy hoạch, với tổng công suất đăng ký là 4,7 GW vào năm 2020 và gần 1.800 MW sau năm 2020.
Trong đó, 58 dự án đã được Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo phê duyệt thiết kế cơ sở. Tính đến cuối tháng 7/2018, chỉ có 9 dự án đã ký được hợp đồng mua bán điện.
Đối với các dự án điện mặt trời trên mái nhà áp dụng cơ chế bù trừ sản lượng, đến cuối tháng 7/2018, đã có 748 dự án với tổng công suất lắp đặt là 11,55 MWp.
Đầu tư dự án điện mặt trời trở nên hấp dẫn với mức giá bán điện lên lưới là 9,35 cent/kWh và chi phí đầu tư ban đầu đã giảm mạnh so với trước kia. Tuy nhiên, việc triển khai dự án điện mặt trời đang vấp phải nhiều vướng mắc về thuế và nối lưới.
Theo ông Phạm Văn Tường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Công nghệ Điện sạch, quá trình làm điện mặt trời phát sinh rất nhiều vướng mắc. Đối với các dự án điện mặt trời quy mô lớn trên mái nhà, chủ đầu tư chưa dám triển khai vì lo ngại chính sách tài chính và thuế chưa rõ ràng.
Ông Tường cho biết thêm, các đơn vị điện lực khá tùy tiện trong việc thu phí kiểm định đối với dự án điện mặt trời. Điện lực ở mỗi tỉnh lại có mức thu cao thấp khác nhau, nhiều trường hợp phí kiểm định quá lớn trong khi đầu tư hệ thống điện mặt trời của khách hàng chỉ vài chục triệu.
TS. Lê Anh Tuấn, giảng viên Đại học Cần Thơ nhận định, các tỉnh phía Nam như Cần Thơ và An Giang có tiềm năng rất lớn để phát triển điện mặt trời bởi hiện nay chi phí lắp đặt và triển khai rẻ hơn nhiều nhờ sự phát triển của công nghệ.
Ông Tuấn cho hay, việc yêu cầu các hộ dân lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà phải xuất hóa đơn để tính thuế là rào cản rất lớn trong phát triển điện mặt trời, do đó cần sớm gỡ bỏ rào cản này.
Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đánh giá, gần 1 năm sau khi Quyết định 11 được ban hành, thì cơ chế hỗ trợ phát triển điện mặt trời, đặc biệt là giá bán điện, rất hấp dẫn các nhà đầu tư, rất nhiều hồ sơ đăng ký triển khai dự án. Cơ chế giá bán FiT (feed-in tariffs) đã tạo cú hích mạnh để phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.
Để tháo gỡ các vướng mắc, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, Bộ Công Thương đang nghiên cứu và xây dựng lại cơ chế giá điện mặt trời mới để áp dụng sau tháng 6/2019.
Trước mắt, Bộ đã báo cáo Thủ tướng về đề xuất sửa nhanh Quyết định 11, trong đó tập trung điều chỉnh các quy định về thuế có liên quan trước, các nội dung khác sẽ được xem xét sửa đổi sau.
Ông Nguyễn Ninh Hải cho rằng, việc điều chỉnh các quy định trong Quyết định 11 sẽ gỡ vướng cho hơn 700 dự án điện mặt trời trên mái nhà.
Với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, Bộ Công Thương cũng đang nghiên cứu cơ chế đấu giá ngược đối với các dự điện mặt trời trên mái nhà. Trong thời tới, sau khi lấy ý kiến, sẽ trình lên Thủ tướng xem xét quyết định. Hiện Bộ Công Thương đang nghiên cứu một loạt cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam, gồm cả điện mặt trời./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét