Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2018

Tiềm năng và thách thức trong phát triển điện mặt trời ở Việt Nam


Nước ta được đánh giá là quốc gia có tiềm năng điện mặt trời rất lớn, tương đương với các nước trong khu vực có thị trường năng lượng mặt trời phát triển như: Trung Quốc, Thái Lan, Philippines . Tuy nhiên, việc phát triển hiện nay vẫn chưa xứng với tiềm năng. 





Tiềm năng điện mặt trời nước ta rất lớn với tổng số giờ nắng khoảng 1.600 - 2.700 giờ/năm và bức xạ mặt trời bình quân hàng năm đạt khoảng 4 - 5 kWh/m2/ngày.





Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII) cũng xác định việc ưu tiên phát triển nguồn điện từ năng lượng mặt trời, sẽ nâng công suất đặt từ 6 - 7 MW năm 2017 lên khoảng 850 MW vào năm 2020 và khoảng 12.000 MW vào năm 2030, tương đương với 1,6% và 3,3% tổng công suất nguồn điện.





Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ đã ban hành một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực năng lượng mặt trời. Đặc biệt, tháng 4/2017, Chính phủ ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ- TTg về phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, trong đó, quy định, giá mua điện là 9,35 UScent/kWh. Đến tháng 9/2017, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 16/2017/TT-BCT hướng dẫn chi tiết các quy định về phát triển dự án và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Việc ban hành giá mua điện mới và Hợp đồng mua bán điện mẫu đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thu hút đầu tư tư nhân vào thị trường điện năng lượng mặt trời tại Việt Nam.





Một hộ dân lắp đặt điện mặt trời của Samtrix Solar




Với chính sách hỗ trợ, thị trường điện mặt trời tại Việt Nam ngày càng nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đang tích cực xây dựng kế hoạch phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Bước tiếp theo là lựa chọn công nghệ phù hợp để hiện thực hóa các dự án đó.





Báo cáo từ Bộ Công Thương cho hay đến nay, các trang trại điện mặt trời đã có 100 dự án được bổ sung vào quy hoạch điện cấp tỉnh/quốc gia. Tổng công suất đăng ký là 4,7GW vào năm 2020; có 58 dự án đã được phê duyệt bởi Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo về thiết kế cơ sở; 9 dự án đã ký được Hợp đồng mua bán điện. Đối với các dự án điện mặt trời áp mái tính đến cuối tháng 7/2018, đã có 748 dự án với tổng công suất là 11,55 MWp.





Để tận dụng diện tích mặt bằng mái lớn tại các khu dân cư, vốn có cơ sở hạ tầng điện lưới đầy đủ, thuận tiện trong việc nối lưới và phát huy tối đa tiềm năng năng lượng mặt trời tại Việt Nam, điện mặt trời áp mái được xem là giải pháp hiệu quả hiện nay.





Tháng 6/2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có chủ trương lắp đặt điện mặt trời áp mái, trước mắt EVN thí điểm lắp đặt tại các tòa nhà, trụ sở văn phòng trong nội bộ EVN rồi sau đó mới được ứng dụng đến các khách hàng bên ngoài.





Tuy nhiên, trên thực tế cần phải nhìn nhận rằng, để phát triển mảng điện mặt trời áp mái tương xứng với tiềm năng vẫn còn khá nhiều hạn chế.





Cụ thể, thông tư 16 quy định cách triển khai hợp đồng mua bán điện vẫn còn nhiều bất cập, chưa quy định rõ cách thức bán điện lại cho EVN. Bộ Tài Chính vẫn còn vướng mắc quy định tính thuế cho những hợp đồng mua bán điện theo thỏa thuận này.





Công tác truyền thông đến hộ gia đình vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Vẫn còn nhiều người dân chưa tiếp cận được thông tin về chính sách mới, dẫn đến tâm lý e ngại khi nghĩ đến chuyện đầu tư điện mặt trời.Bên cạnh đó, hiện nay chưa có các tiêu chí cụ thể đánh giá nhà cung cấp tấm pin mặt trời. Do đó, người tiêu dùng gặp khó khăn trong việc đưa ra quyết định lựa chọn phù hợp. Suất đầu tư ban đầu vào điện mặt trời vẫn còn cao so với chuẩn tiêu dùng của người Việt hiện nay.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét