Thứ Ba, 11 tháng 9, 2012

Hội nghị quốc tế Việt - Anh về năng lượng sạch

Sáng 10/9, tại Đại học Bách Khoa TP Đà Nẵng đã diễn ra Hội nghị quốc tế Việt Nam – Anh quốc về phát triển năng lượng sạch ở Việt Nam.













Ảnh: VGP/Lưu Hương



Các đại biểu tham dự hội nghị đã có những tham luận về thương mại hóa các công nghệ sử dụng năng lượng mặt trời, khí sinh học (Biogas) cho sản xuất và đời sống các vùng nông thôn Việt Nam; chính sách, thuế quan và quy định về năng lượng tái tạo tại Việt Nam; phát triển nguồn năng lượng bền vững và kế hoạch hành động cho TP Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, một số nhà khoa học đến từ Anh quốc cũng đã trình bày tại hội nghị về những nghiên cứu mới nhất và cơ hội phát triển nguồn năng lượng mặt trời và năng lượng thủy triều, nghiên cứu khả năng biến dầu thải từ nhà hàng, khách sạn thành dầu Diesel sinh học thân thiện với môi trường.

Tại thống kê, tại Việt Nam, mặc dù năng lượng khí nhà kính tính trên đầu người còn thấp so với các nước phát triển, nhưng theo thống kê, mức khí thải này đang phát triển nhanh chóng, từ 0,3 tấn (năm 1990) lên tới 1,2 tấn (năm 2007). Đây chính là hệ quả phát triển nhanh chóng của các ngành kinh tế, đặc biệt là các ngành năng lượng.


Đại diện Bộ Công Thương cho biết cơ quan này đang có nhiều chương trình, dự án, đề án để thúc đẩy phát triển năng lượng sạch thay thế cho nguồn năng lượng hóa thạch trong các ngành công nghiệp trọng điểm, phát triển năng lượng sinh học và chương trình mục tiêu quốc gia tiết kiệm năng lượng.


Và trong giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn 2030, chiến lược quy hoạch nền công nghiệp Việt Nam sẽ thông qua các bước như: nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm tiêu hao năng lương trong hoạt động sản xuất thương mại; thay đổi sử dụng nguyên liệu trong nghành công nghiệp; khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng mới; và giảm khí thải nhà kính thông qua phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững.


Mục tiêu tổng thể đưa tăng trưởng xanh trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính dần trở thành tiêu chí bắt buộc trong phát triển kinh tế xã hội, chiến lược tập trung vào 3 nội dung chính: xanh hóa sản xuất; giảm cường độ phát khí thải nhà kính; thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét