Việc EU nộp đơn kiện lên tòa án ở Brussels cáo buộc các công ty Trung Quốc bán phá giá các tấm pano dùng làm pin năng lượng mặt trời, cho thấy cuộc đua giành thị phần các thiết bị năng lượng tái tạo, một giải pháp để thế giới giảm bớt phụ thuộc vào năng lượng truyền thống, ngày càng trở nên khốc liệt.
Gia tăng đáng kể
Theo báo Mỹ Christian Science Monitor, năng lượng nói chung và điện nói riêng sản xuất từ sức gió, ánh sáng mặt trời, thủy triều địa nhiệt chiếm 1,3% tổng số năng lượng sử dụng toàn cầu trong năm 2011. Con số này còn rất khiêm tốn, nhưng so với năm 2010, đã tăng 15,5%, do các nước đang gia tăng đầu tư vào năng lượng tái tạo nhằm giảm sự phụ thuộc vào năng lượng truyền thống cũng như nguồn cung từ bên ngoài. Sự đầu tư này đến cả từ lĩnh vực tư nhân và nhà nước. 5 nước đứng đầu thế giới về sử dụng năng lượng tái tạo là: Mỹ, Đức, Tây Ban Nha, Trung Quốc và Brazil.
Tại Mỹ, tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo chiếm 24,7% tổng số năng lượng tái tạo trên toàn cầu. Kể từ năm 2008, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đưa ra các ưu tiên cho ngành năng lượng tái tạo, trong đó có cắt giảm thuế cùng hàng loạt các biện pháp khuyến khích khác. Xét về tổng số tiền đầu tư cho ngành năng lượng tái tạo, Mỹ chỉ đứng sau Trung Quốc. Tuy vậy, Tổng thống Obama hiện đang gặp rất nhiều cản ngại tại Quốc hội và các tập đoàn kinh tế trong vấn đề cắt giảm khí thải, do đó ngành năng lượng tái tạo cũng gặp thử thách.
Sau Mỹ là Đức với 11,7% năng lượng tái tạo toàn cầu. Đức có bước đi gây tranh cãi khi quyết định loại năng lượng hạt nhân khỏi nước này từ nay đến năm 2022. Chính vì vậy, các ưu tiên tập trung vào ngành công nghiệp sản xuất năng lượng thay thế. Mặc dù vậy, nước này hiện đang là nước duy nhất trong khối G20 chứng kiến sự giảm sút các dự án về năng lượng tái tạo. Nguyên nhân do nước này đã đầu tư lớn từ ban đầu, nay lại gặp sự cạnh tranh từ các nước châu Á.
Với 7,8% năng lượng tái tạo của thế giới, Tây Ban Nha cũng tự hào về ngành năng lượng sạch của mình với nguồn điện mặt trời tự sản xuất. Các nhà đầu tư Tây Ban Nha cũng đang đi khắp thế giới, kể cả Mỹ, để lắp đặt các nhà máy điện năng lượng mặt trời. Ngược lại, thị trường năng lượng sạch của Tây Ban Nha cũng đang thu hút đầu tư trong vòng 10 năm qua, bất chấp Chính phủ Tây Ban Nha đã cắt giảm nhiều ưu đãi cho ngành này vì khó khăn ngân sách.
Một công ty sản xuất pin năng lượng mặt trời ở Chiết Giang, Trung Quốc. |
Khi nói đến Trung Quốc, người ta nghĩ ngay đến đất nước tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới và là nước nhập khẩu dầu nhiều thứ hai trên thế giới. Thế nhưng ít ai biết rằng nước này đang đứng đầu thế giới về đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, trong đó một nửa vào điện mặt trời.
Chính điều này đã giúp Trung Quốc chiếm 7,6% năng lượng tái tạo toàn cầu. Con số này của Brazil là 5%. Đất nước lớn nhất Nam Mỹ này không những nổi tiếng về sản lượng nhiên liệu sinh học mà còn về công nghệ đun nước bằng năng lượng mặt trời cũng như mối quan hệ chặt chẽ với các nước đứng đầu thế giới về năng lượng tái tạo. Brazil cũng đã đầu tư lớn vào phong điện thông qua các hợp đồng đấu thầu từ năm 2009. Brazil đã có nhiều chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực năng lượng mặt trời và cam kết sẽ sử dụng năng lượng mặt trời cho tất cả 12 địa điểm thi đấu của World Cup 2014.
Lợi và hại của cuộc chiến
Đơn kiện của EU lên EC xoay quanh cáo buộc các công ty của Trung Quốc bán phá giá các tấm pin năng lượng mặt trời vào EU. Hiện Trung Quốc xuất khẩu mặt hàng này vào EU với tổng kim ngạch 21 tỷ USD trong năm 2011. Đơn kiện cho rằng các công ty sản xuất pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc lẽ ra đã phá sản từ lâu nếu không được Chính phủ Trung Quốc trợ giá liên tục, trong khi chỉ từ đầu năm tới nay, EU đã có 20 công ty loại này phá sản.
Theo ông Milan Nitzschke, Chủ tịch EU ProSun - liên minh các công ty là nguyên đơn. Đơn kiện yêu cầu EU đánh thuế trừng phạt với các sản phẩm sản xuất năng lượng tái tạo của Trung Quốc. Vụ kiện chính thức khởi động giữa lúc hãng tin Bloomberg đưa ra số liệu cho thấy Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đã chi thêm 33 tỷ EUR tín dụng cho 12 công ty năng lượng mặt trời của Trung Quốc kể từ năm 2010.
Ngoài EU, Mỹ cũng đã áp thuế chống phá giá đối với gần 31% các sản phẩm năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Trung Quốc. Các công ty chuyên về năng lượng Mặt trời của Trung Quốc bác bỏ cáo buộc của EU và Mỹ.
Tranh cãi giữa EU và Trung Quốc sẽ tác động xấu tới nhu cầu lắp đặt pin mặt trời trên thế giới hay không? Có lẽ thiệt hại trước mắt chính là những người tiêu dùng của EU khi mà các sản phẩm năng lượng mặt trời của Trung Quốc chiếm đa số ở EU buộc phải tăng giá nếu tòa phán quyết EU thắng. Tại EU, trong năm 2011, có tổng cộng 18,5 gigawatt điện sản xuất từ năng lượng mặt trời, chiếm 2/3 sản lượng điện mặt trời trên thế giới.
Trong khi đó, theo Huffington Post, EU chỉ đáp ứng 2% nhu cầu về điện mặt trời của khối, tương đương đáp ứng cho một nước cỡ Áo. Ủy ban châu Âu gần đây đã đưa ra kế hoạch gia tăng sản lượng năng lượng tái tạo lên 20% trong tổng số năng lượng sử dụng. Một khi các công ty Trung Quốc bị áp giá trừng phạt, chưa rõ là EU sẽ lấy nguồn ở đâu để bù vào số lượng hàng giảm sút từ phía Trung Quốc.
Tại Mỹ, công ty năng lượng mặt trời hàng đầu là Solyndra vừa phá sản, còn Chính phủ Mỹ đã chuyển thêm 197 triệu USD cho vay với công ty khác là SoloPower. Ngoài ra, Bộ Năng lượng Mỹ cũng đã lên kế hoạch chi 35 tỷ USD để hỗ trợ ngành năng lượng tái tạo. Đó chỉ mới là cam kết. Năm 2010, Nhà Trắng cũng từng cam kết sẽ lắp đặt pin năng lượng mặt trời trên mái tòa nhà này nhưng đến nay không hiểu vì sao vẫn chưa thấy.
Cùng với việc phá sản của Solyndra, xem ra chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Obama đang gặp khó khăn vì ông chủ trương đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo. Trong bối cảnh này, nếu Mỹ và EU tiếp tục gây khó khăn cho các công ty pin năng lượng mặt trời Trung Quốc, xem ra nguồn cung của các loại pin năng lượng mặt trời sẽ trở nên khó khăn và đắt đỏ hơn. Trong khi đó, giá dầu thế giới đang trong xu hướng tăng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét