Kế hoạch điện năng sạch mới được công bố của ông Obama đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của phe Cộng hòa cùng các công ty điện và khai thác than.
Được coi là bước đi lịch sử và mạnh mẽ nhất trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của chính quyền Tổng thống Obama, kế hoạch điện năng sạch vừa được chính phủ Mỹ công bố hôm 3/8 đặt ra những tiêu chuẩn quốc gia đầu tiên nhằm hạn chế ô nhiễm từ các nhà máy điện, nguồn phát thải khí cacbonic lớn nhất hiện nay tại Mỹ.
Tổng thống Obama phát biểu về kế hoạch năng lượng sạch trong sự kiện tại Nhà Trắng. Ảnh chụp màn hình: AP. |
Theo kế hoạch trên, đến năm 2030, Mỹ sẽ cắt giảm 32% lượng phát thải khí cacbonic so với mức của năm 2005. Chủ yếu nhắm vào các nhà máy điện sử dụng than đá, kế hoạch linh hoạt này cho phép các tiểu bang xây dựng kế hoạch thực hiện riêng dựa trên điều kiện thực tế để đáp ứng mục tiêu cắt giảm phát thải của các nhà máy điện trong khu vực.
Điều này đồng nghĩa với việc mức cắt giảm của mỗi bang là khác nhau. Về cơ bản, các bang sẽ đệ trình kế hoạch cắt giảm khí cacbonic chậm nhất là vào năm 2018 và bắt đầu thực hiện vào năm 2022. Hiện các nhà máy điện đốt than đá cung cấp hơn 37% lượng điện cho nước Mỹ.
Nhà Trắng kỳ vọng kế hoạch điện năng sạch sẽ giảm 90% tỷ lệ tử vong sớm do ô nhiễm từ các nhà máy điện vào năm 2030 so với năm 2005, tạo thêm hàng chục nghìn việc làm, đảm bảo nguồn cung điện, khuyến khích đầu tư vào công nghệ năng lượng sạch, thúc đẩy năng lượng gió và mặt trời và duy trì sự đi đầu của Mỹ trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Theo kế hoạch điện năng sạch, cho đến năm 2030, năng lượng tái tạo sẽ chiếm 28% tổng nguồn cung năng lượng của Mỹ.
Tuy vậy, kế hoạch trên đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của phe Cộng hòa cùng các công ty điện và khai thác than, những ngành sẽ chịu tác động nhiều nhất, ngay từ trước khi được công bố.
Theo kế hoạch của Tổng thống Obama, đến năm 2030, Mỹ sẽ cắt giảm 32% lượng phát thải khí cacbonic so với mức của năm 2005. (ảnh: ST) |
Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell kêu gọi tất cả các bang tẩy chay kế hoạch điện năng sạch trong khi ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa, Thượng nghị sỹ Marco nhấn mạnh rằng chi phí sử dụng điện sẽ tăng cao đối với hàng triệu người Mỹ và kế hoạch này cũng không giúp gì cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu khi mà Trung Quốc, Ấn Độ và các nước đang phát triển khác tiếp tục sử dụng các công nghệ phát thải khí cacbonic với lượng lớn.
Hiệp hội than bang Ohio cũng cảnh báo kế hoạch năng lượng sạch sẽ đẩy giá điện tăng cao và đe dọa nguồn cung điện trong nước, còn Hội đồng Trao đổi luật pháp Mỹ, một tổ chức có nguồn tài chính được hỗ trợ một phần từ các công ty sản xuất điện và khai thác than đang kêu gọi chính quyền các bang và Quốc hội Mỹ chống lại kế hoạch của Tổng thống Obama.
Trong phiên điều trần gần đây tại Hạ viện Mỹ, một số nghị sỹ tính toán rằng kế hoạch điện năng sạch sẽ khiến kinh tế Mỹ thiệt hại khoảng 1,5 nghìn tỷ USD, đẩy giá điện tăng, buộc các nhà máy điện đốt than phải đóng cửa và giảm sản lượng của ngành khai thác than, khiến nhiều người mất việc làm.
Phân tích của Quỹ Heritage, một trung tâm nghiên cứu hàng đầu của Mỹ cũng cho thấy kế hoạch điện năng sạch sẽ khiến khoảng 80,000 người Mỹ mất việc làm, GDP giảm 28 tỷ USD và thu nhập trung bình hàng năm của mỗi hộ gia đình Mỹ giảm khoảng 300 USD vào năm 2030.
Phản bác lại những lập luận trên, Tổng thống Obama khẳng định kế hoạch điện năng sạch sẽ không “giết chết” việc làm của người Mỹ mà trái lại còn thúc đẩy thị trường lao động. Theo ông Obama chỉ riêng ngành công nghiệp điện mặt trời đã tạo ra việc làm nhanh gấp 10 lần các ngành khác trong nền kinh tế Mỹ.
Ông Obama nêu rõ, việc làm trong ngành khai thác than đã suy giảm liên tục trong nhiều thập kỷ qua và số nhân công hiện tại của ngành này sẽ được hưởng lợi từ các chương trình y tế và đào tạo lại của chính phủ. Tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh rằng với việc thực hiện kế hoạch điện năng sạch thì đến năm 2030, mỗi hộ gia đình Mỹ sẽ tiết kiệm được 85 USD tiền điện/năm, qua đó giúp người tiêu dùng Mỹ tiết kiệm tới 155 tỷ USD.
Kế hoạch điện năng sạch nhận được sự ủng hộ không chỉ của phe Dân chủ mà điển hình là ứng cử viên Tổng thống Hillary Clinton cùng các tổ chức bảo vệ môi trường mà còn cả chính một số công ty điện.
Kế hoạch điện năng sạch nhận được sự ủng hộ của ứng cử viên Tổng thống Hillary Clinton cùng các tổ chức bảo vệ môi trường mà còn cả chính một số công ty điện. (ảnh: AP) |
Giám đốc điều hành của Công ty điện Mỹ, một trong những nguồn phát thải khí cacbonic lớn nhất nước Mỹ cho rằng việc chính phủ gia hạn thời gian bắt đầu thực hiện kế hoạch điện năng sạch thêm 2 năm thay vì 2020 như đề xuất ban đầu là một bước đi tích cực, tạo điều kiện cho việc phát triển và ứng dụng các công nghệ sản xuất điện sạch.
Tuy nhiên, theo giới phân tích thì cơ sở pháp lý của kế hoạch điện năng sạch có vẻ chưa đủ vững chắc và dễ bị phe phản đối tấn công khi Đạo luật không khí sạch ban hành năm 1963 của Mỹ quy định rằng chính phủ chỉ có thể đưa ra quy định hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính đối với “nguồn phát thải hiện tại”, tức là các nhà máy điện chứ không thể buộc các bang thực hiện các biện pháp như sử dụng năng lượng tái tạo hay cắt giảm nhu cầu năng lượng.
Ngoài ra, Tu chính án thứ 10 trong Hiến pháp Mỹ cũng có những quy định về bảo vệ các bang trước sự can thiệp thái quá của chính phủ. Một nguy cơ nữa đối với kế hoạch điện năng sạch là khoảng thời gian từ khi công bố cho đến lúc thực hiện là 7 năm và người kế nhiệm Tổng thống Obama có thừa thời gian để hủy bỏ kế hoạch này nếu muốn, nhất là trong thường hợp Tổng thống kế tiếp thuộc đảng Cộng hòa.
Theo ước tính, khoảng 25 bang của Mỹ sẽ đệ đơn kiện về tính pháp lý của kế hoạch điện năng sạch và có khả năng vụ việc sẽ được phân xử tại Tòa án tối cao Mỹ. Ngày 29/6 vừa qua, Tòa án Tối cao Mỹ đã ra phán quyết ngăn chặn quy định của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) về hạn chế phát thải thủy ngân và một số chất độc khác từ các nhà máy điện đốt than với lý do cơ quan này đã không xem xét một cách hợp lý về phí tổn mà các doanh nghiệp và người tiêu dùng điện phải gánh chịu./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét