8 năm trước, đầu tư điện mặt trời áp mái tốn đến 60-70 triệu đồng/kWp nhưng hiện bình quân chỉ còn 20-21 triệu/kWp.
Chiều 9-4, tại buổi gặp gỡ cơ quan báo chí quý I/2019, ông Phạm Quốc Bảo, Tổng giám đốc Tổng Công ty điện lực TP HCM (EVNHCMC), cho biết chi phí đầu tư điện mặt trời áp mái hiện nay đã rẻ hơn trước rất nhiều, cơ chế mua bán điện cũng đã được tháo gỡ, hy vọng thời gian tới tỉ lệ người dân đầu tư, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo này sẽ tăng cao.
"7-8 năm trước đầu tư khoảng 60-70 triệu đồng/kWp nhưng hiện bình quân chỉ còn 20-21 triệu/kWp. Bình quân 1 kWp trên địa bàn TP phát khoảng 3-5 kWh điện/ngày. TP HCM rất thuận lợi để đầu tư điện mặt trời, điện mặt trời dễ dàng hòa lưới" - ông Bảo diễn giải.
Cũng theo ông Bảo, hiện EVNHCMC đã lắp trên lưới 16-17 MW, năm nay Tập đoàn điện lực giao EVNHCMC vận động khách hàng lắp đặt 50MW nhưng Tổng công ty đặt mục tiêu 80MW. "Để được 50-80MW là chúng ta phải bỏ 1.000 – 1.500 tỉ đồng, phải huy động nguồn lực xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp dịch vụ. Trước đây còn vướng cơ chế, hợp đồng và đã được tháo vướng" – ông Bảo nói và khẳng định năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng tái tạo rất tiềm năng cho TP HCM. Sắp tới ngành điện sẽ sẽ đẩy mạnh truyền thông về điện mặt trời.
Đến nay, có 8 nhà lắp đặt điện mặt trời uy tín được tổng công ty giới thiệu cho khách hàng nhưng trên thực tế có đến vài chục nhà lắp đặt.
"Chi phí lắp đặt điện mặt trời đã rẻ hơn 10 năm trước nhiều, nhà tôi lắp chỉ 6-7 năm đã hoàn vốn" - ông Phạm Quốc Bảo, Tổng giám đốc EVNHCMC, cho biết.
"Công nghệ sản xuất tấm pin điện mặt trời đã rất phát triển, tối thiểu tuổi thọ trung bình của các tấm pin là 15 năm trong khi lắp đặt khoảng 6-7 năm là đã hoàn vốn. Tính ra, khách hàng lắp đặt điện mặt trời áp mái rất có lợi, vừa để sử dụng vừa có thể bán lại phần điện dư cho ngành điện" – ông Bảo giải thích thêm.
Trả lời thắc mắc về tình hình cung ứng điện mùa khô, lãnh đạo EVNHCMC, cho hay trong 3 tháng đầu năm và đến hết tháng 4, sản lượng điện phân bổ cho TP HCM đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ, không xảy ra cắt điện. Điện cho 2 tháng cao điểm nắng nóng là tháng 5 và 6 vẫn đang chờ thông báo điều hành của Tập đoàn nhưng tinh thần là năm nay sẽ không xảy ra cắt điện trong mùa khô.
Theo EVNHCMC, riêng từ đầu tháng 3 đến nay, TP bước vào giai đoạn nắng nóng, nhiệt độ nhiều thời điểm lên hơn 37 độ C, nhu cầu tiêu thụ điện cho các thiết bị giải nhiệt, đặc biệt là máy lạnh tăng cao. Tính đến ngày 31-3, tổng sản lượng điện mỗi ngày của TP đã tăng dần từ 71 triệu kWh/ngày đến trên 83 triệu kWh/ngày, trong đó, ngày 27-3 ghi nhận sản lượng cao nhất vào khoảng 83,45 triệu kWh.
Trong các tháng 4-5-6, nắng nóng vẫn tiếp tục kéo dài và có thể còn nóng hơn nữa. Dự báo nhu cầu sử dụng điện cũng như sản lượng điện tiêu thụ sẽ tiếp tục tăng.
Liên quan đến phản ánh của người dân về việc mất điện đột xuất xảy ra tại một số khu vực, đặc biệt trong những ngày nắng nóng vừa qua, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng giám đốc EVNHCMC, cho biết theo tính toán của đơn vị, từ đầu năm đến nay thời gian mất điện trung bình trên địa bàn TP HCM là 12 phút/người dân. Trung bình, các công ty điện lực mất khoảng 40-50 phút để khắc phục sự cố điện, bất kể ngày hay đêm. Đây là chỉ số tốt nhất trong toàn Tập đoàn.
Về hóa đơn tiền điện, ông Phạm Quốc Bảo, Tổng giám đốc EVNHCMC, cho biết tháng 4 này là đợt hóa đơn đầu tiên sau khi giá điện tăng, sau khi khi có hóa đơn mới đánh giá được đơn giá tăng bao nhiêu so với tháng trước. Tuy nhiên, tiền điện tháng 3 và các tháng tiếp theo sẽ tăng hơn so với tháng 2 bởi 3 yếu tố: Một là, lượng điện tiêu thụ trong mùa nắng nóng của các hộ gia đình sẽ tăng lên do nắng nóng; hai là giá điện tăng khoảng 8,4% từ ngày 20-3 và ba là từ tháng 3, số ngày trong tháng nhiều hơn số ngày trong tháng 2 (tháng 2 chỉ 28 ngày).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét