Với việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, người dân vừa có điện sử dụng vừa bán lại điện cho nhà nước với giá cao hơn giá bán điện của nhà nước
Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) vừa có văn bản gửi các đơn vị, công ty điện lực thành viên ở 21 tỉnh, thành phía Nam, hướng dẫn thực hiện dự án điện mặt trời trên mái nhà (ĐMTMN). Dự kiến trong thời gian tới, dự án này sẽ được triển khai trên trên khắp các tỉnh, thành và khi đó người dân có thể bán điện lại cho ngành điện, mang lại nhiều lợi ích kinh tế.
Bán lại điện trên lưới
Theo hướng dẫn, dự án ĐMTMN là dự án điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà hoặc gắn với công trình xây dựng do tổ chức hoặc cá nhân làm chủ đầu tư (sau đây gọi là chủ đầu tư) có đấu nối và bán điện lên lưới điện của EVN SPC. Như vậy, bất kỳ gia đình nào cũng có thể trở thành chủ đầu tư, được quyền hợp tác kinh doanh bình đẳng với ngành điện.
Câu hỏi đặt ra là tổ chức, cá nhân được lợi gì khi làm chủ đầu tư dự án ĐMTMN?
EVN SPC cho biết các dự án ĐMTMN được thực hiện cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ điện đo đếm hai chiều. Theo cách này, ngoài sử dụng theo nhu cầu, lượng điện sản xuất được sẽ tự động hòa vào vào lưới điện và dựa theo chỉ số trên công tơ điện, công ty điện lực thanh toán cho chủ đầu tư theo giá mua điện quy định cho từng thời điểm.
Cụ thể về giá mua điện của ĐMTMN, EVN SPC cho biết mức giá được tính là 9,35 UScents/kWh, nhân với tỉ giá VNĐ/USD theo từng thời điểm. Theo đó, trước ngày 1-1-2018, giá mua điện (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) là 2.086 đồng/kWh; từ ngày 1-1-2018 đến 31-12-2018 là 2.096 đồng/kWh; từ ngày 1-1-2019 đến 31-12-2019 là 2.134 đồng/kWh. Mức giá này cao hơn so với biểu giá điện bán lẻ hiện hành của ngành diện. Kể từ năm 2020 và các năm tiếp theo, giá mua điện được xác định theo từng năm và cũng được tính bằng 9,35 UScents/kWh nhân với tỉ giá VNĐ/USD như nói trên.
Để triển khai lắp đặt dự án ĐMTMN, EVN SPC đã ủy quyền cho các công ty điện lực ký kết và thực hiện hợp đồng mua bán điện (MBĐ) với chủ đầu tư có dự án đấu nối vào lưới điện thuộc phạm vi quản lý. Các công ty điện lực có trách nhiệm theo dõi, kiểm soát chặt chẽ công suất lắp đặt của các dự án ĐMTMN đấu nối vào lưới điện; thực hiện tư vấn cho chủ đầu tư lựa chọn lắp đặt tấm pin quang điện, bộ chuyển đổi điện một chiều thành xoay chiều (bộ inverter) thuộc dự án ĐMTMN có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có giấy chứng nhận xuất xưởng/chứng nhận chất lượng thiết bị của nhà sản xuất, thiết bị có hiệu suất, tuổi thọ và thời gian bảo hành cao để đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Thủ tục đăng ký như thế nào?
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, EVN SPC khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện dự án ĐMTMN. Trình tự vềthủ tục đăng ký, ký kết hợp đồng, mua bán điện do các công ty điện lực trực tiếp tư vấn, hướng dẫn cho chủ đầu tư.
Cụ thể, công ty điện lực phổ biến và hướng dẫn chủ đầu tư thủ tục đăng ký lắp đặt ĐMTMN để được khảo sát về khả năng đấu nối vào lưới điện của dự án nhằm bảo đảm bảo hiệu quả khi đầu tư dự án. Công ty điện lực tổ chức tiếp nhận đăng ký nhu cầu lắp đặt ĐMTMN qua Trung tâm CSKH bằng các hình thức: điện thoại, email, Zalo, chat box... Khi đăng ký, chủ đầu tư cần cung cấp thông tin ban đầu về địa điểm và công suất dự kiến lắp đặt, mã khách hàng sử dụng điện (nếu là khách hàng đang mua điện của EVN SPC) để tiện liên hệ và khảo sát đấu nối.
Việc ký kết hợp đồng mua, bán điện thực hiện theo quy định của Thông tư số 05/2019/TT-BCT của Bộ Công thương. Theo hợp đồng này, ngày vận hành thương mại (bán điện) được tính từ ngày hai bên ký biên bản chốt chỉ số công tơ thực hiện giao nhận điện năng của dự án. Công ty điện lực sẽ ghi chỉ số công tơ 1 lần/tháng, cùng với kỳ ghi chỉ số công tơ chiều mua điện từ lưới của chủ đầu tư để làm cơ sở thanh toán lượng điện bán của chủ đầu tư. Đối với chủ đầu tư là khách hàng sử dụng điện ghi chỉ số công tơ nhiều kỳ/tháng thì ghi chỉ số công tơ chiều bán điện lên lưới cùng với kỳ ghi chỉ số công tơ cuối cùng trong tháng. Về thanh toán tiền điện, công ty điện lực sẽ thanh toán (chuyển khoản) bằng VNĐ được xác định cho từng năm.
Theo lãnh đạo EVN SPC, thời gian qua, việc triển khai dự án ĐTMTMN gặp một số khó khăn là do thiếu văn bản hướng dẫn cụ thể. Do vậy, với hướng dẫn này của ESV SPC sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty điện lực cũng như chủ đầu tư trong việc lắp đặt, ký kết hợp đồng, hợp tác mua bán điện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét