L/T : Bài được dịch từ bài viết của tác giả David Brown - Asia Times
Khi Đào Văn Hưng bị thôi việc vào tháng trước sau năm năm làm chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhiều người xem việc ra đi của ông là bằng chứng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cuối cùng đã sẵn sàng thay đổi lĩnh vực năng lượng do nhà nước quản lý. Tình trạng luân phiên cúp điện là đặc điểm thường ngày tại Việt Nam và là trở ngại chính trong đầu tư nước ngoài vào các ngành sản xuất.
Hưng bị chính thức cho thôi việc vì “sai phạm trong quản lý” liên quan đến những thua lỗ nghiêm trọng trong một đầu tư xấu số nhằm xây dựng một hệ thống điện thoại di động dọc theo cột sống của mạng lưới điện quốc gia. Nhưng cũng như nhiều doanh nghiệp nhà nước trì trệ khác, EVN cũng đã là nạn nhân của việc chính phủ không thể quyết định rằng vai trò của tập đoàn nhà nước khổng lồ là gì trong quá trình chuyển đổi sang hệ thống kinh tế thị trường đang tăng trưởng nhanh chóng của đất nước.
Giá điện vẫn được chỉ định bởi chính phủ trong một nền kinh tế lai ghép giữa kế hoạch nhà nước và thị trường tự do của Việt Nam. Năm 2010, người tiêu thụ Việt Nam chỉ trả 1 phần 3 giá kilowatt giờ điện so với người tiêu thụ tại Thái Lan hoặc Malaysia. Tỉ giá thuế nhập khẩu thấp nhìn chung đã có lợi cho ổn định xã hội, ít nhất là cho đến khi nạn cúp điện trở thành kinh niên. Nhưng việc chính phủ kiểm soát lĩnh vực năng lượng đã là chướng ngại vật đối với những nhà đầu tư tiềm năng trong việc phát triển nguồn điện lực đang rất cần.
Hệ quả của việc định giá điện do trung ương quản lý là sự mất cân đối ngày càng rộng giữa nhu cầu tăng cao nhanh chóng và nguồn cung cấp trì trệ. Kế hoạch nhà nước lần thứ 6, được thông qua vào năm 2007, dự tính rằng nguồn cung sẽ tăng 17% mỗi năm để đáp ứng được tỉ lệ tăng trưởng GDP từ 8,5% đến 9% cho đến năm 2015. Theo kế hoạch này, cần phải có đến 95 nhà máy điện mới nhưng EVN có vẻ không sẵn sàng hoàn tất chúng một cách nhanh chóng.
Vì EVN được yêu cầu bán điện với giá khoảng 5 xu Mỹ kim một kilowatt giờ, công ty nhà nước này đã trì trệ trong việc cung cấp điện từ các nhà máy điện chạy bằng khí đốt hoặc than - nhưng lại không từ các nhà máy của chính mình hoặc từ vài nhà máy điện tư nhân đang hoạt động.
Cho đến khoảng năm 2006, EVN vẫn có dựa vào thuỷ điện giá rẻ, nhưng những giám đốc EVN từng được đào tạo tại Liên Xô đã thất vọng khi tiềm năng của những khu vực xây dựng các đập nước lớn hầu hết đã cạn kiệt. Các công ty điện lực của Trung Quốc nói chung có thể xây dựng những nhà máy nhiệt điện chạy than trong vòng 18 tháng, theo báo điện tử VietNamNet, trong lúc thời gian trung bình từ khi mua đất cho đến khi vận hành của EVN là năm năm.
Với đại hội Đảng Cộng sản đã yên ổn trôi qua, vào tháng Ba 2011 giới lãnh đạo chính quyền và đảng cuối cùng đã đồng ý tăng giá điện lên 15%. Chính quyền nói rằng hành động này bắt đầu cho nỗ lực nhằm tăng giá điện lên ngang tầm với giá sản xuất điện hiện tại và tương lai. Giá điện đã tăng thêm 5% vào tháng Mười hai năm ngoái.
Hiện tại, khi Hà Nội đang vật lộn với nạn lạm phát ở mức hàng chục, đang có dự đoán rằng chính quyền sẽ tăng giá điện thêm 10%, mặc dù vẫn chưa có xác định chính thức về hành động đang được trông đợi này.
Hai năm trước, chính quyền yêu cầu EVN phải bảo đảm với các nhà sản xuất điện tư nhân rằng họ sẽ có được lợi nhuận xứng đáng với những đầu tư vào các nhà máy điện mới. Khoảng chục những “nhà máy điện thương nhân” này hiện đang được xây dựng và tất cả đều chạy bằng than. Nhiều nhà máy khác được cho là đang trong giai đoạn thiết kế. Khi chúng từ từ vận hành, lượng điện được sản xuất sẽ dễ dàng cung cấp cho sự thiết hụt nhưng EVN sẽ phải trả một giá lớn cho mỗi kilowatt giờ này.
Các quan chức EVN đã lên tiếng đầy lạc quan rằng Việt Nam sẽ vượt qua được mùa khô năm nay mà không phải cúp điện diện rộng. Mặc dù hạn hán liên tục đã giảm thiểu nguồn cung từ các nhà máy thuỷ điện, sự đình trệ trong ngành xây dựng cũng đã giảm thiểu việc sản xuất xi măng và thép vốn tiêu tốn nhiều năng lượng xuống 14% trong mỗi năm. Họ cũng đã dự đoán rằng chiến dịch tiết kiệm điện được phát động lần đầu tiên sẽ cắt giảm nhu cầu điện chung ít nhất là 1%.
Tuy nhiên vẫn còn có những câu hỏi về sự kiên quyết của chính phủ trong việc cải cách EVN và Vinacomin, công ty than và khoáng sản khổng lồ của nhà nước. Các quan chức chính phủ nhấn mạnh rằng cả hai phải tuân theo kỷ luật thị trường, ngụ ý rằng họ nên cắt giảm lương bổng bằng cách loại bỏ nhân viên dư thừa và giới hạn mức lương vốn đang gấp đôi mức lương trung bình trong nước.
Trong những năm gần đây, Vinacomin muốn bán than chất lượng cao của mình ở giá thị trường cho các công ty thép của Trung Quốc và Nhật thay vì chuyển giao cho EVN với giá thấp do nhà nước chỉ định. Việc này sẽ được thay đổi khi EVN theo nguyên tắc phải mua than từ Vinacomin hoặc các nhà cung cấp nước ngoài với giá thị trường, bù lại EVN sẽ được phép đẩy giá thành sản xuất cao sang cho người tiêu dùng với giá điện đắt hơn.
Thiết kế điện hạt nhân
Tuy nhiên, đặt lĩnh vực điện lực của Việt Nam trên nền tảng kinh tế duy lý sẽ phải cần đến quyết tâm chính trị. Mặc dù chính quyền không cho phép việc chỉ trích những thất bại của lãnh đạo trung ương, công chúng Việt Nam vẫn hiểu rất rõ rằng các chính sách về năng lượng đã được soạn thảo và thì hành một cách yếu kém trong ít nhất là một thập niên qua.
Nhu cầu thay đổi được ủng hộ rộng rãi này giải thích tại sao ngay cả việc nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-i-chi của Nhật bị nóng chảy vì sóng thần vẫn không lay chuyển giải pháp xây dựng ngành kỹ nghệ điện hạt nhân của Việt Nam.
Trong khi thảm hoạ Fukushima đã dấy lên phong trào chống hạt nhân trên toàn thế giới, đặc biệt là tại Đông Á, tại Việt Nam được biết là chỉ có vài nhà khoa học đã lên tiếng lo ngại về kế hoạch của nhà nước trong việc xây dựng 10 nhà máy điện hạt nhân vào năm 2030. Được biết là các nhà báo và tổng biên tập trong nước đã bị cảnh báo không được đặt vấn đề về các nhà máy điện hạt nhân của nhà nước.
Lễ khởi công hai lò phản ứng đầu tiên sẽ được tổ chức vào năm 2014 tại Ninh Thuận, một tỉnh nghèo ở miền duyên hải nam trung bộ Việt Nam. Hai nhà máy này sẽ được xây dựng bởi một tổ hợp do tập đoàn điện hạt nhân nhà nước Nga là Rosatom dẫn đầu. Một tổ hợp gồm các công ty Nhật sẽ dẫn đầu việc xây dựng hai lò phản ứng thứ hai.
Thiết kế lò phản ứng hạt nhân hiện tại sẽ ít gây tai nạn hơn thiết kế “thế hệ hai” của Fukushima; đặc tiết, chúng được thiết kế để tự động ngưng hoạt động và tiếp tục ngưng mà không phải dựa trên nguồn điện từ bình hoặc từ nguồn điện bên ngoài. Các thiết kế mà các nhà dự thảo Việt Nam lựa chọn được giả định là sẽ có những đặc điểm an toàn thụ động tối tân này.
Những chỉ trích từ nước ngoài đối với các nhà máy điện hạt nhân Việt Nam, một số trong họ nói rằng nhu cầu điện ngày càng tăng của Việt Nam nên được đáp ứng bởi việc tăng cường phát triển kỹ thuật xanh, thì đa số là thiếu cơ sở.
Điện mặt trời, điện gió và điện sản xuất từ khác biệt nhiệt độ trong nước biển vẫn cần cả thập niên hoặc hơn nữa để có đóng góp quan trọng vào nguồn năng lượng hỗn hợp tại Việt Nam. Một ngoại lệ về kỹ thuật xanh là nước nóng từ năng lượng mặt trời: những bình hâm nước nóng gia đình, một công nghệ đơn giản với giá thành cực thấp và phù hợp với khu vực khí hậu mà nước không bao giờ bị đóng băng, hiện đang xuất hiện với số lượng lớn trên nóc nhà của các thành phố ở Việt Nam.
Những chỉ trích thuyết phục hơn đối với chương trình hạt nhân của Việt Nam nhắm vào văn hoá an toàn còn lạc hậu của đất nước, chất lượng xây dựng thường xuyên là thấp và thiếu quan tâm đến bảo trì cũng như việc thiếu vắng tính trách nhiệm vốn thường có trong một hệ thống mà chính phủ đóng vai vận hành lẫn giám định trong lĩnh vực hạt nhân.
Đầu tư vào kỹ nghệ tiết kiệm năng lượng cùng với những ưu đãi kinh tế đúng mức - ví dụ như trợ cấp cho việc giới thiệu những kỹ thuật được tài trợ từ nguồn tiền tăng giá trong sử dụng điện - có thể tạo một ảnh hưởng lớn đến tương lai về nhu cầu điện của Việt Nam. Một quan chức cao cấp trong bộ công nghiệp vừa qua đã ước lượng rằng ngành công nghiệp nặng, giao thông và xây dựng có thể tăng cường hiệu quả năng lượng từ 20% đến 30%.
Ngoại trừ nếu phát hiện được những túi dầu khổng lồ từ biển Đông (và với thoả thuận đa quốc gia về việc chia xẻ như thế nào), việc tăng cường khả năng cung cấp năng lượng cơ bản của Việt Nam trong vài thập niên tới phải đến từ những nhà máy nhiệt điện chạy than hoặc hạt nhân.
Mỗi lĩnh vực đều có những khó khăn: các nhà máy chạy than sẽ thải thêm khí carbon vào môi trường, trong khi bóng ma của khả năng xảy ra tai nạn nóng chảy sẽ lởn vỡn trong lựa chọn hạt nhân. Đây là một lựa chọn bất đắc dĩ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét