Ngoài ra, nhiều bất hợp lý khác về giá điện cũng được các chuyên gia phân tích tại hội thảo “Quản lý, điều hành giá điện theo cơ chế thị trường tại Việt Nam” do Học viện Tài chính, Bộ Tài chính tổ chức ngày 14-3.
Theo các nhà khoa học, cần tách nhỏ EVN để hạn chế độc quyền Ảnh: Hoàng Anh. |
Nhiều nghịch lý
Chuyên viên cao cấp Bộ Kế hoạch & Đầu tư, ông Vũ Xuân Thuyên khẳng định: Việc EVN lại đề nghị tăng giá trong khi thiếu vốn đầu tư và lỗ do kinh doanh ngoài ngành là vô lý. Việc vung vãi tiền đầu tư ngoài ngành của ngành điện là một trong những nguyên nhân dẫn đến giá điện tăng.
Ông dẫn chứng, năm 2006, Thủ tướng cho phép tăng giá điện và EVN có ngay 18.000 tỷ đồng, nhưng họ lại dùng số tiền này đầu tư các lĩnh vực khác chứ không đầu tư phát triển điện. Việc để thị trường điện độc quyền còn dẫn đến những hệ quả như: Nhóm lợi ích chính sách, dự án không thực hiện được, thiếu điện và phải tăng giá. Cần tách một số bộ phận khỏi EVN. Cụ thể, đường truyền tải điện phải để Nhà nước làm, việc phân phối điện cho người tiêu dùng phải đấu thầu cạnh tranh. Tại các thành phố lớn cần lập các công ty cổ phần phân phối điện bán điện cạnh tranh đến người tiêu dùng.
Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Thị Hiền cho rằng, lâu nay dư luận thường nhấn mạnh đến cơ chế “trợ cấp” cho các hộ nghèo mà ít chú ý đến tình trạng bao cấp rất lớn cho một số ngành sản xuất tiêu thụ nhiều điện như sản xuất thép, xi măng.
Thống kê cho thấy, hằng năm EVN phải dành 3,5 tỷ kWh cấp cho các dự án gang thép và phải đầu tư khoảng 35.500 tỷ đồng cho hệ thống dây dẫn, máy biến áp, nguồn điện. Trong khi đó, các dự án thép mới hoạt động 50% công suất. Ngay như điện cho sinh hoạt của mấy triệu dân thành phố Hải Phòng chỉ khoảng 3,2 triệu kWh/ngày, trong khi nhu cầu điện của 8 nhà máy lớn tại đây (trong đó có 6 nhà máy thép) đã lên tới hơn 4 triệu kWh/ngày.
Theo TS Hiền, dù dùng lượng điện lớn nhưng giá bán điện cho sản xuất thép lại quá thấp, ở mức 909,28 đ/ kWh (xấp xỉ 4,7 cent), trong khi giá bán điện cho công nghiệp, trong đó có thép, của Thái Lan là 8,12 cent, Singapore 14,1 cent, Indonesia 6,7 cent. Vì vậy, trong năm qua, Nhà nước đã phải “bù chéo” 2.547 tỷ đồng cho xuất khẩu thép và xi măng, trong đó có cả nhà đầu tư nước ngoài. “Nên có bảng giá điện phù hợp cho từng khu dân cư, từng đối tượng, không để người dân phải gánh mức giá mà ngành điện bù cho ngành sản xuất. Việc bù chéo hiện nay là vô lý, các ngành này sản xuất và còn xuất khẩu ra nước ngoài nữa thì vì sao lại được hưởng giá thấp”- Bà nói.
Tiến Sỹ Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng, việc giá điện chỉ tăng mà không xuống, một phần do độc quyền. Ngoài ra, kinh doanh thua lỗ trong các dự án đầu tư ra ngoài ngành, chi lương quá cao không gắn với hiệu quả sản xuất, tỷ lệ thất thoát điện cao khiến lần tăng giá nào cũng không nhận được sự đồng thuận của dư luận xã hội.
Tuyển người giỏi làm lãnh đạo EVN
Dẫn chứng khá chi tiết về việc người dân đang phải chịu nhiều gánh nặng hơn từ tăng giá điện, ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đưa ra con số tính toán cho thấy nếu dùng trên 100 kWh/tháng, số tiền người dân phải trả so với trước đây tăng trên 13%. Nếu dùng từ 200 kWh/tháng trở lên thì tiền điện phải trả cao hơn 23,5% so với trước đây. “Đây là gánh nặng với người tiêu dùng. Tôi đang cầm trên tay đơn của một người tiêu dùng ở Hà Nội kêu về những gánh nặng mà người dân phải gánh chịu do giá điện tăng”- Ông nói.
Theo TS Nguyễn Minh Phong, Viện nghiên cứu kinh tế- Xã hội Hà Nội, nghịch lý lớn nhất của thị trường điện là giá bán chỉ có lên chưa bao giờ xuống, ngược hẳn với thị trường viễn thông. Để giải quyết việc này, cần tập trung vào trách nhiệm giải trình của EVN với cung ứng điện. “Thị trường ngược vì chưa có cạnh tranh thực sự nhưng đã giao giá thị trường. Đừng lấy việc dọa thiếu điện để biến lợi ích xã hội thành con tin nhằm tăng giá điện. Nên thực hiện thi tuyển cán bộ lãnh đạo EVN, ai không làm được cách chức. Cách này mới thoát được việc dọa tăng giá”- Ông Phong đề xuất.
Là đại diện duy nhất của Bộ Công Thương tham dự cuộc hội thảo, ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực xác nhận, giá điện được quan tâm cũng là điều tất yếu. Nhưng cũng phải hiểu với giá bán hiện nay, ngành điện bị lỗ 120 đồng/kWh. Riêng về giá điện năm ngoái EVN bị lỗ trên 10.000 tỷ đồng.
Ông cho biết, hiện giá điện các nhà máy rất khác nhau: Nhà máy thủy điện trung bình từ 700-900 đồng/kWh, thủy điện đa mục tiêu như ở miền Trung cũng phải 1.200 đồng/kWh. Như ở Philippines một tháng một lần thay đổi giá điện, còn Trung Quốc 6 tháng một lần thay đổi giá theo thông số đầu vào. Như Hàn Quốc giá điện hiện nay là 14 cent/kWh nên họ có nguồn tiền rất lớn để đầu tư cho truyền tải. Hệ thống lưới điện của họ cũng chỉ phải truyền tải 40% công suất, trong khi lưới điện của ta thì luôn bị quá tải.
“Riêng khoản lỗ hơn 1.000 tỷ đồng do kinh doanh của EVN Telecom là khoản lỗ do đầu tư ngoài ngành. Các khoản lỗ không phải do đầu tư vào điện thì EVN sẽ không được thu hồi thông qua giá điện. Còn xử lý như thế nào thì phải tùy thuộc vào chỉ đạo của Chính phủ, yêu cầu EVN xử lý. Không bao giờ cho phép lỗ của các ngành nghề khác được đưa vào giá điện”- Ông Cường khẳng định.
Bộ ngành, EVN thờ ơ Theo PGS.TS Hoàng Trần Hậu, Phó giám đốc Học viện Tài chính, hội thảo này được chuẩn bị từ năm 2011. Giá điện là vấn đề luôn được dư luận quan tâm, nhưng rất tiếc là hội thảo khoa học hôm nay không có nhiều đại diện của các bộ ngành và ý kiến của các doanh nghiệp ngành điện dù chúng tôi đã mời các đơn vị tham dự. Sự im lặng của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) và các cơ quan quản lý về giá điện phần nào cho thấy có sự tế nhị và hết sức nhạy cảm trong việc phân tích, đánh giá, điều hành giá điện. |
Phạm Tuyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét