Thứ Năm, 27 tháng 6, 2019

Gia Lai : Tuyên truyền và vận động người dân lắp điện năng lượng mặt trời trên mái nhà

Trong bối cảnh các nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiệt, nhu cầu sử dụng năng lượng điện của người dân tăng cao, mô hình điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà đang là giải pháp hữu hiệu để tiết kiệm chi phí cho người dân, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia.


Chú thích ảnh
Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, Gia Lai có số giờ nắng trung bình từ 1.900 – 2.200 giờ/năm, cá biệt có địa phương đạt gần 2.500 giờ/ năm với mức bức xạ nhiệt trên 5 kWh/m2, là điều kiện rất thuận lợi để khai thác nguồn tài nguyên vô tận này.
Ngoài những ưu điểm thân thiện với môi trường, không gây ra tiếng ồn, khâu thi công cũng rất thuận lợi, chỉ cần tận dụng không gian mái nhà là có thể lắp đặt được các tấm pin mặt trời. Ước tính, mỗi gia đình chỉ cần sử dụng diện tích 50m2 mái nhà là có thể lắp đặt được hệ thống pin sản sinh ra công suất gần 10 kWp, đáp ứng đủ nhu cầu điện sử dụng trong gia đình.  

Chú thích ảnh
Ông Lê Tuấn Thành ở tổ 5, phường Ia Kring, thành phố Pleiku cho hay: Những năm trước khi chưa lắp đặt hệ thống điện mặt trời, gia đình ông phải trả chi phí sử dụng điện trung bình từ 800 nghìn đên 1 triệu đồng/tháng. Sau khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, chi phí giảm chỉ còn chưa tới 100 nghìn đồng/tháng. 
Tùy nhu cầu sử dụng, các hộ dân có thể lựa chọn lắp đặt hệ thống điện mặt trời có công suất lớn hoặc nhỏ. Sau khi hoàn thành và đi vào vận hành, Điện lực Gia Lai sẽ lắp đặt miễn phí công tơ 2 chiều để hòa lưới điện quốc gia. Lúc này phụ tải điện gia đình sẽ được cấp bởi cả 2 nguồn điện song song và ưu tiên sử dụng điện mặt trời, chỉ khi điện mặt trời không sản sinh đủ lượng điện thì phụ tải mới nhận điện từ lưới điện. Ngược lại, khi nguồn năng lượng điện mặt trời thừa sẽ được phát lên lưới điện bán cho ngành điện với giá hơn 9 Cent/kWh (tương đương với 2.100 đồng/kWh). 

Chú thích ảnh
Chia sẻ về hiệu quả của điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà, anh Trần Bá Lượng ở thị xã Ayun Pa cho biết, gia đình tôi bắt đầu lắp đặt hệ thống điện mặt trời từ năm 2018 và tiếp tục nâng công suất vào đầu năm 2019 lên 20 kWp. Từ khi có hệ thống này, chi phí sử dụng điện của gia đình tôi không những giảm đáng kể, mà còn dư nguồn điện để bán cho Nhà nước mỗi tháng khoảng 5,5 triệu đồng. 
Theo ông Trần Đăng Tiến, Phó Giám đốc Điện lực thị xã Ayun Pa, hiện địa phương đã có 11 hộ dân lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời với công suất 200 kWp. Thống kê cho thấy, ngoài số tiền được giảm trừ trên hóa đơn thanh toán, các khách hàng còn bán điện ngược lại cho ngành điện trên 23.000 kWh. Dự kiến trong thời gian tới, sẽ có 16 hộ dân tiếp tục đăng ký lắp đặt với công suất 360 kWp. 
Tỉnh Gia Lai hiện đã có hơn 90 khách hàng sử dụng điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà với tổng công suất gần 2 MWp. Ngoài ra, ngành điện Gia Lai cũng đã hoàn thành lắp đặt hệ thống điện mặt trời cho tất các các văn phòng, công suất 800kWp để phục vụ hoạt động của đơn vị. Lượng điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà sản xuất ra đã phần nào tiết kiệm chi phí và hỗ trợ đắc lực trong những thời điểm cao điểm sử dụng điện.
Ông Lê Quang Trường, Phó Giám đốc Công ty điện lực Gia Lai cho biết: Thông qua trung tâm chăm sóc khách hàng, các hội nghị, mạng xã hội và trang web của đơn vị, điện lực Gia Lai đã đẩy mạnh tuyên truyền và khuyến khích người dân sử dụng năng lượng điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà để tiết kiệm chi phí và hỗ trợ đảm bảo an ninh năng lượng điện cho ngành điện.
Ngoài ra, để hỗ trợ cho khách hàng, Công ty điện lực Gia Lai tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc thỏa thuận đấu nối, ký hợp đồng mua bán điện, nghiệm thu, thí nghiệm và lắp công tơ miễn phí cho khách hàng. Với những chính sách cụ thể, hy vọng rằng điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà sẽ phát triển hiệu quả hơn trong thời gian đến.
Là địa phương có tiềm năng, lợi thế để khai thác năng lượng điện mặt trời, tỉnh Gia Lai đã đồng ý cho quy hoạch và khảo sát 17 dự án. Hiện đã có một dự án công suất 49 MW đi vào hoạt động, 2 dự án còn lại sẽ hoàn thành trong năm nay. Việc định hướng phát triển năng lượng tái tạo, bền vững, thân thiện với môi trường gắn với thế mạnh của địa phương là hướng đi phù hợp, tối ưu hiệu quả kinh tế cho người dân và xã hội./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét