Thứ Ba, 4 tháng 6, 2019

Phát triển điện mặt trời : thuận lợi và thách thức!


Hệ thống điện của Việt Nam hiện xếp thứ hai khu vực Đông Nam Á và xếp thứ 23 trên thế giới về công suất toàn hệ thống, đạt gần 50 nghìn MW. Trong đó, tính riêng về điện mặt trời, Việt Nam đã có 88 dự án với tổng công suất 3000 MW. Nhưng con số này chỉ là muối bỏ bể so với nhu cầu ngành năng lượng Việt Nam và câu chuyện điện mặt trời vẫn nhiều vấn đề trước mắt.





Nhiều dự án "nhất Đông Nam Á" nhưng không thể soán ngôi nhiệt điện, thủy điện





Ngày 27/4, tại Ninh Thuận, Tập đoàn BIM Group chính thức khánh thành cụm ba nhà máy điện mặt trời và hòa lưới điện quốc gia với công suất 330 MW.





Dự án do Công ty CP Năng lượng Tái tạo BIM Energy - thương hiệu thuộc BIM Group hợp tác với AC Energy thuộc Ayala - một trong những tập đoàn lớn nhất Philppines. Được biết, liên doanh BIM - AC Renewables đang tập trung phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận.





Dự kiến đến năm 2022, tổng công suất cung cấp năng lượng sạch từ BIM Energy sẽ đạt tổng quy mô 1.000MW điện mặt trời và điện gió.





Theo sau tổ hợp điện mặt trời của BIM là một nhà máy khác với công suất lên đến 420 MW đang được xây dựng tại hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh). Tham gia vào dự án trị giá hơn 400 triệu USD này là Công ty Cổ phần năng lượng Dầu Tiếng Tây Ninh, Công ty Sinohydro Corporation Limited và Tập đoàn Powerchina Huadong Engineering Corporation Limited. Cả hai công ty liên doanh phía đối tác đều là công ty con của PowerChina Group.





Dự án điện mặt trời này nếu hoàn thành sẽ soán ngôi dự án của BIM, có quy mô lớn nhất Đông Nam Á tính đến thời điểm hiện tại.





Cơn sốt về điện mặt trời đang lan rộng khắp Việt Nam, đặc biệt là 25 tỉnh thành có thế mạnh về bức xạ mặt trời. Hàng trăm dự án lớn nhỏ hứa hẹn sẽ cung cấp hàng nghìn MW vào lưới điện quốc gia. Bên cạnh đó hàng nghìn hộ gia đình cũng bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với tổng công suất hàng trăm MW điện.





Tuy nhiên, khi nhìn lại vị trí của điện mặt trời trong tổng thể quy hoạch phát triển năng lượng Việt Nam, thì mảng năng lượng này hoàn toàn chưa thay thế được nhiệt điện hay thủy điện.





Trong năm 2019, mặc dù chỉ có 2 nguồn điện quy mô lớn hoàn thành là Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng (688 MW) và Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng (600 MW) nhưng tổng công suất tăng thêm dễ ước đoán là gần 1.300 MW, còn lại điện mặt trời chỉ đóng góp khoảng 1.700 MW.





Trong vài năm sắp tới, nhiều dự án nhiệt điện lớn cũng sắp hoàn thành dù chậm tiến độ như Nhiệt điện Công Thanh (600 MW), Nhiệt điện Hải Dương (600 MW), Nhiệt điện Cẩm Phả 3 (2x220 MW)...





Đó là chưa kể sự hao hụt của quá trình sản xuất điện mặt trời. Điển hình vào giữa tháng 5, công suất thiết kế của 27 nhà máy điện mặt trời là gần 1.500 MW, nhưng công suất phát thực tế là 1.200 MW và sản lượng điện thu về chỉ 600 triệu kWh, bằng 1/4 sản lượng điện của một nhà máy điện than ở Vĩnh Tân hay Duyên Hải.





Bỏ qua các tranh cãi về giá điện tăng cao, xu hướng điện mặt trời vẫn là câu chuyện đường buồn anh đi bao giờ cho tới - Ảnh 1.




Một dự án điện mặt trời ở Nhật Bản





Mua điện giá thấp ở vùng bức xạ cao





Nguồn cung điện mặt trời thấp, không ổn định và sau tháng 6/2019, cơ chế giá điện mặt trời mới quy định mức giá mua thấp hơn rất nhiều so với hiện nay.





Cụ thể, Bộ Công Thương phân ra 4 vùng bức xạ trên cả nước. Đáng chú ý, vùng có bức xạ mặt trời cao có mức giá bán điện thấp hơn các vùng có bức xạ mặt trời thấp.





Cụ thể, Vùng 4 (6 tỉnh, gồm: Phú Yên, Gia Lai, Đăk Lăk, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) có giá mua điện rẻ nhất đối với loại hình dự án điện mặt trời mặt đất, ở mức giá 1.525 đồng/kWh (tương đương 6,67 US Cent/kWh). Mức giá này thấp hơn rất nhiều so với mức giá hiện nay (2.086 đồng/kWh)





Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức - GIZ và Viện Năng lượng vẫn khẳng định chính sách giá thấp với vùng bức xạ cao là đúng và công bằng theo tập quán thế giới, tạo sự phát triển cân bằng giữa các vùng.





Tuy nhiện, việc duy trì giá điện thấp dễ dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp đổ xô vào Bình Thuận và Ninh Thuận đăng ký phát triển điện mặt trời, tạo ra rủi ro liên quan đến chiếm dụng đất, nâng giá đất, mất cân đối về nguồn và phụ tải điện tại chỗ...





Đừng tưởng điện mặt trời thân thiện 100% với môi trường





Theo quy hoạch năng lượng Việt Nam cho đến năm 2030,  các ngành năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, điện gió, điện sinh khối sẽ vươn lên chiếm tỉ trọng 30%. Tuy nhiên, đằng sau việc phát triển điện mặt trời là câu chuyện khiến nhiều quốc gia phải đau đầu.





Ra đời từ năm 1946, pin năng lượng mặt trời đã trở thành một trong những phát minh quan trọng nhất trong nền công nghiệp năng lượng. Ngoài là một nguồn năng lượng tái tạo với tiềm năng thay thế hoàn toàn các loại năng lượng hóa thạch truyền thống, năng lượng mặt trời có nhiều ưu thế như có thể được tiếp nhận và sử dụng ở mọi nơi; việc vận chuyển, lắp đặt và vận hành các bản pin không phát thải các loại khí độc hại; không gây tiếng ồn; chi phí bảo trì rất thấp…





Nhưng rủi ro gây hại cho môi trường của pin năng lượng mặt trời lại nằm trong quá trình sản xuất chúng. Khi sản xuất pin, nguyên liệu ban đầu là thạch anh được nhiệt luyện để tinh chế thành silicon nguyên chất. Qúa trình này thải ra các khí độc và chất hóa học gây axit hóa đất đai, nguồn nước.





Không chỉ các kim loại nặng độc hại, quá trình sản xuất các tấm quang điện còn cần đến một lượng lớn nước và điện – những thứ hiển nhiên được lấy từ các nhà máy dùng nhiên liệu hóa thạch.





Một quốc gia đang hứng chịu thảm họa từ điện mặt trời là Trung Quốc. Đến năm 2017, Trung Quốc sở hữu hệ thống nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới, với tổng công suất lên tới gần 80 GW vào năm 2016, gần gấp đôi so với Mỹ.





Trong khi các tấm pin mặt trời có tuổi thọ chỉ 20-30 năm, Trung Quốc lại chưa có kế hoạch "nghỉ hưu" dành cho chúng. Nếu không có kế hoạch xử lý các tấm pin này, Trung Quốc phải đối mặt với thảm họa môi trường khủng khiếp trong chưa đầy 15 năm tới. Các tấm pin sẽ tạo ra những vùng công nghiệp chết chóc và hoang phế vì ô nhiễm như những gì xảy ra ở một số khu vực thuộc châu Âu và Bắc Mỹ vào cuối thế kỷ XIX.





Các nhà máy điện mặt trời của Trung Quốc đa phần được đặt tại những vùng hẻo lánh như Gobi ở Mông Cổ, trong khi các công ty tái chế chủ yếu nằm dọc vùng duyên hải. Điều này gây ra khó khăn rất lớn để vận chuyển pin đi tái chế.





Bài học của Trung Quốc trong việc thiết kế, vận hành, kiểm soát hệ thống năng lượng mặt trời rất có giá trị tham khảo đối với các nước đang phát triển.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét