Là tỉnh có tổng số giờ nắng trung bình cao nhất cả nước, tiềm năng về điện năng lượng mặt trời rất lớn nhưng người dân Ninh Thuận vẫn còn rất ít người quan tâm đến việc lắp đặt điện mặt trời hòa lưới trên mái nhà.
Lợi nhiều bề
Với lượng bức xạ thực tế hàng năm là 161,6 kcal/cm2, trung bình ngày tương đương với 5,221 kWh/m2, Ninh Thuận được xem là địa phương có lợi thế nhất trong việc phát triển điện năng lượng mặt trời. Tỉnh này cũng chọn điện mặt trời là ngành chủ lực với việc triển khai hàng loạt nhà máy sản xuất điện mặt trời công suất lớn. Gần đây, khi ngành điện triển khai mua điện mặt trời từ các hộ nhỏ lẻ, điện mặt trời áp mái cũng bắt đầu phát triển tại địa phương này.
Ông Trương Ngọc Vũ (ngụ phường Bảo An, TP Phan Rang – Tháp Chàm) là một trong những khách hàng vừa được thanh toán tiền điện mà ông bán cho ngành điện từ hệ thống điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà mình.
Ông Vũ cho biết: “Tôi lắp đặt điện mặt trời mái nhà với công suất 5kWp từ tháng 10/2018. Đến tháng 5/2019 thì đã được Điện lực Ninh Thuận thanh toán tiền điện dư được tải lên lưới là hơn 6,6 triệu đồng”.
Nhà ông Đỗ Văn Hẹ (ngụ phường Đô Vinh, TP Phan Rang – Tháp Chàm) kinh doanh tạp hóa, mỗi tháng trả tiền điện khoảng 8 triệu đồng. Sau khi tìm hiểu, ông quyết định lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái với công suất 6 kWp.
Ông Hẹ vui vẻ cho biết: “Ở đây nắng nhiều nên lắp điện mặt trời rất có lợi. Hệ thống điện mặt trời vận hành ổn định và kinh tế. Mình đầu tư một lần mà sử dụng được trong một thời gian dài thì sẽ kinh tế hơn là đóng tiền hàng tháng”.
Ông Nguyyễn Đức Thành (ngụ phường Phước Mỹ, TP Phan Rang – Tháp Chàm) cũng vừa lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái với công suất 3kWp.
Ông cho biết: “Mình tận dụng mái nhà để lắp đặt nên không tốn thêm diện tích, mà nó còn giúp nhà mình mát hơn. Mình vừa giảm được tiền điện hàng tháng nhờ dùng điện mặt trời và mà còn bán được sản lượng điện dư cho ngành điện. Tôi còn theo dõi được chỉ số sản lượng điện thông qua ứng dụng trên điện thoại. Tôi thấy rất là tiện!”.
Theo Công ty Điện lực Ninh Thuận, việc đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái không cần nhiều vốn, lắp đặt nhanh, không tốn diện tích đất và tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ (lắp đặt miễn phí công tơ đo đếm 2 chiều) nhằm khuyến khích về phát triển điện năng lượng mặt trời. Do đó, trong thời gian qua đã có nhiều hộ dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước tham gia lắp đặt hệ thống này.
Vẫn ít người quan tâm
Dù tiềm năng rất lớn nhưng dựa vào các con số thống kê hiện tại có thể thấy các hộ gia đình vẫn còn ít quan tâm đến điện mặt trời. Theo thống kê đến ngày 10/6 của Điện lực Ninh Thuận, toàn tỉnh mới có 86 khách hàng lắp đặt điện mặt trời áp mái với tổng công suất lắp đặt là gần 4.000kWp, sản lượng phát lên lưới (điện dư sau khi các hộ dân đã sử dụng) là hơn 296.000kWh.
So với cùng kỳ tháng 4/2019 thì con số khách hàng lắp đặt điện mặt trời áp mái đã tăng gấp đôi. Tuy nhiên, số lượng tăng mỗi tháng hơn 20 khách hàng là không cao.
Ông Nguyễn Đức Hà – nhân viên phụ trách tư vấn hỗ trợ lắp đặt điện mặt trời áp mái của Điện lực Ninh Thuận. chia sẻ: Nhiều hộ dân được tư vấn còn lưỡng lự, chưa muốn lắp đặt vì với họ thì khoản kinh phí đầu tư ban đầu còn khá cao. Ngoài ra, vì chưa biết hiệu quả như thế nào, sử dụng điện mặt trời thì nguồn điện có ổn định hay không nên các hộ dân còn tâm lý “nhìn nhau”, hàng xóm lắp trước thì họ mới lắp”.
“Nhiều hộ thì còn nghĩ lắp điện mặt trời rồi mà chỉ sử dụng được ban ngày khi có nắng, còn ban đêm vẫn dùng điện lưới nên họ chưa muốn lắp. Hơn nữa, nhiều gia đình còn chưa tin là điện lực sẽ trả tiền điện cho họ nên còn lưỡng lự”, ông Hà cho biết thêm.
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Tiên – Phó giám đốc Công ty Điện lực Ninh Thuận, khẳng định: “Công ty sẽ lắp đặt miễn phí công tơ hai chiều, ký hợp đồng mua sản lượng điện dư từ điện mặt trời mái nhà của khách hàng trong thời hạn 20 năm. Giá chúng tôi thu mua là 9,35 Uscents/kWh và được quy đổi thành tiền đồng theo tỷ giá hàng năm đúng quy định của nhà nước”.
“Giá mua điện này áp dụng cho các dự án đóng điện vận hành thương mại trước ngày 1/7/2019. Sau thời gian trên nhà nước sẽ có hướng dẫn về chính sách mua điện mặt trời tiếp theo”, ông Tiên nói thêm.
Ông Nguyễn Hữu Tiên cũng khuyến cáo người dân: “Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại pin quang điện với giá cả khác nhau, dẫn đến chất lượng cũng khác nhau. Vì vậy, người dân nên chọn các nhà cung cấp sản phẩm có uy tín trên thị trường và đảm bảo cam kết bảo hành trong quá trình sử dụng”.
“Nên chọn Pin mặt trời của các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Jinko Solar, JA Solar, Canadian Solar… Lựa chọn công suất phù hợp với tấm pin đảm bảo độ bền và có hiệu suất cao nhất. Trước khi lắp đặt nên tham khảo kinh nghiệm từ người thân quen đã lắp đặt để lựa chọn cho phù hợp”, ông Tiên đưa ra lời khuyên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét