Theo ông Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, để giải quyết vấn đề quá tải lưới điện, trước mắt cần thương lượng để ưu tiên cho các dự án điện mặt trời, còn các nguồn khác (như thủy điện) có thể phát thấp đi.
Điện mặt trời đang khiến lưới truyền tải bị quá tải
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến cuối tháng 6/2019, cả nước có 89 nhà máy điện gió và điện mặt trời với tổng công suất đặt 4.543,8 MW. Riêng hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đã có 38 nhà máy điện gió, điện mặt trời với tổng công suất đặt 2.027 MW. Dự kiến, đến tháng 12/2020, công suất điện gió và điện mặt trời ở 2 tỉnh này sẽ tăng lên 4.240 MW.
Sự phát triển nhanh chóng của điện mặt trời và điện gió đã khiến lưới điện tại hai địa phương trên bị quá tải. Các đường dây quá tải có thể kể đến như: đường dây 110 kV Tháp Chàm-Hậu Sanh-Tuy Phong-Phan Rí mức mang tải lên tới 260-360%; đường dây 110 kV Phan Rí-Sông Bình-Đại Ninh mang tải 140%; đường dây 110 kV Đa Nhim-Đơn Dương mang tải 123%; trạm biến áp 550 kV Di Linh mang tải 140%; trạm biến áp 220 kV Đức Trọng-Di Linh mang tải 110 %…
Mức mang tải này được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
Việc lưới truyền tải bị quá tải đã buộc cơ quan điều độ hệ thống điện phải cắt giảm công suất phát điện của các nhà máy điện gió và mặt trời để đảm bảo an toàn lưới. Tuy nhiên điều này lại gây nên phản ứng của các nhà đầu tư.
Phát triển hệ thống lưới truyền tải đang là vấn đề cấp bách đối với ngành điện trước sự bùng nổ của điện gió và điện mặt trời. VietnamFinance đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, về vấn đề này.
– Việc đầu tư hệ thống truyền tải là lĩnh vực độc quyền của nhà nước. Nhiều ý kiến cho rằng cần có cơ chế cho tư nhân tham gia xây dựng lưới điện truyền tải, ông có đồng tình?
Ông Trần Đình Long: Theo Luật Điện lực, hệ thống truyền tải là lĩnh vực độc quyền của nhà nước. Việc này không chỉ riêng ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng vậy vì liên quan đến an ninh quốc gia. Muốn cho tư nhân tham gia thì phải sửa luật.
Tuy nhiên cũng có một cách để tư nhân tham gia một cách hợp pháp là cho tư nhân xây dựng đường dây từ nhà máy điện đến điểm đấu nối (vị trí đấu nối do EVN quyết định). Đường dây này chỉ tải công suất nhà máy của tư nhân xây dựng thôi. Tôi nghĩ nếu tư nhân có vốn thì họ vẫn được làm.
– Một số ý kiến nêu cơ chế cho tư nhân tham gia vào xây dựng truyền tải điện là nhà đầu tư xây rồi giao lại cho EVN quản lý. Chi phí xây hệ thống truyền tải được tính vào giá thành xây dựng dự án nguồn điện. Ông thấy sao?
Đây là cơ chế BT, chi phí xây dựng được trả dần trong quá trình vận hành. Cái này tôi nghĩ nhà đầu tư có thể thảo luận với EVN. Tôi thấy cơ chế đó cũng hợp lý với điều kiện nhà đầu tư chỉ xây dựng còn vận hành, quản lý là thuộc EVN.
– Theo ông, nếu cho tư nhân tham gia xây dựng lưới truyền tải thì tiến độ dự án có nhanh hơn so với doanh nghiệp nhà nước làm?
Khâu chậm nhất trong các dự án này là giải tỏa mặt bằng chứ không phải xây dựng. Rất nhiều công trình bị chậm vì khâu giải tỏa bị chậm. Nếu tư nhân làm thì tôi nghĩ tiến độ cũng không nhanh hơn được vì họ cũng phải tuân theo quy chế của nhà nước về bồi thường, giải tỏa. Nhà đầu tư tư nhân không đền bù cao để giải tỏa mặt bằng nhanh được.
– Ông có gợi ý nào về hướng giải quyết cho vấn đề quá tải lưới điện hiện nay?
Tôi cho rằng cần phải làm việc với EVN, bên chỗ điều độ, anh có thể thương lượng vào giờ điện mặt trời có công suất cao (từ 8h sáng đến 4h chiều) thì ưu tiên cho các nhà máy điện mặt trời. Các nguồn điện khác, như thủy điện, thì phát thấp đi, tích nước lại rồi phát bù sau.
Nếu thương lượng tốt thì điều này có thể thu xếp được, tránh được quá tải. Tôi nghĩ là nên ưu tiên vì nhà máy thì xây rồi, mặt trời ngày nào cũng chiếu, nhà đầu tư cũng đã cố gắng hoàn thành trước 30/6 nên cần có chính sách chiếu cố các dự án này.
– Nguyên nhân của việc quá tải hiện nay suy cho cùng xuất phát từ việc có quá nhiều dự án được phê duyệt dẫn đến vỡ quy hoạch, ông có bình luận gì?
Mức giá 9,35 cent là khá cao, vì vậy mà nhà đầu tư đua nhau xây dựng nhà máy. Hơn nữa việc xây dựng nhà máy còn mang tính tập trung hóa rất cao, đa phần nhà máy nằm ở vùng Nam Trung Bộ, do đó dẫn đến tình trạng quá tải cục bộ. Cái này thì chắc sau này rút kinh nghiệm thôi.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét