22 chủ đầu tư các nhà máy điện mặt trời và 2 dự án điện gió đã nhận được thông báo phân bổ công suất các nhà máy điện nhằm tránh quá tải lưới, với khả năng giảm phát lên tới gần 65% công suất từ ngày 28/6/2019 đến ngày 1/7/2019.
Thông báo này được Trung tâm điều độ Hệ thống điện miền Nam (A2) gửi tới các doanh nghiệp liên quan ngày 27/6/2019 sau khi đã tính toán chế độ vận hành bình thường vào các giờ cao điểm, khi các nhà máy điện mặt trời, điện gió khu vực tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và An Giang phát công suất cao thì gây quá tải lưới điện khu vực liên quan.
Vì vậy, nhằm đảm bảo vận hành hệ thống điện miền Nam an toàn, ổn định, góp phần duy trì sự phát điện ổn định, trong khả năng truyền tải lưới điện, hạn chế những sự cố có thể xẩy ra do việc vận hành quá tải lưới điện, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) và A2 đã phối hợp tính toán và ban hành bảng phân bổ công suất phát các nhà máy điện trong các giờ cao điểm để các doanh nghiệp sản xuất điện tuân thủ.
Đơn cử như đường dây 110 kV Eco Seido – Phan Rí khi tính toán 8 nhà máy nối vào đây có công suất khả dụng là 228,43 MW thì có thể chỉ phát được tối đa 98,4 MW. Như vậy, 1 số nhà máy như Vĩnh Hảo 4, Vĩnh Hảo 6, Vĩnh Hảo có thể bị giảm tải lên tới 61% và chỉ còn phát ở mức 11-15 MW/nhà máy.
Còn tại đường dây 110 kV Ninh Thuận 1 – Tháp Chàm đang hiện hữu 1 loạt nhà máy với tổng công suất khả dụng lf 387,6 MW thì có thể chỉ huy động được 137,6 MW, còn lại là không thể huy động được.
Như vậy những nhà máy như BIM, Phước Hữu Điện lực 1, Gelex, Thuận Nam 19, Phước Hữu hay Ninh Phước 1&2 đang nối vào đường dây này có thể phải giảm phát tới 64,5%. Nghĩa là có thể chỉ được huy động dưới 20 MW, thậm chí có nhà máy BIM được huy động chưa đến 10 MW.
Một số đường dây khác như 110 kV Phan Lâm – Đại Ninh hay 110 kV Châu Đốc 2 – Tịnh Biên cũng bị nhiều nhà máy cùng đấu nối vào hơn khả năng truyền tải của đường dây, dẫn tới có thể phải sa thải nếu cùng đồng thời phát cao.
A2 cũng cho hay, việc phân bổ công suất này được tính toán trên cơ sở các nhà máy điện cùng phát được công suất đồng thời. Trong vận hành thời gian thực, điều độ viên của A2/A0 cũng sẽ tuỳ tình hình để thay đổi công suất phân bổ các nhà máy điện, tuỳ thuộc vào tình hình mang tải thực tế của các thiết bị điện.
“Bảng phân bố được tính toán trên giả thiết các nhà máy điện đều phát điện đồng thời được công suất đặt hoạc phát tối đa theo công suất phát đăng ký thử nghiệm nên mới gây quá tải đường dây liên quan, dẫn tới suy giảm nguồn với tỷ lệ lớn. Tuy nhiên, thực tế thì không thể xẩy ra được trường hợp như trên nên trong thời gian thực thì hệ thống sẽ tự động điều chỉnh công suất phát của các nhà máy cao hơn so với tính toán phân bổ”, thông báo của A2 cũng cho biết thêm.
24 chủ đầu tư được yêu cầu giảm phát điện do quá tải đường dây
STT | Tên chủ đầu tư |
1 | CTCP xây dựng Vịnh Nha Trang |
2 | CTCP BP Solar |
3 | CTCP Đầu tư điện Phước Hữu |
4 | CTCP Năng lượng tái tạo BIM |
5 | CTCP Năng lượng tái tạo và Nông nghiệp Ninh thuận |
6 | CT TNHH Điện gió Mũi Dinh |
7 | CTCP Tasco năng lượng |
8 | CTCP Phong Điện Thuận Bình |
9 | CT TNHH Đầu tư Bất động sản Huỳnh Quang |
10 | CTCP Điện mặt trời Vĩnh Hảo |
11 | CT TNHH MTV Năng lượng tái tạo Việt Nam |
12 | CT TNHH Năng lượng xanh Eco Seido |
13 | Ban quản lý Dự án nhiệt điện Vĩnh Tân |
14 | CTCP Điện mặt trời VSP Bình Thuận II |
15 | CTCP Năng lượng Vĩnh Hảo 6 |
16 | CTCP Đầu tư xây dựng và phát triển Trường Thành |
17 | CTCP Nhà máy năng lượng mặt trời Văn Giáo |
18 | CTCP Tập đoàn Sao Mai |
19 | CT TNHH Nam Việt Phan Lâm |
20 | CT TNHH Everich Bình Thuận |
21 | CTCP Nhà máy Điện mặt trời Văn Giáo |
22 | CTCP Đầu tư điện mặt trời |
23 | CT TNHH Power Plus Việt Nam |
24 | CT TNHH MTV Năng lượng Gelex Mũi Dinh |
Nguồn : Báo Đầu Tư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét