Đề xuất tham gia làm hạ tầng truyền tải để sớm giải phóng công suất cho các dự án điện mặt trời của các nhà đầu tư tư nhân sẽ khó lòng thành sự thật, nếu không được Quốc hội xem xét, điều chỉnh.
Tư nhân muốn xây dựng đường dây 500 kV
Tại cuộc họp trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương hồi đầu tháng này, ông Lê Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết địa phương này đã báo cáo Bộ Công thương và Thủ tướng về việc cho phép nhà đầu tư tư nhân được xây dựng hệ thống trạm điện và đường dây 500 kV tại khu vực Nam Vĩnh Tân (gồm trạm 500 kV Thuận Nam và đường dây 500 kV Thuận Nam – Vĩnh Tân) để sớm giải tỏa công suất cho các nhà máy điện mặt trời tại tỉnh này. Nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra khoảng 600 – 700 tỉ để thực hiện hệ thống truyền tải và sẽ bàn giao lại cho Tập đoàn điện lực VN (EVN) sau khi xây dựng xong, mà không yêu cầu phải hoàn lại kinh phí. Tuy nhiên, phần tiền này nhà đầu tư muốn được hạch toán vào trong tổng mức đầu tư dự án phát triển nguồn – là nhà máy điện mặt trời để tính toán giá bán điện.Cục trưởng Cục Điện lực -Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) Phương Hoàng Kim cho biết cơ quan này đang lên kế hoạch chủ trì cuộc họp cùng với EVN và nhà đầu tư để làm rõ phương án, giải pháp đầu tư. Cùng với đó, Cục đang khẩn trương hoàn thiện báo cáo để Bộ trình Thủ tướng cơ chế xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải.Dẫu vậy, theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, mấu chốt hiện nay nằm ở quy định trong luật Điện lực, truyền tải là do nhà nước độc quyền, nhưng không xác định rõ truyền tải là thế nào. Do đó, nếu muốn nghiên cứu cơ chế đặc thù để tăng cường thu hút đầu tư xã hội thì cần báo cáo Chính phủ xin phép Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ông Tuấn Anh cho hay đã giao các đơn vị chức năng thuộc Bộ nghiên cứu, tham mưu để trình đề án lên Chính phủ trong tháng 8 tới.
Xã hội hóa không có nghĩa là buông lỏng quản lý
Ủng hộ xã hội hóa xây dựng hệ thống hạ tầng truyền tải, tuy nhiên PGS-TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, nhấn mạnh không có nghĩa là có hàm ý buông lỏng quản lý trong truyền tải, để ảnh hưởng đến an ninh năng lượng.Ông Tuấn tán thành việc Bộ Công thương nghiên cứu theo hướng báo cáo Thủ tướng về việc tách bạch rõ chức năng truyền tải điện với xây dựng hạ tầng truyền tải điện để mở cửa cho tư nhân.Cũng cho rằng cần tách bạch giữa chức năng truyền tải điện (là độc quyền nhà nước) với việc tham gia xây dựng hệ thống hạ tầng truyền tải, PGS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính), phân tích: Ai cũng thấy lưới điện đang quá tải, nhất là cục bộ tại một số địa phương phát triển nóng điện mặt trời. Cho nên việc huy động được tư nhân cùng xây lưới truyền tải rồi bàn giao lại cho nhà nước quản lý trong bối cảnh vốn nhà nước khó khăn là một điều rất nên. Khi đó, nhà nước vẫn bảo đảm được chức năng độc quyền truyền tải, lại vừa có thêm được hạ tầng cho ngành điện. “Tất nhiên, nếu thực hiện thì cần giám sát rất kỹ, phải được kiểm toán ngay khi hoàn thành để xác định giá thành hợp lý, tránh việc kê chi phí cao rồi đẩy vào giá điện”, ông Long cảnh báo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét