Thứ Sáu, 24 tháng 11, 2017

Đầu tư dự án điện mặt trời : Cuộc chơi của các đại gia

Cùng với những hỗ trợ về mặt chính sách của Chính phủ, đầu tư vào dự án điện mặt trời đang dần trở nên phổ biến nhờ giá thành công nghệ rẻ hơn và sự “tiếp sức” từ các tổ chức tài chính.

Sôi động đầu tư điện mặt trời

Theo số liệu mới nhất của Chương trình Năng lượng của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID), tính đến hết tháng 7/2017 đã có hàng trăm dự án điện mặt trời được đăng ký đầu tư vào Việt Nam với tổng công suất nguồn lên tới 17.000 MW.

Trong số này, có nhiều dự án của các nhà đầu tư ngoại như dự án điện mặt trời công suất hơn 2.000 MW của Tập đoàn Thiên Tân đầu tư tại tỉnh Ninh Thuận và Quảng Ngãi hay dự án nhà máy công suất 30 MW tại Bình Thuận của Công ty TNHH DooSung Vina (Hàn Quốc).

Trong khi đó, các tập đoàn có tiềm lực của Việt Nam cũng không hề kém cạnh với những dự án điện mặt trời đầy tham vọng như dự án 20 nhà máy điện mặt trời tại Việt Nam với tổng mức đầu tư khoảng 1 tỷ USD của Tập đoàn Thành Thành Công, hay Tập đoàn Xuân Cầu đầu tư khoảng 2.000 MW ở Tây Ninh, Tập đoàn TH True-Milk và Công ty Xuân Thiện đầu tư các dự án điện mặt trời tại tỉnh Đắk Lắk với công suất đặt khoảng 3.000 MW.

Điều này cho thấy, điện mặt trời đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước bởi đây được xác định là nguồn năng lượng chính để phát triển năng lượng tái tạo. Các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời đã rất phát triển trên thế giới nhưng tại Việt Nam, lĩnh vực này còn khá mới mẻ.

Theo bản đồ tiềm năng điện mặt trời do Ngân hàng Thế giới (WB) cung cấp thông tin cho các nhà hoạch định chính sách và các nhà đầu tư, tài nguyên điện mặt trời của Việt Nam khá dồi dào, với nguồn bức xạ nhiệt khoảng 2.056 kW/m2/năm và kéo dài từ các tỉnh miền Trung đến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển của lĩnh vực điện mặt trời là rất lớn.

Để khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo, điện mặt trời, Chính phủ đã đưa ra nhiều cơ chế chính sách tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi tham gia vào lĩnh vực này, điển hình là Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam có hiệu lực từ tháng 9 vừa qua.

Giải pháp và công nghệ đã sẵn sàng

Mặc dù tại Việt Nam hiện đã có hàng trăm dự án điện mặt trời nhưng có thể nói, lĩnh vực này vẫn còn nhiều cơ hội. Theo dự báo của Bộ Công Thương, tốc độ tăng trưởng nhu cầu về điện tại Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020 là 9,8%/năm và là 8,6% trong giai đoạn 2021-2025.

Do đó, trong 2 ngày 21 và 22/11 vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với một số đối tác quốc tế đã tổ chức hội thảo “Giải pháp công nghệ và tài chính cho phát triển năng lượng mặt trời tại Việt Nam” nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, các nhà đầu tư dự án điện mặt trời tại Việt Nam tiếp cận với những công nghệ mới một cách dễ dàng, đem đến hiệu suất cao. Hội thảo cũng đã giới thiệu với các nhà đầu tư một số tập đoàn nước ngoài thuộc top 10 thế giới về công nghệ điện mặt trời và sẽ chọn thí điểm khoảng 10 dự án để đầu tư.









Hội thảo Giải pháp công nghệ và tài chính cho phát triển năng lượng mặt trời tại Việt Nam
Hội thảo Giải pháp công nghệ và tài chính cho phát triển năng lượng mặt trời tại Việt Nam

Trao đổi với Báo Đầu tư bên lề sự kiện, ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, Việt Nam hiện có trên 400 nhà máy thủy điện nhưng nhiều nhà máy không đủ lượng nước để phát. Do chỉ có thể phát điện vào mùa mưa và phát cầm chừng vào mùa khô, dẫn tới kéo dài thời gian thu hồi vốn.

Do đó, việc kết hợp phát triển các dự án điện mặt trời với các tấm pin năng lượng mặt trời đặt trên mặt nước hồ thủy điện đang trở thành giải pháp giải quyết vấn đề này. Cách làm này đang ngày càng được ưa chuộng tại các quốc gia như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia… bởi chi phí đầu tư thấp nhưng đem lại hiệu quả cao.

Ông Nghiệm phân tích, suất đầu tư 1 MW thủy điện là 2,5 triệu USD, trong khi điện mặt trời chỉ bằng một nửa. Đặc biệt, nếu kết hợp phát triển điện mặt trời trên thủy điện sẵn có thì mức đầu tư chỉ khoảng 700.000 USD/MW.









Phiên thảo luận chuyên sâu giữa các nhà phát triển dự án Việt Nam với các nhà đầu tư quốc tế
Phiên thảo luận chuyên sâu giữa các nhà phát triển dự án Việt Nam với các nhà đầu tư quốc tế

Bên cạnh việc giải quyết bài toán quốc gia về năng lượng, vấn đề môi trường cũng là nội dung mà Hội thảo này quan tâm.

“Điện mặt trời thế hệ cũ rất ảnh hưởng tới môi trường vì tấm năng lượng và ắc quy tráng bằng nitrat bạc là chất cực độc và thủy ngân. Công nghệ mà chúng tôi đang làm là công nghệ mới silicon và nano cacbon, được tráng thành phim không gây ô nhiễm môi trường và có thể tái chế dễ dàng”, ông Nghiệm lý giải.

Bên cạnh đó, công nghệ mới này cũng có giá thành đầu tư thấp hơn công nghệ cũ bởi áp dụng công nghệ mới, tiết kiệm diện tích xây dựng. “Công nghệ cũ cần 1,8 ha cho mỗi MW, nhưng công nghệ mới chỉ cần 1 ha, bởi tế bào quang điện tử trên 1 m2 nhiều hơn, giúp tăng khả năng hấp thụ, đồng thời giảm diện tích xây dựng”, ông Nghiệm nói.

Các chuyên gia tại Hội thảo cho rằng, bên cạnh những lợi thế về giá thành thì việc lựa chọn các công nghệ mới, bảo vệ môi trường còn là trách nhiệm xã hội của nhà đầu tư.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét