Một nguồn tin từ Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TPHCM (HEPZA) cho TBKTSG Online ngày 6-11, mới đây nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời First Solar đã đăng ký điều chỉnh bổ sung 62,2 triệu đô la Mỹ, nâng tổng vốn đầu tư tại dự án sản xuất của tập đoàn này ở TPHCM lên hơn 1,066 tỉ đô la Mỹ.
Theo nguồn tin này, đây là khoản đầu tư tăng thêm lớn nhất của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong các khu chế xuất và khu công nghiệp trên địa bàn TPHCM trong 10 tháng đầu năm nay.
Cùng với việc nâng vốn đầu tư này, nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời đến từ Mỹ này cũng đồng thời tăng công suất dự án nhà máy tại Khu công nghiệp Đông Nam, huyện Củ Chi lên gấp đôi với khoảng 5,31 triệu module/năm so với công suất dự kiến ban đầu là 2,655 triệu module/năm. Dự kiến toàn bộ sản phẩm làm ra tại đây là sẽ được xuất khẩu, trong đó có cả thị trường châu Âu và Mỹ.
Theo nguồn tin này, do nhu cầu thị trường tấm pin năng lượng mặt trời trên thế giới tăng trưởng trở lại nên nhà đầu tư đã không còn rao bán nhà xưởng như những năm qua mà đang trong quá trình lắp đặt thiết bị, máy móc để sản xuất cũng như tăng thêm vốn đầu tư, nâng công suất tại dự án ở Việt Nam so với kế hoạch ban đầu.
Nguồn tin này cho biết hiện nhà đầu tư này đang lắp ráp máy móc cho nhà xưởng ở giai đoạn 1 và đóng cọc giai đoạn 2 của công trình nhà xưởng sản xuất của dự án. Dự kiến doanh nghiệp sẽ đưa vào sản xuất thử trong tháng 9-2018.
Hiện có nhiều nhà đầu tư sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc và Đài Loan đầu tư nhà máy sản xuất ở Việt Nam. Tuy nhiên khác với First Solar chọn TPHCM để đặt nhà máy, các nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời đến từ Trung Quốc và Đài Loan tập trung ở khu vực các tỉnh phía Bắc, mà chủ yếu là tỉnh Bắc Giang.
First Solar là một trong những công ty dẫn đầu thế giới về sản xuất pin mặt trời màng mỏng. Đây được xem là vũ khí chính của công ty để đối phó với các đối thủ Trung Quốc vốn dựa vào công nghệ là pin đa tinh thể silicon (polycrystalline silicon).
Hiện nay, các doanh nghiệp Trung Quốc cung cấp hơn hai phần ba số tấm pin mặt trời cho thị trường toàn cầu. Theo giới phân tích, sự phổ biến của các tấm năng lượng mặt trời Trung Quốc là một trong những lý do chính khiến giá sản phẩm này sụt giảm 80% trong giai đoạn 2008-2013. Do đó, Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc bán phá giá pin mặt trời và đã bắt đầu áp thuế quan cao đối với sản phẩm này của Trung Quốc vào năm 2012, để bảo vệ các nhà sản xuất Mỹ.
Theo giới phân tích, việc đầu tư ra nước ngoài, trong đó có Việt Nam của các công ty sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời Trung Quốc là nhằm tận dụng ưu đãi thuế quan để xuất khẩu vào thị trường Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, gần đây Mỹ đã báo tin với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) rằng nước này có thể áp thuế quan đối với tấm pin mặt trời nhập khẩu từ các quốc gia khác, khi cho rằng các công ty Trung Quốc đã mở cơ sở sản xuất ở nước thứ ba để lách hạn chế xuất khẩu sang Mỹ.
Tập đoàn First Solar của Mỹ vào tháng 11-2011 đã công bố tạm dừng triển khai dự án nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời công nghệ màng mỏng, chỉ sau khoảng 8 tháng khởi công giai đoạn 1 dự án nhà máy này tại huyện Củ Chi, cho đến khi có những tín hiệu hỗ trợ về nguồn cung cầu trên thị trường thế giới. Nguyên nhân của việc này, khi đó được đại diện First Solar giải thích là do sự mất cân bằng cung cầu về năng lượng mặt trời trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, sau đó (vào giữa năm 2012), First Solar đã chỉ định Công ty tư vấn bất động sản Cushman & Wakefield Việt Nam là đơn vị đứng ra bán toàn bộ hoặc từng phần nhà xưởng có diện tích 113.000m2 tại Khu công nghiệp Đông Nam do nhà thầu M+W của Đức xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế. Cơ sở vật chất của nhà xưởng được chào bán này gồm 107.000 m2 được chia thành hai khu vực sản xuất, một khu vực hậu cần rộng lớn và một tòa nhà văn phòng ở bên ngoài (có diện tích 6.000 m2). Tất cả đều nằm trên khu đất diện tích 23 héc ta. Ngoài ra còn có khu đất rộng 21 héc ta đã có sẵn nguồn điện nước dành cho việc mở rộng, phục vụ cho sản xuất quy mô lớn. Công bố này của First Solar khi đó được nhận định là nhà đầu tư này chính thức rút khỏi dự án đầu tư nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời công nghệ màng mỏng, một công nghệ hoàn toàn mới ở thị trường trong nước. Tuy nhiên, giờ đây mọi chuyện gần như đã đảo ngược trở lại với nhà đầu tư này. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét