Chủ Nhật, 12 tháng 11, 2017

Đầu tư điện mặt trời tại Việt Nam ngày càng hấp dẫn

Việt Nam đang chứng kiến sự "khao khát" ngày càng lớn của các công ty và nhà đầu tư quốc tế tham gia vào thị trường kinh doanh điện năng lượng mặt trời.


Theo đánh giá của Hiệp hội năng lượng sạch Việt Nam, Việt Nam là một trong những quốc gia có ánh nắng mặt trời nhiều nhất trong bản đồ bức xạ mặt trời thế giới.

Trung bình, tổng bức xạ năng lượng mặt trời ở Việt Nam dao động từ 4,3-5,7 triệu kWh/m2. Ở các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung bộ số giờ nắng khá cao, đạt từ 2.000-2.600 giờ/năm, bức xạ mặt trời trung bình 150kcal/m2 chiếm khoảng 2.000-5.000 giờ/năm, với ước tính tiềm năng lý thuyết khoảng 43,9 tỷ TOE.






Với lợi thế về gió và mặt trời của một quốc gia khí hậu nhiệt đới gió mùa, Việt Nam xác định đây là 2 nguồn năng lượng chính để phát triển điện sạch. Vì thế, trong quy hoạch điện VII đã điều chỉnh đưa ra triển vọng và đặt kế hoạch khai thác điện mặt trời vào năm 2020 được khoảng 850MW; 4.000MW vào năm 2025 và có thể khai thác khoảng 12.000MW vào năm 2030.Hiện tại các địa phương như: BìnhThuận, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Tây Ninh… tổng công suất các dự án đăng ký ở từng tỉnh đạt mức 4.000 MW. Đây là những con số rất lớn, tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, khai thác hiệu quả nguồn điện từ gió và mặt trời không hề đơn giản.

Theo đó, đầu tư điện gió và điện mặt trời có rất nhiều khó khăn, trong đó vốn đầu tư và việc nối lưới các dự án này được cho là những nguyên nhân căn bản. Bởi điện mặt trời lên, xuống gần như tức thời, nhưng điện sản xuất ra là phải tiêu thụ ngay. Vì tính chất điện mặt trời như vậy nên rất khó khăn cho việc vận hành hệ thống. Ngoài ra, khi điện mặt trời không phát nữa thì ngành điện phải huy động nhiệt điện ngay lập tức để bù vào phần công suất thiếu hụt.

Một khó khăn nữa là lưới điện Việt Nam là lưới xoay chiều, trong khi điện mặt trời là điện 1 chiều nên phải dùng thêm một thiết bị inverter. Nếu các thiết bị inverter không tốt sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các khách hàng sử dụng điện.

Trước những khó khăn này, Solarplaza – đơn vị tổ chức sự kiện quốc tế về năng lượng điện mặt trời cho biết sẽ kết nối các nhà đầu tư trong và ngoài nước để thúc đẩy phát triển năng lượng mặt trời tại Việt Nam thông qua hội thảo “The Solar Future Vietnam” tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 30/11. Dự kiến sẽ có khoảng 100 nhà cung ứng thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời trong nước và quốc tế tham dự.

Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện thúc đẩy các nhà đầu tư phát triển năng lượng mặt trời cùng với chính sách biểu giá điện hỗ trợ (FiT) mới nhất. Mặc dù khả năng chi trả cho dự án vẫn luôn là một thách thức quan trọng, nhưng với triển vọng tích cực trong tương lai về khả năng thu hồi vốn và điều kiện kinh doanh hiện tại, thị trường này sẽ mang đến cơ hội tốt cho các nhà phát triền, nhà đầu tư, IPPs, các nhà cung cấp dịch vụ, các nhà cung cấp và nhà sản xuất.

Theo đó, trong suốt hội thảo The Solar Future Vietnam, các chuyên gia trong nước và quốc tế sẽ chia sẻ hiểu biết và kinh nghiệm thực tiễn để xác định những thách thức, rủi ro và cơ hội hiện tại của thị trường năng lượng Việt Nam; các công cụ có thể dùng để giúp các dự án năng lượng mặt trời thành công. Hơn thế nữa, những người tham dự còn có cơ hội lên kế hoạch gặp mặt trực tiếp với các đối tác thương mại tiềm năng, đây là cơ hội để mở rộng thị trường kinh doanh năng lượng mặt trời của Việt Nam.

Ngoài ra, thông qua hội thảo, những nhà đầu tư và phát triển quốc tế sẽ có cuộc gặp gỡ cá nhân với các quan chức chính phủ như EVN và ERAV (Cục điều tiết điện lực), ngân hàng thương mại và các chuyên gia trong khu vực để tìm hiều về thị trường và đánh giá cơ hội thương mại hiện tại.



Hải Yên/Báo Tin Tức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét