Sau khi có Quyết định 11 (tháng 4.2017) của Chính phủ về giá mua điện, Thông tư 16/2017/TT-BCT (tháng 9.2017) của Bộ Công thương hướng dẫn thực hiện Quyết định 11, nhiều nhà đầu tư đã đổ vốn đầu tư phát triển các dự án điện mặt trời (ĐMT). Tại các địa phương như: BìnhThuận, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Tây Ninh… tổng công suất các dự án đăng ký ở từng tỉnh đạt mức 1.000 MW. Đây là những con số rất lớn.
Ông Phạm Trọng Thực, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho biết như trên vào ngày 3.11, tại hội thảo giới thiệu Thông tư 16 về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án ĐMT, do Bộ Công thương và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) phối hợp tổ chức tại TP.HCM.
Khoảng 100 doanh nghiệp tham dự hội thảo. Các doanh nghiệp đồng tình với việc nhờ có chính sách giá mua điện được ban hành hồi đầu năm nên trong thời gian gần đây các dự án ĐMT phát triển mạnh ở nhiều địa phương.
Tuy nhiên chính sách vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, giá mua điện 9,35 cent Mỹ/kWh chỉ áp dụng cho các dự án hoàn thành nối lưới trước ngày 30.6.2919; thời gian này quá ngắn, với điều kiện ở VN chỉ đủ thời gian lập hồ sơ dự án, không thể kịp hoàn thành nối lưới. Ngoài ra, chính sách mua điện chỉ áp dụng với những công nghệ lắp tấm pin cố định không áp dụng với công nghệ dò hướng; điều này là một tổn thất trong việc khai thác tối đa nguồn năng lượng mặt trời.
Mặt khác, các chính sách mua điện trên mái nhà cũng có nhiều hạn chế về mặt kỹ thuật, không đủ tốt để khuyến khích người dân tăng công suất lắp đặt so với nhu cầu sử dụng nhằm tạo nguồn dôi dư cung cấp lên lưới điện, giảm áp lực năng lượng của toàn xã hội. Thêm vào đó, hiện nay việc thí nghiệm, kiểm định nguồn điện trên mái nhà của người dân mất đến 2 giờ - tốn rất nhiều thời gian. Ngành chức năng nên nghiên cứu áp dụng và công nhận những thiết bị đã được dán nhãn (được công nhận) để tránh mất thời gian, đẩy nhanh quá trình nối lưới cho người dân.
Theo Thanhnien online
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét