Thứ Tư, 11 tháng 2, 2015

Khánh thành Dự án thí điểm điện năng lượng mặt trời tại Côn Đảo


Hôm nay (31/1), tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, Tổng cục Năng lượng ( Bộ Công Thương) phối hợp với Tổng Công ty Điện lực miền Nam, Cơ quan phát triển quốc tế Tây Ban Nha tổ chức Lễ khánh thành và bàn giao Dự án thí điểm điện mặt trời cho Tổng Công ty Điện lực miền Nam khai thác và vận hành.




Ký bàn giao giữa Đại diện Cơ quan hợp tác phát triển Tây Ban Nha, lãnh đạo Tổng cục Năng lượng, và lãnh đạo EVN SPC

Dự án thí điểm điện mặt trời tại Côn Đảo được bắt đầu từ giữa tháng 3/2014 và hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt và đầu nối vào lưới điện của điện lực Côn Đảo vào đầu tháng 12/2014, với tổng mức đầu tư khoảng 140 nghìn Euro do Chính phủ Tây Ban Nha viện trợ không hoàn lại.




Các đại biểu tham quan Dự án tại Nhà máy điện NLMT An Hội

Dự án có công suất đỉnh 36 kW, với sản lượng điện ước tính một năm hơn 50 MWh, bao gồm 7 giàn tấm module quang điện, 2 bộ biến đổi từ điện một chiều thành điện xoay chiều của hãng Ingeteam và được giám sát, theo dõi từ xa qua hệ thống truyền dữ liệu sử dụng sóng 3G. Tuy dự án được hoàn thành với số vốn đầu tư và công suất phát điện không lớn, nhưng nó sẽ tạo tiền đề cho việc sử dụng những dạng năng lượng xanh, sạch, thân thiện với môi trường để phục vụ kinh tế- xã hội huyện Côn Đảo.




Pin năng lượng mặt trời

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Hợp, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Nam cho biết, nước ta có hàng nghìn đảo hiện có dân cư sinh sống nhưng nhiều nơi không thể đưa điện lưới đến được. Vì vậy, sử dụng năng lượng mặt trời như một nguồn năng lượng tại chỗ để thay thế cho các dạng năng lượng truyền thống, đáp ứng nhu cầu của các vùng dân cư này là một kế sách có ý nghĩa về mặt kinh tế, an ninh, và quốc phòng.


Về phía Chính phủ Tây Ban Nha, ông  Alfonso Tena Garcia, Đại sứ Tây Ban Nha tại Việt Nam cũng tin tưởng rằng đây sẽ là dự án thí điểm để xây dựng các nhà máy trong tương lai và tiến tới phát triển mô hình cơ cấu năng lượng bền vững tại Việt Nam trong đó năng lượng tái tạo đóng vai trò hết sức quan trọng./.




CTV Lan Anh/VOV.VN

Apple đầu tư 850 triệu USD xây nhà máy điện năng lượng Mặt trời

CEO Tim Cook vừa cho biết công ty công nghệ này đang đầu tư 850 triệu USD để hỗ trợ xây dựng một nhà máy sản xuất tấm (panel) năng lượng mặt trời California cùng với nhà sản xuất panel năng lượng mặt trời First Solar.


20150211091219-apple-ceo-tim-cook


Công trình này sẽ được xây dựng ở Hạt Monterey, California sẽ cung cấp đủ năng lượng cho 60.000 gia đình cũng như trụ sở tương lai của Apple ở gần Cupertino, CEO Apple cho biết tại Hội nghị công nghệ Goldman Sachs ở San Francisco.


“Chúng tôi ở Apple nhận thức biến đổi khí hậu là một thực tế. Thời gian để tranh luận đã qua, giờ đã là lúc để hành động”, Tim Cook cho biết.


First Solar, có trụ sở tại Tempe, Arizona, sản xuất các panel năng lượng mặt trời và cũng xây dựng các nhà máy năng lượng mặt trời, mà nhiều panel công ty này bán cho các nhà sản xuất năng lượng.


Công trình này sẽ được xây dựng trên 1160 hecta ở California, dự kiến sẽ khởi công vào giữa năm nay và kết thúc vào cuối năm sau, First Solar cho biết trong một thông báo.




Apple sẽ nhận được nguồn điện 130 megawatts công suất theo một thỏa thuận mua bán 25 năm, một thỏa thuận lớn nhất trong ngành để cung cấp năng lượng sạch đến người sử dụng cuối, First Solar cho biết. Phần 150 150 megawatt còn lại của dự án sẽ dành cho công ty điện và gas Pacific.


Apple đã sử dụng năng lượng tái tạo để cấp nguồn cho các trung tâm dữ liệu của công ty. Tuần trước, Apple cho biết sẽ đầu tư 2 tỷ USD trong 10 năm để chuyển đổi một nhà máy kính sapphire không còn sản xuất ở Arizone thành một trung tâm dữ liệu chạy gần như hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời.


“Apple sẽ vẫn làm việc để giảm thiểu tác động môi trường của công ty này nhưng các CEO trong danh sách Fortune 500 nên học hỏi Tim Cook”, Green Peace cho biết trong một thông báo ngày 10/2.


Theo ICTpress/Reuters

Trung Đông, Bắc Phi dành 2,7 tỷ USD cho năng lượng Mặt Trời

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Công nghiệp năng lượng Mặt Trời Trung Đông (MESIA), các dự án năng lượng Mặt Trời với tổng trị giá 2,7 tỷ USD sẽ được khởi công trong năm nay tại các nước thuộc khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA).

Các dự án năng lượng Mặt Trời với tổng công suất lên đến 1.800 MW sẽ được ký kết hoặc được đưa ra đấu thầu trong 12 tháng tới. Công suất này tăng gấp sáu lần so với năm ngoái, khi chỉ có các dự án với tổng công suất dưới 300 MW được ký kết.



85698396

Bản báo cáo nói trên cũng đề cập đến một số xu hướng đang nổi lên trong ngành công nghiệp năng lượng Mặt Trời tại khu vực MENA. Theo đó, các dự án năng lượng Mặt Trời dự kiến sẽ được triển khai rộng rãi hơn trên toàn khu vực trong năm 2015. MESIA cho biết các dự án này sẽ được khởi công tại 11 quốc gia trong khu vực, từ Morocco đến Saudi Arabia, so với chỉ một hoặc hai nước tham gia hoạt động này trong năm 2014.

Bên cạnh đó, quy mô các dự án năng lượng Mặt Trời trong khu vực đã tăng lên so với trước. Năm 2013, chỉ có ba dự án có quy mô hơn 10 MW được khởi công. Năm 2015, con số này sẽ là 40 dự án, trong đó mỗi dự án có vốn đầu tư ít nhất 60 triệu USD và một số dự án sẽ vượt mức 100 triệu USD.

Với việc thị trường năng lượng Mặt Trời đang có nhiều tiềm năng tăng trưởng, các chuyên gia trong ngành công nghiệp này cho rằng các phân khúc thị trường ngách, trong đó có pin năng lượng Mặt Trời đặt trên mái nhà, dự kiến sẽ tăng nhanh.

Một trong các yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường năng lượng Mặt Trời là chi phí xây dựng các nhà máy năng lượng Mặt Trời giảm trong khi chi phí sản xuất năng lượng từ khí đốt tự nhiên tăng. Theo MESIA, giá các hệ thống năng lượng Mặt Trời đã giảm 75% trong sáu năm qua. Điều đó có nghĩa rằng với cùng chi phí xây dựng một nhà máy năng lượng Mặt Trời công suất 10 MW vào năm 2008, người ta có thể có một nhà máy lớn hơn gấp năm lần vào thời điểm hiện nay.

Sản xuất năng lượng Mặt Trời hiện vẫn hợp lý về mặt kinh tế bất chấp việc giá dầu giảm mạnh trong thời gian qua./.

Miền Nam Algeria là khu vực chính để phát triển năng lượng tái tạo

Với tiềm năng vô cùng lớn về sức gió và ánh nắng mặt trời, miền Nam Algeria là khu vực chính cho chương trình quốc gia phát triển năng lượng tái tạo, mà quốc gia này có thể dựa vào đó để đa dạng hóa các nguồn năng lượng.

Với thời gian có ánh mặt trời hàng năm trung bình ước tính 2.000 giờ và một vùng lãnh thổ có tới 86% sa mạc Xahara, lượng ánh sáng mặt trời của Algeria ước tính khoảng 2.650 KWh/m2/an ở miền Nam, tương đương với công suất điện lớn gấp 8 lần trữ lượng khí đốt của đất nước này, và là nơi có lượng ánh nắng Mặt trời lớn nhất thế giới.


20140625_INDSolarEnergyApr172013



Được thông qua năm 2011, chương trình quốc gia phát triển năng lượng tái tạo đã dự kiến lúc đầu sản xuất 40% điện đến năm 2030 từ các nguồn năng lượng phi truyền thống. Chiến lược này sẽ giúp Algeria đóng một vai trò quan trọng về lĩnh vực này trong khu vực và trở thành nhà cung cấp điện xanh chủ yếu đối với thị trường châu Âu, với việc ấn định mục tiêu xuất khẩu 10.000 MW.

Đây là một phần trong đề án sản xuất điện từ năng lượng tái tạo dự kiến sản xuất 22.000 MW điện từ nay đến 2030 nhằm nâng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo lên 30%. Nhưng mới đây, chiến lược này đã được thay đổi, vì Algeria dự tính tăng công suất lên 25.000 MW.

Trong kế hoạch phát triển năng lương quốc gia, Algeria dự tính dành 10.000 MW cho xuất khẩu nhưng phải đáp ứng 3 điều kiện: Chia sẻ nguồn vốn với các đối tác tương lai, thị trường điện châu Âu phải mở minh bạch hơn nữa và chuyển giao công nghệ.

Theo dự đoán, Algeria có đủ khả năng thực hiện dự án có quy mô lớn này nhằm mục đích sản xuất năng lượng tái tạo, để đáp ứng hơn 1/3 nhu cầu về điện của nước này từ nay đến 2030.

Bộ trưởng Năng lượng Youcef Yousfi cho biết chính phủ đã quyết định đa dạng hóa nguồn năng lượng, bằng việc lựa chọn năng lượng Mặt trời, dù chi phí sản xuất cao hơn so với sản xuất điện từ khí đốt. Tổng thống Abdelaziz Bouteflika cũng đã giao cho ngành năng lượng nhiệm vụ tăng cường hợp lý hóa tiêu thụ năng lượng trong nước, đồng thời phát triển các nguồn năng lượng mới và tái tạo.

Hiện nay, nước này đã có hai nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo là nhà máy điện sử dụng năng lượng Mặt trời tại Ghardaia với công suất 1,1 MW; và một nhà máy điện gió tại Adrar với công suất 10 MW.

Hai nhà máy này nằm trong số hơn 60 dự án sản xuất điện từ năng lượng tái tạo được thực hiện từ nay đến 2030, với tổng vốn đầu tư gần 120 tỷ USD, trong đó vốn của chính phủ Algeria là 60 tỷ USD./.