Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

Tìm hiểu về máy bay năng lượng mặt trời Solar Impulse 2

Solar Impulse 2 hiện đang thực hiện một hành trình thử nghiệm vòng quanh thế giới. Đây là một trong những chiếc máy bay mang nhiều tham vọng nhất từng được chế tạo bởi nó chỉ sử dụng năng lượng từ ánh sáng mặt trời để vận hành các động cơ cánh quạt đẩy.




Solar Impulse 2
Solar Impulse 2

Máy bay có trọng lượng 2,3 tấn với vật liệu chủ đạo là sợi carbon và silicon. Nó có sải cánh dài 72 m (hơn 3,5 m so với Boeing 747) nhưng thân lại rất hẹp, ngắn và cabin rộng 3,8 m3 chỉ có 1 chỗ ngồi. Trên các cánh được lắp 17.000 tấm pin mặt trời sạc cho hệ thống pin nặng 633 kg và cấp điện cho 4 động cơ điện, điều này cho phép máy bay hoạt động cả ngày lẫn đêm.



Solar Impulse Airplane - Propellers of Solar Impulse 2 - #Discover
[youtube https://www.youtube.com/watch?v=gseRsHyKLWk?iv_load_policy=3&autoplay=0]


Tuy nhiên mới đây, chuyến bay có lộ trình khoảng 4000 dặm từ Nhật Bản đến quần đảo Hawaii đã bị hoãn lại do điều kiện thời tiết. Solar Impulse 2 phải hạ cánh khẩn cấp tại Nagoya, Nhật Bản, nơi một cánh máy bay bị hư nhẹ do gió mạnh. André Borschberg, đồng sáng lập của Solar Impulse cũng tham gia vào chuyến bay này.


Bởi vì tốc độ tối đa của Solar Impulse 2 chỉ đạt khoảng 40m/giây và thậm chí là chậm hơn để bảo tồn năng lượng nên phải mất 4 đến 5 ngày cho cuộc hành trình từ Nhật Bản đến Hawaii. Với một chiếc Boeing 777, tốc độ tối đa đạt 268 m/giây thì chỉ cần khoảng 8,5 giờ để hoàn tất quãng đường 4000 dặm.


Solar Impulse 2 là chủ yếu được làm bằng sợi carbon. Nó có 17.248 tế bào năng lượng mặt trời trên đôi cánh để nạp năng lượng cho 4 pin lithium polymer. Chiếc máy bay này nặng hơn 2 tấn, tương đương trọng lượng của một chiếc xe Ford Explorer nhưng có sải cánh đến hơn 70 m (để thu đủ năng lượng cho chuyến bay).



Solar Impulse 2 có khả năng thực hiện chuyến bay vào ban đêm do được trang bị một công nghệ cho phép nó lưu trữ pin từ ban ngày. Tuy nhiên, để tích pin cho hoạt động ban đêm, ban ngày máy phải được bay trong điều kiện trời nhiều nắng, ít gió.


Các chuyến bay bằng máy bay sử dụng năng lượng mặt trời thường chậm, tốn kém và tỏ ra chưa phù hợp với thực tế vào thời điểm này. Nhưng Borschberg và đồng sáng lập Bertrand Piccard cho biết họ nhìn thấy tiếm năng của loại máy bay này khi đưa vào khai thác trong lĩnh vực du lịch sinh thái vì nó rất thân thiện với môi trường.


Dự án máy bay bằng năng lượng mặt trời của Solar Impulse được khởi xướng vào năm 2003, với mục tiêu thay đổi bộ mặt của ngành hàng không hiện tại. Piccard, trong một cuộc nói chuyện với Theverge từng cho biết:"Dự án này cho chúng ta thấy những gì mà con người có thể làm với những loại năng lượng có khả năng tái tạo".


Cuộc hành trình vòng quanh thế giới của Solar Impulse 2 bắt đầu vào ngày 09 tháng 3 năm 2015 và dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 7 hoặc tháng 8 tới tại UAE.

Softbank và Foxconn đặt cược hàng tỷ đô vào điện mặt trời tại Ấn Độ

(Samtrix.vn) - Ấn Độ, nổi tiếng vì sự phụ thuộc lớn vào nhiên liệu hoá thạch và cắt điện thường xuyên, nhận được tin vui vào thứ 2 vừa qua khi Bharti Enterprises, Foxconn Technology và SoftBank công bố thành lập liên doanh ba bên khai thác nhu cầu ngày càng tăng với điện giá rẻ sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo tại quốc gia Nam Á này.


Liên doanh có tên SBG Cleantech, dự định sản xuất 20 GW điện tại Ấn Độ, trong đó phân bổ khoảng 20 tỉ USD giá trị đầu tư vào điện năng lượng gió và mặt trời.


Dường như Ấn Độ đặt mục tiêu tăng 50% công suất sản xuất điện để cung cấp đầy đủ cho hơn 1,2 tỉ dân của mình vào năm 2019.







Công nhân đang hoàn thiện các tấm pin mặt trời tại công viên năng lượng mặt trời Gujarat, làng Charanka, thị trấn Patan, cách Ahmedabad - Ấn Độ 250km



Một trong các ưu tiên của New Delhi là kế hoạch tăng 5 lần sản lượng điện năng lượng mặt trời lên 100 GW vào năm 2022, cung cấp khả năng tiếp cận điện cho khoảng 300 triệu dân chưa được kết nối vào mạng lưới điện.


Kế hoạch sản xuất điện năng lượng mặt trời cũng nhằm cắt giảm sự phụ thuộc của Ấn Độ vào nhiên liệu hoá thạch. Nhập khẩu dầu, khí đốt và than đá của Ấn Độ đã tăng vọt trong những năm gần đây, góp phần làm thâm hụt thương mại và giảm niềm tin cộng đồng quốc tế vào tương lai kinh tế của đất nước. Nhưng sự suy giảm giá dầu thô gần đây cùng với sự gia tăng mối quan tâm của chính phủ vào các năng lượng thay thế đã tạo ra một số trì trệ.


Ấn Độ đạt được rất ít tiến bộ trong mục tiêu điện năng lượng mặt trời của mình. Theo số liệu của chính phủ, tổng công suất điện năng lượng mặt trời của nước này chỉ hơn 4 GW vào cuối tháng 5, chiếm tỉ trọng rất nhỏ trong tổng công suất 255 GW, đóng góp chủ yếu từ than đá.


Chính phủ hi vọng rằng cải thiện nguồn cung cấp điện trên cả nước, đặc biệt là khu vực nông thôn, sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kết nối các hộ gia đình với nguồn cung cấp điện tái tạo tốn ít thời gian hơn dùng hệ thống dây điện để kết nối các ngôi làng với mạng lưới nhà máy điện truyền thống cách xa nhiều km. Nguyên nhân là điện năng lượng gió và mặt trời có thể sử dụng ngay tại chỗ sản xuất, giúp giảm chi phí và tổn thất năng lượng khi truyền tải.


Đối với Foxconn, liên doanh này đồng nghĩa với mở rộng sang lĩnh vực sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời và các thiết bị khác. Điều này xảy ra trong bối cảnh hãng sản xuất iPhone và iPad cho Apple này đang tìm cách mở rộng lợi nhuận kinh doanh vì sụt giảm tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, cũng như chiến dịch đàn áp thuế tại Trung Quốc.


Sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời tương đối dễ và cần tới cát, thứ Ấn Độ có rất nhiều.


Chủ tịch Bharti Enterprises, ông Sunil Bharti Mittal (giữa), Chủ tịch SoftBank ông Masayoshi Son (phải) và CEO SoftBank ông Nikesh Arora bắt tay nhau tại cuộc họp báo ở New Delhi hôm 22/6/2015


Đối với SoftBank, công ty chuyên đầu tư vào internet và công nghệ viễn thông, đây là cơ hội tốt khám phá và mở rộng lợi nhuận kinh doanh.


Chính phủ Ấn Độ nói rằng ông Masayoshi Son, chủ tịch SoftBank cam kết đầu tư 10 tỉ USD vào Ấn Độ những năm tới trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Narendra Modi vào tháng 10 năm ngoái. Ngay hôm sau, SoftBank đầu tư hơn 800 triệu USD vào hai startup hàng đầu Ấn Độ là Jasper Infotech, đơn vị chủ quản Snapdeal.com và ANI Technologies, chủ sở hữu dịch vụ gọi taxi Ola, dịch vụ tương tự như Uber.


Liên doanh đầu tư cũng đánh dấu bước chân vào ngành kinh doanh mới của Bharti Enterprises, công ty mẹ của Bharti Airtel – mạng viễn thông lớn nhất Ấn Độ về doanh thu và người dùng.


SBG Cleantech sẽ do Manoj Kohli, cánh tay phải của ông Sunil Mittal - nhà sáng lập, chủ tịch Bharti - dẫn dắt với vai trò chủ tịch. Ông Kohli, nhân vật kỳ cựu tại Bharti từng dẫn dắt nhà mạng này xâm nhập vào các thị trường Sri Lanka, Bangladesh và châu Phi với vai trò giám đốc điều hành ban viễn thông. Ông đã đưa công ty trở thành nhà mạng lớn nhất Ấn Độ với hơn 140 triệu người sử dụng từ con số 1 triệu khi ông mới nhận nhiệm vụ. Trong vai trò trước đó, ông là giám đốc điều hành công ty.


Các công ty toàn cầu khác cũng đang đặt cược vào lĩnh vực điện năng lượng mặt trời của Ấn Độ vì đây là lĩnh vực ký kết hợp đồng dài hạn và là nguồn thu nhập liên tục cho các nhà đầu tư.


Đầu tháng này, nhà quản lý hàng đầu của SunEdison tại châu Á tuyên bố công ty dự định đầu tư 15 tỉ USD để sản xuất 15GW điện từ các nông trang năng lượng gió và mặt trời. Tuyên bố này làm sáng tỏ thêm kế hoạch thành lập nhà máy trị giá 4 tỉ USD để sản xuất các tấm pin mặt trời thông qua liên doanh với Adani Enterprises.

Nhật Bản tham vọng trở thành cường quốc năng lượng sạch

(Samtrix.vn) - Khác với những nhà máy năng nhiệt điện thông thường, các hệ thống năng lượng mặt trời không sản sinh ra khí thải, nhưng lại sử dụng rất nhiều diện tích mặt bằng, bởi yêu cầu đón ánh sáng.


Với những đất nước rộng lớn như Mỹ, hay cụ thể là công ty Tesla, diện tích mặt bằng không phải là vấn đề quá khó khăn, nhưng với Nhật Bản, nơi "tấc đất, tấc vàng" đây lại là cả một câu chuyện dài.







Theo trang Quartz, nhằm giải quyết triệt để vấn đề này, người Nhật đã nghĩ tới chuyện, xây dựng các hệ thống năng lượng mặt trời ngay trên mặt nước, nhằm tiết kiệm tối đa diện tích mặt bằng phải sử dụng.


Cụ thể, tại tỉnh Hyogo của Nhật Bản, một trạm năng lượng mặt trời vừa được đưa vào hoạt động, có công xuất khoảng 2.680 megawatt giờ/mỗi năm, đủ cung cấp điện cho khoảng 820 hộ gia đình sinh sống.


Điều đáng nói là hệ thống này được đặt trên các hồ chứa, đặc biệt là ở các khu vực thiếu mặt bằng xây dựng. Theo đó, hệ thống năng lượng mặt trời này được tạo ra từ 9.100 tấm pin mặt trời chống thấm nước và phao lớn làm bằng polyethylene được đặt phía dưới.


Và với quy mô như hiện nay, hệ thống này sẽ giúp một nhà máy điện thông thường tiết kiệm được khoảng 780.000 USD mỗi năm. Dự kiện, từ nay cho tới năm 2030, Nhật Bản sẽ tiếp tục bổ sung thêm nhiều hệ thống năng lượng tương tự, nâng tổng số hệ thống năng lượng tái tạo gấp 2 lần hiện nay.


Xét về khía cạnh môi trường, việc sử dụng các hệ thống năng lượng mặt trời dưới nước cũng cho thấy những tác động hiệu quả hơn. Ngoài việc khiến hồ nước trở nên mắt hơn, giảm sự bốc hơi, những tấm pin này còn làm giảm khả năng phát triển của các loài tảo, giúp hồ nước luôn sạch sẽ.