Thứ Hai, 16 tháng 9, 2019

Điện mặt trời “mong chờ” giá mới

Tình hình đầu tư điện mặt trời, nhất là điện mặt trời áp mái, đang có chiều hướng “khựng” lại khi mức giá ưu đãi 9,5 cent/kWh đã hết hạn hơn 2 tháng, hiện vẫn chưa có bảng giá mua mới.

Chờ giá mới để đầu tư


Theo Quyết định 11/2017 của Thủ tướng Chính phủ, giá điện của các dự án điện mặt trời (ĐMT) được ngành điện mua lại theo ưu đãi là 9,35 cent/kWh từ ngày 1.6.2017 – 30.6.2019. Điều này cũng có nghĩa là từ ngày 1.7 đến nay, người dân, doanh nghiệp đầu tư ĐMT đều chưa biết mức giá điện sẽ được tính toán ra sao; trong khi những người muốn đầu tư mới hay mở rộng cũng chần chừ chờ giá mới được đưa ra. Ông Nguyễn Hữu Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, cho biết ông và các thành viên HTX dự định đầu tư hơn 2 tỉ đồng làm hệ thống ĐMT phục vụ nuôi tôm và bán lại sản lượng điện dư cho ngành điện, nhưng hiện dự định này vẫn đang trong giai đoạn chờ. “Theo tìm hiểu của chúng tôi, mức giá 0,95cent/kWh có thể sẽ giảm, khi đó những tính toán sẽ lại khác đi. Hiện chúng tôi vẫn ngóng từng ngày mức giá mới để đưa ra quyết định cuối cùng”, ông Anh nói.

Tương tự, tại TP.Cần Thơ, hiện có hàng trăm doanh nghiệp, hộ gia đình đã và đang có ý định lắp đặt ĐMT áp mái cũng đang băn khoăn về khung giá bán điện dư cho ngành điện. Ông Nguyễn Văn Toàn, đại diện Công ty TNHH Kỹ thuật DTE (TP.Cần Thơ), cho biết với những lợi ích từ việc lắp ĐMT trời áp mái nên rất muốn đầu tư, nhưng việc lắp đặt từ 3 – 5 kWp thì gần như chỉ phục vụ đủ cho nhu cầu hộ gia đình, còn nếu muốn kinh doanh thì việc lắp đặt phải là quy mô lớn hơn. “Điều tôi còn suy nghĩ về chính sách mua bán điện giữa khách hàng và công ty điện lực có ổn định lâu dài, bởi theo tính toán, mất khoảng 5 năm mới hoàn vốn thiết bị”, ông Toàn cho biết.

17 tỉ đồng mua ĐMT

Ông Dương Quốc Phong (ngụ P.Long Tuyền, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ) thông tin, sau khi được tư vấn lắp đặt ĐMT áp mái, ông thấy hợp lý và dự tính lắp đặt 3 kWp, sản lượng điện tạo ra dự kiến khoảng từ 400 – 450 kWh. “Nếu tính theo giá điện cũ, trừ số điện năng tiêu thụ của gia đình, hằng tháng sẽ dư khoảng 700.000 đồng. Tuy nhiên, đến nay Chính phủ vẫn chưa ban hành giá ĐMT mới nên không biết có nên đầu tư để lắp đặt thiết bị vào thời điểm này”, ông Phong nói. Là một trong những hộ đầu tư ĐMT sau ngày 30.6, ông Lê Quốc Nam (ngụ KDC 586, P.Phú Thứ, Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ) có lý do để lo lắng: “Bỏ ra 120 triệu đồng để đầu tư dung lượng 5,5 kWp, sau hơn 2 tháng hoàn thiện, phát bán điện cho ngành điện nhưng tới nay tôi vẫn chưa biết mình sẽ được bao nhiêu. Hy vọng giá ĐMT áp mái mới sẽ tính bằng hoặc hơn giá cũ để người dân yên tâm và tiếp tục ủng hộ chủ trương phát triển điện năng lượng mặt trời”. Hiện chưa có giá điện mới nên số điện của hộ ông Nam vẫn đang được Công ty Điện lực TP.Cần Thơ ghi nhận, chờ khi có giá điện mới sẽ thanh toán sau.Ông Nguyễn Văn Lý, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC), cho biết đến cuối tháng 8.2019, tại 21 tỉnh thành miền Nam, tổng công suất năng lượng mặt trời áp mái khách hàng đã lắp đặt là 121.272 kWp, đạt 127% so với kế hoạch EVN giao. Hiện có 5.982 khách hàng lắp đặt công tơ 2 chiều bán điện dư từ hệ thống ĐMT áp mái phát vào hệ thống điện chung. Tính đến ngày 30.8.2019, EVN SPC đã thanh toán tiền EVN SPC cho 2.948 khách hàng với sản lượng 7.620.128 kWh, số tiền 17,15 tỉ đồng. Mặc dù lượng khách hàng đăng ký lắp đặt ĐMT áp mái vẫn tăng, nhưng hầu hết người đầu tư đều đang mong mỏi mức giá mới cho ĐMT sớm được ban hành.

Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2019

Điện mặt trời áp mái : Giải pháp khả thi bù đắp thiếu hụt điện năng

Phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời áp mái (ĐMTAM) đang được Chính phủ, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đặc biệt quan tâm với mục tiêu bù đắp nguồn năng lượng thiếu hụt. Tại Hội thảo “Khởi động chương trình thúc đẩy phát triển ĐMTAM tại Việt Nam” do Bộ Công Thương chủ trì tổ chức tại TP HCM vừa qua, phóng viên Báo Năng lượng Mới có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Dũng – Trưởng ban Kinh doanh EVN – xung quanh vấn đề này.  
PV: Ông có thể cho biết về tình hình cung ứng và tiêu thụ điện của nước ta trong năm 2019 và những năm tiếp theo?

giai phap kha thi bu dap dien thieu hut

Ông Nguyễn Quốc Dũng: Trong năm 2019, theo quy hoạch, tổng nguồn cung năng lượng điện là 52.600 MW. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, nguồn cung mới đạt 48.800 MW, thiếu hụt khoảng 3.000 MW. Đến năm 2025, nguồn cung điện theo quy hoạch phải đạt 89.000 MW, đến năm 2030 đạt 110.000 MW.
Tổng nhu cầu điện của cả nước giai đoạn 2019-2030 sẽ tiếp tục tăng cao. Dự kiến trong năm 2019, công suất phụ tải là 38.147 MW, năm 2025 tăng lên 63.400 MW và đến 2030 lên tới 90.000 MW.
Chúng ta đang mất cân đối cung – cầu điện. Trong đó, những năm 2019-2020 là giai đoạn đặc biệt khó khăn đối với ngành điện. Chúng ta đã huy động hết toàn bộ các nguồn nhiệt điện và đã phát điện chạy dầu (rất đắt) nhưng cũng không đủ đáp ứng nhu cầu. Theo kế hoạch, EVN dự kiến phát điện dầu khoảng 1,7 tỉ kWh trong năm 2019, chúng ta đã sử dụng đến hơn 700 triệu kWh từ điện chạy dầu giá cao để đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt. Dự kiến của EVN là từ nay đến cuối năm 2019 phải tăng điện chạy dầu thêm 1,8 tỉ kWh nữa.
Trong giai đoạn 2021-2025, khả năng nước ta tiếp tục mất cân đối về cung – cầu điện và thiếu hụt khoảng 3,7 tỉ kWh vào năm 2021, tới 10 tỉ kWh vào năm 2022 và đến năm 2023 thiếu hụt khoảng 12 tỉ kWh.
PV: Nguyên nhân nào khiến mất cân đối lớn về cung – cầu điện, thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Dũng: Nguyên nhân chính là hiện tại rất nhiều dự án điện độc lập (IPP) không đáp ứng tiến độ, không theo quy hoạch. Hiện tại, chúng ta có khoảng 7-8 nhà máy chậm tiến độ với lượng công suất thiếu hụt khoảng 2.200 MW.
Bên cạnh đó là khó khăn trong việc bảo đảm nguồn nhiên liệu cho phát điện.
Tình trạng thiếu điện một mặt do thiếu nguồn, công suất, sản lượng, một mặt chúng ta không truyền tải được nguồn năng lượng tái tạo ở miền Trung. Đây là một trong những nguyên nhân rất là đáng tiếc. Chúng ta đã phát triển được năng lượng tái tạo ở mức độ rất cao trong thời gian qua, nhưng năng lượng tái tạo tập trung rất nhiều ở khu vực miền Trung mà ở đây lưới điện truyền tải phát triển chưa theo kịp tốc độ phát triển của điện mặt trời, gây quá tải lưới điện. EVN đang cùng Bộ Công Thương, UBND các tỉnh tập trung giải quyết các vấn đề về truyền tải điện ở khu vực miền Trung.
PV: Trước những khó khăn đó, EVN đã có giải pháp gì để bù đắp lượng điện thiếu hụt?
Ông Nguyễn Quốc Dũng: Có nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai, trong đó có phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là ĐMTAM đang được Chính phủ, Bộ Công Thương và EVN đặc biệt quan tâm. Chúng tôi đã xây dựng các chương trình, mục tiêu để phát triển một cách nhanh nhất ĐMTAM tại Việt Nam nhằm bù đắp lại nguồn năng lượng đang thiếu hụt và có thể thiếu hụt trong tương lai.
Tiềm năng điện mặt trời của chúng ta rất lớn. Theo thống kê ở 3 miền Bắc – Trung – Nam cho thấy khu vực có tiềm năng lớn nhất là tại miền Nam, tất cả 15 tỉnh được thống kê với bức xạ rất tốt, có tiềm năng phát triển tới 9.737 MWp. Khu vực thứ hai là miền Trung, 11 tỉnh được thống kê với tiềm năng phát triển là 3.202 MWp. Tại khu vực miền Bắc, thống kê ở 3 tỉnh Thanh Hóa, Sơn La, Hà Tĩnh, tiềm năng phát triển là 353 MWp. Như vậy, tổng tiềm năng điện mặt trời có thể phát triển trên toàn quốc là 13.293 MWp.
PV: Ông có thể cho biết, hiện nay có những chương trình nào thúc đẩy phát triển ĐMTAM ở nước ta?
Ông Nguyễn Quốc Dũng: ĐMTAM được khuyến khích phát triển ở tất cả mọi nơi, ưu tiên ở những khu vực khả thi về mặt đấu nối và gần phụ tải. EVN tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích tất cả các khách hàng sử dụng điện (điện sinh hoạt, điện công nghiệp, thương mại dịch vụ) đầu tư vào phát triển ĐMTAM, đặc biệt tại những khu vực có nhiều tiềm năng như miền Trung, miền Nam. EVN cũng khuyến khích các hộ lắp ĐMTAM đầu tư các hệ thống tích trữ năng lượng để nâng cao hiệu quả phát điện cho các dự án cũng như tăng độ ổn định cho lưới điện.

Bên cạnh chỉ đạo các trụ sở doanh nghiệp thuộc EVN tiên phong lắp đặt và khuyến khích CBCNV thuộc EVN lắp ĐMTAM, EVN cũng tăng cường quảng bá, tuyên truyền tới các khách hàng cơ quan, công sở của Nhà nước, doanh nghiệp và hộ gia đình về ĐMTAM. Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN triển khai “Chương trình phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam” (GET FiT) với mục tiêu hỗ trợ khoảng 50.000-70.000 khách hàng lắp đặt ĐMTAM nối lưới, công suất lắp đặt dự kiến 130-150MWp, dành cho đối tượng hộ gia đình trên phạm vi toàn quốc. Mức hỗ trợ (dự kiến) là 3 triệu đồng/kWp và không quá 6-10 triệu đồng/hộ. Chương trình diễn ra từ năm 2019-2021, được thực hiện bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại 14,5 triệu eur của Chính phủ Đức thông qua Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW).
PV: Khi hộ gia đình lắp đặt ĐMTAM thì quy trình đấu nối, bán điện cho EVN như thế nào, có phức tạp không?
Ông Nguyễn Quốc Dũng: Ngay từ đầu, EVN đã xác định phải làm sao thật công khai, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi nhất với khách hàng lắp đặt ĐMTAM, bảo đảm nhanh chóng, kịp thời và an toàn vận hành. Theo quy định, hệ thống ĐMTAM dưới 3 kWp sẽ được đấu nối vào hệ thống điện 1 pha và trên 3 kWp sẽ đấu vào hệ thống điện 3 pha. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ đề xuất với Bộ Công Thương, trong trường hợp các hệ thống trên 3 kWp lắp đặt ở khu vực không có lưới điện 3 pha, nhưng lưới điện 1 pha vẫn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật thì vẫn cho phép đấu nối vào lưới điện 1 pha. EVN cũng có kế hoạch nâng cấp hệ thống điện để đáp ứng nhu cầu nối lưới của ĐMTAM.
Hồ sơ đăng ký mua bán điện rất đơn giản, 3 ngày trước ngày hoàn thành, khách hàng gửi giấy đề nghị bán điện đến các doanh nghiệp điện lực địa phương. Hiện nay tất cả các hồ sơ đã được EVN thống nhất và công khai trên trang web của EVN. Ngoài ra, khách hàng cần gửi cho các doanh nghiệp điện lực hồ sơ kỹ thuật. Chúng tôi lưu ý là phải có hồ sơ kỹ thuật vì cần đánh giá chất lượng của các tấm pin, inverter, đánh giá về nhà sản xuất trong tương lai, cũng như về nhà lắp đặt, nhằm đưa ra các khuyến nghị với người tiêu dùng liên quan đến vấn đề kỹ thuật.
Sau khi ký kết hợp đồng mua bán điện, việc ghi chỉ số sẽ được thực hiện 1 tháng 1 lần. Hằng tháng, chúng tôi sẽ thu thập số lượng một cách tự động và thông báo đến khách hàng. Về thanh toán, chúng tôi sẽ chuyển khoản cho chủ đầu tư. Việc thanh toán rất dễ dàng sau khi có chỉ số, qua chuyển khoản ngân hàng.
PV: Xin cảm ơn ông!

Thứ Hai, 26 tháng 8, 2019

Công suất điện mặt trời áp mái sẽ đặt 2.000 MW vào năm 2020

Trong bối cảnh các nguồn năng lượng truyền thống đang ngày càng cạn kiệt thì việc phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời áp mái, sẽ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN),tính đến hết tháng 6/2019, đã có 89 nhà máy điện gió và điện mặt trời hòa lưới với tổng công suất đặt 5.038 MW, chiếm 9,5% tổng công suất đặt của hệ thống điện quốc gia.
Dự kiến, đến ngày 31/12/2019, sẽ có thêm khoảng 1.000 MW các nguồn năng lượng tái tạo đấu nối vào hệ thống điện quốc gia góp phần giảm bớt những khó khăn về nguồn điện trong bối cảnh các nguồn năng lượng truyền thống đang ngày càng cạn kiệt.
EVN cho biết chỉ tính riêng điện mặt trời áp mái, trong 3 tháng trở lại đây đã có hơn 4.000 hộ gia đình lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái với tổng công suất đạt 200 MW. Với tốc độ phát triển như hiện nay, EVN dự kiến đến cuối năm 2019 sẽ có thêm 300 MW công suất điện mặt trời áp mái được lắp đặt.

Tại Diễn đàn năng lượng Việt Nam 2019 vừa mới được tổ chức, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN nhấn mạnh, phát triển điện mặt trời áp mái là giải pháp hữu hiệu để giảm được chi phía truyền tải, giảm áp lực về giá và tăng hiệu suất sử dụng.
Hiện nay, Việt Nam đang áp dụng mức giá mua điện mặt trời áp mái là 9,35 cent/kWh. Bộ Công Thương đang đề xuất giữ nguyên mức giá điện mặt trời áp mái đến hết năm 2021 để khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo này.
Cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách, các giải pháp kỹ thuật cũng đang được gấp rút triển khai nhằm đấu nối và giải tỏa công suất của nguồn năng lượng này. EVN kỳ vọng đến hết năm 2020, công suất điện mặt trời áp mái sẽ đạt khoảng 2.000 MW.
Đánh giá của các chuyên gia trên lĩnh vực năng lượng tái tạo cho thấy, khu vực miền Trung và miền Nam có tiềm năng lớn về điện mặt trời áp mái với độ bức xạ đạt từ 4,2-4,8 kWh/m2/ngày. Điện mặt trời áp mái có tính chất phân tán, tiêu thụ tại chỗ, thời gian phát chủ yếu vào ban ngày, sẽ làm giảm áp lực về phụ tải lưới điện và giảm gánh nặng về đầu tư hệ thống.
Các chuyên gia lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng đưa ra nhận định với cơ chế chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo và tiềm năng rất lớn thì mục tiêu đến cuối năm 2025 lắp đặt và đưa vào vận hành 100 nghìn hệ thống điện mặt trời áp mái có thể  thực hiện được.

Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2019

Điện mặt trời áp mái giúp tiết kiệm 90% hóa đơn tiền điện?

Nhu cầu sử dụng điện trong những ngày nắng nóng cùng việc giá điện tăng khiến hóa đơn tiền điện tăng đột biến. Mặc dù điện mặt trời được coi như giải pháp tiềm năng, nhưng trên thực tế, công nghệ này vẫn chưa lan tỏa tới đại đa số hộ gia đình Việt. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu về hệ thống ưu việt này.

Khí hậu phân hóa ảnh hưởng đến sản lượng điện mặt trời
Qua lời tư vấn của một số đơn vị cung cấp, hệ thống điện mặt trời hòa lưới công suất dưới 5 kWp (kilowatt-peak) đang nhận được rất nhiều sự quan tâm. Với giá trên dưới 20 triệu đồng/1 kWp, hệ 3 kWp hứa hẹn tiết kiệm cho gia đình mỗi tháng từ 400-500 kWh (tương đương 800.000 đồng – 1 triệu đồng), trong khi hệ 5 kWp có thể đạt sản lượng từ 600-750 kWh (tương đương 1,2 triệu đồng – 1,5 triệu đồng). Như vậy, hệ thống điện mặt trời sẽ bắt đầu sinh lời sau 5-7 năm.

Tuy nhiên, hiệu quả thực tiễn của hệ thống điện mặt trời phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm: vị trí căn nhà, địa hình lắp đặt, vật cản và quan trọng nhất là điều kiện khí hậu. Khu vực dưới vĩ tuyến 17 (Nam Trung Bộ trở vào), bức xạ mặt trời không chỉ nhiều mà còn rất ổn định, chênh lệch 20% từ mùa Khô sang mùa Mưa. Số giờ nắng trung bình năm ở miền Nam khoảng 2000-2600 giờ/năm.
VùngGiờ nắng trong nămCường độ BXMT(kWh/m2/ngày)
Đông Bắc1600 – 17503,3 – 4,1
Tây Bắc1750 – 18004,1 – 4,9
Bắc Trung Bộ1700 – 20004,6 – 5,2
Tây Nguyên và Nam Trung Bộ2000 – 26004,9 – 5,7
Nam Bộ2200 – 25004,3 – 4,9
Trung bình cả nước1700 – 25004,6
Trong khi ở các tỉnh miền Bắc, số giờ nắng chỉ khoảng 1500-1700 giờ/năm. Ví dụ, sản lượng điện mặt trời các tháng trong năm tại Hà Nội không đồng đều do sự phân hóa rõ rệt giữa mùa Đông – Xuân và mùa Hè – Thu. Theo báo cáo của Sở Công thương Hà Nội, hệ thống điện mặt trời hoạt động lắp đặt tại miền Bắc sẽ có hiệu quả không cao như các tỉnh miền Nam, từ đó dẫn tới thời gian hoàn vốn sẽ lâu hơn, lên tới 7 năm.
Chúng tôi đã sử dụng phần mềm chuyên dụng PVGIS ước tính sản lượng điện của hệ 3 kWp tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Bạn có thể thấy điều kiện khí hậu sẽ ảnh hưởng thế nào tới hiệu quả của hệ thống điện mặt trời qua biểu đồ bên dưới.
Điện mặt trời tiết kiệm cho gia đình bạn bao nhiêu trên hóa đơn tiền điện? - Ảnh 2.
Với giàn pin nghiêng 12 độ và tổn thất hệ thống 15%, hiệu quả của hệ 3 kWp tại Hà Nội chỉ đạt khoảng 80% so với khi triển khai tại TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt có những tháng chưa đầy 60% công suất đỉnh (tương đương 400.000 đồng/tháng). Nếu giá bán điện mặt trời duy trì ở mức 2.314 đồng/kWh, các gia đình tại Hà Nội sẽ phải chờ gần 7 năm để hệ thống bắt đầu sinh lời, trong khi tại TP. Hồ Chí Minh là 5 năm. Đó là chưa kể trường hợp giàn pin có thể bị cây cối hay nhà cao tầng che lấp một vài giờ trong ngày.
Tuổi thọ của các tấm pin mặt trời có thể kéo dài tới 25 năm và được bảo hành tối đa 12 năm. Thời gian bảo hành bộ hòa lưới là 5 năm và khung giàn từ 1 đến 2 năm.
Nhà đầu tư thông minh
Tất nhiên, không ai có thể phủ nhận hoàn toàn lợi ích lâu dài mà nguồn năng lượng “sạch” này đem lại. Trao đổi với anh Quang Hiệp (TP. HCM), chúng tôi được biết hệ thống điện mặt trời 5 kWp đã giúp cắt giảm 90% trên hóa đơn tiền điện, đồng thời cho phép gia đình anh sử dụng điều hòa cũng như thiết bị gia dụng khác thoải mái hơn.
Sau 3 tháng lắp đặt và sử dụng hệ 3 kWp, bác Hương (Hà Nội) cũng bước đầu nhận thấy hiệu quả tích cực mà công nghệ này đem lại. “Buổi sáng hầu như gia đình tôi không dùng đến điện lưới”, bác Lợi cho biết. “Trung bình, sản lượng của hệ khoảng 10 kWh/ngày, nhưng như thế cũng là hiệu quả lắm rồi. Tôi đang tính lắp đặt tiếp cho gia đình con trai tôi”
Việt Nam là quốc gia gần đường xích đạo và có những vùng khô nắng nhiều như các tỉnh Nam Trung Bộ. Kể từ năm 2017, nhà nước đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy phát triển điện mặt trời để hạn chế bớt sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt. Rõ ràng, điện mặt trời đang góp phần đảm bảo cho nguồn an ninh năng lượng quốc gia, nhưng những gia đình đầu tư vào loại hình công nghệ này cần phải tìm hiểu kỹ về sản phẩm cũng như đơn vị lắp đặt, tránh gặp phải sản phẩm kém chất lượng.
Công tơ 2 chiều
Với hệ thống điện mặt trời hòa lưới, khi lượng điện sử dụng ít hơn công suất điện mặt trời thì cần công tơ 2 chiều chạy ngược để tính phần điện thừa bán lại cho Điện lực. Loại thiết bị này sẽ được thiết kế với 1 đồng hồ đo tổng điện năng sử dụng từ lưới và 1 đồng hồ đo lượng điện trả ngược ra lưới từ hệ thống điện mặt trời.
Trong khi tình trạng quá tải lưới điện truyền tải là mối lo của các nhà đầu tư điện mặt trời quy mô lớn, thì vấn đề của hộ gia đình là được lắp công tơ 2 chiều càng sớm càng tốt. Quá trình lắp đặt công tơ 2 chiều do đơn vị EVN phụ trách và miễn phí cho khách hàng. Hiện tại EVN đã có văn bản khuyến khích người dân lắp đặt Hệ thống điện mặt trời áp mái.

Thứ Năm, 22 tháng 8, 2019

Đầu tư điện mặt trời công suất lớn : thuận lợi hay khó khăn?

Sau khi có Quyết định của Chính phủ về mục tiêu phát triển điện mặt trời, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư để có lợi nhuận. Tuy nhiên, chi phí quá lớn đã khiến không ít doanh nghiệp trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan.
Cơ chế và sức hút
Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 428/2016/QĐ-TTg, dự kiến đến năm 2020, sản lượng điện đạt 265 – 278 tỷ kWh và đến năm 2030 đạt khoảng 571 – 700 tỷ kWh. Để đáp ứng nhu cầu này, tới năm 2020, công suất điện cần tới 60.000 MW, năm 2025 cần 96.500 MW và đến năm 2030 là 129.500 MW, tức là bình quân mỗi năm tăng thêm khoảng 6.000 – 7.000 MW. Trong đó, mục tiêu phát triển điện mặt trời được đề ra chỉ là 850 MW công suất lắp đặt vào năm 2020 và khoảng 4.000 MW vào năm 2025; khoảng 12.000 MW năm 2030.
Sau khi có Quyết định của Chính phủ về mục tiêu phát triển điện mặt trời, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư để có lợi nhuận. Tuy nhiên, chi phí quá lớn đã khiến không ít doanh nghiệp trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan.
Cơ chế và sức hút
Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 428/2016/QĐ-TTg, dự kiến đến năm 2020, sản lượng điện đạt 265 – 278 tỷ kWh và đến năm 2030 đạt khoảng 571 – 700 tỷ kWh. Để đáp ứng nhu cầu này, tới năm 2020, công suất điện cần tới 60.000 MW, năm 2025 cần 96.500 MW và đến năm 2030 là 129.500 MW, tức là bình quân mỗi năm tăng thêm khoảng 6.000 – 7.000 MW. Trong đó, mục tiêu phát triển điện mặt trời được đề ra chỉ là 850 MW công suất lắp đặt vào năm 2020 và khoảng 4.000 MW vào năm 2025; khoảng 12.000 MW năm 2030.
Tuy nhiên, quá nhiều dự án điện mặt trời phát triển cùng lúc ở một khu vực, khi đấu nối vào đường dây hiện hữu, sẽ dẫn đến khả năng phải đầu tư thêm lưới điện truyền tải, trạm biến áp… Dĩ nhiên, các chi phí này đều tính vào giá thành điện, Nhà nước hay Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không thể gánh nổi. Để được hưởng mức giá bán điện mặt trời là 9,35 UScent/kWh trong thời gian 20 năm, các dự án điện mặt trời phải vào vận hành thương mại trước ngày 30/6/2019, riêng tỉnh Ninh Thuận đã được gia hạn tới hết năm 2020.
Tuy nhiên, theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ, mức giá này chỉ áp dụng cho các dự án nối lưới có hiệu suất của tế bào quang điện (solar cell) lớn hơn 16% hoặc modun lớn hơn 15%. Thông tư 16/2018/TT-BCT cũng đưa ra yêu cầu, dự án điện mặt trời nối lưới có diện tích sử dụng đất lâu dài không quá 1,2 ha/MWp. Theo tính toán của các chuyên gia đến từ GIZ, ở thời điểm tháng 7/2019, giá FiT cho một dự án điện mặt trời quy mô 50 MW là 6,57 – 7,14 UScent/kWh ở vùng có bức xạ mặt trời lớn nhất như Bình Thuận, Ninh Thuận.
Ở các vùng có bức xạ thấp như miền Bắc, giá FiT là 8,7 – 9,45 UScent/kWh. Mức giá ở vùng có bức xạ mặt trời lớn cũng sẽ giảm còn 5,78 – 6,28 UScent/kWh vào tháng 7/2020 và xuống còn khoảng 5,5 UScent/kWh vào tháng 7/2021. Nghĩa là, những dự án nào nhanh chân được bổ sung vào quy hoạch, kịp phát điện thương mại trước tháng 6/2019 (riêng Ninh Thuận là hết năm 2020) có thể yên tâm “rung đùi” hưởng mức giá mua điện ở mức 9,35 UScent/kWh trong 20 năm so với các dự án chậm chân.

Kinh nghiệm phát triển điện mặt trời nhìn từ các nước trên thế giới

Có thể nói, phát triển điện mặt trời (ĐMT) nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung đang là một vấn đề rất “nóng” không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Chính vì vậy, để phát triển thì việc nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ các nước đã phát triển sẽ góp phần cho ĐMT tại Việt Nam đi đúng hướng.
Từ những nền kinh tế đã phát triển ĐMT như Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu
Trước tiên, phải nhìn vào kinh nghiệm phát triển năng lượng sạch của Trung Quốc, một nền kinh tế lớn đứng thứ hai trên thế giới (sau Mỹ) cho thấy, từ chỗ Trung Quốc phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch như than, dầu mỏ, khí đốt…, đến nay, đã từng bước đa dạng hóa nguồn cung cấp điện năng thông qua việc phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Ngay từ năm 2006, Trung Quốc đã ban hành Luật Năng lượng tái tạo, đặt nền móng cho cuộc cách mạng phát triển năng lượng sạch. Kế hoạch 5 năm lần thứ XII (2011-2015) và lần thứ XIII (2016-2020) của Trung quốc đã chỉ ra phải ưu tiên phát triển năng lượng xanh và bảo vệ môi trường, bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải carbon và thay đổi cấu trúc thị trường than.
Cụ thể, Trung Quốc đã điều chỉnh giá điện từ nguồn tái tạo và hủy bỏ các kế hoạch triển khai các dự án nhà máy nhiệt điện chạy than; khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư sản xuất nguồn năng lượng sạch tại nước này. Theo đó, năm 2015, điện gió đã cung cấp 33 GW cho Trung Quốc, gấp 3 lần công suất năng lượng sạch tại Pháp và dự kiến Trung Quốc tăng công suất điện gió lên 210 GW vào 2020, tương đương với tổng công suất điện gió của cả thế giới. 
Riêng với năng lượng ĐMT, cuối năm 2017, Trung Quốc cũng đạt công suất là 126 GW, tăng 67% so với năm 2016.
Tiếp đến, phải nói đến một cường quốc về khoa học-công nghệ phát triển là Nhật Bản cũng đã sớm nhận thức vai trò và tầm quan trọng của nguồn năng lượng sạch đối với phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. 
Ngay từ năm 2008, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện chính sách hỗ trợ cho vay mua nhà sử dụng năng lượng tái tạo với thời gian trả nợ tối đa là 10 năm, trong đó, cho những gia đình cải tạo nhà, chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời được vay số tiền tối đa lên đến 5 triệu yen, tương đương gần 5.000 USD. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản còn mua điện sản xuất từ năng lượng mặt trời với giá cao hơn giá thị trường và giảm giá bán các tấm pin năng lượng mặt trời.
Để thúc đẩy ĐMT phát triển hơn nữa, tháng 8/2011, Nhật Bản đã ban hành Luật Trợ giá (FiT) mua năng lượng tái tạo, khuyến khích người dân tự sản xuất ĐMT tại nhà và từ đó xây dựng các trung tâm ĐMT lớn và tập trung. Luật FiT cho phép hỗ trợ giá điện sản xuất từ năng lượng mặt trời khi các doanh nghiệp tư nhân muốn đầu tư.
Cụ thể, Chính phủ mua điện sản xuất từ năng lượng mặt trời với giá cao hơn giá thị trường, khoảng 40 yen/kWp (0.50 USD/kWh) cho các dự án có công suất 10 kW trở lên. Đối với các dự án công suất <10 kW, giá mua là khoảng 42 yen/kWp (0.53 USD/kWh). Chỉ riêng năm 2016, Chính phủ Nhật Bản dành khoảng 2,3 nghìn tỉ yen (tương đương 20,5 tỉ USD) hỗ trợ việc mua lại ĐMT với giá cao.
Chính vì vậy, từ năm 2011 đến năm 2014, công suất lắp đặt ĐMT tại Nhật Bản tăng mạnh từ 5.000 MW lên 25.000 MW. Đến nay, đã có khoảng 2,4 triệu khách hàng (bao gồm hộ gia đình, doanh nghiệp…) lắp đặt ĐMT áp mái ở Nhật Bản. 
Đặc biệt, nhằm tạo động lực và gia tăng lợi ích cho người dân và doanh nghiệp khi đầu tư vào ĐMT, tháng 4/2017, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đã ban hành luật FiT mới (sửa đổi). Theo đó, giảm thuế từ 21 đến 30 yen/kWp điện tái tạo, tùy thuộc vào quy mô hệ thống. 
Tiếp đến, tháng 7/2018, Nhật Bản thông qua kế hoạch chiến lược phát triển năng lượng lần thứ 5 tầm nhìn 2030 và đến 2050. Theo đó, đã định hướng phát triển năng lượng dựa trên nguyên lí 3 E+S, (Safety – An toàn; Energy Sercurity – An ninh năng lượng; Enviroment – Môi trường và Economic Effeciency – Hiệu quả kinh tế).
Theo kế hoạch, Nhật Bản tiếp tục duy trì mục tiêu sử dụng đa dạng các nguồn năng lượng. Cụ thể, đến năm 2030, trong cơ cấu nguồn điện, năng lượng tái tạo chiếm từ 22-24%, nhiên liệu hóa thạch 56% và năng lượng hạt nhân từ 20-22%.
Tại Anh, một nước có nền kinh tế rất phát triển tại châu Âu, đã thực hiện cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu được 20 năm đang là nước dẫn đầu trên thế giới về công suất điện gió ngoài khơi với 2 GW đã được lắp đặt trong năm 2018 và hướng tới mục tiêu 30 GW vào năm 2030. Hiện tại, điện gió hiện chiếm khoảng 10% năng lượng của nước Anh.
Nếu như năm 2012, nước Anh phải dựa vào nhiệt điện than là 40%, thì hiện nay, con số này là 6%. Tức là sau 7 năm, nước Anh đã giảm sự phục thuộc vào than cho sản xuất điện từ 40% xuống còn 6%. Ngoài ra, nước Anh còn là một quốc gia đứng đầu trên thế giới về cơ chế tài chính xanh.
…đến các nước trong khu vực ASEAN
Không chỉ ở các nền kinh tế lớn của thế giới mới nhận thức được vai trò của phát triển năng lượng xanh, sạch quyết định đến an ninh năng lượng toàn cầu mà tại khu vực ASEAN, phát triển hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo luôn là vấn đề cấp thiết của các quốc gia Đông – Nam Á, hướng tới mục tiêu xây dựng một cộng đồng ASEAN xanh và sạch. Với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế ASEAN thời gian qua, nhu cầu sử dụng năng lượng của các quốc gia trong khu vực ngày càng lớn.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), mức tiêu thụ năng lượng của ASEAN tăng 60% trong 15 năm qua. Bởi vậy, các quốc gia trong khu vực ASEAN cần nhanh chóng thúc đẩy sử dụng nguồn năng lượng sạch.
Nói đến phát triển năng lượng sạch trong khu vực ASEAN trước tiên phải nói đến Thái Lan, hiện nay đang là nước dẫn đầu ASEAN trong sử dụng ĐMT. Theo Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế, Thái Lan xếp thứ 15 trong Tốp toàn cầu năm 2016, với công suất hơn 3.000 MW, cao hơn tất cả các nước ASEAN khác cộng lại. Dự kiến, công suất lắp đặt ĐMT tại đất Thái Lan đến năm 2036 là 6.000 MW.
Trong khối ASEAN, Thái Lan là nước đầu tiên áp dụng biểu giá FiT năm 2016 (feed-in-tariff – các mức giá áp dụng cho điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo để bán lên lưới hoặc sử dụng tại chỗ nhằm giảm tải cho lưới điện) cho năng lượng tái tạo; trong đó các dự án năng lượng mặt trời nhận được FiT cao nhất, với mức 23 cent/kWh cho 10 năm. Sau đó, chương trình này được thay thế bằng chương trình FiT 25 năm với giá 17 đến 20 cent/kWh tùy thuộc vào loại máy phát điện.
Để khuyến khích cho các dự án nhỏ, Thái Lan cũng đã đưa ra các mức hỗ trợ FiT cao nhất cho các nhà sản xuất nhỏ như các dự án quy mô nhỏ trên mái nhà. Cụ thể, Thái Lan đưa ra mức giá FiT ưu đãi 21 cent/kWh cho các dự án năng lượng mặt trời trên mái nhà, đồng thời khởi xướng chương trình “Mái nhà quang điện”. Đây chính là lý do khiến Thái Lan trở thành người dẫn đầu trong thị trường ĐMT ở Đông Nam Á.
Tiếp đến, Singapore, một quốc gia điển hình trong phát triển năng lượng sạch và là quốc gia được đánh giá là xanh, sạch nhất thế giới. Để có được kết quả như vậy, Singapore tích cực khuyến khích việc phát triển năng lượng sạch như ĐMT và điện gió.
Năm 2016, Singapore  đã công bố tài trợ hơn 700 triệu đô la Mỹ cho các hoạt động Nghiên cứu và Phát triển (R&D) ở khu vực công trong 5 năm nhằm tìm ra giải pháp cho phát triển bền vững đô thị. Hiện Singapore đang thử nghiệm xây dựng các nhà máy năng lượng mặt trời trong đô thị và các trạm ĐMT nổi trên các hồ chứa.
Đồng thời, để thúc đẩy các dự án ĐMT, Singapore cung cấp các mức thuế cạnh tranh và ưu tiên phát triển thị trường buôn bán điện cạnh tranh. Theo đó, tất cả người tiêu dùng, trong đó có các hộ gia đình sẽ có quyền lựa chọn nhà cung cấp điện cho mình.
Trong khi đó, Indonesia đầu năm 2017 đã thông qua luật về năng lượng tái tạo, trong đó thay đổi mức thuế suất đối với các dự án năng lượng tái tạo. Theo luật mới, mức hỗ trợ FiT sẽ dựa trên chi phí cung cấp điện trung bình của khu vực, nơi dự án điện năng lượng mới được xây dựng. Mức hỗ trợ theo chương trình mới là từ 6,5 đến 11,6 cent/kWh.
Luật mới của Indonesia cũng cho phép ĐMT cạnh tranh trực tiếp với các nhà máy nhiệt điện đốt than – hình thức sản xuất điện năng phổ biến ở Indonesia. Cơ chế thanh toán bù trừ (Metering Net) dành cho hộ gia đình, thương mại sử dụng năng lượng mặt trời trên mái nhà cũng được thông qua vào năm 2013, bắt buộc Tập đoàn Điện lực Quốc gia Indonesia phải trả khoản năng lượng dư thừa được sản xuất bởi năng lượng mặt trời vào tài khoản của khách hàng.
Tại Malaysia, chính sách về năng lượng mặt trời đã được quy định trong Đạo luật Năng lượng tái tạo năm 2011 và được sửa đổi năm 2014 nhằm phù hợp với sự thay đổi của thị trường cũng như việc giảm giá các tấm pin năng lượng. Ngoài ra, cơ chế thanh toán bù trừ (NEM) đã được đưa ra vào năm 2016 với mục tiêu đạt 500 MW ĐMT vào năm 2020 tại bán đảo Malaysia và Sabah. Theo đó, người tiêu dùng chỉ tốn 1m2 lắp đặt là có thể tạo ra điện năng cho gia đình và bán năng lượng dư thừa cho điện lưới quốc gia. Nhờ các chính sách hỗ trợ về giá, công suất lắp đặt pin mặt trời tại Malaysia cho đến nay đạt 338 MW. Quốc gia này đặt mục tiêu 1.356 MW vào năm 2020.
TS. Ngô Văn Tuấn
ĐH Ngân hàng TPHCM

[Samtrix Solar] - Pin năng lượng mặt trời được làm ra như thế nào?

Thứ Tư, 21 tháng 8, 2019

[Điện mặt trời Samtrix ] - Trồng hoa màu trên cao kiểu Mỹ

Ninh Thuận : Doanh nghiệp “lách luật” làm điện mặt trời áp mái công suất lớn

Dự án đăng ký ban đầu chỉ có sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhưng Công ty cổ phần đầu tư – phát triển nông nghiệp công nghệ cao Ninh Thuận (Nitatech) tự ý làm luôn điện mặt trời.

Chiều 21-8, ông Dương Đình Sơn, phó phụ trách Chi cục Kiểm lâm Ninh Thuận, cho biết vừa quyết định xử phạt về hành vi lấn chiếm 0,75ha đất rừng đối với Công ty cổ phần đầu tư – phát triển nông nghiệp công nghệ cao Ninh Thuận (Nitatech) 22 triệu đồng.
Kèm phạt tiền còn có biện pháp buộc tháo gỡ hàng trụ điện, trồng lại cây lâm nghiệp, trả lại hiện trạng ban đầu.
Theo ghi nhận, Khu nông nghiệp công nghệ cao Nitatech (xã Phước Tiến, huyện Bác Ái) có 4 vị trí lắp đặt pin điện mặt trời (ĐMT) xen lẫn giữa đất rừng và đất sản xuất. Các dãy pin ĐMT được lắp đặt cao hơn mặt đất 2,5m.
Xin làm nông nghiệp, làm luôn điện mặt trời chui - Ảnh 1.
Theo ông Sơn, Nitatech được UBND tỉnh cấp phép đầu tư nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích gần 60ha, trong đó có 17ha rừng giao cho Nitatech có trách nhiệm quản lý, bảo vệ. Đến nay, Nitatech đã trồng đan xen trong đất không có rừng cây bưởi da xanh, dưa.
Tuy nhiên, khi ngăn chặn Nitatech phá rừng, các ngành chức năng phát hiện Nitatech xây dựng nhà máy ĐMT công suất 4MW trong đất dự án với diện tích 4ha, mỗi hecta ĐMT có công suất 1MW.  Cả bốn vị trí ĐMT này đều đã nối lưới điện quốc gia trên trục quốc lộ 27B.
“Sau khi phát hiện dự án ĐMT sai, Sở Công thương tỉnh đã đến thực địa kiểm tra xem đây là ĐMT nối lưới hay ĐMT áp mái” – ông Sơn nói.
Xin làm nông nghiệp, làm luôn điện mặt trời chui - Ảnh 3.
Chiều 21-8, trả lời về việc này, ông Đạo Văn Rớt – phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Ninh Thuận – cho biết sau khi các ngành chức năng phát hiện Nitatech xây dựng công trình ĐMT, Sở Công thương có phối hợp với Sở Kế hoạch – đầu tư, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên – môi trường, UBND huyện Bác Ái đến kiểm tra. 
Trình bày với đoàn kiểm tra, Nitatech cho biết đây là ĐMT áp mái được xây dựng trên đất, bên dưới kết hợp trồng nấm.
Tuy nhiên, ông Rớt cho biết khi đoàn kiểm tra hồ sơ đăng ký ban đầu của Nitatech chỉ có sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, không có kết hợp ĐMT. Như vậy là sai với mục đích dự án ban đầu được cấp phép.
Mặt khác, cũng theo ông Rớt, khi lắp đặt các tấm pin ĐMT trên diện tích 4ha và hiện đã nối lưới điện, Nitatech đã không làm hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất với Sở Tài nguyên – môi trường theo quy định. 
Còn theo Nitatech, đây là ĐMT áp mái thì càng sai, vì khi đầu tư ĐMT áp mái với công suất trên 1MW thì phải lập hồ sơ xin bổ sung quy hoạch ĐMT theo quy định, còn dưới 1MW thì không.
“Hiện Sở Công thương đang tổng hợp báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh” – ông Rớt cho biết.
Theo Báo Tuổi Trẻ – Tiêu đề được đặt lại theo chủ blog

Lãnh đạo EVN bảo lưu đề xuất giữ giá điện áp mái như cũ tới hết năm 2021

Phát biểu tại Diễn đàn năng lượng Việt Nam ngày 21/8, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Võ Quang Lâm cho biết trong 3 tháng vừa qua, điện mặt trời áp mái bùng nổ với tổng công suất lưới lên mức 200 MW. Bởi vướng về cơ chế tài chính, đến trước 25/6, cơ bản điện mặt trời áp mái không phát triển. Sau khi Bộ Công Thương bãi bỏ quy định bù trừ sản lượng, áp dụng cơ chế 2 chiều, nhà đầu tư có quyền điện từ lưới điện và bán lại toàn bộ lượng sản xuất được cho EVN, điện mặt trời áp mái tăng trưởng ngoạn mục.
Ông Lâm khẳng định ngành điện ủng hộ duy trì giá thu mua điện mặt trời áp mái ở mức 9,35 cent/kWh đến năm 2021 với kỳ vọng cơ chế này sẽ giúp “bùng nổ” điện mặt trời áp mái. Lãnh đạo EVN thông tin, trước 30/6, giá 9,35 cent/kWh được tính chung cho cả điện mặt trời áp mái và lắp đặt tại các trang trại, nhà máy. Bộ Công Thương đang trình Chính phủ để đưa ra mức giá cho điện mặt trời áp mái với dự kiến giữ mức như hiện tại đến hết năm 2021. 
EVN kỳ vọng công suất điện mặt trời áp mái trên cả nước sẽ đạt 500 MW đến hết 31/12 và đạt 2.000 MW đến hết 2021. Cơ cấu nguồn điện của Việt Nam hết năm 2018 là 49.000 MW, điện mặt trời áp mái chiếm tỷ lệ khá nhỏ trong khi theo lãnh đạo EVN, Việt Nam còn nhiều tiềm năng trong lĩnh vực này. 
Ông Lâm dẫn ví dụ, Thái Lan chỉ cho phép 9 dự án điện mặt trời nổi với 2.700 MW, không cho đặt các trạm điện mặt trời trên mặt đất nhưng đặt mục tiêu đến 10.000 MW điện mặt trời áp mái. “Đây là một hướng Việt Nam có thể suy nghĩ trong thời gian tới”, lãnh đạo EVN nêu.
Theo ông Lâm, chi phí cho truyền tải, phân phối chiếm 30% trong cơ cấu giá thành điện. Vì vậy, điện mặt trời áp mái sản xuất và sử dụng tại chỗ sẽ giảm bớt được chi phí truyền tải, tăng hiệu suất sử dụng. Dẫn báo cáo của World Bank, ông chỉ ra tiềm năng lớn đối với các vùng tiêu thụ điện lớn: TP HCM ước tính có thể lắp đặt điện mặt trời áp mái với công suất khoảng 6.000 MW, ở Đà Nẵng là 1.000 MW.
Hiện nay, điện than vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện của Việt Nam với 38%, thủy điện ở mức 34%, năm 2018. Khi đó, điện gió, điện mặt trời chiếm chưa tới 1% trong hệ thống điện quốc gia. Năm 2019 đánh dấu sự bùng nổ của điện gió, điện mặt trời. Tuy nhiên, đến hết tháng 6, công suất lắp đặt của cả 2 nguồn này là 4.542 MW, đạt 8,3% hệ thống điện toàn quốc. Điện mặt trời trang trại hiện đang gặp khó khi tập trung chủ yếu ở 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận. Tình trạng quá tải lưới điện diễn ra, nhiều dự án điện mặt trời phải cắt giảm công suất.

Thứ Hai, 12 tháng 8, 2019

Kiên Giang : thúc đẩy điện mặt trời áp mái cho hộ gia đình

Công ty Điện lực Kiên Giang đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn giúp người dân và doanh nghiệp lắp đặt điện năng lượng điện mặt trời trên mái nhà được nhiều thuận lợi.
Theo Công ty Điện lực Kiên Giang, mặc dù chi phí ban đầu cho việc lắp đặt hệ thống điện năng lượng điện mặt trời (ĐMT) trên mái nhà khá cao nhưng nhiều người dân TP.Rạch Giá (Kiên Giang) vẫn sẵn sàng đầu tư để vừa có điện sử dụng, vừa bán điện dư cho ngành điện. Trong năm 2018, toàn tỉnh chỉ có 17 hộ dân lắp đặt ĐMT trên mái nhà nhưng đến giữa năm 2019 đã có thêm 95 hộ lắp đặt. Đây là một tín hiệu đáng mừng vì chủ trương của Chính phủ đang khuyến khích mọi thành phần tham gia đầu tư và khai thác nguồn điện sạch này.
Để thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp trong việc lắp đặt ĐMT trên mái nhà, Công ty Điện lực Kiên Giang khuyến khích khách hàng đầu tư thông qua việc thực hiện tư vấn; đơn giản hóa các thủ tục lắp đặt; gắn công tơ điện 2 chiều miễn phí để thực hiện mua bán điện. Phòng kinh doanh Điện lực Rạch Giá, khi khách hàng có nhu cầu bán điện thì phía điện lực sẽ lắp đặt công tơ điện 2 chiều. Khi hồ sơ nghiệm thu hoàn thành đầy đủ thì phía điện lực sẽ ký hợp đồng mua điện với người dân.
Anh Vũ Minh Mẫn, một hộ kinh doanh ở P. Vĩnh Lợi, TP. Rạch Giá, cho biết mỗi tháng nhà anh đóng từ 5 – 6 triệu đồng tiền điện. Mới đây, được biết thông tin hệ thống năng lượng ĐMT trên mái nhà giúp giảm tiền điện nên anh tìm hiểu và quyết định lắp đặt. “Hiện tôi đăng ký lắp đặt cho năng lượng điện mặt trời trên mái nhà gia đình là khoảng 320 triệu đồng. Phương thức đăng ký thực hiện rất đơn giản, chỉ cần ra Điện lực Rạch Giá đăng ký thì trong vòng 1 tháng công ty tiến hành lắp đặt xong”, anh Mẫn nói.
Ngày càng có nhiều người dân TP.Rạch Giá đầu tư lắp đặt điện năng lượng mặt trời trên mái nhà
Lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà hộ gia đình tại Rạch Giá
Theo thông tin từ nhà sản xuất, mỗi tấm pin điện năng lượng mặt trời và bộ hòa lưới có tuổi thọ lên đến 25 năm. Tấm pin điện mặt trời được bảo hành theo hiệu suất suy giảm, bảo hành suy giảm không dưới 90% thời gian 10 năm; bảo hành suy giảm hiệu suất không dưới 80% thời gian 20 năm. Còn theo tính toán của ngành điện, hệ thống ĐMT mái nhà có công suất lắp đặt 1 kWp bình quân phát ra hơn 4 kWh điện mỗi ngày. Hằng tháng điện lực sẽ chốt chỉ số ĐMT phát ra lưới điện lực từ công tơ 2 chiều để xuất hóa đơn và trả tiền cho khách hàng. Giá điện mà ngành điện mua từ người dân thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án ĐMT mái nhà tại Việt Nam với đơn giá 2.134 đồng/1kwh. Anh Hồ Thái Tâm, ngụ TP.Rạch Giá, cho biết hiện tại gia đình anh đang lắp đặt công suất điện mặt trời là 3 kWp và sản lượng bình quân mang lại 12 kWh/ngày. “Trong quá trình sử dụng khoảng 1 năm nay tôi cảm thấy rằng điện năng lượng mặt trời mang lại hiệu quả tốt. Trước khi lắp đặt điện mặt trời, gia đình tôi phải trả từ 800 ngàn tới 1 triệu đồng tiền điện, Nhưng sau khi lắp gói 3KWp, mỗi tháng tôi chỉ còn trả chưa tới 100 ngàn đồng. Do vậy, chắc chắn thời gian tới gia đình tôi sẽ tiếp tục đầu tư ĐMT vì vừa tiết kiệm điện năng tiêu thụ vừa mang lại lợi ích cao cho gia đình”, anh Tâm chia sẻ.
TOP 10 các thương hiệu pin mặt trời hàng đầu thế giới
Theo Công ty Điện lực Kiên Giang, việc đầu tư lắp đặt năng lượng ĐMT tiết kiệm chi phí, mang lại hiệu quả hằng tháng, thời gian thu hồi vốn nhanh và sinh lời. Tuy nhiên, việc lắp đặt và đầu tư hiện còn khá mới mẻ, người dân và doanh nghiệp chưa chủ động trong việc lựa chọn được nhà cung cấp sản phẩm lắp đặt. Do đó, Công ty Điện lực Kiên Giang đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và thông tin nhà cung cấp chất lượng để người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư sử dụng.