Thứ Tư, 21 tháng 3, 2018

Nga thúc đẩy chương trình "một triệu mái nhà điện mặt trời"

Bộ Năng lượng Nga đang tiến hành xây dựng và triển khai chương trình “Một triệu mái nhà Điện Mặt Trời tại Nga”.



 



Chương trình “Một triệu mái nhà Điện Mặt Trời tại Nga” nằm trong khuôn khổ chính sách ủng hộ sản xuất điện “xanh” mini công suất dưới 15 kW đã được chính phủ phê chuẩn trong năm qua.

Trong chương trình, các tấm thu năng lượng Mặt Trời sẽ được lắp đặt trên mái các tòa nhà. Các tấm năng lượng này chiếm khoảng 25-30% diện tích mái của tòa nhà tổng diện tích 150-200 m2, được “hòa mạng” với mạng lưới cấp điện chung qua các đồng hồ đo điện và bộ hòa lưới, công suất tối đa có thể đạt tới 3,5 kW. Lượng điện sản xuất ra dao động tùy theo các vùng, ví dụ tại thủ đô Moskva có thể đạt 1.100 kWh một năm, còn tại thành phố ven biển miền Nam nhiều nắng Anapa có thể đạt 1.682 kWh mỗi năm.

Giám đốc dự án Kirsanov cho biết chương trình “Một triệu mái nhà Mặt Trời tại Nga” không đòi hỏi hỗ trợ tài chính từ nhà nước. Chương trình hoạt động theo nguyên tắc “thu bù chi”, lượng điện Mặt Trời dư thừa từ tiêu thụ gia đình sẽ được bán cho nhà cung cấp. Như vậy, khi lượng điện mua và bán trong tháng cân bằng nhau, chủ sở hữu ngôi nhà và công ty cung cấp điện sẽ không phải chi trả gì cho nhau.

Thêm vào đó, người tham gia chương trình sẽ được hưởng ưu đãi thuế nếu sử dụng thiết bị sản xuất trong nước, được đơn giản hóa thủ tục “hòa mạng điện” cũng như quy định đo lượng điện sản xuất ra và được hòa mạng.

Theo tính toán của giới khoa học, chương trình “Một triệu mái nhà Điện Mặt Trời tại Nga” cho phép tăng tỷ trọng năng lượng trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này thêm 1,5%, nhờ đó tăng GDP thêm 0,3%, giảm 2,84 triệu tấn khí thải và tạo ra 100.000 việc làm mới.

Hiện tại, tổng lượng điện tiêu thụ tại Nga đạt 1.059,5 tỷ kWh năm 2017, tăng 0,5% so với năm trước đó. Trong cơ cấu sản xuất năng lượng điện, nhiệt điện chiếm đa số với 611,3 tỷ kWh; thủy điện (178,9 tỷ kWh); điện nguyên tử (202,6 tỷ kWh) ...


Theo Tân Hằng - PV TTXVN tại Nga đưa tin.

Thứ Hai, 19 tháng 3, 2018

Rủi ro "xí phần" đất để làm dự án năng lượng tái tạo

Thị trường năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió đang nóng lên nhanh chóng trong hai năm gần đây. Liên tục các sự kiện xúc tiến đầu tư và số lượng dự án được công bố, bao gồm cả các nhà đầu tư nước ngoài lẫn các nhà đầu tư trong nước. Theo báo cáo cập nhật gần đây của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ - USAID, đến năm 2017, chỉ riêng điện mặt trời đã có hơn 100 dự án mới tham gia thị trường, trong đó riêng Bình Thuận có hơn 70 dự án.

Dù việc cấp phép vẫn hoàn toàn đúng quy trình - có kiểm tra, có đánh giá năng lực và mục đích của nhà đầu tư - nhưng số lượng dự án “đầu cơ” vẫn lớn hơn nhiều so với dự án “đầu tư” thực sự!



Thực trạng này rõ ràng làm thiệt hại đến thị trường nói chung và những doanh nghiệp muốn đầu tư chân chính nói riêng. Bởi khi những “dự án đẹp” đã bị “xí phần”, họ buộc phải mua lại với chi phí cao hơn. Thị trường do đó phải gánh chịu chi phí trung gian không cần thiết.

Minh bạch hóa thông tin trên thị trường, trong đó bao gồm minh bạch hóa quy hoạch, quy trình cấp phép và minh bạch hóa thông tin giám sát thực thi, do đó là yêu cầu cần thiết để thị trường vận hành hiệu quả hơn. Nhất là trong bối cảnh nguồn vốn tài trợ cho thị trường năng lượng tái tạo phụ thuộc khá lớn vào các nhà đầu tư nước ngoài, yếu tố minh bạch càng phải được đặt lên hàng đầu.

Tiềm ẩn rủi ro đất đai

Đất đai là vấn đề tiếp theo có thể tiềm ẩn những rủi ro dẫn tới xung đột. Trong các loại hình năng lượng tái tạo, điện mặt trời lẫn điện gió đều sử dụng một diện tích đất đáng kể. Ví dụ, quy hoạch vùng tiềm năng dành cho điện gió của tỉnh Bến Tre chiếm tới 16,95% diện tích của tỉnh; Cà Mau chiếm 16,91%; Sóc Trăng chiếm 11,58%. Vì vậy, quỹ đất nông nghiệp chuyển đổi cho năng lượng sẽ là rất đáng kể.

Nếu cách thức thu hồi đất vẫn được thực hiện như thông lệ phổ biến hiện nay, tức tỉnh đứng ra thu hồi đất và giao cho nhà đầu tư thay vì nhà đầu tư trực tiếp thương lượng để nhận chuyển nhượng lại quyền sử dụng đất từ người dân, thì rủi ro sẽ là rất lớn. Do giá đất (quyền sử dụng đất) nông nghiệp vẫn còn khá rẻ, các nhà đầu tư sẽ không ngần ngại tìm cách “vẽ” dự án rồi thông qua chính quyền địa phương để giành đất, giữ chỗ như vừa phân tích ở trên. Thiệt hại kép sẽ thuộc về những doanh nghiệp chân chính lẫn người dân. Người dân không được chuyển nhượng đất nông nghiệp theo giá thị trường một cách công bằng; trong khi đó, những doanh nghiệp đầu tư đích thực cũng khó tiếp cận được quỹ đất và vị trí đất cần thiết với chi phí hợp lý.

Lời giải cho vấn đề này nằm ở hai yếu tố. Thứ nhất, minh bạch thông tin và giám sát chặt chẽ quy trình đăng ký đầu tư lẫn cấp phép của cơ quan quản lý. Và thứ hai, quan trọng hơn, việc thực hiện chuyển đổi đất đai từ người dân sang doanh nghiệp phải bắt buộc phải có sự đồng ý của chính quyền, không để doanh nghiệp tự thương lượng với người dân, dẫn đến tính trạng đẩy giá thu hồi đất lên rất cao, dự án mất tính khả thi.

Với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân được duy trì xấp xỉ hơn 6%/năm cùng việc nhu cầu điện năng phục vụ phát triển kinh tế tăng gấp đôi tốc độ tăng GDP, nhu cầu năng lượng của Việt Nam là đặc biệt cao, cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn. Sự bùng nổ các dự án điện gió, điện mặt trời, vì thế là tín hiệu đáng lạc quan xét trong bối cảnh thủy điện đã chạm đến tiềm năng khai thác tối ưu và nhiệt điện than gây ra chi phí quá lớn cho môi trường và sức khỏe người dân. Tuy nhiên, để thị trường năng lượng tái tạo có thể phát triển lành mạnh, năng lực quản trị, đặc biệt là vấn đề minh bạch thông tin, cần phải gấp rút được giải quyết.

Theo báo Xã Luận

Thứ Hai, 12 tháng 3, 2018

Điện mặt trời và gió có thể cung cấp 80% nhu cầu điện năng của nước Mỹ

Theo các nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Carnegie, Đại học California, Irvine (UCI) và Viện nghiên cứu California, trên thực tế chúng ta có thể tạo ra 80% điện năng từ mặt trời và gió. Cách đây 5 năm, nhiều người đã nghi ngờ rằng các tài nguyên này chỉ có thể tạo ra 20 – 30% năng lượng.



Các nhà khoa học đã xem xét dữ liệu thời tiết toàn cầu thay đổi theo từng giờ trong khoảng thời gian từ năm 1980 – 2015 để nắm bắt các rào cản địa vật lý đối với việc sử dụng các nguồn tài tạo.

Theo các dữ liệu này cho thấy rằng nếu Hoa Kỳ chỉ sử dụng năng lượng mặt trời và gió thì quốc gia này cần phải lưu trữ vài tuần năng lượng để bù đắp cho những ngày thời gian chiếu sáng của mặt trời ít hơn và gió không thổi nhiều.

Theo nghiên cứu, Hoa Kỳ có thể tạo ra khoảng 80% điện năng từ gió và mặt trời bằng cách xây dựng một mạng lưới các cơ sở truyền dẫn quy mô lục địa và có thể dự trữ được 12 giờ điện năng của quốc gia.



Sẽ không tốn kém nếu đầu tư mở rộng khả năng truyền tải và lưu trữ, đây là kết quả từ nghiên cứu của các nhà khoa học. Theo ước tính, các đường dây truyền tải mới có thể tốn hàng trăm tỷ đô la, trong khi lưu trữ điện bằng pin rẻ nhất hiện nay có thể tiêu tốn hơn 1.000 USD.


Thu Giang (theo Inhabitat)

Pháp cam kết chi 700 triệu Euro phát triển điện mặt trời

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết sẽ tài trợ thêm hàng trăm triệu euro nhằm triển khai các dự án năng lượng mặt trời tại các quốc gia đang phát triển. Ông Macron đã đưa ra tuyên bố trên tại Hội nghị Liên minh Năng lượng Mặt trời quốc tế (ISA) diễn ra ngày 11/3 tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ.
Tổng thống Macron nhấn mạnh Pháp sẽ chi thêm 700 triệu euro nhằm phát triển các dự án năng lượng mặt trời tại các nước đang phát triển từ nay đến năm 2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Macron nhấn mạnh Pháp sẽ chi thêm 700 triệu euro (861,5 triệu USD) thông qua các khoản cho vay và các khoản viện trợ nhằm phát triển các dự án năng lượng mặt trời tại các nước đang phát triển từ nay đến năm 2022. Trước đó, Pháp đã cam kết chi 300 triệu euro cho sáng kiến này khi Pháp cùng với Ấn Độ thành lập một liên minh toàn cầu hồi năm 2015 nhằm tạo ra một quỹ mới để tài trợ cho các dự án năng lượng mặt trời tại các quốc gia nhiều nắng và nghèo.

Trong khi đó, phát biểu trước các nhà đầu tư và các nhà lãnh đạo thế giới đến từ 20 quốc gia, chủ yếu là các nước châu Phi, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người đã cam kết Ấn Độ sẽ giảm đáng kể lượng khí thải carbon thông qua việc tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, nhấn mạnh “chúng ta phải đảm bảo rằng một công nghệ năng lượng mặt trời hiệu quả và chi phí thấp phải sẵn có với tất cả các nước”. Ông Modi kêu gọi tăng cường năng lượng mặt trời trong số các nguồn năng lượng hiện nay.

Ấn Độ là quốc gia gây ô nhiễm lớn thứ 3 trên thế giới, đang phát triển mạnh trong lĩnh vực năng lượng mặt trời và đang dần trở thành một trong những thị trường năng lượng sạch lớn nhất thế giới. Trước đó, Ấn Độ đã cam kết đến năm 2030, năng lượng tái tạo sẽ chiếm 40% nguồn năng lượng của nước này, chủ yếu là nguồn năng lượng mặt trời.



ISA là tổ chức gồm 121 quốc gia thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái sinh thay thế cho năng lượng hoá thạch. Cả Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Modi đều hy vọng rằng ISA sẽ thúc đẩy việc đầu tư khoảng 1.000 tỷ USD cho các dự án năng lượng mặt trời mới từ nay đến năm 2030.

Thứ Ba, 6 tháng 3, 2018

Microsoft đang mua điện năng lượng mặt trời trên các mái nhà tại Singapore

Microsoft hiện đang đặt mua điện năng từ những tấm pin năng lượng mặt trời đặt trên nóc các tòa nhà tại Singapore để cung cấp cho các trung tâm dữ liệu của mình.

Công ty Microsoft mới đây đã công bố một thỏa thuận với công ty phát triển năng lượng mặt trời Sunseap để mua điện năng thu được từ những tấm pin năng lượng mặt trời dự kiến sẽ được lắp đặt trên nóc các tòa nhà đặt tại Singapore.



Dự án này được cho là mang quy mô lớn nhất trong lĩnh vực lắp đặt đồng bộ các tấm năng lượng mặt trời trên mái của các tòa nhà tại một thành phố hiện đại và nếu dự án này thành công thì người Singapore sẽ lại một lần nữa đi tiên phong trong lĩnh vực khai thác năng lượng tái tạo sạch.

Được biết, thỏa thuận giữa Microsoft và công ty Sunseap sẽ kéo dài 20 năm và nằm trong kế hoạch tìm kiếm nguồn năng lượng tái tạo để sử dụng trong các hoạt động của tập đoàn này trong tương lai.

Vào năm ngoái, Microsoft cũng đã kí hai thỏa thuận với Ireland và Netherlands để mua điện năng từ gió của hai quốc gia này cung cấp cho các trung tâm dữ liệu của công ty đặt tại Châu Âu.

Theo kế hoạch của Microsoft thì tính tới thời điểm hiện tại, công ty này đã chuyển đổi sang dùng những nguồn năng lượng tái tạo với tỉ lệ lên tới 50%. Nguồn năng lượng tái tạo này đủ để cung cấp cho hơn 100 trung tâm dữ liệu của công ty đặt tại hơn 40 quốc gia hiện nay.

Thỏa thuận mới đây của Microsoft với Singapore nhằm sử dụng điện năng lượng mặt trời thu được từ các tấm pin lắp đặt trên mái các tòa nhà của đảo quốc này cho trung tâm dữ liệu của Microsoft đặt ngay trong thành phố. Dự kiến thì trung tâm dữ liệu này sẽ hỗ trợ, cung cấp dịch vụ cho các khách hàng tại vùng Đông Nam Á.

Phía công ty Sunseap cho biết, dự án lắp đặt pin năng lượng mặt trời tại Singapore này sẽ giúp phủ các tấm pin lên mái của hàng trăm tòa nhà nằm trong thành phố. Khi được thực hiện xong, dự án sẽ có thể cung cấp được lượng điện năng lượng mặt trời lên tới 60MW. Dự kiến lắp đặt toàn bộ những tấm pin này sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay.

Theo CafeF

Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2018

Điện mặt trời ngày càng phổ thông với hộ gia đình

Cách đây khoảng chục năm, năng lượng mặt trời vẫn ở rất xa tầm với của người dân Việt Nam. Trong con mắt nhiều người khi đó, đây là một nguồn năng lượng xa xỉ với chi phí đầu tư ban đầu rất lớn. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, với sự phát triển mạnh mẽ của các tập công ty năng lượng sạch như Samtrix Solar, cùng các chính sách khuyến khích của nhà nước, điện mặt trời đã dần dần đi vào cuộc sống của nhiều gia đình, doanh nghiệp Việt Nam.

Điện mặt trời trong cuộc sống của người Việt Nam hiện nay

Hiện nay, các hộ gia đình, doanh nghiệp có nhiều không gian và điều kiện thuận lợi tiếp nhận ánh sáng mặt trời tự nhiên đã tiến hành lắp hệ thống điện năng lượng mặt trời (PV Rooftop). Theo thống kê của Samtrix Solar, nếu một gia đình có 4 người thì có thể lắp 12 tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà với tổng công suất 3 kWp.

Như vậy, mỗi tháng gia đình sẽ tiết kiệm được trung bình từ 800 ngàn tới 1 triệu đồng tiền điện, tính theo giá điện lưới Quốc gia. Theo đó, chỉ sau 5 năm sử dụng gia đình sẽ hoàn vốn, và từ năm thứ 6 trở đi, gia đình sẽ có lãi. Ngoài ra, việc lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời cũng rất thích hợp với các tòa nhà văn phòng, khu chung cư tại các thành phố lớn để cung cấp điện năng cho hệ thống điện chiếu sáng, thang máy, điều hòa.











Điện mặt trời đã và đang được ứng dụng trong đời sống của người dân Việt Nam.


Đến năm 2017, hệ thống điện mặt trời của Samtrix Solar đã được triển khai và lắp đặt tại nhiều công trình trên toàn quốc, mang đến hiệu quả thiết thực trong cuộc sống.

Các cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam

Theo ông Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, điện năng lượng mặt trời có rất nhiều ưu điểm, thích hợp sử dụng tại nước ta khi tận dụng được nguồn ánh sáng khổng lồ của mặt trời và diện tích các mái nhà sẵn có. Tuy vậy, trong tương lai Việt Nam vẫn cần có thêm nhiều chuyên gia tư vấn, hỗ trợ để đưa nguồn năng lượng mặt trời đến gần hơn với người dân ở vùng sâu vùng xa và phát huy hiệu quả cao nhất.

Ngoài ra, ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng của TP Hồ Chí Minh cũng cho biết: “Ngoài cơ chế về giá thì để phát triển hệ thống năng lượng mặt trời thì việc xây dựng các chính sách liên quan cũng vô cùng quan trọng”. Ví dụ như hành lang pháp lý rộng rãi cho phát triển năng lượng tái tạo, chính sách hỗ trợ tài chính với lãi suất hợp lý…

Tháng 4-2017, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời trong Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg. Theo đó, nhà nước Việt Nam sẽ cung cấp nhiều ưu đãi về thuế, giá bán điện mặt trời, thúc đẩy các doanh nghiệp kinh doanh năng lượng sạch như Samtrix Solar đưa hệ thống điện năng lượng mặt trời đến gần hơn với người dân trên mọi miền đất nước, từ thành phố lớn cho đến những vùng biển đảo xa xôi.