Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2019

Ngoại thành Sài Gòn : đua nhau lắp đặt điện mặt trời

Những tấm pin năng lượng mặt trời (NLMT) không những xuất hiện ở những ngôi nhà trong trung tâm thành phố, mà nhiều nhà dân khu vực nông thôn TPHCM cũng đã xuất hiện pin NLMT áp mái để phục vụ cuộc sống sinh hoạt, sản xuất và tận dụng bán điện NLMT cho nhà nước.
Tiết kiệm chi tiêu, nâng cao giá trị
Giữa buổi trưa nắng nóng gay gắt vào những ngày cuối tháng 6, vậy mà căn nhà ông Nguyễn Văn Sáu (xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ) vẫn mát rượi nhờ bật cùng lúc 2 máy điều hòa không khí. Không chỉ riêng nhà cấp 4 của ông Nguyễn Văn Sáu, nhiều nhà trên địa bàn xã An Thới Đông đã không còn nỗi lo thời tiết oi bức và thoải mái sử dụng điện bởi những nhà này đã lắp tấm pin năng NLMT áp mái. Ông Nguyễn Văn Sáu vừa lắp đặt tấm pin NLMT áp mái diện tích 18m2 vào tháng 4-2019, với tổng chi phí khoảng 65 triệu đồng. Trung bình một hệ thống NLMT phát ra 17-18kWh/ngày, ước tính 1 tháng khoảng 594kWh. Trong tháng đầu tiên lắp NLMT, hộ ông Nguyễn Văn Sáu đã giảm tiền sử dụng điện 100.000 đồng. Nếu hệ thống NLMT hoạt động ổn định, dự tính khoảng 6 năm, ông Sáu sẽ thu lại vốn đầu tư vì nguồn điện dư được công ty điện lực khu vực mua lại.
Bà Ngô Thị Thu Giải (ngụ thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ) chia sẻ, giải pháp tốt nhất trong giai đoạn này là tăng cường việc sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả, tránh lãng phí. Từ đó, bà Thu đã lắp 10 tấm pin NLMT với tổng kinh phí 70 triệu đồng để tự cung cấp điện. Từ khi có điện NLMT, cửa tiệm kinh doanh internet của bà Thu có lợi nhuận cao hơn nhờ giảm chi phí tiền điện. Nếu trước kia, bà Thu đóng tiền điện khoảng 4 triệu đồng/tháng, bây giờ chỉ còn 2,7 triệu đồng/tháng, đã thế lại còn bán cho công ty điện lực khu vực lượng điện dư, được khoảng 200.000 đồng/tháng. Tương tự, ông Hà Hữu Sang (ở xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi) cũng đầu tư hệ thống điện mặt trời công suất 5kWp từ tháng 5-2018 với 12 tấm, đến nay phát triển được 69 tấm pin NLMT áp mái. Sau 1 năm lắp đặt, hệ thống NLMT đã sinh ra được 5.170kWh điện, gia đình ông Sang sử dụng hết 3.107kWh vào mục đích sinh hoạt, kinh doanh, số còn lại (2.063 kWh) phát lên lưới điện và được ngành điện trả số tiền 4.350.420 đồng. Sau khi thấy hiệu quả về kinh tế, ông Hà Hữu Sang đã vận động các anh chị em ruột và hàng xóm đầu tư lắp đặt tấm pin NLMT.
Nhờ đi du lịch nhiều nước và biết được thông tin về NLMT, ông Lê Hoàng Hồ (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) đã quyết định đầu tư hệ thống điện mặt trời công suất 15kWp đầu tiên vào tháng 11-2018. Sau đó ông tiếp tục đầu tư thêm 5kWp vào tháng 5-2019. Đến nay, hệ thống NLMT đã sinh ra 11.437kWh điện, gia đình sử dụng 6.759kWh, số còn lại phát lên lưới điện và được thanh toán gần 10 triệu đồng.
Tuyên truyền nâng cao ý thức
Thực hiện vận động khách hàng lắp đặt và sử dụng điện mặt trời áp mái theo chủ trương khuyến khích của Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 11/2017/QĐ-TTg, Công ty Điện lực Củ Chi đã tổ chức vận động khách hàng tham gia lắp đặt điện NLMT và được hỗ trợ theo chính sách khuyến khích. Để chương trình lan tỏa đến nhiều người dân, Công ty Điện lực Củ Chi phối hợp với Đài Phát thanh huyện tuyên truyền điện mặt trời trên đài.. Nhờ vậy, từ khi thực hiện vận động cho đến hết năm 2018, trên địa bàn huyện Củ Chi có 24 khách hàng tham gia, với công suất lắp đặt đạt 327,36kWp.
Đến khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 02/2019/QĐ-TTg sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định 11/2017/QĐ-TTg, việc thanh toán tiền mua điện mặt trời được thực hiện rõ ràng thì NLMT mới phát triển nhiều. Thêm vào đó, giá thành hệ thống pin NLMT giảm rất nhiều so với các năm trước đã kích thích khách hàng tham gia lắp đặt điện NLMT áp mái. Tính đến ngày 15-6, Công ty Điện lực Củ Chi đã vận động khách hàng lắp đặt điện mặt trời, công suất 337,14kWp. Công ty đã thanh toán tiền điện mặt trời cho 27 khách hàng có sản lượng điện NLMT dư không sử dụng hết và bán lại cho ngành điện với số tiền khoảng 91 triệu đồng, tương ứng sản lượng điện bán cho ngành điện là 43.327kWh.
Theo Công ty Điện lực Duyên Hải, NLMT là nguồn năng lượng tái tạo, vĩnh cửu, không bị cạn kiệt. Đặc biệt, khi có NLMT sẽ giúp tiết kiệm một phần chi phí tiền điện do không phải sử dụng nguồn điện lưới và còn có thể bán phần điện dư cho ngành điện đối với các hệ thống điện NLMT nối lưới. Lợi ích cuối cùng là không tốn chi phí vận hành, chi phí bảo trì thấp và thân thiện với môi trường, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Đến thời điểm cuối tháng 6-2019, trên địa bàn 2 huyện Nhà Bè và Cần Giờ do Công ty Điện lực Duyên Hải quản lý đã có 115 hộ gia đình và doanh nghiệp gắn NLMT với tổng công suất lắp đặt đạt 787,22kWp. Trung bình mỗi tháng, công ty thanh toán cho các hộ gia đình, doanh nghiệp sử dụng điện không hết công suất bán lại cho ngành điện lũy kế là 135.000kWh, tương ứng với số tiền 285 triệu đồng. Công ty cũng lưu ý khách hàng nên lựa chọn những sản phẩm có thương hiệu xuất xứ rõ ràng, tránh mua phải hàng kém chất lượng.

Đăk Lăk : Đẩy mạnh điện năng lượng mặt trời áp mái

Vài năm trở lại đây, tại tỉnh Đắk Lắk nhiều đơn vị, hộ gia đình đã đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái. Sau khi phát điện, ngoài tạo ra nguồn điện để phục vụ sản xuất, sinh hoạt thì sản lượng điện dư thừa sẽ được ngành điện mua lại tạo ra nguồn thu nhập đáng kể cho chủ đầu tư.
Sau thời gian nghiên cứu và được sự tư vấn của ngành điện, từ năm 2017, Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Đắk Lắk đã bắt đầu lắp hệ thống điện mặt trời áp mái cho hệ thống 5 cửa hàng. Tổng công suất lắp đặt khoảng 86 MWp, với số vốn đầu tư gần 5 tỷ đồng. Đến nay, việc lắp đặt đã hoàn thành và phát điện, các thông số kỹ thuật ổn định.
Ông Trương Văn Hùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Đắk Lắk cho biết, trước đây, mỗi tháng đơn vị phải trả gần 50 triệu đồng tiền điện để phục vụ cho hoạt động của chuỗi các cửa hàng. Mặc dù đã áp dụng nhiều hình thức tiết kiệm điện như hạn chế sử dụng điều hòa, sử dụng bóng đèn có công suất nhỏ… nhưng tiền điện hàng tháng giảm không đáng kể, ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận hàng năm. Tuy nhiên sau khi đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái công ty đã chủ động được nguồn điện trong kinh doanh, thậm chí hàng tháng còn dư thừa bán cho điện lực.“Riêng đợt thanh toán vừa rồi, công ty đã nhận được 240 triệu đồng từ bán điện dư thừa cho điện lực”, ông Hùng cho biết.
Theo ông Hùng tính toán, với sản lượng điện sản xuất như hiện nay, công ty chỉ mất khoảng gần 5 năm để hoàn vốn đầu tư. Thời gian khai thác về sau (đến hết tuổi thọ của pin), công ty sẽ không phải mua điện lại có thêm khoản lợi nhuận từ bán điện dư thừa.
Tương tự, gia đình anh Trần Quốc,  phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời công suất 5 kWp vào cuối năm 2018 với chi phí 100 triệu đồng, sản lượng điện trung bình đạt 20-25 kWh/ngày. Trước đây, tiền điện hằng tháng của gia đình anh luôn ở mức trên 3 triệu đồng/tháng. Từ khi hệ thống đi vào hoạt động, chi phí tiền điện hằng tháng của gia đình giảm được 50%.
Theo Công ty Điện lực Đắk Lắk, đến cuối tháng 6 toàn tỉnh có 144 khách hàng đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất đặt lên tới 1MWp; trong đó, một số khách hàng có công suất lắp đặt lớn như: Công ty cổ phần đầu tư Xây Dựng và Kinh Doanh chợ Buôn Ma Thuột có công suất 438 kWp; Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học Đắk Lắk công suất 86 kWp.
Thực tế cho thấy, việc phát triển điện mặt trời áp mái nhà đã mang lại hiệu quả rõ rệt cho chủ đầu tư. Nhiều đơn vị, hộ gia đình sản lượng điện sản xuất hàng ngày dùng không hết đã đấu nối phát lên lưới, được ngành điện mua lại tạo ra nguồn lợi nhuận đáng kể. Hiện ngành điện Đắk Lắk đang mua điện dư thừa của 32 khách hàng với tổng số tiền đã thanh toán gần 600 triệu đồng.
Ông Lê Hoài Nhơn, Phó Giám đốc Công ty Điện Lực Đắk Lắk cho biết, Đắk Lắk là một trong những địa phương có tiềm năng về điện mặt trời rất lớn, với cường độ bức xạ mặt trời trung bình đạt 5kWh/m2/ngày, tiềm năng phát triển điện mặt trời có thể đạt đến 95 GWh/năm. Trước những lợi ích trong sử dụng nguồn năng lượng này, Công ty Điện lực Đắk Lắk đã triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà tại trụ sở chính của công ty và tiếp tục triển khai đến các Điện lực trực thuộc. Đồng thời, đơn vị cũng tích cực tuyên truyền lợi ích của điện mặt trời trên mái nhà và vận động khách hàng lắp đặt; trong đó, công ty chú trọng vào các khách hàng ở các khu vực có tiềm năng lớn như Ea Súp, Buôn Đôn.
Mặt khác, Công ty Điện lực Đắk Lắk cam kết thực hiện tư vấn và hỗ trợ hết mức cho khách hàng về công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng kỹ thuật của hệ thống điện mặt trời trên mái nhà trước khi đưa vào vận hành. Người dân có nhu cầu đầu tư điện mặt trời áp mái sẽ được ngành Điện hướng dẫn cụ thể về thủ tục, thỏa thuận vị trí đấu nối công trình và phối hợp xử lý các vướng mắc trong quá trình triển khai. Khi công trình hoàn thành, bảo đảm các điều kiện kỹ thuật theo thiết kế, sẽ được nghiệm thu, chủ đầu tư và ngành Điện thực hiện ký hợp đồng mua bán điện, lắp đặt công tơ hai chiều để đo đếm sản lượng tiêu thụ, sản lượng phát lên lưới. Hằng tháng, ngành Điện sẽ ghi nhận sản lượng điện giao nhận và trả tiền với sản lượng điện dư thừa.
Theo ông Lê Hoài Nhơn, hiện nay, tỷ suất đầu tư ban đầu của điện mặt trời dao động từ 20-25 triệu đồng/kWp (tùy thuộc chất lượng, tuổi thọ của thiết bị). Với công suất 1 kWp, mỗi ngày sẽ sản xuất được sản lượng điện 5-6 kWh, với số giờ nắng trung bình tại Đắk Lắk là 4,5-6 giờ/ngày. Vì vậy, tùy vào diện tích lắp đặt, nhu cầu sử dụng mà các đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình mà đầu tư phù hợp. Trước khi đầu tư, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin về chi phí, chất lượng, tuổi thọ thiết bị và hiệu quả công trình vì công suất nguồn năng lượng mặt trời phụ thuộc theo điều kiện thời tiết và một số yếu tố khác. Thời gian thu hồi vốn của các công trình điện mặt trời áp mái khoảng 6 năm, nếu đầu tư với công suất lớn thì suất đầu tư sẽ giảm và thiết bị đạt hiệu suất lớn, thời gian hoàn vốn là 5 năm.
“Mới nhìn vào tỷ suất đầu tư 1KWp thì thấy cao, nhưng tính thời gian khai thác thì việc đầu tư rất hiệu quả. Bởi sau khi hoàn vốn, chủ đầu tư sẽ được sử dụng điện miễn phí, giảm chi phí rất lớn trong sản xuất, sinh hoạt do tuổi thọ của các tấm pin mặt trời thể kéo dài khoảng 20 – 22 năm”, ông Nhơn khẳng định.
Hiện nay, đầu tư phát triển năng lượng mặt trời; trong đó, có điện mặt trời áp mái đang được nhà nước khuyến khích. Đây là giải pháp vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho nhà đầu tư, vừa góp phần giảm sức ép cho ngành điện. Trong bối cảnh giá điện mới được điều chỉnh tăng lên, điện mặt trời áp mái sẽ càng có hiệu quả hơn.

Tây Ninh phát triển mạnh mô hình sử dụng điện Mặt Trời

Theo Giám đốc Công ty Điện lực Tây Ninh, mô hình Điện Mặt Trời áp mái hiện có rất nhiều người dân đầu tư và cho thấy hiệu quả rõ rệt; cụ thể, các hộ gia đình đã giảm được chi phí tiền điện.
Nằm trên vùng Đông Nam Bộ, tỉnh Tây Ninh có lợi thế là địa bàn ít bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lụt; số giờ nắng nóng kéo dài trung bình lên tới từ 2.220-2.500 giờ trong năm, cao hơn 20% so với các địa phương khác.
Từ lợi thế, tiềm năng kể trên, cùng với giá điện càng ngày tăng cao, chi phí hàng tháng của hộ gia đình tăng thêm, nhiều gia đình và hộ sản xuất nhỏ tại Tây Ninh đã chọn giải pháp lắp đặt hệ thống điện năng lượng Mặt Trời trên mái nhà. Đồng thời, kết nối với hệ thống lưới điện quốc gia, vừa có nguồn điện tự cung, tự cấp cho sinh hoạt, sản xuất vừa thêm thu nhập từ nguồn điện dôi dư bán ra cho ngành điện.
Sau thời gian lắp đặt 10 tấm pin điện năng lượng Mặt Trời trên mái nhà thấy có hiệu quả, tháng Năm vừa qua ông Nguyễn Văn Tốt ở khu phố 5, phường 1, Thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh, đã mạnh dạn lắp đặt thêm 32 tấm pin nữa trên diện tích mái nhà còn lại.
Với tổng công suất điện thu được là khoảng 14,80KWp mỗi tháng, không chỉ đảm bảo cung cấp đủ điện sinh hoạt cho gia đình với mức 2,5 triệu tiền điện/tháng trước đây, ông Tốt còn bán lại lượng điện năng kết dư cho ngành điện với số tiền khoảng 1,8 triệu đồng/tháng.
Theo tính toán của ông Tốt, với số tiền ban đầu bỏ ra là 390 triệu đồng, sau hơn 5 năm vừa sử dụng đủ cho gia đình, vừa bán được số điện dôi dư, ông có thể thu hồi lại được vốn, trong khi các tấm điện năng lượng Mặt Trời được nhà cung cấp bảo hành 10 năm. Như vậy, việc sử dụng hệ thống này vẫn có lãi, mà nguồn điện sử dụng lại được ổn định hơn.
Còn hộ anh Lưu Xuân Minh tại ấp Tân Hòa, xã Tân Bình, Thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh cũng quyết định nâng cấp hệ thống năng lượng Mặt Trời trên mái nhà từ 3 KWp lên 6 KWp để có đủ điện để phục vụ cho cơ sở gia công hạt điều tại nhà, vừa để có dư điện bán lại cho ngành điện.
Bà Lê Thị Phấn, quản lý Dưỡng lão đường Quy Thiện, huyện Hòa Thành, Tây Ninh, cũng chia sẻ, do là đơn vị từ thiện, kinh phí hoạt động chủ yếu nhờ các nhà hảo tâm quyên góp, để hạn chế chi phí tiền điện, trại dưỡng lão phải hạn chế tối đa các thiết bị sử dụng điện, kể cả quạt gió. Tuy nhiên, từ ngày lắp được hệ thống điện Mặt Trời với khoảng 3KWp trên mái nhà, các bà lão ở đây rất mừng. Mọi người được sử dụng điện thoải mái hơn, nhất là trời nắng nóng.
Anh Phạm Đức Sơn, đại diện Samtrix Solar tại Tây Ninh, cho biết trước đây công ty của anh chỉ chuyên cung cấp Vật liệu xây dựng và thiết bị điện.
Kể từ tháng Ba năm nay đến nay do nhu cầu lắp đặt tấm pin điện năng lượng Mặt Trời trên mái nhà của các hộ dân trong tỉnh tăng cao, anh chuyển qua kinh doanh thêm công việc này.
Đến nay, chỉ riêng công ty anh đã lắp đặt hệ thống điện Mặt Trời được trên 70 hộ, với tổng công suất trên 900KWp.

Theo anh Sơn, hiện nhu cầu lắp đặt điện Mặt Trời trên mái nhà của doanh nghiệp và người dân trong tỉnh rất lớn, nhưng vẫn còn một số hạn chế là do một số trạm biến áp nhiều nơi của ngành điện chưa đáp ứng được nhu cầu đấu nối của người dân khi lắp đặt hệ thống điện Mặt Trời với công suất 10KWp trở lên. Do đó, các hộ dân và doanh nghiệp muốn lắp đặt và nâng công suất tấm pin điện Mặt Trời lên công suất lớn hơn 10KWh nhiều nơi cũng không được cho phép.
Theo ông Nguyễn Tấn Hùng, Giám đốc Công ty Điện lực Tây Ninh, mô hình điện Mặt Trời áp mái hiện có rất nhiều người dân đầu tư và cho thấy hiệu quả rõ rệt. Cụ thể, các hộ gia đình đã giảm được chi phí tiền điện, đặc biệt những hộ gia đình sử dụng điện từ mức 200Kwh trở lên với giá điện bậc thang cao – tầm khoảng 2.300 đồng trở lên, khi lắp điện năng lượng Mặt Trời thì đã giảm bớt khung giá nhờ nguồn điện gia đình phát được, từ đó tiền điện giảm xuống đáng kể.
Chính vì vậy, kể từ khi ngành điện mở đợt tuyên truyền tiết kiệm điện; trong đó, khuyến khích người dân lắp đặt hệ thống điện Mặt Trời áp mái từ tháng Ba năm nay, tính đến ngày 21/6 vừa qua tỉnh Tây Ninh hiện có hơn 289 khách hàng (doanh nghiệp nhỏ, hộ gia đình) đầu tư lắp đặt hệ thống điện Mặt Trời áp mái với tổng công suất lắp đặt là 4.641,2KWp, chưa kể số khách hàng đang lắp đặt, sẽ đấu nối vào mạng lưới điện quốc gia trước 30/6 tới với công suất thêm khoảng 3.641,2KWp. Theo ông Hùng, trước khi lắp đặt, khách hàng nên lựa chọn các sản phẩm pin năng lượng mặt trời có thương hiệu, xuất xứ rõ ràng.
Năm 2019, Công ty Điện lực tỉnh Tây Ninh có kế hoạch vận động khoảng 1.000 khách hàng lắp đặt hệ thống điện Mặt Trời áp mái để nâng tổng công suất điện theo mô hình này lên khoảng trên 10.000KWp; đồng thời, tiền hành khảo sát, nâng cấp một số trạm biến áp để đáp ứng nhu cầu đấu nối của hệ thống điện Mặt Trời áp máy của người dân và doanh nghiệp./.

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2019

Cơ cấu năng lượng : Nhiệt điện than hay điện mặt trời?

Tính hai mặt của bất kỳ loại hình năng lượng nào, dù là nhiệt điện than hay Điện mặt trời, cho thấy vai trò quan trọng của KH&CN trong giảm thiểu rủi ro đầu tư và ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực năng lượng.

Lắp đặt các tấm pin tại nhà máy điện mặt trời Bình Phước



Từ nhiều góc độ, nhiệt điện than là câu chuyện năng lượng thời sự không chỉ của Việt Nam mà còn của thế giới. Thông qua các báo cáo đặc biệt của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (ICPP) hay những thông tin cập nhật về chính sách năng lượng của nhiều quốc gia trên thế giới, nhiệt điện than luôn được đề cập đến như một nguồn năng lượng sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây phát thải khí nhà kính cần được cắt giảm. Mới đây, trên Reuters, cựu thị trưởng New York và tỉ phú Michael Bloomberg cho biết sẽ đóng góp 500 triệu USD cho quá trình đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than trên khắp nước Mỹ. 

Tuy nhiên đó là hướng giải quyết trong tương lai bởi chúng ta cũng cần phải nhìn nhận một thực tế, hiện tại chưa có giải pháp năng lượng nào có thể thay thế triệt để nhiệt điện than nên nó vẫn là một trong những nguồn cung điện chủ yếu trong phần lớn các quốc gia trên thế giới. Ví dụ theo số liệu năm 2015 của Cơ quan Năng lượng thế giới (IEA), ba nguồn cung điện lớn nhất thế giới là nhiệt điện than 39,3 %, nhiệt điện khí 22,9%, thủy điện 16% còn ở Việt Nam lần lượt là thủy điện 36,6%, nhiệt điện khí 33,2% và nhiệt điện than 29,6%. Ngay trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh ban hành năm 2016 thì vị trí áp đảo của nhiệt điện than được nhấn mạnh rõ nét hơn trong cơ cấu điện năng của Việt Nam: 49,3% vào năm 2025 và 55% năm 2030. Trong một bài viết trên Tia Sáng năm 2017, TS. Nguyễn Thành Sơn (Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam) đã thừa nhận, “khi chúng ta đã ‘lùi tiến độ’ điện hạt nhân thì chỉ còn cách đẩy nhanh tiến độ các dự án khác để bù vào. Nếu lấy chi phí biên dài hạn làm chuẩn, thứ tự ưu tiên các nguồn điện ở Việt Nam hiện nay sẽ là thủy điện (lớn, vừa, nhỏ), nhiệt điện than (lớn, vừa), nhiệt điện khí (hóa lỏng), nhiệt điện dầu”.


Góc nhìn từ hiệu quả tài chính

Trong bối cảnh đó, báo cáo “Thời của mặt trời và gió: Cuộc cách mạng năng lượng tái tạo chi phí thấp của Việt Nam và những tác động của nó đối với các khoản đầu tư nhiệt điện than” của nhóm Sáng kiến Carbon Tracker – những người đã chứng minh được sự tồn tại và tác động của rủi ro khí hậu trong các thị trường vốn hiện nay, đã đem đến cái nhìn mới vào nhiệt điện than từ góc độ đầu tư tài chính. Trên cơ sở các mô hình kinh tế của nhiệt điện than, họ cho rằng, đầu tư mới cho điện Mặt trời và điện gió trên bờ sẽ rẻ hơn vận hành các nhà máy điện than hiện có với thời điểm sớm nhất vào năm 2022 và muộn nhất vào năm 2039. Khi đó, nhiệt điện than có thể sẽ mất đi một trong những ưu điểm nổi bật của nó là chi phí nguyên liệu thấp so với điện Mặt trời và điện gió. Việc đầu tư vào nhiệt điện than sẽ không còn hấp dẫn nữa bởi theo các chuyên gia Carbon Tracker, thời gian thu hồi vốn cho các khoản đầu tư vào điện than thường trong khoảng từ 15 đến 20 năm và “các khoản đầu tư này có tính rủi ro cao bởi đốt than để tạo ra điện khó có thể là một lựa chọn có chi phí thấp nhất trước khi hoàn vốn”. Để gia tăng sự cạnh tranh với điện gió và điện Mặt trời, nhiệt điện than phải nâng khả năng điều chỉnh linh hoạt công suất phát điện lên. Đây sẽ là nguyên nhân gia tăng chi phí vận hành, bảo trì các nhà máy và càng khiến điện than càng bất lợi về mặt kinh tế.
Mặt khác, dù có phát triển nhiệt điện than theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh nhưng Việt Nam cũng không nên quên bản cam kết thực thi Công ước khung Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC): Việt Nam sẽ cắt giảm tới 25% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 để đạt được mục tiêu nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 2°C. Vậy điều gì sẽ xảy ra khi một mặt Việt Nam thực thi cam kết giảm phát thải trong kịch bản khí hậu tăng lên dưới 2°C, mặt khác vẫn gia tăng công suất điện than theo quy hoạch? Theo các chuyên gia Carbon Tracker, đó là “nguy cơ mắc kẹt tài sản” (stranded asset risk) – sự chênh lệch giữa các dòng vốn đầu tư dưới sự điều tiết của thị trường điện Việt Nam hiện tại và việc phải tuân thủ quy định để đảm bảo cam kết cắt giảm khí thải, trong đó mốc dừng vận hành các nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam vào năm 2040. Theo cách tính của họ, ước tính giá trị tài sản có “nguy cơ bị mắc kẹt” của thế giới là 232 tỷ USD, còn Việt Nam ước tính là 6,5 tỷ USD, tương đương 2,7% GDP năm 2018 của Việt Nam. Dẫu sẽ còn phải tính đến những tác động mới của việc tự do hóa thị trường điện Việt Nam trong tương lai với hệ quả là giá điện có thể thấp hơn, nhưng với các tổ máy điện than đang trong quá trình xây dựng để tăng thêm công suất thì nguy cơ mắc kẹt tài sản đầu tư sẽ còn lớn hơn nữa. 
Với phân tích của các chuyên gia tài chính, trong tương lai gần, nhiệt điện than ngày càng yếu thế trước điện Mặt trời và điện gió – vốn ngày càng trở nên cạnh tranh hơn bởi giá thành đầu tư ngày càng hạ thấp, ví dụ rẻ gấp 4 lần so với vài năm trước đây. Do vậy, họ đề xuất giải pháp: việc dừng vận hành các nhà máy nhiệt điện than sớm theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là lựa chọn ít tốn kém nhất cho Việt Nam trong tương lai.
Góc nhìn từ công nghệ 
Không dễ để loại bỏ nhiệt điện than khỏi cơ cấu năng lượng quốc gia như đề xuất của các chuyên gia tài chính, ít nhất là trong tương lai gần, bởi sự tồn tại hay không của một loại hình nào trong cơ cấu năng lượng quốc gia còn cần phải có sự cân nhắc về nền tảng công nghệ định hình năng lượng đó. 

Nhà máy nhiệt điện than Duyên Hải Trà Vinh

Dưới góc nhìn của các chuyên gia công nghệ, không phải ngẫu nhiên mà ở thời điểm hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới chưa chối bỏ được nhiệt điện than, dẫu nguồn phát điện này có khả năng phát thải khí nitrogen oxide (NOx), sulfur oxide (SOx), thủy ngân, kim loại, tro bay… Ưu điểm lớn nhất của nguồn phát điện này là tính ổn định cao và chi phí thấp bất kể vào thời gian ban ngày hay ban đêm. Do đó, ngay cả trong Kế hoạch năng lượng chiến lược lần thứ 5 tầm nhìn 2030 và đến 2050, Nhật Bản cũng lựa chọn nhiệt điện than là một trong bốn loại hình năng lượng của nguồn phụ tải nền (base-load power source), cùng với địa nhiệt, thủy điện và điện hạt nhân. Hiệu quả kinh tế cũng chỉ là một phần trong triết lý lựa chọn năng lượng của Nhật Bản, vốn bao gồm đủ bốn yếu tố an toàn, an ninh năng lượng, môi trường và hiệu quả kinh tế.


Điểm yếu lớn nhất của điện Mặt trời và điện gió là tính không ổn định do phụ thuộc vào thời tiết. TS. Nguyễn Trần Thuật, một nhà nghiên cứu về năng lượng Mặt trời ở Trung tâm Nano và năng lượng (Đại học KHTN, ĐHQGHN) cho rằng, muốn khắc phục được nhược điểm này, cần có thiết bị lưu trữ điện năng vào ban ngày để có thể dùng nguồn điện thu được vào ban đêm, khi không có nguồn bức xạ mặt trời. Tuy nhiên, việc tìm ra một nguồn vật liệu đủ tốt và đủ khả năng chế tạo thiết bị lưu trữ không phải đơn giản, ngay với cả nhà phát minh tiên phong trong lĩnh vực điện Mặt trời là Elon Musk thì việc đầu tư vào nghiên cứu và chế tạo đã được tiến hành trong nhiều năm cũng chưa có kết quả như mong muốn. “Không riêng với năng lượng Mặt trời mà với các điện thoại thông minh, laptop, ô tô điện…, việc tìm ra một thiết bị lưu trữ năng lượng hiệu quả và không gây hại cho môi trường vẫn là bài toán khó dành cho các nhà nghiên cứu lẫn các nhà sản xuất. Nói chung, hiện vẫn chưa thể có giải pháp khả thi về thiết bị lưu trữ trong thời gian tới”, anh nhận xét. 

Hơn nữa, hiệu suất của điện mặt trời so với các năng lượng hóa thạch còn khá thấp. Theo TS. Nguyễn Trần Thuật, hiệu suất chuyển đổi năng lượng của các sản phẩm thương mại còn khá thấp khi mới ở mức 15 đến 17%, ngay cả trong điều kiện tối ưu của phòng thí nghiệm thì con số này vẫn chỉ là 25%.
Ngoài ra, nhìn một cách công bằng, điện tái tạo không có nghĩa là hoàn toàn không ảnh hưởng xấu đến môi trường bởi “chúng ta phải nhận thức là không có dự án nào do con người tạo ra lại có thể hoàn toàn tránh được điều đó”, theo nhận định của TS. Theocharis Tsoutsos (Trung tâm Các nguồn năng lượng tái tạo, Hy Lạp) trong công bố “Các tác động môi trường từ những công nghệ năng lượng Mặt trời” (Environmental impacts from the solar energy technologies) trên Energy Policy. TS. Rebecca Hernandez (Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley Mỹ) trong công bố “Các tác động môi trường của năng lượng Mặt trời ở quy mô hữu dụng” (Environmental impacts of utility-scale solar energy) trên Renewable and Sustainable Energy Reviews, còn cho rằng, trong trường hợp tái chế không đúng quy trình hay đơn giản là phá hủy các tấm pin Mặt trời, những nguồn chất thải công nghiệp này có thể gây nguy hiểm cho môi trường và sức khỏe con người, ví dụ việc hít phải bụi silica trong thời gian dài có thể dẫn đến bệnh bụi phổi (silicosis), một loại bệnh gây ra các mô sẹo trong phổi và suy giảm khả năng hô hấp, và trong nhiều trường hợp, có thể chết.
Đâu là lời giải cho bài toán năng lượng? 

Nhiệt điện than vẫn là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng

Những vấn đề đặt ra cho nhiệt điện than và điện Mặt trời cho thấy, KH&CN sẽ là một phần quan trọng trong các phương án giải quyết chúng. Với điện Mặt trời là tìm ra những vật liệu mới có khả năng tăng hiệu suất chuyển đổi năng lượng, ít độc hại với môi trường và một quy trình tái chế hiệu quả các tấm pin đã qua sử dụng, TS. Nguyễn Trần Thuật cho biết. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, chúng ta vẫn chưa có được những giải pháp công nghệ như vậy bởi sau một thời gian dài đầu tư công sức, các nhà nghiên cứu trên thế giới vẫn chưa thể tìm ra vật liệu mới hữu hiệu thay thế silica bởi vật liệu đó “phải đảm bảo các yếu tố khả thi về mặt công nghệ, thị trường và sản xuất”, anh nhận xét. 


Với nhiệt điện than, trong khi chưa có được một nguồn cung điện khác thay thế vị trí của nó thì giải pháp có thể dung hòa cả hai vấn đề trên, đó là đầu tư lắp đặt hệ thống kiểm soát khí thải của các nhà máy nhiệt điện than và áp dụng các công nghệ nhiệt điện than tiên tiến nhằm có được những công nghệ “sạch hơn”, tiêu tốn ít nhiên liệu mà vẫn đạt hiệu suất cao. Đây cũng là cách làm của nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới, ví dụ như Mỹ. Trong Hội nghị quốc tế về Các công nghệ than sạch ở Houston vào ngày 4/6/2019 vừa qua, Lou Hrkman, người phụ trách Văn phòng quản lý Than sạch và Carbon (Bộ Năng lượng Mỹ) cho biết, Bộ này đang đầu tư hàng tỷ USD vào công nghệ để đảm bảo các nhà máy nhiệt điện than trong tương lai trở nên sạch hơn, hiệu quả hơn và linh hoạt hơn thông qua chương trình FIRST, viết tắt của các từ linh hoạt (Flexible), đổi mới sáng tạo (Innovative), dễ phục hồi (Resilient), công suất nhỏ (Small), dễ biến đổi (Transformative). “Chúng tôi không thấy Mỹ cần những nhà máy nhiệt điện than có công suất 1.500 đến 2.000 MW trong tương lai như đã làm trong quá khứ mà thấy tiềm năng ở các quốc gia đang phát triển về công nghệ lò công suất nhỏ, đặc biệt ở châu Phi và châu Á, những nơi cần các giải pháp mang tính kinh tế,” ông nói.

Tương tự với trường hợp của điện Mặt trời, đây cũng là giải pháp của tương lai. Hiện tại đối với các nhà máy nhiệt điện than vẫn đang vận hành theo công nghệ cũ thì việc cải thiện phát thải NOx, SOx, và bụi là việc có thể thực hiện với các hệ thống kiểm soát khí thải tiên tiến, như máy lọc có khả năng “bắt” 98% bụi, loại bỏ trên 90% khí NOx hay trên 90% thủy ngân và các kim loại nặng khác. Điểm trừ của các hệ thống kiểm soát khí thải này là đắt đỏ. Theo báo cáo “Thị trường toàn cầu về hệ thống kiểm soát khí thải cho các nhà máy nhiệt điện than” của QY Research vào năm 2018, nếu thị trường này trị giá 98,72 tỷ USD vào năm 2017 thì ước tính sẽ đạt 171,08 tỷ USD vào năm 2025.
Với riêng Việt Nam, theo TS. Nguyễn Xuân Quang (Viện Nhiệt điện lạnh, trường Đại học Bách khoa Hà Nội), việc chúng ta có thể làm hiện nay là thực hiện các nghiên cứu khoa học về công nghệ điện than hiện hành cũng như hệ thống kiểm soát khí thải tiên tiến, qua đó từng bước cải tiến các quy trình công nghệ, một số chi tiết thiết bị quan trọng trong dây chuyền công nghệ cũng như nội địa hóa các hệ thống kiểm soát khí thải. 
Nguồn : Báo điện tử Tia Sáng


Thứ Năm, 27 tháng 6, 2019

Hiệu quả kinh tế của hệ thống điện năng lượng mặt trời hòa lưới

Mô hình điện mặt trời trên mái nhà (áp mái) mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội: Nhà nước giảm tiền đầu tư nhà máy điện, trạm biến áp, đường dây; Các công ty điện lực giảm quá tải và sự cố điện; Đối với vùng sâu, vùng cao, hải đảo… điện mặt trời trên mái nhà đem lại hiệu quả cao về mặt chính trị, xã hội. Ngoài ra, hộ tiêu thụ điện giảm chi phí tiền, được bán điện cho công ty điện lực với giá cao hơn giá mua điện bậc 1-2-3… Tuy nhiên, để mô hình này phát triển nhanh, bền vững, Chính phủ cần xem xét cơ chế hỗ trợ về vốn vay ưu đãi và xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả cho khách hàng, cũng như hệ thống lưới điện.


Ngày nay, việc sử dụng năng lượng mặt trời cho mục đích phát điện không còn xa lạ với mọi người.
Do vị trí địa lý và khí hậu mà giá trị bức xạ của Việt Nam theo phương ngang dao động từ 897 kWh/m2/năm đến 2108kWh/m2/năm. Tương ứng giá trị 2,46 kWh/m2/ngày đến 5,77 kWh/m2/ngày.
Tổng diện tích khả dụng là rất lớn, chiếm gần 14% tổng diện tích toàn quốc, với tiềm năng kỹ thuật khả dụng đến 1.677.461 MW, sản lượng điện dự kiến 262.327 TWh/năm.
Dự án điện mặt trời trên mái nhà (ĐMTMN) là dự án điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà, hoặc gắn với công trình xây dựng do tổ chức, hoặc cá nhân làm chủ đầu tư có đấu nối và bán điện lên lưới điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
1/ Cơ chế mua bán điện
Theo Thông tư 05/2019-BCT, các dự án ĐMTMN được thực hiện cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ điện đo đếm hai chiều.
Giá mua điện (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) là tiền Việt Nam đồng (tương đương với 9,35 UScents/kWh nhân với tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố).
Năm dự ánGiá mua điện (VNĐ)Tỉ giá VNĐ/ USD
Trước 01/01/20182.086 đồng/kWh (9,35 UScents/kWh)22.316 đồng/USD
01/01/2018 31/12/20182.096 đồng/kWh (9,35 UScents/kWh)22.425 đồng/USD
01/01/2019 31/12/20192.134 đồng/kWh (9,35 UScents/kWh)22.825 đồng/USD
Từ 2020tiền Việt Nam đồng tương đương với 9,35 UScents/kWhTheo tỉ giá NHNN ngày 31/12 của năm liền trước
2/ Hệ thống điện mặt trời hòa lưới tiết kiệm chi phí đầu tư
Nhờ quy mô nhỏ, lắp đặt phân tán nên ĐMTMN thường được đấu nối vào lưới điện hạ áp và trung áp hiện hữu, không cần đầu tư thêm hệ thống lưới điện truyền tải.
Vào thời gian cao điểm sử dụng điện, hoặc mùa nắng nóng, các hệ thống ĐMTMN phát điện tự cung cấp một phần, hoặc toàn phần nhu cầu phụ tải của hộ tiêu thụ, và có thể phát lên lưới điện giúp giảm quá tải các trạm biến áp, giảm khả năng sự cố điện.
Tùy thuộc quy mô lắp đặt mà hệ thống ĐMTMN có thể cung cấp hoàn toàn 100% lượng điện năng cho khách hàng (ban ngày phát dư lên lưới điện, ban đêm sử dụng ít hơn); hoặc làm giảm chỉ số tiêu thụ điện năng (khách hàng trả tiền mua điện mức giá thấp, bậc 1-2-3), không mất chi phí, hoặc giảm chi phí tiền mua điện giá cao (bậc 4-5-6). Phần điện dư thừa được các công ty điện lực mua lại với giá tương đương với 9,35 UScents/kWh (2134 VNĐ/kWh, theo giá năm 2019).
Dưới đây là bảng giá điện sinh hoạt theo 6 bậc, được ban hành tháng 3 năm 2019:
Biểu giá điện sinh hoạt tháng 3/2019.
Phần mái nhà được cách nhiệt bằng hệ thống tấm pin năng lượng mặt trời giúp giảm nóng cho ngôi nhà, khu sản xuất, văn phòng và giảm công suất tiêu thụ điện của máy lạnh. Hệ thống không sử dụng ắc quy do đó không phải tốn chi phí đầu tư, bảo trì, bảo dưỡng ắc quy. Đặc biệt, hệ thống này có tuổi thọ kéo dài trên 30 năm giúp mang lại hiệu quả lâu dài về mặt kinh tế và môi trường.
Bảng mô tả hiệu quả kinh tế pin năng lượng mặt trời áp mái:
Qui mô3
KW
5
kW
10
KW
20kWp50kWp80kWp100kWp150kWp200kWp
Điện năng/tháng480kWh810kWh1680kWh3115kWh7780kWh12450kWh15570kWh22360kWh31150kWh
Số tấm pin 345Wp9153058145232290435580
Diện tích m22036801403605606609901350
GiảmCO2/tháng235kg395kg795kg1595kg3975kg6360kg7955kg11925kg15900kg
Chi phí đầu tư VNĐ60 triệu100 triệu200 triệu400 triệu1 tỉ1,6 tỉ2 tỉ3 tỉ4 tỉ
Thời gian hoàn vốn6 năm6 năm6 năm6 năm6 năm6 năm6 năm6 năm6 năm
3/ Khảo sát và thỏa thuận đấu nối
Nguyên tắc thoả thuận đấu nối: Tổng công suất lắp đặt của các dự án ĐMTMN đấu nối vào lưới điện trung, hạ áp phải đảm bảo không được vượt quá công suất định mức của đường dây, MBA phân phối trung, hạ áp.
Sơ đồ ĐMTMN hòa lưới không dự trữ.
Trường hợp tổng công suất lắp đặt của các dự án ĐMTMN đấu nối vào lưới điện (kể cả dự án đang khảo sát) nhỏ hơn công suất định mức của đường dây, MBA phân phối hạ áp, thì các công ty điện lực, điện lực (CTĐL/ĐL) thống nhất với chủ đầu tư về công suất lắp đặt và phương án đấu nối như sau:
Trường hợp tổng công suất lắp đặt của các dự án ĐMTMN lớn hơn công suất định mức của đường dây, MBA phân phối hạ áp, CTĐL/ĐL có văn bản thông báo về khả năng quá tải của đường dây, MBA phân phối hạ áp và thỏa thuận chủ đầu tư giảm công suất lắp đặt của dự án, hoặc xây dựng đường dây, MBA nâng áp để được đấu nối vào lưới điện trung áp gần nhất.
Trường hợp lưới điện hiện hữu chưa đáp ứng về công suất đấu nối của dự án ĐMTMN, CTĐL/ĐL có văn bản thông báo cho chủ đầu tư về việc lưới điện không còn khả năng tiếp nhận công suất phát lên lưới điện của dự án.
4/ Một số kiến nghị, đề xuất
Mô hình ĐMTMN mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội:
Thứ nhất: Nhà nước giảm tiền đầu tư nhà máy điện, trạm biến áp, đường dây. Các công ty điện lực giảm quá tải và sự cố điện. Đối với vùng sâu vùng cao, hải đảo… ĐMTMN đem lại hiệu quả cao về mặt chính trị, xã hội.
Thứ hai: Hộ tiêu thụ điện giảm chi phí tiền, được bán điện cho công ty điện lực với giá cao hơn giá mua điện bậc 1-2-3.
Một số kiến nghị:
Thứ nhất: Chính phủ xem xét cơ chế hỗ trợ các hộ gia đình một phần kinh phí đầu tư; có cơ chế cho các nhà đầu tư thuê lắp đặt hệ thống ĐMTMN bán điện lại cho điện lực (ưu đãi vốn vay ngân hàng).
Thứ hai: Các bộ, ngành liên quan xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật điện mặt trời áp mái đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả cho khách hàng, cũng như hệ thống lưới điện.
THS. NGUYỄN HỮU KHOA – TRƯỜNG CAO ĐẲNG ĐIỆN LỰC TP. HCM

Rủi ro nào khi tiền “ồ ạt” đổ vào điện năng lượng mặt trời?

Một loạt dự án điện mặt trời của các ông chủ tư nhân đã và đang chạy đua để hoàn thành xây dựng và vận hành thương mại trước ngày 30/6 nhằm hưởng chính sách giá mua điện mặt trời 9,35 cents/Kwh.


Nói không với điện than
Cơ quan vận hành hệ thống điện lưới quốc gia Anh (ESO) ngày 8/5 cho biết lần đầu tiên kể từ năm 1882, nước này đã có thể phát điện trong một tuần liền mà không sử dụng than đá, trong bối cảnh Anh đang hướng đến việc giảm lượng khí thải carbon về mức 0. Ông Fintan Slye, Giám đốc ESO, cho biết việc phát điện không dùng than đá như thế này sẽ diễn ra thường xuyên khi ngày càng nhiều loại năng lượng tái tạo được đưa vào hệ thống năng lượng của nước Anh.
Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ – ngân hàng thương mại lớn nhất Nhật Bản và lớn thứ 5 trên thế giới, được cho là đang xem xét lệnh cấm cho vay đối với các nhà máy nhiệt điện than mới. Mitsubishi UFJ vốn được biết đến là ngân hàng thương mại lớn nhất Nhật Bản và lớn thứ 5 trên thế giới, được cho là đang xem xét lệnh cấm cho vay để xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới.
Đầu năm nay, Tập đoàn Đầu tư Phát triển Nhà nước Trung Quốc đã trở thành tổ chức tài chính đầu tiên của Trung Quốc tuyên bố dừng tham gia tài trợ điện than. Ngân hàng Oversea-Chinese Banking Corporation (OCBC) của Trung Quốc, ngân hàng lớn thứ hai Đông Nam Á, cho biết hai nhà máy nhiệt điện của Việt Nam là Nghi Sơn 2, Vân Phong 1 sẽ là những nhà máy nhiệt điện chạy than cuối cùng mà ngân hàng này tài trợ bởi sẽ tăng tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo.
Ngân hàng Hợp tác Quốc tế và Bảo hiểm Xuất khẩu Nippon Nhật Bản – cùng với một nhóm các ngân hàng thương mại bao gồm MUFG, Sumitomo Mitsui Bank Corp, Mizuho Bank và Sumitomo Mitsui Trust Bank, cũng như các ngân hàng Singapore OCBC và DBS – đã công bố quyết định tài trợ cho dự án Vân Phong 1 tỷ USD vào ngày 19/4/2019.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, nếu có thể áp dụng các chính sách sử dụng năng lượng hiệu quả kết hợp phát triển năng lượng tái tạo, Việt Nam có thể cắt giảm khoảng 30.000 MW nhiệt điện than vào năm 2030, tương đương 25 nhà máy.

Ông chủ tư nhân
“Việt Nam chắc chắn sẽ trở thành cường quốc về điện mặt trời trong thời gian rất ngắn”, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2019. Lãnh đạo EVN cho biết, đến ngày 30/5 đã có 47 dự án điện mặt trời với công suất 2.300MW được đấu nối vào lưới điện quốc gia và dự kiến trong tháng 6 tiếp tục có thêm 49 dự án với công suất khoảng 2.600 MW. Như vậy, Việt Nam sẽ có gần 5.000MW trong một thời gian ngắn.
Cuộc chạy đua đầu tư dự án điện mặt trời bắt đầu tăng tốc kể từ tháng 4/2017, sau khi Thủ tướng ban hành Quyết định 11/2017/QĐ-TTg đưa ra nhiều cơ chế ưu đãi về thuế và đất đai để khuyến khích phát triển điện mặt trời. Các dự án được cấp chứng nhận vận hành thương mại trước 30/6/2019 sẽ nhận ưu đãi về giá từ Chính phủ.
Theo cơ chế hiện tại, chỉ các dự án đưa vào vận hành thương mại trước ngày 30/6/2019 mới được hưởng mức giá 9,35 UScent/kWh cho cả thời gian 20 năm, một mức giá được xem là khá hấp dẫn. Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, nhờ vào các chính sách ưu đãi, rất nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào điện mặt trời tại Việt Nam.
Dữ liệu do EVN công bố tháng 3 vừa rồi cho thấy đã có 141 dự án điện mặt trời được phê duyệt bổ sung quy hoạch, trong đó có 95 dự án với tổng công suất 6.127 MW đã ký xong hợp đồng mua bán điện. Trong đó, Ninh Thuận là tỉnh tập trung nhiều dự án điện mặt trời nhất với các nhà máy đã ký hợp đồng mua bán điện có tổng công suất 1.752 MW, tiếp đến là Bình Thuận 1.186 MW, Tây Ninh 708MW, Phú Yên 505MW và Khánh Hòa 220 MW.
Điện mặt trời đã và đang cho thấy động thái đầu tư mạnh mẽ của nhiều doanh nghiệp tư nhân. Tại Ninh Thuận, khu vực được đánh giá là tốt nhất để phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, Tập đoàn Trung Nam đã khánh thành giai đoạn I một tổ hợp năng lượng tái tạo gồm trang trại điện gió (tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng) và điện mặt trời (tổng vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng). Trong đó, nhà máy điện mặt trời có công suất 204 MW, sản lượng điện tối đa khoảng 450 triệu kWh/ năm. Đây cũng là tổ hợp năng lượng mặt trời đầu tiên của Việt Nam được hòa lưới điện trong năm 2019.
Tập đoàn BIM Group cũng vừa khánh thành cụm nhà máy điện mặt trời và hòa lưới điện quốc gia với công suất 330 MWP tại Ninh Thuận. Cụm 3 nhà máy điện mặt trời được đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng, lắp đặt hơn 1 triệu tấm pin năng lượng mặt trời, dự kiến sản xuất khoảng 600 triệu kWh/năm, phục vụ 200 nghìn hộ gia đình mỗi năm.
Tập đoàn Thành Thành Công, một trong những nhà phát triển các dự án điện mặt trời lớn nhất cả cả nước cũng đã đưa vào hoạt động 2 nhà máy tại Phong Điền, Thừa Thiên Huế (35MW) và Krong Pa (49MW). Tập đoàn này có kế hoạch phát triển 20 nhà máy điện mặt trời với quy mô vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD tại Tây Ninh, Bình Thuận, Ninh Thuận, Long An… Những tên tuổi đáng chú ý khác như Công ty Xuân Cầu, TTVN Group hay Bamboo Capital… cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực điện mặt trời.
Tiền từ ngân hàng
Các doanh nghiệp tư nhân nhanh nhạy đã đầu tư điện mặt trời từ năm 2016-2017 để hưởng giá bán điện cao của EVN. Ngoài vốn tự có, các doanh nghiệp sử dụng vốn vay ngân hàng để tiến hành đầu tư. Cùng với cơn sốt điện mặt trời, cuộc chạy đua cung cấp tín dụng cho các dự án này giữa các ngân hàng cũng diễn ra mạnh mẽ.
Tháng 10/2018, Ngân hàng Phát triển TP.HCM (HD Bank) thông báo triển khai chương trình tài trợ dự án điện mặt trời kéo dài đến năm 2020 với quy mô khoảng 7.000 tỷ đồng. Ngân hàng cho biết sẽ ưu tiên các dự án trong quy hoạch phát triển điện mặt trời đã được phê duyệt bổ sung vào dự án điện quốc gia đến năm 2020. Đặc biệt, HDBank ưu tiên các dự án có khả năng đấu nối trước ngày 30/6/2019.
Trước đó, một số ngân hàng lớn đã trở thành nhà tài trợ vốn cho các dự án điện mặt trời như Vietinbank tài trợ 1.000 tỷ đồng cho dự án điện mặt trời TTC 01 tại Tây Ninh của Thành Thành Công. Dự án có quy mô 68,8 MW và tổng đầu tư 1.600 tỷ đồng. Vietcombank cũng ký hợp đồng tín dụng với công ty Đại Hải, chủ đầu tư dự án điện mặt trời Srêpok tại Đắk Lắk. Dự án này có tổng giá trị đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng.
Agribank cũng tham gia tài trợ cho các dự án điện mặt trời với việc cho vay 490 tỷ đồng tại dự án điện mặt trời Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Dự án có công suất 35MW, tổng đầu tư 838 tỷ đồng do Công ty Điện Gia Lai làm chủ đầu tư.
Khi vay, bên cho vay là ngân hàng thường yêu cầu có hợp đồng mua bán điện với EVN trong hồ sơ vay. Hợp đồng mua bán điện mặt trời giữa EVN và các chủ đầu tư dự án bao giờ cũng kèm theo phụ lục. Một trong những phụ lục đó là EVN có quyền từ chối mua tới 90% điện sản xuất ra nếu quá tải.
Điều 7, Chương II dự thảo Bộ Công thương đang lấy ý kiến để trình Chính phủ ban hành và áp dụng sau thời điểm tháng 6/2019 quy định bên mua có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng được sản xuất từ các dự án điện mặt trời nối lưới trong điều kiện vận hành lưới điện cho phép. Điều này cũng không ngoại trừ khả năng EVN có thể từ chối mua điện với lý do vượt quá công suất truyền tải.

Cuộc đua “điện mặt trời” : Câu chuyện hậu trường

Mỗi ngày, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia phải đóng điện cho 3 – 4 nhà máy điện mặt trời. Gần 100 nhà máy sắp cán đích 30/6 – kịp hưởng giá bán điện ưu đãi. Dù thế, đằng sau vạch đích vẫn còn những vấn đề khác đang chờ đợi các nhà đầu tư.
Tháng 4, Ninh Thuận và Bình Thuận – những nơi tập trung nhiều dự án điện mặt trời – tấp nập như một đại công trường. Trong trí nhớ của anh Lê, chủ một doanh nghiệp nhỏ cung cấp thiết bị cho 2 nhà máy điện mặt trời tại Ninh Thuận, đây là thời khắc “chạy nước rút” trong thi công của các dự án.Cuối tháng 5, cập nhật từ ông chủ nhà cung cấp này cho thấy không khí thi công tại đại công trường đã phần nào bớt rầm rộ, khi mà công đoạn lắp cáp, tấm pin của các nhà máy cơ bản đã hoàn tất. Chủ đầu tư nhiều dự án đang hoàn thiện, đấu nối lên lưới và… xếp hàng chờ.“Họ đang tranh nhau được quyền đấu nối, nghiệm thu, làm thủ tục về thông số”, anh Lê nói và tiết lộ thực tế thì cả 2 dự án do công ty anh cung cấp thiết bị cũng nằm trong danh sách chờ này.30/6 là mốc quan trọng với các dự án điện mặt trời. Nếu được cấp chứng nhận vận hành thương mại (COD) trước ngày này, mức giá áp dụng sẽ là 9,35 cent/kWh – cao hơn so với nhiều nước trong khu vực. Với dự án phát điện sau 30/6, chính sách giá sẽ được điều chỉnh.
Mỗi ngày 3 – 4 nhà máy đóng điện
Đến hết năm 2018, cả nước chỉ có 2 dự án điện mặt trời được vận hành thương mại. Tuy nhiên, đến 30/6 năm nay, con số dự kiến lên đến 96 dự án. “Chúng ta có xấp xỉ 5.000 MW điện mặt trời trong thời gian rất ngắn”, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhận định. Với cơ chế khuyến khích ưu đãi về giá nói trên, ông Nguyễn Đức Ninh, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), cho hay nhà đầu tư phải đang chạy đua với mục tiêu được cấp COD trước 30/6.EVN cho biết đến hết 30/5, 47 nhà máy điện mặt trời đã được hòa lưới điện quốc gia với 2.300 MW. Chỉ riêng tháng 6, cả nước có thêm 49 dự án đi vào hoạt động với công suất 2.600 MW. Khi chỉ còn hơn 1 tuần lễ để hưởng giá ưu đãi, ông Ninh cho hay mỗi ngày đơn vị này phải thực hiện đóng điện cho 3 – 4 nhà máy điện mặt trời, cũng đồng nghĩa từng đó dự án được cấp COD. A0 phải thành lập tổ công tác đóng điện mặt trời để phối hợp chỉ huy thống nhất liên tục trong toàn trung tâm quốc gia và trung tâm điều độ tại các miền. Nhân lực của trung tâm chia thành 3 ca, 5 kíp thực hiện, không kể cuối tuần để đảm bảo công việc. Mỗi ngày, đơn vị này phải tiếp nhận, trao đổi khoảng 5.000- 6.000 tin nhắn với các chủ đầu tư điện mặt trời liên tục từ 6h đến 0h hôm sau.Theo ông Nguyễn Đức Ninh, thực tế, việc đóng điện, nghiệm thu, công nhận COD các nhà máy điện mặt trời gặp không ít khó khăn, do nhiều quy định, căn cứ pháp lý chưa cập nhật và theo kịp với tốc độ thực tế phát triển các dự án điện mặt trời đang diễn ra quá nhanh.Đến 30/6, Bình Thuận sẽ có khoảng 20 dự án điện mặt trời được hòa lưới điện. Công suất điện mặt trời tại riêng Bình Thuận đã là 1.100 MW, chiếm hơn 20% cả nước.Theo cập nhật mới nhất từ ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV EVN ngày 22/6, cả nước có 79 nhà máy điện mặt trời được đóng điện, với tổng công suất khoảng 4.312 MW. Tới 30/6, sẽ có thêm 10-12 nhà máy điện mặt trời đóng điện.
Nhà đầu tư kêu khó
Theo chủ một doanh nghiệp phát triển điện mặt trời tại Ninh Thuận, bên cạnh dự án thành công cũng có không ít sẽ lỡ hẹn với mốc 30/6. “Tất cả đều cơ bản xong rồi, nhưng lên được lưới hay không thì phải chờ. Mà thời gian qua dự án nào lên lưới được thì đều được thông tin trên các phương tiện truyền thông”, vị này chia sẻ và dí dỏm cho biết nếu đúng kế hoạch thì “ngày nào cũng sẽ có dự án được quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, báo chí”.Muốn có được hợp đồng lên lưới, các chủ đầu tư cần có hệ thống điều khiển tự động (scada). 1 scada sẽ điều khiển toàn bộ mạng lưới tấm pin trên diện tích 60, 100, thậm chí mấy trăm ha để tối ưu năng lượng đưa vào hệ thống hoà lưới. Sau đó, hệ thống này cần kết nối với scada lưới điện quốc gia.

Cập nhật công suất điện mặt trời đến trước 30/6
“Hai bên sẽ cần trao đổi thông tin khi nào cho đóng lưới, lúc nào cần cắt ra. Ngoài ra, việc khớp nối cũng phức tạp sao cho không văng ra khỏi lưới còn văng ra thì chủ đầu tư cũng mất tiền”, ông nói. Với nhà máy lớn mà vì lý do nào đó không đúng thông số A0, ra lưới là mất tiền và chưa có hạch toán nhưng có khi lên cả tỷ đồng mỗi ngày. Đó là khó khăn.”Có những dự án đang gặp khó và nhà đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ”, ông Đỗ Minh Kính, Giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận, cũng chia sẻ.
Đại diện một doanh nghiệp trong ngành cho biết việc điện mặt trời không có trong Quy hoạch điện 7 mà chỉ là bổ sung cũng là vấn đề. Theo lời một người làm trong ngành, điện mặt trời tương lai sẽ trở thành gánh nặng với chính EVN vì ban ngày khi phát lên điện lưới thì công suất sẽ lớn nhưng bị cắt lúc 17h nên EVN phải cân đối lại phụ tải.Một vấn đề khác là ưu đãi về thuế. Trước đây, toàn bộ hạ tầng sản xuất năng lượng mặt trời như tấm pin, đầu đấu nối cáp… không sản xuất được ở Việt Nam mà phải nhập khẩu và được ưu đãi miễn thuế, khấu trừ sau. Tuy nhiên khi dự án đang được triển khai, có những ký kết nhập hàng về, nhập đến hải quan thì một số mặt hàng lúc ấy lại được sản xuất tại Việt Nam, gây nên vướng mắc.Chưa kể, trên thế giới, các dự án điện mặt trời phần lớn đã triển khai công nghệ mới. Về lâu dài, tấm pin năng lượng mặt trời tại Việt Nam – đa phần là dùng công nghệ trước đây – sẽ thành rác thải công nghiệp. “Điều này nguy hiểm vì tính trung bình tổng năng lượng của tấm pin được thiết kế trong vòng đời 10 năm không bằng được toàn bộ năng lượng phải dùng để xây lắp lên, tiêu huỷ mà không gây ô nhiễm môi trường”, vị này bình luận.
Áp lực lên lưới điện
Đại diện EVN khẳng định sẵn sàng thu mua điện từ tất cả dự án điện mặt trời theo quy định. Tuy nhiên, việc giải tỏa được hết công suất là một vấn đề lớn hiện nay.Hiện tại, dự án tập trung chủ yếu ở 6 tỉnh miền Trung, Nam, gây áp lực rất lớn cho khả năng tải lượng điện phát ra từ điện mặt trời lên lưới. Nhiều công trình lưới điện đấu nối lưới điện khu vực bị đầy, quá tải.Dù vậy, Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm khẳng định vẫn đáp ứng được tiến độ hòa lưới điện của các nhà đầu tư trong thời hạn 30/6 trên cả nước.Tuy nhiên trong tương lai, nếu tiếp tục phát triển điện mặt trời, các dự án sẽ có nguy cơ không giải toả được công suất. “Hiện nay, hệ thống lưới điện tuyền tải trên địa bàn Bình Thuận gần như quá tải, chỉ có thể đáp ứng được một số dự án ở mức độ vừa bổ vào quy hoạch”, Giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận Đỗ Minh Kính chia sẻ về thực trạng tại tỉnh này. Nếu toàn bộ công suất các dự án điện mặt trời mong muốn đầu tư tại Bình Thuận đưa lên, lưới truyền tải bao gồm cả các trạm biến áp và đường dây hiện nay sẽ không đáp ứng được.Theo ông Kính, cần phải đầu tư đồng bộ các trạm biến áp lẫn đường dây 110 kV, 220 kV và 500 kV. Đây sẽ là khoản đầu tư rất lớn. Bởi không chỉ riêng điện mặt trời, lưới điện còn chịu áp lực từ các nguồn điện khác. Sắp tới, tỉnh này cần giải tỏa công suất cho 2 dự án nhiệt điện, trong đó dự án tăng vốn mở rộng nhiệt điện Vĩnh Tân có công suất lên tới 1.900 MW. Ông Kính nói thêm nhiều nhà đầu tư tại Bình Thuận chia sẻ mong muốn đầu tư vào lưới điện nhưng hiện nay cơ chế chưa có, chủ yếu vẫn phụ thuộc vào đầu tư từ EVN. Trong khi đó, ông Lâm cho rằng, để đầu tư hệ thống lưới điện 220 kV phải mất 3-5 năm, dự án đường dây 500 kV cần thời gian lâu hơn. Nguyên nhân chính khiến thời gian xây dựng hệ thống lưới điện lâu là do thủ tục đất đai, đặc biệt liên quan đến đất rừng, đất canh tác. “Những vấn đề liên quan đất đai cần xin ý kiến Thủ tướng nên thời gian sẽ kéo dài hơn”, ông Lâm nói.
Nguồn dự phòng
Bên cạnh đó, với đặc tính không ổn định của nguồn năng lượng tái tạo, khi hòa lưới điện với tỷ trọng cao, việc vận hành hệ thống điện toàn quốc sẽ đối mặt với những thách thức mới.Theo thống kê của A0 về các dự án điện mặt trời đã vận hành, công suất phát có thể thay đổi từ 60% đến 80% trong khoảng thời gian chỉ 5-10 phút. Các biến động xảy ra ngẫu nhiên theo điều kiện thời tiết. Các dự án trong cùng một khu vực thường biến động đồng thời.Trong khi đó, ông Ninh cho biết việc vận hành hệ thống điện có đặc điểm luôn cần duy trì cân bằng giữ nguồn và tải. Với sự biến thiên công suất như vậy, hệ thống điện luôn cần phải duy trì một lượng công suất dự phòng điều chỉnh tần số tương ứng, gây khó khăn và tăng chi chí trong công tác vận hành. Lãnh đạo A0 đánh giá đây là thách thức lớn bởi hiện nay hệ thống điện Việt Nam còn rất ít nguồn dự phòng.